Nguyễn Thị Thảo An (Danlambao) - Câu chuyện thời sự trong và ngoài nước hiện nay đang sôi nổi về hai vụ án: Một của Hoa Hậu Phương Nga, hai là vụ Mẹ Nấm. Hoa hậu Phương Nga bị truy tố vì tội lừa đảo. Người khởi tố là ông Cao Toàn Mỹ. Còn Mẹ Nấm tức Nguyễn Ngọc Như Quỳnh bị truy tố vì tội tuyên truyền chống chính quyền, đặc biệt lại do chính đương đơn tức chính quyền xét xử.
Điều này khởi đầu cho mọi sự bất công mà ai cũng thấy rõ. Nó giống như cho phép ông Cao Toàn Mỹ xử án Phương Nga.
Hoa Hậu Phương Nga là một cô gái đẹp, có quốc tịch Nga, tốt nghiệp đại học, có cơ sở kinh doanh, đời sống khá giả, có thể xuất ngoại giống như đi chợ, tương lai mở rộng trước mắt. Cô bị ông Cao Toàn Mỹ kiện về tội lừa đảo, liên quan đến tình và tiền.
Vụ án Hoa hậu Phương Nga và ông Cao Toàn Mỹ được dư luận gọi đùa là chiến tranh Nga-Mỹ. Cả hai đều nói dối trước tòa. Ông Mỹ phủ nhận liên hệ tình cảm với cô Nga và cáo buộc cô này lừa đảo mua nhà rồi quỵt tiền. Ra tòa, cô Nga một mực thú nhận chuyện bán dâm, nhưng phủ nhận chuyện mua bán nhà. Về chuyện bán dâm cô có hợp đồng chứng minh thỏa thuận giữa hai bên qua email cungtimhieu@gmail.com. Cái sơ hở của hợp đồng là không đề giá. Vì vậy, cô cho rằng 16,5 tỷ là giá bán dâm mà ông Mỹ phải trả. Có lý nào giá bán dâm 16,5 tỷ trong khi giá vốn kinh doanh công ty Vinagame của ông Mỹ chỉ có 4,5 tỷ?
Tuy cả hai đều nói dối, cả hai đều có tội. Nhưng dựa theo lời khai, cô Mỹ phạm vô số tội. Tội làm giấy tờ giả, giả chữ ký ông Mỹ, giả con dấu của sở nhà đất, thuê người giả danh chủ nhà, thuê xã hội đen đe dọa ông Mỹ... Ra tòa cô phản cung, mặc dù đã 30 tuổi, cô vẫn không chịu trách nhiệm về chữ ký của mình, tất cả những chứng cứ đều do người thứ ba xúi biểu.
Tại tòa, Phương Nga sử dụng quyền Im Lặng một cách khá thoải mái. Cô từ chối những câu hỏi bất lợi và đôi khi còn quật ngược lại luật sư, bẻ quặt hướng điều tra của HĐXX sang chuyện khác. Cô còn tuyên bố bất tín nhiệm cơ quan điều tra, nghi ngờ HĐXX thiên vị ông Mỹ, hủy chứng cớ... Tóm lại bị cáo Phương Nga có phần chủ động phiên tòa.
Dư luận trong nước theo dõi vụ này rất kỹ...
Theo dõi cộng đồng mạng, người ta thấy nhiều người lên tiếng bênh vực HH Phương Nga, bất kể cô này bán dâm hay lừa đảo (???) Có lẽ người ta bị thấm nhuần tư tưởng "người giàu chính là kẻ bóc lột" mà ông Mỹ là một đại gia. Cô Nga "bóc lột" lại đại gia là một hành động có thể chấp nhận được (???). Đấy mới chỉ là một lổ hổng về kiến thức của cư dân mạng. Tòa án chỉ xét dựa trên điều luật mà không phải dựa trên thành kiến hay quan niệm.
Nhưng chỉ mấy ngày sau, vụ Mẹ Nấm đã đánh chìm vụ thứ nhất.
Mẹ Nấm, tức Nguyễn Ngọc Như Quỳnh là người phụ nữ nghèo, đơn thân, nuôi hai con nhỏ. Vì phẫn uất trước bất công xã hội, vì chống lại thảm họa hủy diệt môi trường của nhà máy Formosa, vì lên tiếng ngăn chận những vụ giết người vô tội ở đồn công an. Những hoạt động của Mẹ Nấm nhằm bảo vệ xã hội và đất nước, vì lý tưởng này người phụ nữ đã bất chấp nguy hiểm tới tính mạng của mình và của cả gia đình.
So sánh hai người đàn bà này dễ làm dư luận công phẫn.
Bài này chỉ so sánh hai vụ án, hai phiên tòa, hai cách xét xử khác nhau tuy cùng dựa theo một bộ Hình Luật Tố Tụng.
Riêng vụ Mẹ Nấm dư luận lan rộng trong và ngoài nước, có tác động ảnh hưởng đến tầm mức quốc gia.
Vụ này có người đặt tên là Khiêu Vũ Với Bầy Sói.
Khiêu Vũ Với Bầy Sói là tên một cuốn phim Mỹ. Nội dung là cuộc tranh đấu sinh tồn của con người và bầy sói ở một vùng hoang dã thời lập quốc. Người ta ví Mẹ Nấm ra tòa giống như một mình đơn độc giữa bầy sói.
Mẹ Nấm là người phụ nữ trẻ, yếu đuối, đơn thân, nuôi hai con nhỏ. Kể từ tháng 4, năm ngoái 2016 nhà máy Formosa xả chất độc vào biển Việt Nam, hủy diệt môi trường biển và đất liền, Mẹ Nấm là một trong những người đòi chính quyền phải bảo vệ môi trường sạch cho Việt Nam. Phương tiện của chị là ngòi bút, con phím viết lên sự thật những tội ác đang hủy diệt con người và đất nước Việt Nam. Chị kêu gọi chấm dứt những vụ giết người vô tội tại các đồn công an. Gióng lên thực trạng xã hội và nguyện vọng của người Việt. Blogger Mẹ Nấm được đông đảo người Việt ủng hộ. Số người vô trang mạng nhà chị lên tới hơn 20, rồi 40 ngàn trong vòng mấy tháng qua.
Tháng 10/2016, Blogger Mẹ Nấm, bị bắt giam và bị truy tố với tội tuyên truyền chống Nhà nước CHXHCN Việt Nam theo Điều 88 Bộ Luật Hình sự.
Trong suốt thời gian ở bị giam, nhà cầm quyền đã vi phạm rất nhiều quy định tạm giam. Công an tước đoạt quyền thăm nuôi của thân nhân, quyền gặp gỡ tham vấn với các luật sư, thậm chí không cho chị dùng băng vệ sinh của phụ nữ.
Ngày 29 tháng 3 năm 2017, Mẹ Nấm được Bộ Ngoại giao Mỹ vinh danh "Phụ nữ Can đảm". Đệ nhất Phu nhân Melania Trump và Thứ trưởng Ngoại Giao Hoa Kỳ đặc trách các vấn đề chính trị Thomas A. Shannon trao “Giải Phụ nữ Can đảm Quốc tế” năm 2017.
Hãy khoan nói tới những cáo trạng mà nhà cầm quyền đã ra lệnh bắt giam Mẹ Nấm.
Điều đáng nói là trong vụ án này, nhà cầm quyền không hề điều tra rõ, đã vội đưa Mẹ Nấm ra tòa để kết án một cách vội vã.
Vì sao???
Ngày 29 tháng 6, ngày Mẹ Nấm ra tòa. Chỉ xử một người phụ nữ trẻ, tay không tấc sắt, lực lượng công an đã huy động 10 chiếc xe bus lớn và nhiều xe nhỏ, motorcycle, cộng với hàng trăm công an tuần hành chung quanh khu vực. Khuôn viên tòa án được phong tỏa từ xa. Cấm chụp hình, cấm lai vãng... mặc dù không đề bảng cấm.
Phiên tòa tuyên bố công khai nhưng mẹ ruột của Mẹ Nấm không được tham dự. Trước ngày xử các báo lề đảng đã đăng tin Mẹ Nấm đã nhận tội. Đồng thời sau phiên tòa, báo Lao Động cũng đăng hình phòng xử chật kín, trong có hình một người đàn bà không rõ danh tính được ghi chú là mẹ ruột của bị cáo. Những người khác là công an, cán bộ mặc thường phục đóng vai thường dân. Cả một hệ thống tư pháp, chính quyền và báo chí đang bịa đặt, tung tin giả để vu khống chị, cả một hệ thống cai trị đang hùa nhau bức hại một người đàn bà cô thế.
Chả oan khi người ta ví Mẹ Nấm đang khiêu vũ giữa bầy sói.
Hãy xét tới những cáo trạng trong phiên tòa:
1. Tuyên truyền chống Nhà nước CHXHCN Việt Nam theo Điều 88 Bộ Luật Hình sự qua hình thức sử dụng Facebook cá nhân soạn thảo, đăng tải, chia sẻ nhiều bài viết có nội dung sai sự thật, không có căn cứ, tuyên truyền xuyên tạc, đả kích, nói xấu đường lối, chính sách của Đảng Cộng sản Việt Nam, pháp luật của Nhà nước CHXHCNVN, xuyên tạc lịch sử cách mạng Việt Nam, chia rẽ khối đoàn kết dân tộc.
Những bài viết của Mẹ Nấm không có bài nào kêu gọi chống nhà nước cả. Chị chỉ kêu gọi nhà cầm quyền bảo vệ môi trường sạch, đóng cửa nhà máy Formosa.
Khi nêu lên những chính sách sai lầm của nhà nước, chị cũng không vi phạm luật pháp Việt Nam. Bởi vì đây là những ý kiến cá nhân, Mẹ Nấm chỉ viết bài trên Facebook thể hiện quan điểm cá nhân. Điều này hoàn toàn phù hợp với luật pháp Việt Nam quy định tại Điều 25 trong hiến pháp cũng như những công ước mà Việt Nam từng ký kết tại Liên Hiệp Quốc..
Khi nêu tên những cá nhân sai phạm, bao che, hối lộ, tham nhũng... đó là trình bày sự thật thực trạng xã hội. Việt Nam không có quy định hay sắc luật nào cấm nói sự thật, cấm tố cáo tham nhũng, hối lộ của các viên chức chính quyền cả. Nói lên điều xấu không có nghĩa là bôi nhọ cá nhân hay chế độ.
Cáo buộc Mẹ Nấm chia rẽ khối đoàn kết đại dân tộc thì phải cần chứng minh. Trước đây khối dân tộc ấy đã đoàn kết chưa? Nếu đã đoàn kết rồi vì sao nhà cầm quyền cứ lâu lâu lại kêu gọi tinh thần hòa giải hòa hợp dân tộc? Hơn nữa nếu vì các bài viết của Mẹ Nấm gây chia rẽ khối đoàn kết ấy thì phải có chứng minh. Cái khối ấy sứt mẻ ra sao, cụ thể sứt mẻ thành mấy miếng? HĐXX chỉ cáo buộc một cách mơ hồ, chỉ do suy đoán hay tưởng tượng mà ra.
2. Thu thập thông tin trên các báo chí về 31 trường hợp người chết sau khi làm việc với công an, làm ra tập tài liệu Stop police killing civilians (theo bị cáo Quỳnh có nghĩa là "Phải chấm dứt việc cảnh sát giết dân thường") với mục đích để người đọc hiểu sai bản chất vấn đề, đồng thời xúc phạm và làm hạ uy tín của lực lượng Công an nhân dân, xâm hại mối quan hệ giữa nhân dân và lực lượng công an.
Cáo buộc này hoàn toàn sai “quy trình” kết án. Nếu bị cáo công bố hồ sơ tố cáo công an giết oan dân thường thì tòa án phải điều tra 31 người dân chết có phải do bị công an giết không cái đã. Chưa điều tra đã kết án là dấu hiệu bao che tội phạm. Phiên tòa còn kết luận làm người đọc hiểu sai vấn đề, làm mất uy tín của công an, xâm hại các mối quan hệ… Đó là những kết luận mơ hồ. Bao nhiêu người hiểu sai? Có ai điều tra thống kê chưa? Công an mất bao nhiêu phần trăm uy tín do các bài viết gây ra? Mức xâm hại của các bài viết có con số nào chứng minh? Hoàn toàn chưa có, hoặc không có.
Điều vô lý trong quá trình nghị án là người ta chỉ kết án dựa trên hậu quả bất lợi do hành động “gây án” mà không nghị luận về bản thân của hành động đó có phạm pháp hay không. Nếu vi phạm thì phải viện dẫn ở điều khoản nào, sắc luật nào?
3. Bị cáo cùng với 162 cá nhân, 27 tổ chức cùng đứng tên khởi xướng, kêu gọi mọi người tham gia Chiến dịch tranh đấu cho tự do, dân chủ, nhân quyền 2015. Nội dung lời kêu gọi có lời lẽ công khai phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam.
Cáo buộc này mới lòi ra cái sai phạm trầm trọng của nội dung bản Hiến Pháp Việt Nam. Vì điều 2 và điều 4 hoàn toàn trái ngược nhau. Vì phân tích các sai lầm trong Hiến Pháp rất dài dòng nên bài này chỉ tóm gọn trong 2 điều nói trên mà thôi.
Theo Hiến Pháp:
Điều 2: “Nhà nước là của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân. Tất cả quyền lực của nhà nước thuộc về nhân dân.”
Điều này được hiểu là đa số người dân có toàn quyền quyết định về thể chế chính trị, kinh tế, đối ngoại, an ninh, quốc phòng,… thông qua trưng cầu dân ý. Đa số người dân có quyền lựa chọn đảng cầm quyền, người đứng đầu quốc gia thông qua cuộc bầu cử tự do và công bằng.
Nghĩa là đa số người dân có quyền quyết định đảng nào là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội.
Trong khi Điều 4 lại quy định sẵn đảng phái lãnh đạo.
Điều 4: “Đảng Cộng sản Việt Nam là lực lượng lãnh đạo duy nhất Nhà nước và xã hội.”
Nếu kể theo thứ tự thì Điều 2 phải thực hiện trước Điều 4. Quyền lãnh đạo là do nhân dân quyết định theo thể thức bầu cử, Đảng Cộng Sản không có quyền tự ban cho họ quyền lãnh đạo Việt Nam.
Một quốc gia có thể có nhiều đảng phái, nhưng không có một đảng phái nào chiếm dụng cả một quốc gia làm tài sản riêng.
Bản Hiến Pháp này là một sự hợp pháp hóa sự chiếm dụng đất nước Việt Nam.
Từ mâu thuẫn này cho thấy đảng Cộng Sản đã ngang nhiên tiếm dụng đất đai lãnh thổ quốc gia Việt Nam, tước đoạt quyền làm chủ vận mệnh đất nước của toàn dân Việt Nam.
Nếu Mẹ Nấm có phủ nhận quyền lãnh đạo của đảng Cộng Sản thì chị cũng đã làm đúng theo Điều 2 của Hiến Pháp mà chính quyền CSVN ban hành.
Đó là chưa kể trong phiên tòa HĐXX còn đưa ra vô số các cáo trạng tào lao khác. Ví dụ khi họ chất vấn bị cáo, tại sao đọc thơ Bùi Chát (?), Tại sao nghe nhạc Tuấn Khanh? Tại sao vẽ cá lên mặt? Tại sao trả lời phỏng vấn báo chí nước ngoài???
Xin hỏi có quy định nào, sắc luật nào cấm người ta đọc thơ Bùi Chát, cấm vẽ cá lên mặt? Cấm trả lời phỏng vấn báo chí nước ngoài???
Mặc dù thiếu 2 luật sư bảo vệ, yêu cầu dời phiên tòa sang một ngày khác của phía Mẹ Nấm đều bị bác bỏ. Điều gì khiến thẩm phán hay cái gọi là HĐXX phải vội vội vàng vàng như thế khi họ chưa hoàn tất cái gọi là “quy trình” xét xử ?
Điều đáng chú ý là cùng một hệ thống pháp lý nhưng so với phiên tòa Phương Nga và ông Cao Toàn Mỹ khác nhau một trời một vực.
Ở phiên tòa Nga-Mỹ, bị cáo Phương Nga sử dụng quyền Im Lặng và tranh luận một cách thoải mái, trong khi Mẹ Nấm thì không. Chị bị bắt buộc phải im lặng, không được tranh luận, thường xuyên bị cắt ngang khi trả lời các câu hỏi.
H ĐXX cũng bác bỏ lời yêu cầu của luật sư của Mẹ Nấm được gặp “bị cáo” để hội ý tranh biện cho “bị cáo”. Điều này chứng minh đây là một phiên tòa “bỏ túi”. Danh từ “phiên tòa bỏ túi” có nghĩa là bản án đã được in sẵn trước khi phiên tòa bắt đầu.
Bản án 10 năm tù với những tội danh hoàn toàn chưa chứng minh được vi phạm bất cứ điều nào trong Luật Pháp CSVN.
Trái lại HĐXX vi phạm hoàn toàn quy trình khởi tố, bắt giam và vi phạm quá trình xét xử đối với “bị cáo” Mẹ Nấm.
Dư luận đang sôi nổi trên các báo mạng trong và ngoài nước. Tranh đấu cho dân chủ, nhân quyền Việt Nam không phải chỉ có một mình Mẹ Nấm. Đòi hỏi môi trường sạch cho Việt Nam, đóng cửa nhà máy Formosa không phải chỉ có một mình Mẹ Nấm. Lên án hành động giết người trong đồn công an cũng không phải chỉ có một mình Mẹ Nấm. Đây là nguyện vọng của toàn dân, vậy sao chỉ bắt một mình Mẹ Nấm? Vì sao kết án một cách vội vã, hồ đồ? Rõ ràng nhà cầm quyền Cộng Sản thừa biết ngòi bút Mẹ Nấm không đủ sức để chống đối hay lật đổ chế độ. Chụp lên đầu Mẹ Nấm bản án 10 năm cũng không thể răn đe hay dập tắt tinh thần bất khuất, lòng yêu nước của đồng bào trong và ngoài nước.
Vậy bản án 10 năm này có ý nghĩa gì?
Có phải Đảng Cộng Sản lại giở chiêu cũ. Một Cù Huy Hà Vũ, một Điếu Cày Nguyễn Văn Hải,… và bây giờ là Mẹ Nấm. Mỗi một tù nhân là một con tin. Càng nặng án càng có giá? CSVN đang gầy vốn đấy. Mà Mẹ Nấm là một con tin mà họ nghĩ chính quyền Mỹ bằng bất cứ giá nào cũng phải chuộc mạng. Mới ngày 29 tháng 3 vừa qua, phu nhân TT Melania Trump vừa mới vinh danh Mẹ Nấm là người phụ nữ can đảm, không lẽ bà để Mẹ Nấm bị bức hại trong tù?
Ngay sau khi Việt Nam tuyên án, Phát ngôn viên Nhà Trắng cũng yêu cầu nhà cầm quyền CSVN thả Mẹ Nấm vô điều kiện. Nhiều nước Âu Châu cũng yêu cầu trả tự do cho Mẹ Nấm. Bà Merkel, thủ tướng Đức cũng từ chối tiếp kiến ông Nguyễn Xuân Phúc bên lề Hội Nghị G-20 đang xảy ra tại Đức. Trong chuyến tham dự Hội nghị Apec tháng 11 sắp tới, CSVN sẽ ăn nói làm sao với TT Mỹ Donald Trump?
Nhà cầm quyền Việt Nam theo truyền thống không thả ai khơi khơi.
Điều kiện trao đổi chắc không nhỏ? Giàn lãnh đạo hẳn đã có một cái giá.
Chuyện mua bán vốn là nghề của ông Trump. Mua mắc, bán hời là chuyện chưa từng có với nhà tỷ phú này.
Đừng quên rằng, ông Trump không phải là Obama. Ông không theo con đường mòn của Obama hay Clinton mà tự dọn một con đường mới, tạo một tình thế mới.
Thế giới bây giờ cũng vậy.
Cao thủ không xuất một chiêu quá hai lần.
Vụ án Mẹ Nấm làm thế giới thấy rõ sự mâu thuẫn trong hệ thống luật pháp Việt Nam.
Greg Rushford, một nhà báo độc lập người Mỹ, nhận xét với BBC sau phiên tòa: "Điều 88 bộ luật hình sự Việt Nam, hình sự hóa tự do ngôn luận, đã là vi phạm các ràng buộc pháp luật quốc tế của Việt Nam."
Hình sự hóa quyền tự do ngôn luận nhà cầm quyền CSVN mới đích thật là người vi phạm pháp luật không phải là Mẹ Nấm.
Để chứng tỏ sự minh bạch, tinh thần chí công vô tư, chính quyền sẽ phải xử vụ Nga-Mỹ thật công bằng để rửa mặt cho hệ thống pháp đình của Việt Nam.
Vụ án Nga-Mỹ bây giờ không còn là vụ tình & tiền nữa. Áp lực của nó rất lớn. Bởi không ai tin HĐXX không chao đảo vì đồng tiền. Hai bên Nga hay Mỹ đều dư sức mua cái HĐXX hoặc để “trả hận” hoặc để “thoát thân”.
Mỹ mà thắng Nga, thiên hạ ắt nghĩ, tiền thắng luật.
Nga mà thắng Mỹ, thiên hạ sẽ thấy, bán dâm có hợp đồng cũng hợp pháp.
Qua hai vụ án, người thua là dân. Bởi khi không có niềm tin vào luật pháp người ta có cảm giác không an toàn giống như cái thời còn sống nơi miền hoang dã.
Thời của nhảy nhót.
Phải khiêu vũ thôi!
Atlanta July 5/ 2017