Ngàn Hương (Danlambao) - Mấy hôm nay, dư luận trong và ngoài nước lại “dậy sóng” khi truyền thông nhà nước loan tin “TAND TP Hà Nội đưa bị cáo Đinh La Thăng, Trịnh Xuân Thanh cùng 20 bị cáo khác ra xét xử tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng" và "Tham ô tài sản”.
Trước đó vào ngày 08/12/2017, truyền thông nhà nước loan tin: “Khởi tố, bắt tạm giam ông Đinh La Thăng”.
Theo đó, “Ông Đinh La Thăng bị khởi tố vì có những vi phạm nghiêm trọng trong việc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) góp vốn 800 tỉ đồng vào Ngân hàng cổ phần Đại Dương (OceanBank) và mất trắng số tiền này.
Ngày 8-12, Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an đã ra quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam ông Đinh La Thăng - nguyên chủ tịch hội đồng quản trị (sau này là hội đồng thành viên) Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN), nguyên đại biểu Quốc hội khóa XIV; ủy viên Trung ương Đảng, phó trưởng Ban Kinh tế trung ương, để điều tra về hành vi cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.
Việc này thực hiện theo quyết định khởi tố bị can số 522/C46 ngày 8-12-2017 và lệnh bắt tạm giam số 134/C46 ngày 8-12-2017 của Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an"(1).
Đến hôm 08/01/2018, nghĩa là chỉ sau đúng một tháng, kể từ ngày bắt ông Đinh La Thăng, thì nhà nước CSVN đã “gấp rút, hối hả” đưa vụ án này ra xét xử.
Điều này là rất bất ngờ. Vì từ trước đến nay, sau khi bắt tạm giam, các đương sự sẽ bị cơ quan công an “điều tra làm rõ” ít nhất là 4 tháng, rồi mới đưa ra xét xử. Cũng có trường hợp trên 2 năm sau khi bị bắt mà nhà nước vẫn “ngâm” mãi, như LS Nguyễn Văn Đài bị bắt vào ngày 16 Tháng Mười Hai năm 2015, đến nay đã hơn 2 năm mà vẫn chưa thấy nhà nước động tĩnh gì. Phải chăng với những người bị bắt dính dáng đến chính trị, nào là “âm mưu lật đổ nhà nước CHXHCNVN”, nào là “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân”… thì sẽ được nhà nước ưu tiên “ngâm” càng lâu càng tốt.
Bộ Luật Tố tụng hình sự 2003 quy định: Thời hạn giải quyết vụ án từ khi khởi tố đến khi xét xử sơ thẩm như sau:
“Một người bị khởi tố về một hành vi phạm tội nào đó thì thông thường trải qua 3 giai đoạn: điều tra, truy tố và xét xử.
Quy định cụ thể về thời hạn qua từng giai đoạn tố tụng. Theo đó, thời hạn để giải quyết một vụ án hình sự kể từ khi khởi tố đến khi xét xử (sơ thẩm) phải trải qua 3 thời hạn tương ứng với 3 giai đoạn tố tụng như sau:
1, Thời hạn điều tra
Thời hạn điều tra vụ án hình sự không quá hai tháng đối với tội phạm ít nghiêm trọng, không quá ba tháng đối với tội phạm nghiêm trọng, không quá bốn tháng đối với tội phạm rất nghiêm trọng và tội phạm đặc biệt nghiêm trọng, kể từ khi khởi tố vụ án cho đến khi kết thúc điều tra.
2, Thời hạn quyết định truy tố
Trong thời hạn ba mươi ngày đối với tội phạm rất nghiêm trọng và tội phạm đặc biệt nghiêm trọng, kể từ ngày nhận được hồ sơ vụ án và bản kết luận điều tra, Viện kiểm sát phải ra quyết định: Truy tố bị can trước Tòa án bằng bản cáo trạng.
3, Thời hạn chuẩn bị xét xử
Sau khi nhận hồ sơ vụ án, Thẩm phán được phân công chủ tọa phiên tòa có nhiệm vụ nghiên cứu hồ sơ; giải quyết các khiếu nại và yêu cầu của những người tham gia tố tụng và tiến hành những việc khác cần thiết cho việc mở phiên tòa.
Trong thời hạn hai tháng đối với tội phạm rất nghiêm trọng, ba tháng đối với tội phạm đặc biệt nghiêm trọng, kể từ ngày nhận hồ sơ vụ án, Thẩm phán được phân công chủ tọa phiên tòa phải ra quyết định: Đưa vụ án ra xét xử"(2).
Đối với vụ án ông Đinh La Thăng, một cựu Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bí thư TP.HCM, nay bị bắt và bị đưa ra xét xử, thì đương nhiên là loại “tội phạm rất nghiêm trọng, hoặc đặc biệt nghiêm trọng”.
Vậy mà, ngày 8/12/2017 khởi tố, bắt tạm giam. 12 ngày sau, hoàn tất hồ sơ kèm theo Lệnh Truy tố (20.12.2017) về tội “Cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế, gây hậu quả nghiêm trọng” theo điều 165, BLHS. Nếu trừ đi mấy ngày nghỉ cuối tuần, thì thời gian hoàn tất hồ sơ chẳng còn là bao.
Có lẽ trong lịch sử tố tụng của Nước CHXHCN VN sẽ phải ghi nhận kỷ lục vô tiền khoáng hậu này.
Như một chuyến tàu tốc hành, trên đó chở bị cáo Đinh La Thăng chạy hết tốc độ, lao đến đích càng nhanh càng tốt. Dư luận nghi ngờ vì động cơ gì trong việc phải xử gấp Đinh La Thăng. Và các bước tố tụng có đúng quy trình không? Với hơn 18.000 bút lục, và chỉ hơn chục ngày để các luật sư nghiên cứu, liệu đó có phải là một sự thách đố đối với các luật sư không? Có phải là áp lực đối với các vị Thẩm phán không?
Trở lại vấn đề Công và Tội của ông Đinh La Thăng.
Báo chí lề đảng, những con người chỉ mới thời gian trước đây, sau khi ông Thăng về làm Bí thư thành Hồ, với những phát ngôn và hành động nổi bật, đã đua nhau như một đàn ruồi xanh, theo “nâng bi” tân Bí thư, với những lời tung hô có cánh, muốn “thổi” ông Thăng lên tận mây xanh, coi ông như một “thần tượng”.
Thì nay, cũng với những tờ báo ấy, với những cây bút ấy, lại ra sức ném đá ào ào vào ông. Họ thay mặt tòa án, kết ông Thăng rất nhiều tội trước khi tòa tuyên án. Hành động này chẳng khác gì ngửa mặt lên trời phun nước bọt, thì thứ nước ấy lại rơi vào mặt mình.
Những “tội lỗi” mà báo lề đảng kể ra về việc ông ấy làm thất thoát bao nhiêu tỷ ấy, có thể có, có thể không, có thể nhiều, có thể ít. Vì dân ta chẳng lạ gì về “miệng lưỡi nhà sản” xưa nay. Ngay như những vị đại ân nhân của họ, như bà Cát Hanh Long (Nguyễn Thị Năm), hoặc ông bà Trịnh Văn Bô, từ chỗ là ân nhân, đã hiến hàng ngàn lạng vàng cho đảng lúc đảng gặp khó khăn, sau chuyển sang tội đồ chỉ trong chốc lát. Ông bà Trịnh Văn Bô còn được phúc lớn là không phải đền mạng, sống với con cháu đến tuổi già. Còn bà Cát Hanh Long, sau khi được đảng trả ơn bằng bài báo ký tên CB, sau này được tác giả Trần Đĩnh kể lại trong tác phẩm Đèn Cù, CB là “của Bác”, đã bị đội cải cách đem ra đâu tố. Sau đó khi người du kích chuẩn bị bắn bà, đã an ủi bà chỉ di chuyển chỗ giam mà thôi. Bà vừa quay đi thì liền bị một loạt đạn bắn ngang lưng khiến bà gục tại chỗ.
Vậy thì việc ông Đinh La Thăng với những trò ma mãnh, từ một anh kế toán, sau làm Bí thư Đoàn của Tổng Công ty Sông Đà, biết giỏi luồn lách, nhảy lên được chức Tổng Giám đốc của công ty này, rồi làm Chủ tịch Tập đoàn Dầu khí Việt Nam. Khi đã ngồi trên đống tiền nhiều tỷ đô của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, đã biết dùng đồng tiền để tiến thân, để được lên chức. Vì trong xã hội này, có ai tự nhiên mà được thăng quan tiến chức bao giờ. Thì nay ông ấy phải tra tay vào còng là điều dễ hiểu.
Nhưng cái “tội” của ông Đinh La Thăng rất rõ ràng mà mọi người đều biết. Đó là việc ông ấy đã cho đập nát chùa Liên Trì đã có hàng trăm năm tuổi, để thực hiện dự án cướp đất tại Khu Đô Thị Thủ Thiêm. Điều mà trước đó, vị Bí thư tiền nhiệm Lê Thanh Hải chưa dám làm.
Nhiều người đã không cầm được nước mắt khi chứng kiến hình ảnh vị Hòa thượng trụ trì già nua Thích Không Tánh, khi trở về, thấy ngôi chùa thân yêu gắn bó với mình bao năm nay, đã bị đập phá không thương tiếc. Ông đứng trên đống gạch đá ngổn ngang, run lẩy bẩy, vẻ mặt thẫn thờ, không hiểu vì sao người ta tàn ác như vậy, khi dám xúc phạm đến nơi tôn nghiêm, đạp đổ cả những điểm tựa tâm linh của con người.
Thứ hai là khi Công ty vỏ Đài ruột Tàu Formosa Hà Tĩnh, gây ra thảm họa môi trường khủng khiếp chưa từng có trong lịch sử nước nhà, đã xả hàng ngàn tấn chất thải cực độc ra vùng biển miền Trung, làm chết hàng trăm ngàn tấn hải sản các loại, nổi lên trắng bờ bãi 4 tỉnh miền Trung, đã đẩy mấy triệu người dân nghèo nơi đây vào bước đường cùng vì hết kế sinh nhai, gây phẫn nộ tột cùng trong nhân dân. Trong cơn phẫn uất ấy, nhân dân nhiều nơi, từ Bắc chí Nam đã xuống đường biểu tình phản đối, đòi kẻ gây ra tội ác phải bị xét xử và bồi thường thỏa đáng cho dân.
Thì ông Đinh La Thăng đã cho các lực lượng đàn áp các cuộc biểu tình rất khốc liệt. Nhiều người bị đánh thâm tím mặt mày, bị câu lưu nhiều giờ trong đồn công an, chỉ vì cái tội bày tỏ ôn hòa thái độ của mình trước kẻ đã gây ra tội ác.
Chỉ với hai hành động này thôi, đã làm cho rất nhiều người, khi nhìn thấy hình ảnh ông Thăng bị còng tay, bị dẫn giải đến tòa, làm cho họ rất hả hê, và nói rằng “Trời có con mắt”, và đó là “quả báo”.
Nhiều người cũng nói ông Thăng đã làm được việc này việc nọ. Nhưng đó cũng chỉ là phận sự của kẻ “ăn cơm chúa múa tối ngày” mà thôi.
Nhưng người dân cũng cần ghi nhận điều này. Đó là chính ông Đinh La Thăng, khi còn làm Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải, đã xóa bỏ quy định tốc độ tối đa 40km/h đối với các loại xe cơ giới khi lưu thông trong khu đô thị hoặc vùng dân cư nông thôn, vì đường sá nay đã rộng rãi hơn trước.
Cũng chính ông Đinh La Thăng đã “cấm” các đồng chí CSGT khi làm nhiệm vụ, không được núp lùm núp lòi, không được chui rúc trong các nhà cầu, hầm xí, hố phân ven đường như những tên trộm cắp đê hèn, để lẻn lút rình mò ghi hình người tham gia giao thông.
Chính hành động này được nhân dân rất hoan nghênh. Ngược lại đã làm cho ngành công an thiệt hại vô cùng to lớn. Vì mất đi một nguồn thu nhập khổng lồ nhờ các kiểu làm tiền dơ bẩn như những tên cướp cạn trên đường. Vì vậy ngành công an gọi ông là “Đinh tặc”.
Điều này đã được một CSGT tỉnh Đồng Nai, lấy tài khoản facebook “Cánh Đồng Ngô”, tiết lộ vào ngày 02/12/2015, tố cáo Đại tá Huỳnh Tiến Mạnh, trước là Trưởng phòng CSGT CA tỉnh Đồng Nai, sau lên làm Giám đốc Công an tỉnh Đồng Nai.
“Chủ tài khoản facebook này tự xưng là CSGT đang công tác tại Công an tỉnh Đồng Nai và có thâm niên 15 năm hoạt động trong ngành. Hơn 15 năm trong nghề CSGT, tôi và anh em giao thông chịu nhiều tủi nhục, để dư luận xem thường, bị báo chí soi mói, từng chai mặt đi quỳ lạy phóng viên khi bị quay phim tiêu cực. Tất cả là vì ai, vì cái gì?,… Ông đã từng sống với chúng tôi, ăn chung, ngủ chung, ông dạy chúng tôi những gì???????? Ông dạy chúng tôi ăn hối lộ, bảo kê xe, nhận tiền xe hàng tháng. Ông dạy chúng tôi cách ăn gian xăng nhà nước, ông dạy chúng tôi cách chung chi cho ông, cho lãnh đạo trên ông, cho ban giám đốc, và giờ ông là người đứng đầu công an tỉnh, tất cả các nguồn chung chi tập trung vào ông”.
“Thu nhập mỗi cán bộ CSGT Đồng Nai mỗi tháng ít nhất là 300 triệu đồng, chỉ huy ít nhất là 700 triệu đồng, sau khi chung chi cho cấp trên. Mỗi tháng thu nhập của ông Mạnh từ các tổ, trạm chung lên là hơn 5 tỷ đồng"(3).
Hôm nay ông Đinh La Thăng đứng hầu tòa, với vai trò “bị cáo”, đối diện với bản án đã được định sẵn.
Thật quá đau đớn. Nhưng đau hơn cả là những đồng tiền mà người ta cáo buộc ông tham nhũng ấy, có phải một mình ông ăn cả đâu, mà ông đã phải “rải” ra từ trên xuống dưới trong bao nhiêu năm nay.
Cứ theo lời khai của Nguyễn Xuân Sơn, thì mỗi dịp lễ tết, tùy theo chức vụ, quà biếu cho các vị phải từ năm trăm triệu trở xuống cho mỗi vị.
Tại phiên tòa xử đại án OceanBank ngày 30-8, bị cáo Nguyễn Xuân Sơn khai mỗi năm Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) phải chi 30-50 tỉ đồng để biếu quà lễ, Tết(4).
Vì vậy Nguyễn Xuân Sơn đã đề nghị những vị nào đã lỡ “ngậm”, thì nay tự giác trả lại.
Thật là hão huyền.
Họ đã ăn rất nhiều rồi, vì nếu họ không được ăn, thì họ đã đuổi các anh xuống từ lâu. Nay họ lại lôi các anh ra xử, vì cái tội các anh ăn mà không biết chùi mép, thế thôi.
Hôm nay các anh phải đứng trước tòa, để người ta phán xét, để chứng tỏ họ nghiêm minh, trong sạch. Vì anh không biết quy phục, hoặc nhả ra nhiều hơn.
Cái đau nữa đối với ông Đinh La Thăng là, ông chỉ là nạn nhân của những cuộc chiến tranh giành quyền lực giữa các phe phái. Xui xẻo cho ông là cái phe mà trước đây ông chọn đứng chung hàng ngũ khi ấy, thế và lực rất vững vàng như bàn thạch. Nay do thay thời đổi thế, đã dồn ông đứng cùng phe của “bên thua cuộc”, nên ông mới mang họa.
Suy cho cùng, trong bàn cờ chính trị thời nay, kẻ chiến thắng chưa chắc đã là kẻ mạnh. Hiện thời phe ông Trọng còn được Tàu dùng làm con bài thực hiện kế hoạch hiện thực hóa nội dung Hội nghị Thành Đô, là biến VN thành “khu tự trị”, để từ đó thành lập nhà nước Âu Lạc.
Nhưng “mưu sự tại nhân, thành sự tại thiên”.
Nếu những người cùng là nạn nhân của chiến dịch đốt lò của ông Trọng biết đoàn kết lại, kết hợp với những Trần Độ, Trần Xuân Bách thời nay đang ẩn mình chờ thời, quyết vùng dậy làm một cuộc “thay máu” trong nội bộ ĐCSVN, thì có ngày ông Trọng và đồng bọn trong “bên thắng cuộc” hôm nay, lại phải đứng trước vành móng ngựa để trả lời về những tội lội do họ gây ra.
Trong đó, tội lớn nhất là làm tay sai cho giặc Tàu để chúng nuốt dần biển đảo nước ta.
Hai là tội đàn áp những người yêu nước. Xét xử họ với những bản án rất nặng, thể hiện lòng trung thành đối với chủ.
Chỉ vì những con người này đã phạm tội YÊU NƯỚC.
9/1/2017
___________________________________
Chú thích: