Trần Trung Đạo (Danlambao) - Phản ứng tự nhiên của một người sinh ra và lớn lên trong một nền giáo dục không có nhiều chọn lựa là chấp nhận nó theo kiểu “nắng mưa là bệnh của trời”, trong lúc những người lớn lên trong một nền giáo dục tự do là phản kháng nó.
Những phản kháng của sinh viên có sự ủng hộ của nhiều nhà giáo Pháp mùa hè năm 1968 được xem như là một cuộc cách mạng dân sự (civil revolution) vì làm lung lay chính quyền của tổng thống De Gaulle. TT De Gaulle sợ đến nỗi ông định di tản ra khỏi Élysée Palace để sinh viên không có lý do tàn phá cung điện lịch sử này. Các phản kháng của sinh viên, nghiệp đoàn lao động, giáo chức Pháp mang tính tả khuynh vẫn là các tổ chức xã hội dân sự trong một xã hội dân chủ.
Dưới chế độ CS thì khác. Các hội chuyên nghiệp được lập ra không phải là để hoạt động, phát triển, tương thân tương trợ giữa những người cùng nghề nghiệp mà để cho đảng dễ kiểm soát. Hội Nhà Giáo cũng trong cùng số phận và được chỉ đạo chặt chẽ từ trên cấp trung ương đến từng trường học, từng tổ giảng dạy. Tinh thần “Tôn sư trọng đạo”, “kỹ sư tâm hồn” chỉ là những mỹ từ làm mát lòng các thầy cô.
Nội dung Ngày Nhà Giáo Việt Nam
Tại Việt Nam, ngày 20 tháng 11 được đảng CS chọn làm Ngày Nhà Giáo Việt Nam. Ngày này, từ nguồn gốc đến nội dung và ý nghĩa đều mang tính CS.
Hai mệnh đề chính giải thích nội dung hoàn toàn có tính cách chính trị và đấu tranh giai cấp của ngày Nhà Giáo Việt Nam do đảng đưa ra:
(1) “Đấu tranh chống mọi quan điểm và phương pháp giáo dục lạc hậu, phản động, phản dân chủ, phản khoa học của nền giáo dục tư sản, phong kiến nhằm xây dựng nền giáo dục tiến bộ, dân chủ và khoa học.”
(2) “Trong những năm kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, Công đoàn Giáo dục Việt Nam đã liên hệ với FISE với mục đích tranh thủ các diễn đàn quốc tế, tố cáo âm mưu tội ác của bọn đế quốc xâm lược đối với nhân dân ta cũng như đối với giáo viên và học sinh. Đồng thời, giới thiệu những thành tích của nền giáo dục cách mạng, tranh thủ sự đồng tình ủng hộ của toàn thể giáo viên trên thế giới đối với cuộc kháng chiến chính nghĩa của nhân dân ta.”
Nguồn gốc CS của FISE
Trong nội dung của Bộ Giáo Dục Việt Nam có nhắc đến tổ chức FISE theo tiếng Pháp của Fédération Internationale Syndicale des Enseignants (Liên hiệp quốc tế các công đoàn giáo viên) và xem đây là nguồn gốc dẫn đến Ngày Nhà Giáo Việt Nam.
Nhắc lại, những thập niên đầu của thế kỷ hai mươi hàng loạt các tổ chức giáo dục quốc tế được ra đời, như một tổ chức có tên khá dài gọi là Ủy Ban Quốc Tế của các Liên Đoàn Giáo Chức Quốc Gia trong Hệ Thống Trung Học (FIPESO) được thành lập tại Bỉ năm 1912, Liên Đoàn Thế Giới các Hội Giáo Dục Thế Giới (WFEA) thành lập tại San Francisco năm 1923 v.v...
Sau Thế chiến Thứ Hai, với sự bành trướng của Liên Sô sang Đông Âu, sự phân cực về ý thức hệ Cộng Sản và Tự Do rõ nét và điều này cũng ảnh hưởng đến các tổ chức lao động, giáo dục trước đây hoạt động độc lập.
Được thành lập tại Paris, năm 1946, FISE là chữ viết tắt của tổ chức nhà giáo quốc tế có tên là Fédération Internationale Syndicale des Enseignants hay tiếng Anh là World Federation of Teachers’ Unions (Liên hiệp quốc tế các công đoàn giáo viên). Giống như một số tổ chức lao động khác, FISE bị CS khuynh loát.
Tài liệu “Facts about International Communist Front Organizations” công bố tại Mỹ năm 1957 tiết lộ FISE là tổ chức ngoại vi CS và hoàn toàn bị chi phối bởi Đệ Tam Quốc Tế CS. Chủ tịch đoàn của FISE do các đảng viên CS quốc tế hay các nhà trí thức thân cộng sản điều khiển.
Ban lãnh đạo của FISE, sau khi tái tổ chức năm 1949, do các đảng viên CS khắp nơi trên thế giới điều hành như Antonio Banfi, Thượng Nghị Sĩ đảng viên CS Ý, Fan Ming, đảng viên đảng CS Trung Quốc, Cesar Godoy Urrutia, đảng viên đảng CS Chile v.v...
FISE không phải là thành viên của UNESCO và chỉ gián tiếp có quan hệ với UNESCO qua trung gian của Liên Hiệp Công Đoàn Thế Giới (World Federation of Trade Unions) gọi tắt là WFTU, trong đó FISE là thành viên.
Không phải chỉ thời kỳ phong trào CS còn mạnh mà ngay cả ngày nay, WFTU vẫn còn khống chế bởi tư tưởng và đảng viên CS. Các thành viên WFTU tham gia trong cuộc biểu tình mừng “Cách mạng Tháng Mười Vĩ Đại” tại Nga ngày 7 tháng 11, 2017 vừa qua. Đương kim chủ tịch của WFTU là George Mavrikos, lãnh tụ đảng CS Hy Lạp.
Ngày Nhà Giáo Thế Giới Liên Hiệp Quốc
Ngày Nhà Giáo Thế Giới do UNESCO quy định là ngày 5 tháng 10 và tuyên bố lần đầu năm 1994.
UNESCO chọn 5 tháng 10 để vinh danh ngày công bố Đề Nghị liên quan đến Định Chế của các Nhà Giáo (Recommendation concerning the Status of Teachers) được công bố vào ngày 5 tháng 10, 1966 do sự phối hợp của hai tổ chức UNESCO và ILO.
ILO là tên viết tắt của International Labour Organization (Tổ Chức Lao Động Quốc Tế.) Tổ chức này được thành lập năm 1919 với ý nguyện đoàn kết các lực lượng lao động để theo đuổi nền hòa bình lâu dài cho thế giới. Đây là tổ chức chuyên nghiệp đầu tiên hoạt động trong khuôn khổ của Liên Hiệp Quốc từ ngày thành lập năm 1946 và có 187 quốc gia hội viên.
Không giống WFTU Cộng Sản, ILO là một tổ chức độc lập với một lịch sử lâu đời. Ngay cả CSVN cũng đã gia nhập ILO năm 1992 và văn phòng của ILO tại Việt Nam bắt đầu hoạt động vào năm 2003.
Một số quốc gia ủng hộ quyết định của Liên Hiệp Quốc nên dù có ngày khác họ cũng đổi sang ngày 5 tháng 10 như trường hợp Canada, Đức, Armenia, Azerbaijan, Bangladesh, Bulgaria, Cameroon, Lithuania, Macedonia, Pakistan, Philippines, Nga, Serbia v.v..
Lưu ý, nhiều nước cựu CS như Nga, Bulgari, Serbia, các nước Baltics đều đổi sang ngày do UNESCO công bố.
Việt Nam là nước duy nhất chọn ngày do tổ chức Cộng Sản quốc tế ấn định. Bảng tổng kết Ngày Nhà Giáo thế giới viết về trường hợp Việt Nam. “Lễ Ngày Nhà Giáo có nguồn gốc trong một hội nghị giữa các nhà giáo trong khối CS được tổ chức tại Warsaw 1957.”
Người viết tin rằng phần lớn những người làm nghề giáo tại Việt Nam không biết ý nghĩa thật sự của Ngày Nhà Giáo và dù biết họ cũng không mấy quan tâm. Với họ đó chỉ là ngày truyền thống, ngày để được tặng hoa, được nghe lời cám ơn. Thật khó trách, sống trong guồng máy phải cuốn theo guồng máy và dần dần yêu nó.
Erich Maria Remarque viết trong tiểu thuyết của ông “hạnh phúc bắt đầu từ thói quen”, tuy nhiên, lịch sử không chuyển động theo thói quen mà theo lẽ phải.
20.11.20177
________________________________
Tham khảo:
- Tài liệu “Facts about International Communist Front Organizations”, 1957
- Victor Yves Ghébali, Roberto Ago, Nicolás Valticos, The International Labour Organisation: A Case Study on the Evolution of U.N pp 33 – 45
- World Federation of Trade Unions: What it is and what it wants, Ideological and Political issues of the International Trade Union Movement, 16 Speeches - by the General Secretary, First Edition – 2013, Printed in Johannesburg, South Africa.
- The ILO/UNESCO Recommendation concerning the Status of Teachers (1966) and The UNESCO Recommendation concerning the Status of Higher-Education Teaching Personnel (1997), Copyright © United Nations Educational, Scientific and Cultural Organization and International Labour Organization 2008
- Website of World Federation of Trade Unions http://www.wftucentral.org
- Website of UNESCO (https://en.unesco.org)
- Website of ILO (http://www.ilo.org)
- The ILO in Viet Nam (http://www.ilo.org/wcmsp5/groups/public/---asia/---ro-bangkok/---ilo-hanoi/documents/publication/wcms_470847.pdf)
- List of Teachers' Days https://en.wikipedia.org/wiki/List_of_Teachers%27_Days.