Hải Âu (Danlambao) - Sự việc Formosa xả thải tại biển miền Trung hồi tháng 4/2016 đã trở thành thảm họa môi trường tồi tệ nhất trong lịch sử Việt Nam cho đến nay. Tuy nhiên những kẻ “bút nô bưng bô” cho nhà sản vẫn khăng khăng cho rằng đây chỉ là sự cố môi trường biển. Hàng trăm ngàn người mất nghiệp lâm vào cảnh nợ nần, đói khổ đến độ phải bỏ xứ để tìm việc nơi khác. Thế nhưng sau hơn một năm xảy ra thảm họa Formosa, nhà cầm quyền cộng sản đã làm gì để giúp những người bị ảnh hưởng từ thảm họa biển chết do Formosa Hà Tĩnh gây ra?
Xin thưa đó là những đợt cứu trợ bằng gạo mốc được chính phủ cộng sản trích kho dự trữ lương thực để hỗ trợ. Đó là những lần gây khó dễ cho những nhóm xã hội dân sự tìm đến trực tiếp cứu trợ người dân bị ảnh hưởng thảm họa. Đó là những đợt trấn áp đoàn người khởi kiện Formosa tại Nghệ An. Đó là những trò chia rẽ lương giáo bằng việc kích động thành phần côn đồ gây sự, đập phá đang diễn ra tại Quỳnh Lưu. Và còn rất nhiều điều ti tiện, những hạ sách khốn nạn mà nhà cầm quyền sử dụng để triệt hạ những cá nhân hay những nhóm, hội, đoàn thể lên tiếng phản đối Formosa và yêu cầu đảng cầm quyền minh bạch bồi thường thiệt hại từ thảm họa Formosa.
Nhà cầm quyền cộng sản ra sức bảo vệ thủ phạm gây ra thảm họa biển bằng mọi cách có thể. Từ việc đạp tan những cuộc biểu tình yêu cầu trục xuất Formosa cho đến việc tìm mọi cách bưng bít thông tin liên quan đến quá trình vận hành nhà máy Hưng Nghiệp Formosa, Hà Tĩnh. Sau đó đưa ra một vài con dê tế thần kiểu như Võ Kim Cự để xử lý nhằm trấn an sự căm phẫn của dư luận. Chưa hết, nhà cầm quyền còn tỏ ra vô cùng nhân đạo khi “tạo điều kiện” cho người dân bị ảnh hưởng thảm họa đi xuất khẩu lao động.
Thông tin từ báo nhà sản cho hay: “Theo Bộ LĐ-TB&XH, từ ngày 1/6/2016 đến ngày 31/5/2017 đã có gần 18.000 lao động tại 4 tỉnh miền Trung (Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế) bị ảnh hưởng sự cố môi trường biển được tạo điều kiện đi làm việc ở nước ngoài”. Theo cách viết của bài báo này thì dường như người dân đang hưởng những “ưu ái” mà nhà cầm quyền ban phát cho những nạn nhân của thảm họa biển tại miền Trung.
Có lẽ nhà cầm quyền cộng sản tưởng như ai cũng muốn được đi xuất khẩu lao động chăng. Hay có lẽ nhờ sự “quan tâm sâu sắc” của đảng và nhà nước mà người dân nơi đây mới được đi lao động ở nước ngoài. Có thể thấy cái thói tư duy ban phát, xin cho của chế độ cộng sản luôn phát huy trong bất cứ trường hợp nào liên quan đến quyền, lợi ích của người dân. Mặc dù nguyên nhân dẫn đến thảm họa môi trường biển xuất phát từ sự vô trách nhiệm, từ thái độ vô cảm của nhà cầm quyền khi ký kết, cấp phép cho Formosa thực hiện dự án.
Hàng ngàn nhân khẩu tại huyện Kỳ Anh, Hà Tĩnh đã phải di dời khỏi nơi thờ tự, sinh sống và làm ăn từ bao đời để tái định cư ở nơi mà họ không thể bám biển để mưu sinh. Cả một vùng biển rộng lớn vốn là ngư trường gắn liền với cái nghiệp ngư dân của họ bỗng dưng trở nên nguy hiểm, độc hại và không thể khai thác. Điều đó đã gây nên sự khốn đốn cho hàng trăm ngàn nhân khẩu vốn dĩ đang bình yên, đầy đủ trong cuộc sống gắn bó với biển, với gia đình và với quê hương Việt Nam.
Việc họ chấp nhận tha hương cầu thực nơi đất khách quê người cũng là do cực chẳng đã. Cuộc sống mới nơi đất lạ người dưng có chắc đem lại cho họ niềm vui và sự bình an chăng? Đã có biết bao người đi xuất khẩu lao động trở về với nỗi tủi nhục khi sống tha hương. Họ phải chịu đựng những khổ cực, thiếu thốn vật chất, tình cảm thậm chí còn bị sỉ vả, khinh khi, hành hạ từ công việc mà họ “có được” nơi đất khách. Đã có biết bao câu chuyện thương tâm từ những người xuất khẩu lao động trở về cho biết họ phải sống trong “địa ngục trần gian”. Những điều mà họ trải qua trong cuộc sống nơi xứ lạ mấy khi được nhà cầm quyền quan tâm, trợ giúp nếu chẳng may họ bị ngược đãi. Ngoài ra để được “tạo điều kiện” đi làm ở nước ngoài, những lao động này cần phải đóng một khoản tiền bao gồm phí đào tạo, phí khám sức khỏe, làm visa, vé máy bay… Những người không đủ điều kiện thì phải đi vay công mượn nợ. Đó là chưa kể đến nhiều trường hợp bị lừa gạt khiến họ rơi vào thảm cảnh tiền mất tật mang cùng khoản nợ để lo thủ tục được xuất khẩu lao động.
Trong số 18.000 lao động đi làm việc ở nước ngoài mà nhà cầm quyền “tạo điều kiện” đều là những người bị ảnh hưởng trực tiếp của thảm họa biển chết. Hậu quả từ thảm họa môi trường biển do Formosa gây ra cho đến ngày nay vẫn đang khiến hàng trăm ngàn người mất nghiệp mưu sinh. Chưa biết đến khi nào họ mới có thể trở lại làm việc với nghiệp ngư dân vốn đã nuôi nấng bao thế hệ trong gia đình họ. Sự thiếu minh bạch của quan chức cộng sản trong việc bồi thường thiệt hại do ảnh hưởng thảm biển vẫn đang là nỗi bức xúc lớn cho người dân tại nhiều khu vực miền Trung.
Mặc dù gần đây đã xảy ra vụ nổ lớn tại công ty Hưng Nghiệp, Hà Tĩnh, tuy nhiên Formosa hiện nay vẫn cứ ung dung vận hành, sản xuất và đang tiếp tục đổ vốn vào để mở rộng đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam. Trong khi đó chính những người dân Việt Nam không còn cách nào khác phải bỏ quê hương để đi làm việc ở nước ngoài. Đó cũng là nhờ sự cai trị khốn nạn của cộng sản đảng mà những người lao động tại các tỉnh miền Trung bị ảnh hưởng từ thảm họa biển “đã được tạo điều kiện” để làm việc tại một nơi mà họ chưa thể biết cuộc sống và tương lai của họ sẽ ra sao.
Có thể nói người dân tại bốn tỉnh miền Trung bị ảnh hưởng từ thảm họa biển không còn tương lai thì chưa đủ. Họ không còn đất sống bởi biển đã chết thì cuộc sống của họ sớm muộn cũng chung số phận với biển. Chắc có lẽ 18.000 lao động tại miền Trung “được tạo điều kiện làm việc ở nước ngoài” sẽ ghi nhớ sâu sắc công ơn của đảng, của nhà nước”.
(*) Câu nói “cái cột đèn nếu biết đi cũng bỏ nước ra đi” của người Sài Gòn sau biến cố 30/4/1975 bỗng dưng lại trở nên rất gần với thảm trạng của người dân miền Trung gian khổ.
9/8/2017