Hồ Chí Phèo (Danlambao) - Internet ra đời không lâu nhưng đã làm thay đổi hẳn xã hội, một cuộc cách mạng truyền thông ảnh hưởng cả thế hệ già cũng như trẻ. Dựa vào sự thay đổi lớn lao này, báo chí ngày nay có hẳn bộ mặt mới khác hẳn gì những con người cổ xưa ở các thế kỉ trước có thể tưởng tượng. Ngày nay báo trên mạng phát triển vượt bực khiến con người trở nên dễ hói đầu vì gãi đầu nhiều quá, phân vân không biết chọn báo nào để đọc: báo lề dân, báo lề đảng, báo nước ngoài, báo trong nước,...
Trong các báo mạng đầy rẫy ở Việt Nam, Dân Làm Báo là báo mạng không giống với đa số các trang báo mạng khác. Qua bảy năm, DLB vẫn giữ cách trình bày trang mạng một cách đơn giản, không cầu kì, không có từng chuyên mục giống các trang báo chuyên nghiệp như văn hóa, thể thao, giải trí, tìm kiếm... để hấp dẫn người đọc. DLB nơi hội tụ những ý kiến, quan điểm về đất nước và con người Việt Nam. Một tờ báo chính trị mục đích cổ võ cho dân chủ, tự do, nhân quyền. Đề tài chính trị với một số người, nhất là giới trẻ hiếu động chỉ thích vui, cho là nhàm chán, boring... Nhưng trong một đất nước chỉ có những người không hề quan tâm đến dân chủ, nhân quyền... chỉ để ý tiền bạc, danh vọng, ăn chơi, chân dài... (một đất nước mà đảng CS mong muốn tạo dựng), đất nước ấy rồi sẽ đi về đâu? Thực đáng buồn khi một số đông người suốt ngày loay hoay cái điện thoại di động để bầu chọn cho các chương trình giải trí trên TV, theo dõi, cỗ vũ các chân dài Ngọc Trinh, Phương Trinh, sao Việt sao Hàn... Một đất nước của những con cừu được ông chủ cho hưởng thú vui chơi?
Một tờ báo đương nhiên phải có người viết bài. Cộng tác viên DLB cũng lạ. Đủ các thành phần, trong cũng như ngoài nước, có tên tuổi cũng như không tên tuổi, tự do chọn bút hiệu không sợ kị húy. Không tiền nhuận bút, đã thế khi bài viết bị kết là "phản động", có thể người viết được thân mời lên đồn công an, hoặc bị bắt cóc để cho ra đầu thú. Người viết chỉ có động lực duy nhất là muốn đóng góp phần nhỏ trong cuộc đấu tranh cho dân chủ, nhân quyền. Phải, thực quả vô cùng nhỏ nhoi so với sự tù đày của Mẹ Nấm, Trần Thị Nga, Trần Huỳnh Duy Thức... và bao nhiêu tù nhân lương tâm khác!
Viết bài, phải có người đọc. Trong xã hội dân chủ anh có thể viết gì cũng được, miễn là đừng kêu gọi giết người, bạo động đổ máu làm hại người khác. Phản bác ý kiến của một người khác, một điều thường xẩy ra. Suy nghĩ con người không thể ai cũng giống ai. Nếu mọi xã hội tất cả sống trong một cái khung, răm rắp tuân theo chỉ đạo của một người hay một thiểu số nào, chắc chắn sẽ không có một xã hội với khoa học phát triển như hiện nay. Sau khi đọc một bài viết, mọi người có thể thành "còm sĩ", "còm"đồng ý hay "còm" chống lại ý kiến của người viết.
Đối với cá nhân tôi, người đọc và viết còm đồng ý kiến hay chống mình, đừng chửi bới lỗ mảng hoặc chụp mũ không bằng chứng, đều đáng được trân trọng. Đến đây hẳn có nhiều người không đồng ý, tức giận "Trời tui biết thằng còm sĩ này quá! Tui đảm bảo nó là DLV ăn tiền nhà nước nhảy vô để quạy?". Quả thực diễn tả chính xác hơn, nếu một người thực sự không phải do động lực nghề nghiệp, tiền bạc, bỏ thời gian vàng bạc để đọc và viết còm, dù có ý kiến khác với mình, cũng phải luôn xem trọng. Vì điều đáng buồn nhất là một bài viết không ai thèm đọc, không ai thèm có ý kiến. Tương tự như trong xã hội, điều đáng sợ nhất không phải là mọi người được tự do phát biểu ý kiến trái ngược với nhau, mà là mọi người không còn quan tâm gì đến chính trị, đến hiện tình đất nước, đến dân chủ, nhân quyền... Quay mặt đi, mặc kệ cho cái đảng độc tài muốn làm gì thì làm, miễn mình có tiền, có thú vui là ok?
Là tay viết tài tử, chưa bao giờ sống bằng nghề viết lách, nên đôi lúc tôi cũng bối rối khi xem lại bài viết của mình vì có những lỗi sai chính tả, sai dấu, sai ngày... Không phải là người chuyên nạo bàn phím, và nhiều lúc bị réo gọi cho việc nhà, có lúc hấp tấp nên lỗi lầm lung tung. Lỗi bài viết, ban biên tập DLB có thể quá nhiều bài vở không kiểm hay chỉnh sửa được. Ban biên tập chỉ đôi khi sửa lại đề tựa bài cho thêm phần hấp dẫn hay thêm rõ ý.
DLB không có tính chuyên nghiệp của những người kinh doanh báo chí, nhưng là một thôn tập hợp tư tưởng, ý kiến hỗ trợ cho dân chủ, nhân quyền một cách rất chân thật, là món ăn tinh thần dân dã của người dân tự làm báo, không phải quan làm báo, và càng không phải "đảng làm báo".
Nói đến đặc điểm dân dã nổi bật của thôn, tôi không quên chuyện một người bạn. Anh qua Mỹ những năm đầu sau 1975. Silicon valley, hay thung lũng Hoa Vàng đang trong giai đoạn phát triển cần rất nhiều nhân công. Anh bạn tôi chọn định cư tại San Jose, Thung lũng Hoa Vàng, không chỉ vì dễ tìm việc làm mà cũng vì lời quảng cáo: "Thung lũng Hoa Vàng, Silicon Valley cần nhân công làm trong các hãng điện tử. Ở đây đặc biệt có rau muống và nước mắm". Phải, anh bạn tôi đã nghe tiếng gọi "dân dã của người Việt", rau muống và nước mắm. Và bây giờ anh là giám đốc trong một công ty điện tử rất thành công ở Silicon Valley và anh luôn tự xem mình là người dân dã Việt đã làm nên sự nghiệp.
Nhân ngày sinh nhật DLB, xin chúc người viết, người đọc, người "còm", tất cả "happy", tiếp tục làm người dân chân thật, rất bình dân trong thôn DLB, để cuối cùng đạt đến một ước nguyện: Việt Nam không còn một chính quyền độc tài, dối trá. Mọi người dân sẽ được hưởng dân chủ, tự do và nhân quyền thực sự.
23/8/2017