Cao-Đắc Tuấn (Danlambao) - Tóm Lược: Tu chính án thứ tư trong Hiến Pháp Hoa Kỳ liên hệ đến việc khám xét và giữ người dân. Tu chính án này nhắm vào bảo vệ quyền căn bản người dân, thí dụ quyền riêng tư, chống lại sự lạm dụng quyền hành của cơ quan hành pháp (cảnh sát). Triết lý sâu xa của Tu chính án thứ tư là chẳng thà tha kẻ phạm tội còn hơn dung túng cảnh sát lạm dụng quyền hành vì hậu quả của chính quyền lạm dụng quyền hành còn tác hại hơn vi phạm luật lệ. Hệ thống pháp luật tại Việt Nam không có cơ cấu chống lại sự lạm dụng quyền hành của cơ quan hành pháp và còn có những luật lệ khuyến khích cảnh sát vi phạm quyền riêng tư của người dân dù những quyền này được Hiến pháp bảo đảm.
*
Vào năm 2009, một viên cảnh sát thành phố San Diego, tiểu bang California, bắt David Riley dừng xe khi thấy bảng số xe quá hạn đăng ký. Khi coi hồ sơ, viên cảnh sát khám phá Riley có bằng lái xe không còn hiệu lực. Thế là viên cảnh sát bắt giữ Riley. Riley bị khám xét và còng tay. Xe anh ta bị kéo đi và khám xét cho thấy có những khẩu súng có đạn. Sau đó, tại trạm cảnh sát, điện thoại di động của anh bị khám xét tỉ mỉ và cảnh sát lôi ra bằng chứng liên hệ tới đám giang hồ anh chị trong tin nhắn, hình ảnh, vả các đoạn phim. Các bằng chứng này được trình ra trong phiên tòa xử Riley. Luật sư anh ta phản đối, nhưng quan tòa cho phép bồi thẩm đoàn coi. Sau đó, Riley bị tuyên án 15 năm tù về tội toan tính giết người, tấn công với súng bán tự động, và bắn vào xe (Gizzi and Curtis 2016, 3; Wikipedia 2016a).
Vụ án này được chống án lên tòa phúc thẩm tiểu bang California, và sau cùng đến Tối Cao Pháp Viện Hoa Kỳ (TCPVHK). Các luật sư của Riley giữ lý luận rằng việc khám xét điện thoại di động anh vi phạm quyền Tu chính án thứ tư (the Fourth Amendment) của anh, vì nó được thực hiện không có trát tòa, và không có trường hợp khẩn cấp để bào chữa. Vào cuối tháng 6 năm 2014, TCPVHK đưa ra phán quyết nhất trí, Riley v. California (2014). Cả chín vị thẩm phán tối cao bênh Riley, phán rằng cảnh sát phải có trát tòa trước khi khám xét điện thoại. Do đó, bản án của Riley bị hủy và anh ta phải có phiên tòa mới, và các dữ liệu trong điện thoại được bảo vệ dưới Tu chính án thứ tư (Gizzi and Curtis 2016, 4; Wikipedia 2016a).
Riley v. California là một vụ tiêu biểu cho các phán quyết của TCPVHK về Tu chính án thứ tư. Tu chính án thứ tư, thường được gọi tu chính án về khám xét và bắt giữ/ tịch thu (search and seizure), là một tu chính án quan trọng và căn bản cho những luật lệ về thể thức hình sự mà các cơ quan cảnh sát, thi hành luật, của chính quyền phải tuân theo. Đây có lẽ là tu chính án quan trọng ngang ngửa với tu chính án thứ nhất (về tự do ngôn luận), vì nó cấm nhân viên thi hành luật vi phạm quyền căn bản người dân trong việc khám xét, tịch thu, và bắt giữ bằng chứng và nghi can, ngay cả cho những kẻ thực sự vi phạm pháp luật, với danh nghĩa thi hành luật.
Qua nhiều thập niên, TCPVHK đã diễn giải nhiều nguyên tắc căn bản trong Tu chính án thứ tư. Như thường lệ, những diễn giải này thay đổi theo thời gian và theo các thẩm phán. Dầu sao, những nguyên tắc căn bản của Tu chính án thứ tư vẫn được duy trì trong việc bảo vệ quyền người dân và nghi can.
Một trong những nguyên tắc căn bản đó là quy luật loại trừ như sẽ được thảo luận sau. Quy luật này hủy bỏ bằng chứng tội phạm của nghi can nếu bằng chứng đó được cảnh sát thu thập vi phạm Tu chính án thứ tư. Thí dụ như việc cảnh sát khám xét điện thoại di động của Riley trong vụ Riley v. California trình bày ở trên. Kết quả thông thường cho việc hủy bỏ bằng chứng là phạm nhân thường được thả, dù đó là kẻ phạm tội thực sự. Mới thoạt nghe, ai cũng thấy việc thả phạm nhân phạm pháp có chứng cớ hẳn hoi có vẻ đi ngược lại mục đích của pháp luật. Nhiều người, ngay cả người dân Hoa Kỳ, không đồng ý việc thả phạm nhân chỉ vì lý do "kỹ thuật" do bởi lỗi lầm về thủ tục hình sự của cảnh sát.
Tuy nhiên, có một triết lý sâu xa đằng sau Tu chính án thứ tư cho thấy nét đặc sắc của nền pháp luật Hoa Kỳ. Triết lý đó như sau: chẳng thà tha kẻ phạm tội còn hơn dung túng cảnh sát lạm dụng quyền hành. Đối với pháp luật Hoa Kỳ, sự tệ hại của xã hội do bởi một kẻ phạm tội thoát khỏi tù tội không thấm vào đâu so với sự tệ hại do cảnh sát lạm dụng quyền hành. Có nhiều lý do lịch sử cho triết lý sâu xa này, nhưng lý do chính là những người lập quốc Hoa Kỳ vào cuối thế kỷ thứ 18 không muốn có tệ trạng của kẻ cầm quyền Anh bắt người bừa bãi và dùng trát tòa để khám xét nhà cửa người dân không giới hạn. Một khi kẻ cầm quyền lạm dụng quyền hành để thực hiện mục tiêu, cho dù mục tiêu đó hợp pháp, rất dễ cho kẻ cầm quyền mượn cớ thi hành mục tiêu hợp pháp để thực hiện mục tiêu phi pháp (Jonas 1989, 1793-1797). "Những sự lạm quyền mà Tu chính án thứ tư ngăn cản vẫn hiện hữu ngày nay như hai thế kỷ trước đây" (tlđd., 1797).
Dưới các chế độ độc tài như chế độ cộng sản Việt Nam, nhóm cầm quyền cộng sản (NCQCS) không thể nào hiểu được cái triết lý này. Tại Việt Nam, việc cảnh sát công an lạm quyền lại càng thông thường. NCQCS là những kẻ dùng quyền hành để cai trị dân và họ có toàn quyền và sẵn sàng lạm dụng quyền hành để đạt mục tiêu của mình, bất kể việc đó vi phạm các quyền căn bản của con người, nhất là khi họ hoạt động dưới danh nghĩa duy trì pháp luật và bắt kẻ phạm tội.
A. Những yếu tố của Tu chính án thứ tư.
Nguyên văn Tu chính án thứ tư như được đưa ra vào năm 1789, phê chuẩn vào năm 1791, như sau:
Quyền của người dân được an toàn về thân thể, nhà ở, giấy tờ, và tài sản, đối với mọi khám xét và giữ không hợp lý, sẽ không bị vi phạm, và không có trát tòa nào được cho ra, nếu không có nguyên do khả dĩ, hỗ trợ bởi lời tuyên thệ hoặc xác nhận, và mô tả rõ rệt đặc thù địa điểm khám xét, những người và vật bị bắt giữ. ("The right of the people to be secure in their persons, houses, papers, and effects, against unreasonable searches and seizures, shall not be violated, and no Warrants shall issue, but upon probable cause, supported by Oath or affirmation, and particularly describing the place to be searched, and the persons or things to be seized.") (Xem, thí dụ như, Wikipedia 2017a).
Các nhóm chữ quan trọng trong Tu chính án thứ tư gồm có: "an toàn về thân thể, nhà ở, giấy tờ, và tài sản," "khám xét và giữ không hợp lý," "nguyên do khả dĩ," và " trát tòa... mô tả rõ rệt đặc thù địa điểm khám xét, những người và vật bị bắt giữ." Trong phần sau đây, chúng ta hãy tìm hiểu rõ thêm ý nghĩa của các nhóm chữ này. Các nhóm chữ này không nên được xem xét riêng rẽ mà nên xem xét trong nội dung của toàn thể văn bản của Tu chính án thứ tư như trình bày ở trên.
1. Quyền của người dân được an toàn về thân thể, nhà ở, giấy tờ, và tài sản (The right of the people to be secure in their persons, houses, papers, and effects):
"Persons, houses, papers" có ý nghĩa thông thường là "thân thể, nhà ở, và giấy tờ." Ta nên nhớ việc an toàn của "thân thể, nhà ở, và giấy tờ" trong Tu chính án thứ tư là đối với "khám xét và giữ." Khám xét thân thể xảy ra khi cảnh sát lục soát hoặc quan sát thân thể, kể cả xem xét lỗ mũi, miệng, vả các chỗ kín trong cơ thể.
"Effects" thường được diễn gỉải trong từ ngữ pháp luật là tài sản cá nhân và không phải là bất động sản (như đất đai, nhà cửa). TCPCHK chưa hề định nghĩa rõ rệt ranh giới cùa "effects" ngoại trừ vài trường hợp hiển nhiên như gói đồ, xe, và hành lý (Brady 2016, 960). Tuy nhiên, dựa vào các tài liệu lịch sử của các tiểu bang lúc bấy giở, "effects" có nghĩa là "vật sở hữu" hoặc "tài sản cá nhân/ riêng tư" (Brady 2016, 987).
Như sẽ được trình bày sau, căn bản của "Quyền của người dân được an toàn về thân thể, nhà ở, giấy tờ, và tài sản" là sự tôn trọng về cuộc sống riêng tư (respect for privacy) của người dân.
2. Khám xét và giữ không hợp lý (unreasonable searches and seizures):
Có hai khía cạnh trong yếu tố này: "khám xét và giữ," và "không hợp lý." Thế nào là "khám xét"? Thế nào là "giữ"? Thế nào là "không hợp lý"? Như thường lệ, Hiến pháp Hoa Kỳ không hề định nghĩa các từ ngữ này. Với nhiều người, các từ ngữ này có vẻ hiển nhiên và không cần giải thích gì thêm nữa. Tuy nhiên, vấn đề phức tạp hơn nhiều. Đã qua hơn hai trăm năm từ khi Hiến pháp Hoa Kỳ được viết ra, xã hội trải qua biết bao nhiêu tiến bộ về kỹ thuật, tư tưởng, và cuộc sống. Do đó, những khái niệm dựa vào xã hội ở thế kỷ thứ 18 cần phải được liên tục cập nhật hóa cho phù hợp với tiến bộ về ý tưởng, kỹ thuật, và cuộc sống con người hiện đại.
a) Khám xét hoặc giữ:
"Khám xét" (search) trong Tu chính án thứ tư có ý nghĩa bao quát và gồm những hành động như lục soát, sờ mó, nắn bóp, quan sát không đụng chạm, và ngay cả tìm tòi, tìm kiếm thông tin. Việc khám xét xảy ra khi nhân viên công lực xâm phạm thân thể, nhà ở, giấy tờ, và tài sản cá nhân với mục đích thu thập thông tin (Wikipedia 2017a; Wikipedia 2016e).
"Giữ" (seizure) một vật trong Tu chính án thứ tư có ý nghĩa can thiệp vào quyền sở hữu của một người về vật đó. Thí dụ, cảnh sát lấy vật cuả người sở hữu để lấy bằng chứng hoặc câu lưu tạm giữ một người để chất vấn (Wikipedia 2017a; Wikipedia 2016e). "Giữ" một vật có nghĩa tịch thu vật đó. Khi "giữ" dùng cho người, nó có nghĩa "bắt giữ" (arrest) người đó.
b) Không hợp lý:
Khám xét, bắt giữ một nghi can, hoặc tịch thu đồ vật của nghi can sẽ vi phạm Tu chính án thứ tư nếu sự khám xét, bắt giữ, hoặc tịch thu này không hợp lý. Nhưng thế nào là "không hợp lý"? TCPVHK thiết lập một tiêu chuẩn cụ thể cho việc xác định tính chất hợp lý này trong vụ Katz v. United States (1967) (Wikipedia 2016d). Trong vụ này, TCPVHK phán rằng sự khám xét hoặc bắt giữ không hợp lý khi nó vi phạm kỳ vọng vừa phải về riêng tư (reasonable expectation of privacy) của nghi can. Với phán quyết Katz v. United States, TCPVHK nới rộng Tu chính án thứ tư tới sự bảo vệ quyền riêng tư của người dân. Trong vụ Katz, nghi can dùng điện thoại công cộng trong một phòng điện thoại để gọi điện thoại cho một việc cờ bạc phi pháp. Cảnh sát thu âm cuộc điện đàm bằng dụng cụ nghe lén gắn ở ngoài phòng. TCPVHK phán rằng việc nghi can đóng cửa phòng để nói chuyện điện thoại cho thấy nghi can muốn giữ cuộc nói chuyện riêng tư, và cái kỳ vọng này không có gì quá đáng. Do đó, khi chính phủ thu âm cuộc nói chuyện đó, họ đã xâm phạm quyền riêng tư cá nhân vừa phải của nghi can.
3. Không có trát tòa nào được cho ra, nếu không có nguyên do khả dĩ (no Warrants shall issue, but upon probable cause):
Hai khía cạnh đáng chú ý trong câu này: trát tòa (warrant) và nguyên do khả dĩ (probable cause).
Trát tòa là một văn kiện tòa, ký bởi một viên quan tòa hoặc một nhân viên tư pháp (magistrate) có nhiệm vụ phán xét các vụ tiểu hình, cho phép viên cảnh sát thực hiện việc khám xét hoặc bắt giữ một người tình nghi phạm tội, dựa vào lời khai của viên cảnh sát. Một điểm quan trọng là cơ chế Tu chính án thứ tư về trát tòa đòi hỏi tính chất độc lập giữa cơ quan tư pháp và cơ quan hành pháp. Nếu viên chức tư pháp ký trát bị ảnh hưởng, hoặc bị áp lực bên ngoài, thì trát tòa chỉ là một hình thức, và coi như không có giá trị. Việc này thông thường xảy ra tại các quốc gia độc tài nơi mà các ngành tư pháp, lập pháp, và hành pháp hoạt động độc lập chỉ trên lý thuyết. Trên thực tế, các cơ quan này thường ở dưới sự chỉ huy của cùng một lực, thí dụ phe nhóm nắm quyền. Đó là thực tế tại Việt Nam, nơi tòa án chỉ là con rối của đảng cộng sản.
Nguyên do khả dĩ là một tiêu chuẩn chứng minh thấp so với các tiêu chuẩn bằng cớ khác trong một phiên tòa (Wikipedia 2017b). Trong bối cảnh Tu chính án thứ tư, "nguyên do khả dĩ đòi hỏi xác suất vừa phải rằng hàng cấm hoặc chứng cớ tội phạm có thể được phát giác" (tlđd.). Tòa không nói rõ thế nào là xác suất vừa phải, và các tòa dùng nhiều con số khác nhau từ 30% cho tới 51%. (tlđd.). Tuy không có con số chính xác, nguyên do khả dĩ vẫn đòi hỏi có lý do cụ thể, và không thể chỉ dựa vào sự nghi ngờ hoặc võ đoán, hoặc "linh tính."
4. Mô tả rõ rệt đặc thù địa điểm khám xét, những người và vật bị bắt giữ (particularly describing the place to be searched, and the persons or things to be seized):
Điểm đặc sắc chót của Tu chính án thứ tư là sự đòi hỏi trát tòa phải rõ rệt và đặc thù. Trát tòa rõ rệt và đặc thù giới hạn mức độ tùy tiện của nhân viên cảnh sát thi hành cuộc khám xét (Schulhofer 2012, 34). Chánh án Hale, viết vào thế kỷ thứ 17 giải thích rằng một trát tòa tổng quát không có giá trị vì nó "khiến người thi hành trát tòa biến thành vị quan tòa." (tlđd., 35). Mục đích cho việc đòi hỏi chi tiết đặc thù trong trát tòa là để tránh cảnh sát lạm dụng quyền hành, dựa vào trát để lục soát khắp nơi cố tìm ra bằng chứng buộc tội.
B. Các vấn đề liên quan đến Tu chính án thứ tư:
Các vấn đề liên quan đến Tu chính án thứ tư gồm có: các ngoại lệ, quy luật loại trừ, và hậu quả của sự vi phạm Tu chính án thứ tư.
1. Ngoại lệ (Exceptions):
Có nhiều ngoại lệ trong việc áp dụng Tu chính án thứ tư. Loại ngoại lệ quan trọng nhất là ngoại lệ về trát tòa. Ngoại lệ này cho phép nhân viên thi hành không cần trát tòa hoặc có trát tòa không theo đúng tiêu chuẩn trong việc khám xét hoặc bắt giữ. Do đó, bằng chứng thu thập được trong các trường hợp này vẫn được chấp nhận trong phiên tòa.
Sau đây là sáu ngoại lệ chính (NPC; Wikipedia 2017a):
a) Khám xét sau bắt giữ hợp pháp (search incident to lawful arrest):
Trước hết, ta nên ghi nhận rằng cảnh sát có thể bắt giữ (arrest) một người mà không cần có trát tòa trong hai trường hợp chính: (1) người đó vi phạm hình luật dưới sự hiện diện của viên cảnh sát, và (2) cảnh sát có nguyên do khả dĩ là người đó vi phạm hình luật. Sự bắt giữ này là sự bắt giữ hợp lệ (lawful arrest).
Nếu một người bị bắt giữ hợp lệ, cảnh sát có quyền khám xét người đó và chỗ quanh trong tầm với người đó. Thí dụ cảnh sát bắt một người lái xe vượt đèn đỏ đang say rượu. Cảnh sát chỉ có thể lục soát chỗ ghế ngồi quanh ghế người lái xe và ngăn chứa đồ trên chỗ ngồi hành khách đằng trước, và chứng cứ thu thập trong các chỗ đó sẽ được chấp nhận trong phiên tòa. Tuy nhiên, cảnh sát không được lục soát chỗ chứa đồ sau xe hơi (trunk), và chứng cớ nào thu thập trong trunk xe sẽ không được chấp nhận trong tòa.
b) Khẩn cấp/ rượt đuổi (exigencies/ hot pursuit):
Vì lý do khần cấp (thí dụ nghi can có thể nhanh chóng thủ tiêu tang chứng), hoặc khi đang rượt đuổi nghi can, cảnh sát có quyền khám xét hoặc tịch thu tang vật mà không cần có trát tòa. Tang vật không nhất thiết phải thuộc về̉ nghi can đang bị rượt đuổi, và có thể thuộc về người khác. Thí dụ, cảnh sát rượt theo X vì X vừa ăn cướp nhà băng. X chạy trốn vào cửa hàng của A, không liên hệ gì tới X. Cảnh sát chạy vào cửa hàng A, đi tìm X trong phòng toilet thì bất chợt thấy một gói thuốc phiện. Cảnh sát có thể tịch thu gói thuốc phiện đó là bằng chứng kết tội A mặc dù A chẳng dính líu gì tới X.
Lý do cho ngoại lệ này rất đơn giản vì việc khẩn cấp, rượt đuổi, hoặc tình cờ không do cảnh sát lập mưu trước và do đó không có việc cảnh sát lạm dụng quyền hành.
c) Thấy rõ (plain view):
Khi cảnh sát có mặt tại một nơi một cách hợp pháp và vật chứng được thấy rõ sờ sờ, thì cảnh sát có quyền tịch thu vật chứng đó mà không cần trát tòa. Thí dụ, cảnh sát đạp cửa xông vào nhà X vì hàng xóm báo cho biết có tiếng cãi vã giữa hai vợ chồng và có tiếng la hét thảm thương của người vợ như bị đánh đập. Việc đạp cửa xông vào thuộc trường hợp khẩn cấp nên không cần trát tòa, và sự hiện diện cảnh sát trong nhà hợp lệ. Khi vào nhà, cảnh sát thấy mấy gói thuốc phiện nằm sờ sờ trên bàn ở phòng khách. Cảnh sát có thể tịch thu các gói ma túy này và kết tội X về tội chứa chấp ma túy. Thí dụ này cho thấy hai ngoại lệ (thấy rõ và khẩn cấp) có thể được dùng cho một vụ.
d) Chấp thuận (consent):
Nếu một người chấp thuận cho cảnh sát khám xét và cảnh sát tin một cách hợp lý rằng người đó có thẩm quyền chấp thuận, thì cảnh sát không cần trát tòa cho việc khám xét và tịch thu. Điều kiện là cảnh sát tin một cách hợp lý, cho dù sau này vỡ nhẽ ra là người đó không có thẩm quyền.
e) Chận và lần soát (stop and frisk):
Cảnh sát có thể dừng hoặc chận một người miễn là có nghi ngờ hợp lý (reasonable suspicion) là người đó vi phạm tội hình. Lý do "nghi ngờ hợp lý" cao hơn nghi ngờ suông, nhưng thấp hơn nguyên do khả dĩ. Nếu cảnh sát tin rằng người đó có vũ khí và nguy hiểm, cảnh sát có thể rà soát người đó. Terry v. Ohio (1968) (Wikipedia 2017c).
f) Xe hơi:
Vì xe cộ rất dễ di chuyển, cảnh sát không cần có trát tòa để khám xét xe nếu cảnh sát có nguyên do khả dĩ để tin rằng chiếc xe có bằng chứng tội phạm, khí cụ tội phạm, hàng cấm, hoặc hậu quả của bất kỳ tội phạm nào. Luật này áp dụng cho bất cứ vật chuyên chở nào, kể cả tàu bè.
2. Quy luật loại trừ (Exclusionary rule):
Quy luật loại trừ là quy luật loại trừ bằng chứng ra khỏi phiên tòa (Wikipedia 2016b). Bồi thẩm đoàn không được dựa quyết định trên bằng chứng bị loại trừ. Quy luật loại trừ áp dụng cho các trường hợp bằng chứng được thu thập một cách vi hiến. Có ba loại vi hiến mà bằng chứng có thể bị loại trừ. Ba loại này gồm có vi phạm Tu chính án thứ tư (khám xét và bắt giữ), Tu chính án thứ năm (tự buộc tội và tiến trình xét xử theo đúng luật, due process), và Tu chính án thứ sáu (luật sư bào chữa). Nếu tòa phúc thẩm hoặc tối cao đồng ý với luật sư bị cáo rằng bằng chứng dùng trong phiên tòa vi hiến và bằng chứng này đóng phần chính yếu trong víệc buộc tội bị cáo thì bản án sẽ bị hủy và công tố viện phải khởi tố lại vụ án (với bằng chứng không vi hiến) hoặc bãi tố để bị cáo được tự do.
Trong phiên xử, viên quan tòa phải xem xét bằng chứng do công tố viện đưa ra có vi hiến hay không. Nếu vi hiến, tòa sẽ loại trừ và không cho phép bằng chứng trình ra trong phiên tòa trước bồi thẩm đoàn. Nếu không vi hiến, tòa sẽ cho phép bằng chứng trình ra. Quyết định vi hiến hay không vi hiến của quan tòa xét xử có thể bị phe thua cuộc kháng cáo lên tòa phúc thẩm.
Một nguyên tắc đến từ quy luật loạt trừ là nguyên tắc "trái của cây trúng độc" ("fruit of the poisonous tree") (Wikipedia 2016c). "Trái của cây trúng độc" là một ẩn dụ chỉ một học thuyết pháp lý trong nền pháp luật Hoa Kỳ. Học thuyết này nói rằng bằng chứng lấy được một cách bất hợp pháp sẽ không được dùng trong phiên tòa. Luận lý của học thuyết này cho rằng nếu nguồn gốc ("cây") của bằng chứng hoặc bằng chứng tự nó mà bị hư hại ô uế, thì bất cứ cái gì có được ("trái") từ nó cũng bị hư hại ô uế.
Có nhiều lý luận ủng hộ và chống đối quy luật loại trừ. Ngoài ra, có vài ngoại lệ cho quy luật này. Thảo luận về các lý luận này đi ra ngoài khuôn khổ bài này. Độc giả có thể tham khảo các tài liệu về đề tài này trên mạng hoặc các bài khảo cứu luật. (Xem, thí dụ như, Jacobi; Mbuba 2008; Oaks 1970; Paulsen 1961.)
3. Hậu quả của sự vi phạm Tu chính án thứ tư:
Ta nên hiểu Tu chính án thứ tư được đặt ra là nguyên tắc hành xử của nhân viên thi hành luật. Do đó, kẻ vi phạm thường là nhân viên thi hành luật. Trong một xã hội bình thường, viên chức thi hành luật có nhiệm vụ bảo vệ cuộc sống an toàn của người dân và ngăn chận hoạt động của những kẻ phạm pháp. Một viên chức thi hành luật, do đó, muốn bắt giữ kẻ phạm pháp và tìm chứng cớ để buộc tội kẻ phạm pháp tại tòa án. Tuy nhiên, không phải vì quá muốn bắt kẻ phạm pháp mà nhân viên cảnh sát vi phạm quyền lợi căn bản của kẻ đang bị coi là phạm pháp. Tu chính án thứ tư nhắm vào việc ngăn cản nhân viên thi hành luật lạm dụng quyền hành trong việc bắt giữ nghi can và vi phạm các quyền khác của nghi can.
Hậu quả của sự vi phạm Tu chính án thứ tư là gì?
Vi phạm Tu chính án thứ tư có hai hậu quả cho hai cơ quan chính quyền: hành pháp (công an, cảnh sát) và tư pháp (công tố viện, gọi là "viện kiểm sát" tại Việt Nam). Cảnh sát nhận hậu quả trực tiếp vì họ là người vi phạm trực tiếp trong việc khám xét và giữ. Công tố viện nhận hậu quả gián tiếp vì họ không nhận ra bằng chứng thu thập đã vi hiến và không thể dùng để kết tội nghi can.
Trước hết, nếu cảnh sát vi phạm hình luật trong khi thi hành nhiệm vụ trong việc khám xét hoặc bắt giữ nghi can thì đương nhiên bị truy tố như mọi kẻ phạm pháp khác. Thí dụ, trong lúc bắt giữ nghi can về tội ăn cắp, hai viên cảnh sát A and B đánh đập nghi can X quá đáng, gây thương tích cho X. A và B có thể bị truy tố vi phạm tội xâm phạm quyền dân của X. Việc truy tố X về tội ăn cắp là việc riêng rẽ, không dính líu về việc truy tố A và B.
Trong phần này, tôi chỉ chú trọng vào việc cảnh sát vi phạm Tu chính án thứ tư trong việc khám xét và giữ nghi can. Khi cảnh sát vi phạm Tu chính án thứ tư, họ thường không bị trừng phạt cá nhân miễn là việc đó được thực hiện trong lúc họ thi hành nhiệm vụ một cách đúng ̣đắn. Tuy nhiên, khi cảnh sát vi phạm Tu chính án thứ tư một cách quá đáng, cảnh sát có thể phải chịu trách nhiệm về những thiệt hại gây ra trong việc khám xét và bắt giữ trái phép (Xem, thí dụ như, AELE 2010).
Hậu quả quan trọng nhất khi cảnh sát vi phạm Tu chính án thứ tư là bằng chứng thu thập thường bị vất ra khỏi tòa, theo quy luật loại trừ như trình bày ở trên. Thông thường, những bằng chứng này đóng vai trò then chốt trong việc kết án nghi can. Do đó, khi bằng chứng bị loại trừ, hầu như kẻ phạm tội được trắng án, và được tự do. Với đa số cảnh sát, hậu quả đó là một sự trừng phạt, vì họ đã bỏ công điều tra, khám xét, và bắt giữ kẻ phạm tội, và nay phải nhìn kẻ phạm tội nghêng ngang bước ra khỏi tòa chỉ vì lỗi lầm của họ trong việc khám xét và tịch thu tang chứng. Việc làm của họ có thể bị ảnh hưởng vì thượng cấp họ sẽ không hài lòng về lối làm việc cẩu thả đó, và có thể có những biện pháp khiển trách không tốt. Họ sẽ phải học kinh nghiệm và cẩn thận hơn trong những dịp sau. Ngoài ra, dân chúng có thể bất mãn bực bội vì kẻ phạm tội được tự do chỉ vì cảnh sát cẩu thả trong việc khám xét và bắt giữ. Dân có thể biểu tình phản đối và đòi người chỉ huy cảnh sát từ chức.
Với công tố viên, ngoài việc bị mất mặt với đồng nghiệp, hoặc bị thượng cấp khiển trách, việc đó còn ảnh hưởng khá nặng nề vì có thể có lý do chính trị. Hầu hết các công tố viên tại Hoa Kỳ có tính chất chính trị trong công việc (do dân bầu hoặc được bổ nhiệm). Điều đó không có nghĩa là họ thiếu sự công minh hoặc đạo đức. Ngược lại là khác, ảnh hưởng chính trị này khiến các công tố viên làm việc cẩn thận và theo đuổi công lý một cách khách quan.
Vì khía cạnh chính trị, cho dù liên bang hay tiểu bang, các công tố viên phải cố gắng làm việc đúng đắn cẩn thận để không bị đảng phái khác chỉ trích hoặc bị dân mất tín nhiệm. Do đó, việc bị thua một vụ án có ảnh hưởng mạnh mẽ trên sự nghiệp của vị công tố viên phụ trách. Nếu việc thua đó do bởi sự bất cẩn của họ trong việc kiểm chứng giá trị của bằng chứng, khiến bằng chứng bị vất ra khỏi tòa vì vi phạm Tu chính án thứ tư, họ còn bị mất tiếng tăm nặng nề vì Tu chính án thứ tư là vấn đề căn bản nhất.
Tu chính án thứ tư, do đó, giúp cho việc tạo dựng một hệ thống thăng bằng trong việc duy trì công lý và tránh cảnh sát lạm dụng quyền hành. Guồng máy chính trị với tam quyền phân lập và tính chất chính trị của công tố viện trong một hệ thống đa đảng và tự do ngôn luận giúp củng cố phẩm chất trung thực và chính đáng của pháp luật Hoa Kỳ. Điều đó không có nghĩa là cảnh sát Hoa Kỳ luôn luôn tôn trọng hoặc hiểu biết rõ về Tu chính án thứ tư. Ngoài ra, một hệ lụy của hệ thống thông luật, hoặc luật do tòa án làm, là mọi khía cạnh của luật không nhất thiết là hoàn toàn rõ rệt. Do đó, khi vẫn còn có sự mơ hồ về một khía cạnh nào đó, cảnh sát vẫn mạo hiểm thi hành luật va chạm với Tu chính án thứ tư với hy vọng Tòa sẽ xem xét lại và áp dụng luật theo sự kiện đặc thù của vụ việc có lợi cho cảnh sát. Dầu sao, với những quy tắc đã được quyết định rõ rệt, cảnh sát không thể vi phạm, và sự áp dụng của Tu chính án thứ tư, tuy không hoàn hảo, vẫn đem lại ích lợi về việc duy trì công lý và tránh cảnh sát lạm dụng quyền hành.
C. Khám xét và bắt giữ tại Việt Nam:
Trước hết, tôi xin nhắc lại là tôi không có ý định so sánh hai hệ thống pháp luật Hoa Kỳ và Việt Nam vì cả hai có những khía cạnh khác biệt căn bản. Tuy nhiên, như đã trình bày nhiều lần trong các bài trước, NCQCS tại Việt Nam thường rêu rao chế độ cộng sản có nhiều ưu điểm hơn chế độ tư bản như Hoa Kỳ. Ngoài ra, tuy hệ thống pháp lý khác biệt, sự khác biệt này không thể làm thay đổi những khía cạnh chung cho mọi quốc gia trên thế giới. Đó là những khía cạnh về bảo vệ nhân quyền. Là một trong mười Tu chính án đầu tiên của Hiến pháp Hoa Kỳ, được coi là cốt lõi về nhân quyền, Tu chính án thứ tư bảo vệ những quyền lợi căn bản của con người về an toàn thân thể và vật sở hữu và riêng tư. Do đó, rất hữu ích cho việc xem xét vài thí dụ trong Hiến pháp và luật lệ hiện nay tại Việt Nam trong nội dung của Tu chính án thứ tư, để có một hình ảnh cụ thể về pháp luật tại Việt Nam.
Thực ra, ai cũng biết pháp luật tại Việt Nam chỉ là trò hề, và có người cho rằng những nhận xét hoặc so sánh chỉ là việc làm vô ích. Tôi không nghĩ đó là việc vô ích. Việc vạch ra những sai quấy và tệ trạng tại Việt Nam đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy phong trào tự do dân chủ. Người dân Việt Nam, nhất là giới trẻ và sinh viên học sinh, cần ý thức rõ rệt và cụ thể tình trạng tồi tệ tại Việt Nam. Nhìn vào những đặc điểm của Hiến pháp Hoa Kỳ giúp người dân Việt Nam ý thức rõ mức độ tồi tệ này. Biết là một chuyện, nhưng biết rõ và cụ thể là một chuyện khác.
Khái niệm tha kẻ tội phạm vì cảnh sát tịch thu bằng chứng kết tội một cách bất hợp pháp là một khái niệm xa lạ trong chế độ độc tài như chế độ cộng sản tại Việt Nam. Tại Việt Nam, việc cảnh sát công an khám xét hoặc tịch thu bằng chứng vi phạm quyền người dân xảy ra rất thường. Ngoài việc áp dụng những luật lệ vi phạm nhân quyền hoặc mơ hồ như tội gây rối trật tự công cộng hoặc làm mất trật tự giao thông theo Điều 245, hoặc tội lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân theo Điều 258 Bộ Luật Hình Sự, cảnh sát công an còn vi phạm các thủ tục tố tụng hình sự trong việc khám xét và bắt giữ. Các vụ bắt giữ và giam cầm những người hoạt động cho tự do dân chủ như Bùi Thị Minh Hằng, Nguyễn Viết Dũng, Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, Trần Thị Nga, và Nguyễn Văn Hóa cho thấy chế độ cộng sản chà đạp quyền con người một cách trắng trợn. Công an không có nguyên do khả dĩ để bắt giữ nghi can, dùng những tang chứng không có thật, hoặc vi phạm quyền riêng tư của người dân, thí dụ đọc tin nhắn trên điện thoại di động, tìm tòi tài liệu hoặc hình ảnh trong máy tính. Có những trường hợp công an mang trát tòa khi khám xét hoặc bắt giữ nghi can. Tuy nhiên, ai là người ký trát tòa đó? Ngoài ra, mức độ nghi ngờ về tội phạm của viên cảnh sát xin trát tòa có quá mức tối thiểu không? Thêm nữa, trát tòa có ghi rõ một cách đặc thù về đồ vật khám xét hoặc tìm tòi hay không?
Đôi khi, chính luật lệ của NCQCS cho phép cảnh sát công an vi phạm quyền riêng tư của dân. Một thí dụ chứng minh việc này. Trong Thông tư 01/2016/TT-BCA về kiểm soát giao thông đường bộ của cảnh sát giao thông, khoản 6, Điều 5 (Quyền hạn) cho phép cảnh sát giao thông có quyền "trưng dụng các loại phương tiện giao thông; phương tiện thông tin liên lạc; các phương tiện, thiết bị kỹ thuật khác của cơ quan, tổ chức, cá nhân và người điều khiển" (TVPL 2016). Điều khoản này vi phạm trắng trợn quyền riêng tư của người dân được Hiến pháp bảo đảm vì nó cho phép cảnh sát giao thông trưng dụng (tịch thu, khám xét) phương tiện thông tin liên lạc (thí dụ, điện thoại di động) khi bắt người dân dừng xe. Ngoài ra, điều luật này còn có thể vi phạm quyền trưng dụng tài sản và luật trưng mua (Khánh 2016).
Hiến pháp Việt Nam, Điều 21, ghi rõ ràng quyền riêng tư của người dân (Xem, thí dụ như, Chính 2013): (1) Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân và bí mật gia đình; có quyền bảo vệ danh dự, uy tín của mình. Thông tin về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình được pháp luật bảo đảm an toàn. (2) Mọi người có quyền bí mật thư tín, điện thoại, điện tín và các hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác. Không ai được bóc mở, kiểm soát, thu giữ trái luật thư tín, điện thoại, điện tín và các hình thức trao đổi thông tin riêng tư của người khác.
Khoản 2 của Điều 21 trong Hiến pháp 2013 ở trên có câu "Không ai được... thu giữ trái luật," có thể khiến cảnh sát nghĩ rằng họ có thể biện hộ hành động trưng thu phương tiện thông tin liên lạc của Thông tư 01/2016/TT-BCA là một hành động đúng luật và do đó không vi phạm Hiến pháp. Tuy nhiên, Hiến pháp là một văn kiện luật lệ tối cao của đất nước và một Thông tư không thể mâu thuẫn với luật tối cao này. Không có điều khoản nào trong Thông tư 01/2016/TT-BCA cho biết việc tịch thu phương tiện thông tin liên lạc của người dân phù hợp với Hiến pháp cho dù người dân đó được cảnh sát coi là đang vi phạm pháp luật. Đó là vì người dân lúc ấy chỉ là nghi can, và những gì cảnh sát cho rằng vi phạm luật chưa được Tòa án đồng ý là đúng. Do đó, mọi thu giữ tài sản thông tin riêng tư của một người chưa bị Tòa án xét xử vi phạm luật, đều trái luật vì nó vi phạm quyền riêng tư, một quyền bất khả xâm phạm, được Hiến pháp bảo vệ. Làm sao Thông tư 01/2016/TT-BCA có thể ngăn cản việc cảnh sát lạm dụng quyền hành và vi phạm quyền riêng tư (thí dụ khám xét điện thoại di động) của người dân khi cảnh sát cho rằng người dân lái xe quá vận tốc hoặc vi phạm các luật lệ khác, một sự kiện chưa được Tòa án xác nhận?
Trên đây chỉ là vài thí dụ và nhận xét cho thấy khái niệm căn bản về bảo vệ quyền người dân chống lại sự lạm dụng quyền hành của cảnh sát công an không hiện hữu trong hệ thống pháp luật tại Việt Nam. Hiến pháp Việt Nam, trên giấy tờ, tôn trọng một số quyền căn bản của người dân, nhưng không có cơ cấu ngăn cấm việc cơ quan hành pháp lạm dụng quyền hành trong việc truy lùng, khám xét, và bắt giữ nghi can. Ngoài ra, còn có luật lệ vi phạm Hiến pháp trên mặt mà vẫn được lưu hành. Thực tế cho thấy cảnh sát công an thường xuyên vi phạm quyền riêng tư của người dân dưới danh nghĩa thi hành pháp luật. Đó là không kể có biết bao nhiêu trường hợp cảnh sát công an khám xét hoặc bắt giữ nghi can bất hợp pháp, và bằng chứng buộc tội các nghi can này vẫn được dùng trong tòa để kết tội họ.
Giả sử Việt Nam có luật tương tự như Tu chính án thứ tư, tình trạng có tốt đẹp hơn không? Trả lời: chắc chắn không. Tại sao? Như viết ở trên, sự thi hành Tu chính án thứ tư tùy thuộc vào một yếu tố quan trọng nhất: tính chất độc lập giữa tư pháp và hành pháp. Tư pháp là ngành có trách nhiệm xét đoán tính chất hợp lý của khám xét và bắt giữ, tiêu chuẩn nguyên do khả dĩ, và các khía cạnh liên hệ. Quan trọng nhất là cấp trát tòa cho cảnh sát khám xét hoặc bắt giữ kẻ tình nghi. Nếu cơ quan tư pháp (tòa án) và cơ quan hành pháp (cảnh sát, công an) thông đồng với nhau hoặc lệ thuộc vào nhau, thì Tu chính án thứ tư chỉ là một trò hề. Tại Việt Nam, cả ba ngành tư pháp, hành pháp, và lập pháp đều nằm dưới quyền đảng cộng sản. Tính chất độc lập không thể nào hiện hữu. Do đó, cho dù có luật tương tự như Tu chính án thứ tư, luật này coi như vô giá trị.
D. Kết Luận:
Tu chính án thứ tư ra đời hơn hai trăm năm nay nhưng vẫn giữ được nét đặc sắc là cơ chế ngăn ngừa nhân viên thi hành luật lạm dụng quyền hành trong víệc khám xét, tịch thu, hoặc bắt giữ vật chứng hoặc nghi can. Theo nhiều học giả, Tu chính án thứ tư thường bị hiểu lầm là bảo vệ việc sai quấy, nhưng thực ra Tu chính án thứ tư làm ngược lại việc đó. "Nó được cấu trúc cẩn thận để loại kẻ phạm tội ra khỏi ẩn trú" (Schulhofer 2012, 171). "Tu chính án thứ tư chỉ bảo vệ sự riêng tư của công dân không bị nghi ngờ hợp lý là có hành động sai quấy" (tlđd.).
Hệ thống pháp luật tại Việt Nam không có cơ chế bảo vệ quyền người dân chống lại sự lạm dụng quyền hành của cảnh sát công an trong việc khám xét và giữ như Tu chính án thứ tư của Hoa Kỳ. Bằng chứng thường được tịch thu bất kể vi phạm quyền riêng tư của nghi can hoặc không có trát tòa. Ngoài ra, vì cơ quan tư pháp và hành pháp thuộc dưới quyền một đảng, điều kiện tối quan trọng về độc lập giữa hai ngành không hiện hữu, đưa đến sự vô ích của trát tòa.
Một điểm quan trọng là người dân tại Việt Nam thường có khuynh hướng không muốn lôi thôi với cảnh sát công an, nhất là khi người dân đang vi phạm luật, và do đó thường chấp nhận những hành động vi hiến của các viên chức này. Do đó, cảnh sát công an lại càng được khuyến khích lạm dụng quyền hành. Người dân phải hiểu rằng dù vi phạm luật, các quyền căn bản của họ, thí dụ quyền riêng tư, vẫn được bảo vệ.
Tài Liệu Tham Khảo:
tlđd.: tài liệu đã dẫn, thay cho "sđd." (sách đã dẫn) để chỉ tài liệu (sách, trang mạng, liên lạc riêng, v.v.) đã trích dẫn xuất hiện ngay trước trích dẫn này.
AELE. 2010. Civil Liability for Exceeding the Scope of a Search Warrant. 1-2010. http://www.aele.org/law/2010all01/2010-1MLJ101.pdf (truy cập 1-2-2017).
Brady, Maureen, E. 2016. The Lost “Effects” of the Fourth Amendment: Giving Personal Property Due Protection. The Yale Law Journal. February 2016. Vo. 125, No. 4, also from http://www.yalelawjournal.org/article/the-lost-effects-of-the-fourth-amendment (truy cập 1-2-2017).
Chính phủ. 2013. Hiến pháp năm 2013. Chương II. QUYỀN CON NGƯỜI, QUYỀN VÀ NGHĨA VỤ CƠ BẢN CỦA CÔNG DÂN. http://www.chinhphu.vn/portal/page/portal/chinhphu/NuocCHXHCNVietNam/ThongTinTongHop?categoryId=920&articleId=10053009 (truy cập 1-2-2017).
Gizzi, Michael C. và Curtis, R. Craig, 2016. The Fourth Amendment in Flux - The Roberts court, crime control, and digital privacy, University Press of Kansas, Lawrance, Kansas, U.S.A.
Jacobi, Tonja. The law and economics of the exclusionary rule. http://isites.harvard.edu/fs/docs/icb.topic954703.files/Paper02_Jacobi_09-20.pdf (truy cập 1-2-2017).
Khánh Mai. 2016. Phản ứng dữ dội về quy định CSGT được quyền tịch thu điện thoại. 2-2-2016. http://petronews.vn/tin-tuc/phap-luat/6417/phan-ung-du-doi-ve-quy-dinh-csgt-duoc-quyen-tich-thu-dien-thoai.html (truy cập 1-2-2017).
Mbuba, Jospeter M. 2008. The Criminal is to Go Free Because the Constable Has Blundered: Challenges of Law Enforcement In the Face of the Exclusionary Rule. Free Inquiry in Creative Sociology Vol. 36 Iss. 1 (2008). Available at: http://works.bepress.com/jospetermbuba/4/ (truy cập 1-2-2017).
NPC. Exceptions to the Warrant Requirement. https://nationalparalegal.edu/conLawCrimProc_Public/ProtectionFromSearches&Seizures/ExToWarrantReq.asp (truy cập 1-2-2017).
Oaks, Dallin H. 1970. Studying the Exclusionary Rule in Search and Seizure. The University of Chicago Law Review. Vol. 87, No. 4, Summer 1970. Also: https://www.ncjrs.gov/pdffiles1/Digitization/203NCJRS.pdf (truy cập 1-2-2017).
Paulsen, Monrad G. 1961. The Exclusionary Rule and Misconduct by the Police, 52 J. Crim. L. Criminology & Police Sci. 255 (1961). http://scholarlycommons.law.northwestern.edu/cgi/viewcontent.cgi?article=5034&context=jclc (truy cập 1-2-2017).
Schulhofer, Stephen J. 2012. More Essential Than Ever. The Fourth Amendment in the Twenty-First Century. Oxford University Press. New York, New York, U.S.A.
TVPL. 2016. Thông tư 01/2016/TT-BCA. 4-1-2016. http://thuvienphapluat.vn/van-ban/Bo-may-hanh-chinh/Thong-tu-01-2016-TT-BCA-nhiem-vu-quyen-han-hinh-thuc-noi-dung-tuan-tra-kiem-soat-giao-thong-duong-bo-301387.aspx (truy cập 1-2-2017).
Wikipedia. 2016a. Riley v. California. Thay đổi chót: 5-12-2016. https://en.wikipedia.org/wiki/Riley_v._California (truy cập 1-2-2017).
_________. 2016b. Exclusionary rule. Thay đổi chót: 17-12-2016. https://en.wikipedia.org/wiki/Exclusionary_rule (truy cập 1-2-2017).
_________. 2016c. Fruit of the poisonous tree. Thay đổi chót: 29-11-2016. https://en.wikipedia.org/wiki/Fruit_of_the_poisonous_tree (truy cập 1-2-2017).
_________. 2016d. Katz v. United States. Thay đổi chót: 18-12-2016. https://en.wikipedia.org/wiki/Katz_v._United_States (truy cập 1-2-2017).
_________. 2016e. Search and seizure. Thay đổi chót: 26-11-2016. https://en.wikipedia.org/wiki/Search_and_seizure (truy cập 1-2-2017).
_________. 2017a. Fourth Amendment to the United States Constitution. Thay đổi chót: 23-1-2017. https://en.wikipedia.org/wiki/Fourth_Amendment_to_the_United_States_Constitution (truy cập 1-2-2017).
_________. 2017b. Legal burden of proof. Thay đổi chót: 1-2-2017. https://en.wikipedia.org/wiki/Burden_of_proof_(law) (truy cập 1-2-2017).
_________. 2017c. Terry v. Ohio. Thay đổi chót: 12-1-2017. https://en.wikipedia.org/wiki/Terry_v._Ohio (truy cập 1-2-2017).