Chúng ta phải lên tiếng ủng hộ công nhân! - Dân Làm Báo

Chúng ta phải lên tiếng ủng hộ công nhân!

Trần Quốc Việt (Danlambao) - Chế độ cộng sản chết dần do nó nhưng chết bất ngờ do nhân dân khi họ đứng lên đòi quyền lợi chính đáng của mình. Toàn bộ các cuộc mạng ở Đông Âu đều không bắt nguồn từ ý muốn công khai là sẽ lật đổ chế độ mà từ các yêu cầu chế độ phải tôn trọng hiến pháp, nhân quyền, và phải tôn trọng quyền lợi của người dân. Đây chính là những viên gạch mở đường đến huyệt mộ của chế độ cộng sản. Từ đấy chúng ta thấy yêu cầu cấp bách là phải ủng hộ, và nếu được nên đứng sau các cuộc phản kháng mang tính dân sinh như cuộc đình công của công nhân hay cuộc phản đối chặt cây hàng loạt ở Hà Nội trước đây.

Con đường đến chân trời là con đường khởi đi từ những viên gạch nhỏ nhất, tầm thường nhất, nhưng không có chúng mọi chân trời hy vọng đều là ảo vọng ru ngủ mình trong giấc mộng triền miên...

*

Vì quyền lợi thiết thân của mình, hàng ngàn công nhân đã và đang đình công để phản đối luật bảo hiểm mới mang tính chất cướp đoạt công khai và lường gạt trắng trợn bao công sức khó nhọc của họ. Lên tiếng ủng hộ họ chính là sự đồng hành của lương tâm chúng ta với sự đấu tranh của công nhân, và là một trong những bước đầu tiên để kêu gọi lực lượng công nhân đông đảo hướng về tương lai tự do và dân chủ chung, một nền tảng thể chế bảo đảm bền vững quyền lợi của họ và mở ra những chân trời mới sáng lạn cho tất cả mọi người Việt Nam hôm nay và ngày mai.

Những người đấu tranh cho tự do và dân chủ đứng trong và bên ngoài các tổ chức dân sự tuy còn non yếu nhưng đông đảo nên và phải lên tiếng mạnh mẽ ủng hộ họ, cùng sát cánh đồng hành tinh thần và chính nghĩa với họ, cùng đứng trên điểm xuất phát chung là quyền lợi của họ để từ từ tiến về mục tiêu tự do và dân chủ chung mà chúng ta đã và đang ươm trồng, nuôi dưỡng, và đấu tranh không ngừng trong suốt hàng chục năm nay.

Hãy nhìn vào lịch sử thế giới đấu tranh bất bạo động - một chọn lựa mang tính chiến lược và đạo đức - để học hỏi những bài học chiến thuật đấu tranh của rất nhiều dân tộc và từ đấy ta thấy rõ chiến thuật họ dùng và áp dụng chúng một cách linh hoạt và sáng tạo trong hoàn cảnh và tình hình trong từng thời điểm ở Việt Nam.

Những nhà cựu lãnh đạo phong trào tuổi trẻ phản kháng Otpor, phong trào lật đổ thành công chế độ độc tài ở Nam Tư vào năm 2000, đưa ra lời khuyên quan trọng là đa số mọi người đều không quan tâm về nhân quyền. Họ quan tâm về những vấn đề thiết thực hơn và trước mắt hơn như điện nước, giáo dục, sinh kế, hay những quyền lợi sát sườn khác. Chúng ta thấy rõ điều này hơn khi thấy cuộc tuần hành vì cây xanh ở Hà Nội, vô số các cuộc biểu tình của tiểu thương phản đối việc phá các chợ truyền thống để xây những khu trung tâm thương mại mà ảnh hưởng lớn đến việc buôn bán của họ, những cuộc phản đối vì môi trường sống bị ô nhiễm nặng nề, những vụ người dân phản đối tập thể việc cưỡng đoạt đất đai như ở Dương Nội, vân vân. Tập trung vào những vấn đề dân sinh này không chỉ dễ thành công hơn mà còn an toàn hơn và dễ gầy dựng phong trào ở cơ sở hơn. Nhân dân thuộc mọi tầng lớp sẽ đứng hẳn và dứt khoát về phía những phong trào và tổ chức dân sự nào có tầm nhìn mà hứa hẹn sẽ làm cho cuộc sống của họ tốt đẹp hơn không những cho ngày mai mà cho ngay từ bây giờ.Và đa phần những cuộc phản kháng nhỏ và thực tế này dễ thành công, từ đấy phong trào lớn dần theo những chiến thắng nhỏ này đến những chiến thắng nhỏ khác. Đây chính là những mồi lửa và những cuộc diễn tập cho những cuộc biểu tình lớn đồng loạt và liên tục của hàng trăm ngàn người trong tương lai cho những mục tiêu lâu dài hơn và chiến lược hơn.

Mặt khác, nói về bao cảnh đời và số phận khốn khổ và bị tàn hại dưới chế độ độc tài là một chiến lược không hay. Ai cũng biết hết, và người dân chỉ càng trở nên sợ hãi hơn, co cụm hơn, cam phận hơn, thụ động hơn và ích kỷ hơn. Chưa bao giờ có cuộc biểu tình thực sự của xã hội ở Việt Nam để phản đối việc công an giết người trong các đồn công an ngoại trừ những sự phản đối nhỏ nhoi và thoáng qua của các gia đình nạn nhân và thân hữu. Còn đa phần những người không liên quan cũng tức giận lắm nhưng không làm gì hết. Quyền lợi thực tế, chứ không phải sự phẫn nộ, mới chính là nhân tố tạo thời cơ.

Lich sử đã minh họa những lời họ khuyên chúng ta.

Phong trào Công đoàn Đoàn kết ở Ba Lan khởi đi và lớn mạnh mau chóng phần nào từ khẩu hiệu ngàn, ngàn vàng của họ là "Không có bánh mì nếu không có tự do." Giả sử họ sửa khẩu hiệu ấy lại thành “Không có tự do nếu không có bánh mỳ” thì lịch sử, cơ hội, vận may, và lòng dân biết đâu không đứng về phía phong trào được đứng đầu bởi một người thợ điện thất học và hoàn toàn vô danh. Hãy nhớ lời của Abraham Lincohn: "Với lòng dân, chẳng có gì có thể thất bại. Không lòng dân, chẳng có gì có thể thành công." Lòng dân, xét cho cùng, chính là những vấn đề ảnh hưởng trực tiếp đến họ nhất. Thử nhìn lại hàng chục cuộc biểu tình chống Trung Quốc ở Việt Nam diễn ra trong những năm gần đây. Số lượng người tham gia hầu như rất ít mặc dù không ai có thể nói rằng yêu nước là không thiêng liêng hay không chính đáng. Đa số mọi người không xuống đường vì họ thờ ơ với tất cả những gì nằm ngoài mối quan tâm và quyền lợi thiết thực của họ. Đám đông xuống đường vì nước còn ít hơn cả những đám đông chen lấn vì miếng ăn miễn phí.

Gandhi giành độc lập cho Ấn Độ nhờ vạch ra chiến lược xuất sắc. Ông chọn muối làm điểm xuất phát để kích hoạt lòng dân với mục tiêu chiến lược là tẩy chay, không ủng hộ, và làm lợi cho đế quốc Anh. Nhiều người cười ông vì họ cho rằng luật về muối của người Anh tuy bất công nhưng quá nhỏ nhặt và không đáng quan tâm bằng chuyện độc lập và tự do. Họ chỉ thấy đường chân trời, còn Gandhi hình dung và lát những viên gạch mở đường đến chân trời. Hay nói cách khác, họ chỉ thấy rừng mà không thấy cây còn Gandhi thấy cả hai. Ông nói: “Ngoài không khí và nước, muối có lẽ là chất cần thiết nhất của sự sống”, đặc biệt muối cũng là “gia vị duy nhất của người nghèo.”

Ông và những người cộng sự đã đọc nhiều cuốn sách về muối, nghiên cứu và tìm ra lộ trình tốt nhất cho cuộc tuần hành muối, vận dụng tối đa truyền thông trong nước và thế giới để đưa tin hàng ngày về cuộc tuần hành, và chính ông dẫn dầu cuộc tuần hành này. Hai mươi lăm ngày đi trên chuyến đường dài 350 cây số để đến bờ biển, ông bước xuống biển vốc lên nắm bùn và muối rồi nói với mọi người rằng “Với muối này tôi đang lam lung lay nền móng đế quốc Anh.”

Phải mất 17 năm sau Ấn Độ mới giành được độc lập, nhưng chiến thắng tượng trưng khởi đi từ muối là bước kích hoạt quan trọng nhất để đẩy lùi tâm lý nô lệ ra khỏi lòng dân Ấn và lên men lòng dân về nền độc lập và tự do. Chiến thắng tượng trưng đầu tiên này đã rút ngắn con đường đưa đến độc lập của Ấn độ đến 350 cây số và rút ngắn rất nhiều máu xương và oán thù phải đổ ra cho cuộc chiến tranh bạo động cho cùng mục tiêu.

Có rất nhiều lý do khiến cộng sản sụp đổ. Trước nhất chế độ sụp đổ từ từ vì thối nát, bất tài, và lòng tham không đáy ngày càng nhiều. Nhà văn Mỹ Hemingway đã tóm tắt lại trong hai hàng trong tác phẩm “Mặt trời Cũng Mọc”:

“Anh bị phá sản như thế nào?”
“Hai cách. Dần dần rồi bất ngờ.”

Chế độ cộng sản chết dần do nó nhưng chết bất ngờ do nhân dân khi họ đứng lên đòi quyền lợi chính đáng của mình. Toàn bộ các cuộc mạng ở Đông Âu đều không bắt nguồn từ ý muốn công khai là sẽ lật đổ chế độ mà từ các yêu cầu chế độ phải tôn trọng hiến pháp, nhân quyền, và phải tôn trọng quyền lợi của người dân. Đây chính là những viên gạch mở đường đến huyệt mộ của chế độ cộng sản. Từ đấy chúng ta thấy yêu cầu cấp bách là phải ủng hộ, và nếu được nên đứng sau các cuộc phản kháng mang tính dân sinh như cuộc đình công của công nhân hay cuộc phản đối chặt cây hàng loạt ở Hà Nội trước đây.

Con đường đến chân trời là con đường khởi đi từ những viên gạch nhỏ nhất, tầm thường nhất, nhưng không có chúng mọi chân trời hy vọng đều là ảo vọng ru ngủ mình trong giấc mộng triền miên.




Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo