Một chút mặt trời trong nước lạnh - Dân Làm Báo

Một chút mặt trời trong nước lạnh

Người lang thang (Danlambao) - Gần đây tấm ảnh chụp cô ca sĩ Mai Khôi đơn độc đứng bên lề đường biểu tình giơ cao tấm biểu ngữ "Piss on you Trump" chào đón tổng thống Mỹ Donald Trump ở Hà Nội đã gây ra một con bão mạng. Kẻ chửi người bênh. Tôi đem chuyện này kể với vài người bạn ngoại quốc và nhận được những câu comment như "C’est normale! Why big problem!". Tôi thấy cách phản ứng của họ trước chuyện này hoàn toàn khác với người Việt. Thay vì phê bình cô ca sĩ đúng hay sai, họ ngạc nhiên tại sao các còm sĩ mạng phải lên cơn động kinh vì chuyện nhỏ như con thỏ vậy.

Cô ca sĩ biểu tình với biểu ngữ “Piss on youTrump” có thể vì bất đồng chính kiến, vì vấn đề nhân quyền, vì một con buôn làm chính trị, vì Trump khinh rẻ nữ giới... hay vì những lý do nào khác nữa không ai biết. Nhưng hành động của cô làm tôi liên tưởng đến Francoise Sagan với tác phẩm Một chút mặt trời trong nước lạnh. Ai cũng biết bà là nhà văn nữ người Pháp nổi loạn, theo thuyết hiện sinh. Tác phẩm đầu tay, Bonjour tristesse, của bà (được đóng thành phim năm 1971) bị Vatican lên án. Tất nhiên Mai Khôi không thể so sánh với Francoise Sagan nhưng “Piss on youTrump” là một thách đố với cái tâm lý (mentality) đã hằn sâu trong tâm hồn người Việt tự bao đời: tôn thờ lãnh tụ! Cái tâm lý này thoát thai từ thời phong kiến do ảnh hưởng của Trung Hoa đạo Khổng và từ năm 1945 đến nay càng bị cộng sản nhồi nhét để rồi trở thành quán tính vô thức. Tâm lý tôn thờ lãnh tụ rất rõ nét ở những quốc gia kém phát triển. Trong những chế độ độc tài, các lãnh tụ vĩ đại như Mao Trạch Đông, Hồ Chí Minh, Kim Nhật Thành, Fidel Castro, Lenin… được thần thánh hóa, là biểu tượng đạo đức phải tuyệt đối tôn kính sùng bái. Nó trở thành một loại tín ngưỡng. Suy nghĩ xét lại là phạm thượng, vô đạo đức, phản động. Người dân ở các quốc gia tự do không bao giờ hiểu nổi loại tâm lý này bởi lẽ nó là tâm lý của kẻ nô lệ mù quáng.

Trên thế giới nhiều nhân vật nổi tiếng như George Washington, Charles de Gaule, Margaret Thatcher, Winston Churchill… được kính trọng như những nhà lãnh đạo tài giỏi nhưng họ vẫn là con người với tất cả các ưu khuyết điểm. Họ được nhớ đến như những người có công lớn với quốc gia dân tộc, làm tròn trách nhiệm công dân nhưng không là lãnh tụ vĩ đại. Các cuộc cách mạng, phản kháng cần có những người lãnh đạo nhưng khi họ trở thành lãnh tụ vĩ đại thì những thứ này cũng biến đi vì phải nhường chỗ cho chuyên chế, độc tài và lừa dối.

Rất có thể Trump được xem như người đại diện cho nền tự do dân chủ mà người Việt mơ ước. Hoa Kỳ cũng có những vấn đề riêng phải giải quyết. Tự do dân chủ có cái giá của nó. Cũng có thể người ta hy vọng sự giúp đỡ của Hoa Kỳ hòng đối chọi với Trung Quốc. Những bài học Hoa Kỳ dành cho miền Nam VN vẫn còn đó. Tâm lý tôn sùng lãnh tụ đã thần tượng hóa một viên chức hành pháp cao cấp nhất. “America first” là chính sách của Hoa Kỳ dưới thời Trump. Từ ngày nhiệm chức tổng thống đến nay, ông vẫn chưa thực hiện được những gì đã hứa và chính sách đối ngoại vẫn mù mờ bất nhất. Họ Tập vẫn toe toét nói cười trên bàn cờ chính trị và kinh tế. Nước Mỹ vẫn nhập siêu. Tài khóa thâm thủng nhiều hơn trước. Tập Cận Bình đang hiện thực hóa câu nói của Mao Trạch Đông: Biến nước Mỹ thành con cọp giấy thật sự. Gia đình Trump kiếm được rất nhiều tiền do làm ăn với Nga. Tội nghiệp cho đám dân Mỹ trắng nhẹ dạ. Ánh sáng vẫn chưa thấy cuối đường hầm. Những chống đối trong nước vẫn liên tục xảy ra. Các cộng sự viên thi nhau từ chức. Vai trò và uy tín quốc tế suy giảm. Các quốc gia đồng minh nghi ngờ thiện chí của Hoa Kỳ. Tệ hại nhất là một nước Mỹ đang bị chia rẽ trầm trọng. Tiểu bang California muốn tách rời thành lập một quốc gia khác. Trump bị tình nghi có liên hệ với Nga để đánh phá Hillary Clinton trong kỳ bầu cử. Quốc hội đang tiến hành điều tra. Trong chuyến công du lần này, Trump cũng đã gặp những cuộc biểu tình phản đối ở Nhật Bản, Hàn Quốc và Phi Luật Tân. Mặc dù được thủ tướng Theresa May mời đến thăm Vương Quốc Anh, một đồng minh thân cận nhất của Hoa Kỳ, Trump vẫn chưa được chấp nhận đọc diễn văn tại lưỡng viện Quốc hội vì thiếu tư cách. Ngày 28/10 một phụ nữ Mỹ, cô Juli Briskman, đã giơ ngón tay giữa chửi Trump khi thấy ông ngồi trong xe trên đường đi. Hãng Akima LCC cho cô nghỉ việc vì sợ tai tiếng. Chỉ ít ngày sau cô đã nhận được 71000 dollar quyên góp giúp đỡ qua cuộc vận động trên mạng. Dollar vẫn còn đang tiếp tục chảy vào túi cô. 

Ở các quốc gia tiên tiến dân chủ, tổng thống hay các nhân viên cao cấp chính phủ bị chỉ trích, bôi bác diễu cợt trên TV là đề tài cho tranh biếm họa trên sách báo, hình nộm bị đốt, dẫm đạp phóng uế trong các cuộc biểu tình là chuyện bình thường. Quyền này được hiến pháp bảo vệ. Tổng thống không phải là lãnh tụ như trong trí tưởng tượng của đa số người Việt nói riêng và Á Châu nói chung. Ông là người của công chúng, được cử tri bầu lên nên phải chấp nhận bị phê bình, chống đối, sỉ vả nếu họ không hài lòng. 

Trump vốn là người khinh miệt phụ nữ. Thật bất ngờ khi ông nhắc đến Hai Bà Trưng trong bài diễn văn đọc tại Hà Nội. Một vở hài kịch! Hai Bà Trưng là nữ giới! Có lẽ theo các cố vấn, ông không còn chọn lựa nào khác tốt hơn. Mèo trắng cũng như mèo đen, miễn là bắt được chuột. Mục đích là để thỏa mãn tâm lý ái quốc của người Việt. Mị dân là sở trường của ông. Phương pháp này ông cũng đã áp dụng trong cuộc vận động bầu cử ở Hoa Kỳ. Nó đã đánh trúng vào tâm lý người Mỹ trong giai đoạn một nước Mỹ lo sợ bị mất thẻ bài số một thế giới của mình. 

Trở lại chuyện "Piss on you Trump". Chính cái tâm lý tôn thờ lãnh tụ đã biến chuyện con cóc thành con voi. Mạng xã hội là thế giới ảo. Các còm sĩ tha hồ ném đá giấu tay. "Piss on you Trump" hay Piss on những "lãnh tụ vĩ đại" nào khác cũng chẳng có gì khác biệt. Vấn đề chính là hành động. Trên đất nước tủi nhục này, rất nhiều nữ nhi thường tình đã dám nói, dám làm, sẵn sàng đứng trước vành móng ngựa. Hình ảnh của một chút mặt trời trong nước lạnh. Một chút nắng cũng sưởi ấm đôi chút nếu bị lạnh cẳng. Có còn hơn không. Ngồi nguyền rủa trong bóng tối chỉ mang nghiệp vào thân. Các đấng còm sĩ mày râu, có lẽ là đa số, nên soi gương xem rõ mặt mình lấm la lấm lét đến mức độ nào. Đừng để người ngoại quốc phải nhắc đến chiến công của các anh hùng đất Việt, dạy lại bài học yêu nước rồi hùng hổ chút hào khí ảo ném đá gà nhà. Đã một Obama, nay đến Trump rồi sẽ còn ai nữa? Chuyện của Mỹ hãy trả lại cho Mỹ. 

Đừng nghe những gì Trump, Tập, Mao, Hồ, Trọng... Cái ngày “Piss on all of them” sẽ tới và lá cờ đầu là các cháu gái của Hai Bà Trưng.

17/11/2017



Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo