Tổng bí thư Trọng nhốt được quyền lực và tham vọng? - Dân Làm Báo

Tổng bí thư Trọng nhốt được quyền lực và tham vọng?

Bùi Quang Vơm (Danlambao) - Ngày 4-8-2017, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ký ban hành Quy định số 89 và 90-QĐ/TW của Bộ Chính trị, quy định tiêu chuẩn chức danh, tiêu chí đánh giá cán bộ thuộc diện Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý. Đây là lần đầu, trong lịch sử đảng, Bộ Chính trị ban hành quy định cụ thể về tiêu chuẩn chức danh, tiêu chí đánh giá đối với cán bộ cao cấp của Đảng và Nhà nước. Nó thể hiện cái lạ trong lịch sử phát triển tư duy của lãnh đạo đảng thời kỳ ông Nguyễn Phú Trọng làm Tổng bí thư. Hoặc là nó sáng suốt bất thường, hoặc là nó nhiễm trọng bệnh.

Tham vọng là một thuộc tính tinh thần tự nhiên của con người. Tham vọng là ham muốn vươn tới hoặc đạt tới điều, hay cái mình chưa có hoặc chưa thể có nếu nỗ lực chưa vượt mức bình thường. Tham vọng chính là động lực tự nhiên vượt lên trên chính mình của mỗi cá thể. Chính tham vọng tạo ra các thiên tài. Chính tham vọng tạo ra sức sáng tạo đưa loài người vượt ra khỏi phạm vi của Trái đất.

Nhưng tham vọng là một ý niệm vô hình, không thể tóm bắt hoặc định lượng được nó. Ông Trọng là người lú lẫn, hoặc có niềm tin duy tâm. Bằng cách nào ông xác định được ai có tham vọng và ai không? Tham vọng tới cỡ nào? Tại sao ông sợ những con người có tham vọng, tại sao ông mơ ước tạo ra một cái cũi để ông nhốt, ông kiểm soát tham vọng? Ông muốn xung quanh ông chỉ có những con người không ham muốn, không sáng tạo, những con người chỉ biết nghe và thực hành mệnh lệnh? tất cả chỉ là những người máy, không thèm khát, không ước muốn. Đấy là tham vọng của ông, và chỉ ông duy nhất được quyền tham vọng?

Ai là người chắp bút viết ra cho ông văn bản quy định này, kẻ đó hoặc ngu dốt, hoặc anh ta biết chắc là ông lú lẫn, hoặc cố ý làm để mọi người thấy đúng là ông lú lẫn. Và nếu ông lại còn tiếp tục làm tổng bí thư, thì dân tộc này đi về đâu, đi tới đâu?.

Ý tưởng nhốt quyền lực và tham vọng vào khung các quy chế để dễ bề kiểm soát của ông Trọng không biết có từ bao giờ, nhưng ông nói ra lần đầu tiên trong buổi làm việc với cán bộ chủ chốt của tỉnh Quảng Ninh vào buổi chiều ngày 14/04/2016: "Chủ trương đã có, đã rõ, nhưng thực hiện sao cho đúng, cho hiệu quả, không chủ quan được... Làm thế nào để “nhốt” quyền lực vào trong cơ chế, thể chế, có quy định, quy chế, là để anh làm chức ấy thì không thể tham nhũng, tiêu cực được".

Đến 30/10/2016 thì cái khung quy chế để "nhốt" đó hiện ra thành Nghị quyết 4 khoá XII, trong đó 27 biểu hiện của "suy thoái đạo đức, tự chuyển hoá và tự diễn biến" lộ nguyên hình và luôn phải bị giám sát như kiểu người tù bị giam trong "chuồng cọp".

Nhưng nghị quyết 4 chưa đủ, lần này ông đưa chúng thành các quy định tiêu chuẩn để xét đề bạt và thanh lọc cán bộ. Ông Trọng ký ban hành ngày 4/8, báo chí đồng loạt phổ biến vào 17/8, trong bối cảnh dư luận đang xôn xao sự kiện Trịnh Xuân Thanh vừa bị bắt và đưa về nước, các đại án ngân hàng vào giai đoạn cuối hoàn thiện hồ sơ xét xử. Một loạt các nhân vật quan trọng trên sân khấu chính trị đứng trước đe doạ đối diện vành móng ngựa.

Mọi việc làm của ông Trọng, những văn bản mà ông ký ban hành, những quyết định của Bộ chính trị, những nghị quyết TƯ, những văn bản của Ban bí thư mà ông ký ban hành đều chứa đựng một chủ đích, đều hướng tới một đích đến nào đó mà chỉ sau khi nó phát huy hiệu quả, người ta mới nhận được ra. Nghị quyết 244 của hội nghị TƯ 14 khoá XI không cho phép TƯ đề cử nếu không có sự giới thiệu của Bộ chính trị, chỉ được biết đến khi đề cử cho ông Dũng tái cử vào vị trí Tổng bí thư bị tự động vô hiệu, vì ông Dũng đã có đơn xin rút và đã có sự nhất trí cho rút của Bộ chính trị. Chỉ sau khi kiến nghị không thi hành kỷ luật của ông Đinh La Thăng của đảng bộ Sài Gòn không có giá trị, thì người ta mới biết Quyết định 46-QĐ/TW, đã được thay bằng Quyết định 30-QĐ/TW tại hội nghị TƯ 4 khoá XII ngày 14/10/2016, trong đó "TƯ quyết định kỷ luật", được thay bằng "TƯ quyết định hình thức kỷ luật theo quyết định kỷ luật của Bộ Chính trị".

Đây là đòn bồi tiếp, đòn bủa vây, hay lại chuẩn bị dọn đường cho một chuyện gì tiếp theo, trong khung cảnh những kẻ có tham vọng tranh ngôi như ông Đinh Thế Huynh và ông Trần Đại Quang đã bị loại, chỉ còn ông Phúc? Như vậy có phải cú đòn "tham vọng" chính là cú đánh nhằm vào ông Phúc? Có nghĩa là theo ông Trọng, thì ông Phúc đã không yên phận với vị trí Thủ tướng, mà còn "tham vọng" thay ông vào ghế Tổng bí thư? Ông ký ban hành các quy định này là nhằm răn đe bất cứ kẻ có tham vọng quyền lực nào, để ông yên trí ngồi tiếp?

Người ta không tin là bằng những quy định mới ký này, ông Trọng chỉ có "tham vọng" duy nhất là kiểm soát được tham vọng quyền lực, một chủ đề mà chính trong nội bộ lãnh đạo đảng đã mất rất nhiều công sức và thời gian tranh cãi.

Việc ký ban hành các Quy định 89 và 90- QĐ/TW này, cho thấy tư tưởng của ông Trọng là dùng đạo đức để kiểm soát, chế ngự quyền lực và lạm dụng quyền lực. Đây là quan điểm cai trị bằng đạo đức, gọi là đức trị theo tư tưởng của Khổng Tử hay đạo Nho Trung Quốc từ cách đây 2500 năm. Ông nói, "người cai trị phải là người đạo (quân tử), làm vua phải sáng, làm tôi phải hiền, vua ra vua, tôi ra tôi". Nhưng Khổng Từ là người không thích cách mạng, ông không tán thành dùng cách mạng để thay đổi thời thế, cho dù thời thế của bọn hôn quân bạo chúa! Đó là tính chất bảo thủ trong tư tưởng chính trị của Khổng Tử. Ông khuyến kích lòng trung thành với chế độ hiện hành, phản đối mọi cải cách. Những kẻ muốn duy trì trật tự hiện tại thì tôn vinh Khổng Tử những kẻ muốn thay đổi trật tự hiện tại thì phê phán Khổng Tử. Học giả Nguyễn Khắc Viện từng nhận xét: "Khổng Tử bỏ qua vấn đề pháp luật và thiết chế, từ chối mọi cải cách". Đây chính là con người ông Nguyễn Phú Trọng.

Quyền lực có tính lạm dụng, người sử dụng quyền lực luôn có xu hướng lạm dụng, đó là quy luật thuộc tính của quyền lực, vì vậy quyền được giao bởi một đối tượng có bản tín lạm dụng và quyền được giám sát bởi một đối tượng cũng có bản chất lạm dụng, hệ thống xét xử tội lạm quyền cũng có cùng một bản tính lạm dụng, như vậy sẽ chẳng ở đâu không bị lạm dụng. Lạm dụng quyền lực chỉ có thể khống chế và hạn chế, không thể tiêu diệt.

Quyền lực bản thân nó không phải là đối tượng xử lý mà là hành vi của chủ thể quyền lực sử dụng nó không vì một lợi ích chính đáng. Quyền lực là công cụ, nó phải thích dụng với mọi đối tượng được giao hoặc uỷ nhiệm quyền sử dụng nó.

Như vậy, quản lý hay kiểm soát quyền lực không phải là việc của đảng mà là của pháp luật. Đảng chính trị có triết lý sống, có quan niệm đạo đức theo văn hoá và triết lý riêng của mình, của nhóm người có cùng triết lý với mình, không phải của tất cả.

Việc ban hành các quy chuẩn đạo đức nhằm kiểm soát quyền lực phản ánh tư duy cổ hủ, kiến thức lạc hậu, non kém về khoa học quản trị, bởi đây là quan niệm Đức trị của thời kỳ phong kiến, chịu ảnh hưởng của tư tưởng Khổng Tử, trái với Pháp trị.

Giải quyết kiểm soát Công quyền bằng đạo đức là khái niệm Đức trị mang mầu sắc vừa duy tâm, vừa duy lý.

Đức trị có thể có tác dụng trong một xã hội đồng nhất, không giai cấp, mọi thành phần xã hội có lợi ích đồng đều, không có lợi ích đối kháng, không có khác biệt văn hoá và khác biệt tôn giáo. Nhân sinh quan và vũ trụ quan đồng nhất dẫn đến triết lý đạo đức thống nhất,

Trong một xã hội đa nguyên, các khuôn khổ đạo đức được tạo ra trong mỗi cộng đồng riêng rẽ, theo những triết lý khác nhau, vì vậy không nhất thiết giống nhau. Không thể có một tấm gương hay một tiêu chí đạo đức độc nhất. Tiêu chí trung thành tuyệt đối với chủ nghĩa Mác, tư tưởng Hồ Chí Minh là khuôn mẫu đạo đức đối với các môn đồ cộng sản, nhưng vô nghĩa đối với các môn đồ đạo Phật và không thể đồng nhất với môn đồ Thiên chúa giáo cũng như với các đức tin khác.

Đây là giải pháp duy nhất đối với khuôn khổ độc đảng, khuôn khổ quyền lực được phân công bởi sự lãnh đạo thống nhất của đảng. Nếu là một thể chế dân chủ, thì không thể đưa tiêu chí đảng viên thành khuôn mẫu đạo đức chung của toàn xã hội.

Ở một xã hội hiện đại, khi nhận thức của con người đã đạt tới trình độ phát triển nhất định, thì sinh hoạt xã hội mang tính đa nguyên tự nhiên. Không thể lấy tiêu chuẩn theo khuôn khổ của nhóm người hay tổ chức này áp đặt cho các nhóm người hay tổ chức khác. Những quy định sinh hoạt cộng đồng là những quy ước đạt được thông qua thoả thuận. Những quy ước thoả thuận đó khi được gắn với chế tài thì trở thành luật.

Xã hội được vận hành không bằng nghị quyết, chỉ thị hay sắc lệnh mà bằng pháp luật thì gọi là chế độ Pháp trị. Dưới thể chế chính trị pháp trị, khái niệm đạo đức chỉ mang tính hướng dẫn tinh thần, tốt hay xấu được xác định bằng hành vi vi phạm hay không vi phạm pháp luật, không theo gương của cá nhân nào.

Tuy nhiên, pháp trị, tức là cai trị bằng pháp luật, không bao hàm một cách tự nhiên là tốt hay xấu bởi bản chất của pháp luật phụ thuộc vào quy trình hình thành của bản thân pháp luật.

Pháp luật do nhà Vua ban hành và độc quyền ban hành là chế độ pháp trị Quân quyền. Luật do chính nhà Vua quy định cho thần dân để cai quản cương thổ của mình. Loại luật pháp này bao gồm các thủ đoạn cai trị và bóc lột. Quyền của con người do luật quy định và bị giới hạn trong phạm vi quy định của luật. Gọi là Pháp trị vương quyền.

Loại luật pháp thứ hai là loại luật pháp do giai cấp thống trị độc quyền lập ra. Bản chất của loại luật pháp này là bảo vệ sự ổn định của chế độ bảo vệ lợi ích của giai cấp cầm quyền. Tất cả những gì cần để chống lại sự phản kháng của các tầng lớp khác trong xã hôi đều được giai cấp thống trị biến thành luật để cưỡng chế dân chúng. Trong nhà nước pháp trị độc đảng, dân chỉ được làm những gì luật pháp do nhà cầm quyền ban hành quy định, bất chấp quyền con người. Gọi là Pháp trị độc đoán.

Chỉ khi nào quyền con người và quyền công dân được xem là khuôn khổ để quy định quy trình hình thành luật pháp, nghĩa là luật pháp do Quyền con người quy định và có mục đích bảo vệ các quyền của con người, thì lúc đó Luật Pháp mới có tính chất duy quyền, và nhà nước hay chế độ chính trị đó mới được gọi là nhà nước Pháp quyền. Trong Nhà nước pháp quyền, người dân được làm bất cứ điều gì thuộc về quyền con người đã được thừa nhận, và luật pháp chỉ có chức năng duy nhất là đảm bảo các quyền đó được thực thi.

Như vậy, có Pháp trị Dân chủ đích thực và Pháp trị dân chủ giả hiệu và chỉ có Pháp trị dân chủ đích thực tức là thể chế cai trị bằng pháp luật, trong đó luật pháp do dân toàn quyền định đoạt, mới được gọi là thể chế Pháp quyền. Nhà nước có thể chế pháp quyền mới được gọi là nhà nước Pháp quyền. Nhà nước không đảm bảo quyền của dân trong quy trình hình thành luật pháp là nhà nước giả hay nguỵ pháp quyền. Quyền tự do ngôn luận, tự do biểu tình và tự do hội họp là quyền của dân, nhưng đảng và chính phủ sử dụng quyền làm luật để ngăn cản không ra luật, biến các quyền của dân thành phi pháp. Đó là chính quyền dùng luật để quy định quyền của dân, không phải dùng quyền của dân để quy định nội dung của luật. Đây chính là sự khác biệt giữa pháp trị và pháp quyền mà chế độ mập mờ đánh tráo khái niệm.

Trong chế độ Pháp quyền, pháp luật có quyền lực tuyệt đối và tối thượng, và để đảm bảo quyền tối thượng của luật pháp, luật pháp bắt buộc phải độc lập với các định chế quyền lực công khác, tức là không chịu sự chi phối hay điều chỉnh bởi Tư pháp và Hành pháp, tức là độc lập với Toà Án và Chính phủ. Đó là cơ chế Tam quyền phân lập, không phải là cái thứ "phân công tách bạch về chức năng, nhưng thống nhất về chính trị, chịu sự lãnh đạo thống nhất của đảng"!

Trong xã hội đa nguyên, nghĩa là xã hội có tự do tư tưởng, tự do tín ngưỡng và tự do hội họp, nghĩa là tự do đảng phái, tự do chính trị, thì luật pháp, vì được hình thành trên nền tảng của sự đồng thuận của toàn thể xã hội, trong khi xã hội là tổng thể các cộng đồng dân tộc, tôn giáo và văn hoá khác nhau, nên pháp luật bắt buộc phải mang tính trung gian, trung lập và phi chính trị. Nếu đã là luật của giai cấp thống trị thì không còn là pháp luật đúng nghĩa nữa, vì khi đó pháp luật chỉ bảo vệ quyền lợi của giai cấp thống trị và áp bức các tầng lớp yếu thế khác. Đó là lý do hiện nay, tất cả những người dân oan, những người đấu tranh đòi quyền cho dân đều bị coi là vi phạm pháp luật. Cũng là lý do để chính phủ các nước dân chủ không thừa nhận tính cách pháp lý của hệ thống pháp luật Việt Nam, vì vậy mà các hiệp định dẫn độ tội phạm của Việt Nam không được các nhà nước dân chủ đích thực chấp nhận. Trịnh Xuân Thanh bị buộc phải sử dụng biện pháp bắt cóc, vi phạm đạo đức sinh hoạt của nền văn minh nhân loại là vì vậy.

Đảng cộng sản Việt Nam dưới quyền Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng chắc chắn sẽ còn cho ra nhiều nghị quyết, nhiều quy định khác nữa. Nhưng chỉ với quy định hay nghị quyết thì không kiểm soát được gì. Quyền lực và tham vọng lại là thứ không thể kiểm soát được chỉ bằng quy định, hay quyết định mà phải bằng pháp luật, nhưng là loại pháp luật do dân làm ra không phải thứ do đảng tự chế ra theo ý mình rồi bắt dân gọi là luật.

20/08/2017



Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo