Khoảng cách... hay nửa chiếc cầu - Dân Làm Báo

Khoảng cách... hay nửa chiếc cầu

Người lang thang (Danlambao) - Tối hôm nay, tình cờ đọc được bài viết của anh Tưởng Năng Tiến với tựa đề Khoảng cách, rồi nhìn thấy tấm ảnh chụp nửa chiếc cầu của tác giả Đàn Chim Việt, cả 2 được đăng trên trang web Đàn Chim Việt, tôi vừa có cảm giác hơi bực bội vì một bài viết hay nhưng đã bị kết thúc nửa chừng xuân và vừa thú vị với tấm ảnh cùng những câu đố cắc cớ, theo kiểu trắc nghiệm, muốn trả lời sao cũng được.


Hình ảnh này được lan truyền trên mạng xã hội, một nửa chiếc cầu đã nằm đó từ lâu. Cầu xây tới giữa sông thì… hết tiền.

Trang Facebook Hoàng Sa Club đưa ra câu đố cho bạn đọc:

A: Cầu khỉ

B: Cầu treo

C: Cầu tiêu 

D: Cả 3 ý kiến trên đều đúng 

Nguồn: Đàn Chim Việt

Bài viết dí dỏm, chân tình và tấm ảnh với những câu đố khôi hài dù có thể bị cho là hơi bình dân học vụ, đều phát xuất từ tấm lòng, mặc dù cách thể hiện khác nhau. Chúng đập vào tâm tư những ai đang ray rứt về các vấn nạn xã hội và tình hình chính trị ở VN hiện nay. Bài viết xoay quanh những lời bênh vực hay chỉ trích về chuyện giáo sư Tương Lai rời bỏ đảng cộng sản và tâm sự của ông, rồi đề cập đến khoảng cách giữa các thế hệ trong việc hiểu biết lẫn nhau. Không như những bức tranh biếm họa của Babui thường thấy trên các báo mạng, tấm ảnh chụp cũng vô tri như chiếc cầu đang xây bị bỏ dở, chẳng nói lên được điều gì nếu không có những câu đố khôi hài đi kèm. Tuy vậy, vô tình dường như cả hai có một sự liên hệ vì đã gợi ra những vấn đề còn bỏ ngỏ, giống như nửa chiếc cầu lỡ nhịp, không thể giúp người ta sang sông. 

Khoảng cách thế hệ: Trách nhiệm và sự liêm sỉ

Giáo sư Tương Lai là một trí thức được sự kính nể cả về tuổi tác lẫn kiến thức. Ông được biết đến như một trong những nhà lý luận cộng sản hàng đầu và cũng là một trong những người đại diện cho một thế hệ đi trước đã tham gia tích cực vào một giai đoạn lịch sử VN hiện đại. Bài tuyên bố bỏ đảng của ông là đề tài cho những cuộc tranh cãi trên mạng. Ở đây không bàn đến chuyện đúng sai hay phải trái. Câu hỏi được đặt ra là lý do tại sao lại có sự khác biệt trong nhận thức chính trị giữa các thế hệ, đâu là trách nhiệm và sự liêm sỉ của những người trí thức. 

Nhạc sĩ Phạm Duy, trước năm 1975, đã viết ca khúc Tâm Ca 5 Để lại cho em.

Để lại cho em này nước non minh. Để lại cho em một nước đẹp xinh. Một miền oai linh hiển hách. Chỉ còn dư vang thần thánh. Để lại cho em hèn kém của anh… Nhưng em thương anh, thương anh, em đón nhận gia tài. Nhưng em thương anh, thương anh, ta cùng gom sức mới. Nhưng em thương anh, thương anh, xin nhận lời tranh đấu. Nhưng em thương anh, thương anh, đi tìm lối thoát cho nhau.

Bài Tâm Ca này là lời thú tội của thế hệ đàn anh với thế hệ đàn em. Nó đã làm biết bao tâm hồn tuổi trẻ miền nam xúc động, trong chua xót, khi thao thức về vận nước. Nó là tiếng khóc chung của dân tộc do những sai lầm của thế hệ cha anh và họ phải chịu trách nhiệm về những lựa chọn và hành động của mình. 87 năm trôi qua, từ ngày thành lập đảng cộng sản, tiếng khóc ấy vẫn kéo dài đến ngày hôm nay.

Đảng cộng sản VN được thành lập ngày 03.02.1930. Kể từ ngày đó, ít nhất 4 thế hệ đã sinh ra và lớn lên trên mảnh đất hình chữ S này, nếu tính theo tuổi đời trung bình của một con người là 1/3 thế kỷ. 

Những người cộng sản thuộc thế hệ đầu tiên luôn tự mãn về những biến cố lịch sử mà họ tự gọi là thành quả cách mạng. Họ đã thành công trong việc nhồi sọ các thế hệ kế tiếp bằng cách đào tạo chính quy những đảng viên để tiếp tục sự lừa dối. Chính vì thế họ không chấp nhận bất cứ một suy nghĩ xét lại nào nằm ngoài lý luận của đảng. Chính sách đó đã được bao bọc, che chở bằng bức màn sắt suốt nhiều thập niên. Ngày nay, những người cộng sản đang bị thách đố bởi một kỷ nguyên thông tin mới và một thế hệ mới yêu chuộng tự do, muốn phá rào, không theo lối mòn và sự chỉ đạo tư tưởng. Thế hệ này luôn trang bị sự hoài nghi để truy tim sự thật về những khoảng tối của lịch sử. Họ không phải là những nhà lập thuyết. Cơ sở lý luận dựa trên những tài liệu nghiên cứu độc lập, các dữ kiện phơi bày tràn ngập trên các phương tiện truyền thông (internet, sách báo…) và những gì mắt thấy tai nghe đang xảy ra hàng ngày trong xã hội. Vấn nạn xã hộị là những hình ảnh có thật chứng minh hậu quả sai lầm của chính sách giáo dục và đường lối chính trị. Họ là những con người có tâm với lương tri trong sáng. Họ can đảm vì dám công khai, trong đơn độc, bày tỏ quan điểm, thái độ đối kháng, vạch trần những giả dối, âm mưu đen tối. Đây là lý do của sự khác biệt trong nhận thức chính trị giữa các thế hệ ở VN hiện nay. Những Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, Phạm Thanh Nghiên, Phạm Đoan Trang, Phạm Chí Dũng, Nguyễn Phương Uyên,Việt Khang, Nguyễn Văn Đài, Phạm Hồng Sơn, Vũ Quang Thuận v.v… là vài khuôn mặt điển hình của thế hệ mới này.

Ai trong những người cộng sản lão thành tự vấn lương tâm để nhìn nhận trách nhiệm và can đảm nhận tội vì những sai lầm và chấp nhận nghe những phán xét của kẻ hậu sinh. Sau bao nhiêu năm miệt mài với chủ thuyết, đem xuơng máu đồng bào ra làm thí nghiệm cho chủ trương chính sách, dù nay còn trung thành hay quyết định rời bỏ đảng, họ vẫn luôn muốn đóng vai là kẻ sáng suốt, cầm cân nẩy mực, là tấm gương cho những đảng viên khác noi theo. Đây là tâm bệnh trầm kha chung của những người cộng sản. Được kết nạp đảng hay rời bỏ đảng đều giống như việc đội núi phá trời nên cần phải đánh bóng, thổi còi đánh trống. Người cộng sản cảnh tỉnh. Một danh từ thật mỹ miều, thực chất chỉ là vỏ bọc của sự kiêu ngạo cố hữu, tự mãn, ngụy tín, thiếu liêm sỉ khi vẫn không thấy mình có tội, không cảm thấy nhục nhã vì đã góp phần vào cuộc tắm máu dân tộc, sa đọa hóa xã hội và kìm hãm sự phát triển của đất nước.

Bài viết chấm dứt vội vàng của anh Tưởng Năng Tiến làm tôi chưng hửng. Anh bỏ ngỏ vấn đề khi không cho biết Đoàn kết là điều tối cần thiết* dựa trên cơ sở lý luận và sự thông cảm* nào. Cơ sở lý luận và sự thông cảm của kẻ chiến thắng hay kẻ chiến bại, của kẻ thống trị hay kẻ bị trị. Giặc ngoài, ai cũng biết. Vậy kẻ nào là thù trong? Một thế hệ mới đang bị cầm tù, đổ máu, trù dập, lưu đày ngay chính trên quê hương mình. Thế hệ “bắc cầu*”, theo cách nói của anh, hay là thế hệ mất phương hướng (the lost generation). Thế hệ của rất nhiều người, trong đó có tôi và anh, đã dựng lên nửa chiếc cầu lỡ nhịp. 

* Nguồn:Khoảng cách.Tưởng Năng Tiến,Web Đàn Chim Việt




Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo