Mai Thanh Truyết (Danlambao) - Tình trạng khủng bố hiện nay đang xảy ra ở hầu hết các quốc gia trên thế giới với cường độ ngày càng nghiêm trọng và dã man hơn với việc ôm bom tự sát, đặc biệt là các quốc gia trong Liên hiệp Âu châu và Bắc Mỹ. Cơ quan Cảnh sát Toàn cầu đã càng làm việc cật lực hơn nhưng vẫn không hạn chế được tầm hoạt động của các nhóm khủng bố trên thế giới. Và, nghiêm trọng hơn cả là vấn đề khủng bố sinh học. Chúng ta còn nhớ, trong nhiệm kỳ của Tổng thống Bush và Clinton, nhiều thư chứa các mầm sinh học độc hại đã được gửi đến những cơ quan công quyền và đã từng tạo ra hỗn loạn và hoảng loạn cho dân chúng và chính quyền.
1- Lưu tâm của thế giới về khủng bố sinh học
Tổ chức Cảnh sát Hình sự Quốc tế - The International Criminal Police Organization - ICPO-INTERPOL), thường được gọi là Interpol, là một tổ chức quốc tế tạo điều kiện cho hợp tác quốc tế về cảnh sát, được thành lập với tư cách là Ủy ban Cảnh sát Hình sự Quốc tế - International Criminal Police Commission - ICPC năm 1923. Vào năm 1956 tên Interpol trở thành tên chính thức áp dụng cho toàn cầu.
Vào ngày 1/3/2005, một hội nghị do Cơ quan cảnh sát toàn cầu (Interpol) chủ xướng tại Lyon, Pháp Quốc và cũng là trụ sở chính của cơ quan này. Hội nghị đã quy tụ trên 500 cảnh sát và chuyên viên chống khủng bố đến từ 155 quốc gia trên thế giới. Ngay buổi sáng khai mạc, Ông Ronald K. Noble, Tổng thư ký interpol tuyên bố: "Mối đe dọa của khủng bố sinh học là có thật" khi được tin là al Qaida đã đưa lên mạng lưới toàn cầu những chỉ dẫn về việc chế tạo các vũ khí sinh học.
Hội nghị đã nhấn mạnh điểm cần lưu ý là hệ thống Interpol cũng như tình trạng nhân sự hiện nay không được huấn luyện và trang bị đầy đủ để kịp thời ngăn chặn hoặc ứng phó với những tấn công sinh học.
Các tham dự viên đã được học tập qua Hội nghị những kinh nghiệm trong quá khứ như những vụ khủng bố qua đường bưu điện trong các bao thư có chứa mầm bệnh than (anthrax) đã từng gây chấn động tại Hoa Kỳ sau vụ 9/11. Cuộc tấn công hệ thống xe điện ngầm ở Tokyo, Nhật Bản năm 1995 bằng hơi độc sarin do một giáo phái Islam cũng được diễn lại.
Sau cùng, trong hai ngày hội nghị, các cuộc thảo luận đều dẫn đến những biện pháp phòng ngừa cũng như huấn luyện nghiệp vụ đặc biệt cho cảnh sát Interpol. Cũng cần nên biết Interpol được thành lập qua một nghị quyết của LHQ và ngân sách hàng năm vào khoảng 50 triệu Mỹ kim qua sự đóng góp của 182 thành viên trên thế giới.
Bài viết có mục đích trình bày một vài diễn tiến mới trong việc phòng chống khủng bố sinh học và một vài quan điểm liên quan đến vấn đề đang gây sôi động trên thế giới hôm nay.
2- Tiêu chuẩn ngăn ngừa khủng bố sinh học: An ninh khoa học
Trước hết, từ năm 2002, Hoa Kỳ đã đi đầu về hoạch định kế hoạch để ngăn ngừa khủng bố sinh học. Trước khi xảy ra vụ 9/11, các nhà nghiên cứu sinh học Hoa Kỳ chỉ cần thông báo cho chính phủ khi có dịch vụ di chuyển các mầm bệnh nguy hiểm mà thôi. Nhưng từ khi đạo luật An ninh Công cộng và luật Chuẩn bị và Đáp ứng trước Khủng bố Sinh học được Quốc hội phê chuẩn năm 2002 thì các khoa học gia cần phải liệt kê tất cả các tác nhân nghiên cứu trong sinh học như: định mức tiêu thụ trong thời gian thí nghiệm, mục tiêu thí nghiệm v.v... ngoài báo cáo di chuyển hay trao đổi với các trung tâm nghiên cứu khác như trước kia. Cũng theo hai luật nầy, mọi thủ tục cần phải có Cơ quan Kiểm soát Dịch tể (CDC) chấp thuận trước khi di chuyển và khoa học gia chủ xướng phải hoàn toàn chịu trách nhiệm về hồ sơ di dời và mục đích chuyển tải.
Tại Hoa Kỳ, có tất cả hơn 800 cơ quan chính phủ, đại học, cơ quan nghiên cứu tư nhân, và các trung tâm sản xuất sinh hóa chất đều phải đăng bộ với Cơ quan Kiểm soát Dịch tể và Bộ Nông nghiệp để kiểm soát 80 tác nhân sinh học được xem là độc hại và có nguy cơ làm chết người nhất.
Một thí dụ trước và sau khi khủng bố 9/11 là GS Theresa Koehler, Viện Đại học Texas đã nghiên cứu chất anthrax trong suốt 20 năm vừa qua. Trước kia, chỉ cần 1 hoặc 2 ngày để di chuyển một lượng nhỏ tác nhân nầy đi đến một trung tâm nghiên cứu khác. Mà nay, phải cần đến 5 tháng mới làm xong các thủ tục di dời.
3- Lợi và bất lợi trong Luật An ninh khoa học
Trước hết, an ninh khoa học có thể ngăn chặn và kiểm soát được mầm mống khủng bố nhưng đây cũng thể hiện nhiều bất lợi trong việc phát triển nghiên cứu:
- Thời gian trao đổi giữa các trung tâm nghiên cứu quá dài; do đó làm chậm đi tiến trình khai triển và thông đạt kết quả nghiên cứu giữa các trung tâm. Từ đó làm cho công tác bị khựng lại;
- Ngoài bất lợi vừa kể trên, chính sách nầy đã gây nên một ngân khoản phụ trội quá tốn kém ảnh hưởng lên tiến độ của nghiên cứu;
- Chính sách trên cũng còn một sơ hở căn bản là, mặc dù kiểm soát chặt chẽ hồ sơ lý lịch của từng khoa học gia, nhưng theo lời của TS Ted Jones, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát Dịch tể (CDC), nếu một nhà làm khoa học cố ý làm sai trái... thì nhân viên kiểm soát của cơ quan trên khó phát hiện được vì không nắm vững hết các yếu tố trong cuộc nghiên cứu. Do đó, việc kiểm soát lý lịch cần phải có sự trợ giúp của cơ quan Cảnh sát Liên bang (FBI). Nhưng cho đến nay (2004), FBI cũng chỉ hoàn tất được 85% hồ sơ của gần 11.000 khoa học gia trong lãnh vực sinh học đã đăng bộ. Số còn lại vẫn nằm trong vòng điều tra và đành phải ngưng nghiên cứu trong lãnh vực nầy cho đến khi được chấp thuận. Đó là chưa kể đến trên 1.800 hồ sơ bị bác bỏ vì lý lịch còn nhiều nghi vấn.
- Thêm một kẽ hở khác là, dù có được kiểm kê chặt chẽ đi nữa, nhưng nếu có một khoa học gia nào có ý niệm xấu như có thể lấy đi một phần nhân tố độc hại trong một ống nghiệm đã được kiểm nghiệm mà vẫn không bị phát giác ra. Chỉ cần một vi lượng như thế cũng đủ tạo nên một tai họa lớn.
4- Phân loại độc hại
Sau những biện pháp tổng quát vừa đan cử trên đây, một bước kế tiếp là việc phân loại độc hại. Theo luật nầy, có tất cả 80 loại vi khuẩn, vi rút, nấm móc, và các độc chất được kể như là những nhân tố có khả năng dùng trong khủng bố sinh học. Cũng theo luật trên, Bộ Nông nghiệp và Trung tâm Kiểm soát Dịch tể chịu trách nhiệm về việc thi hành luật qua việc tuyển chọn và xếp loại các nhân tố độc hại, thiết lập các trung tâm thí nghiệm, nghiên cứu, và xét nghiệm lý lịch những người bị nghi ngờ và khả năng tạo ra khủng bố. Về cung cách bảo quản các vi khuẩn trên, hai cơ quan nầy phải hoàn toàn chịu trách nhiệm về các công đoạn sử dụng, kiểm kê, tàng trữ, chuyển vận, và thải hồi. Và tất cả cần phải có hồ sơ với đầy đủ chi tiết trên.
Sở dĩ có sự phối hợp giữa hai cơ quan trên vì việc phân nhiệm rất rõ ràng. Cơ quan Kiểm soát Dịch tể có nhiệm vụ thiết lập danh sách và thông báo nguy cơ ảnh hưởng lên sức khỏe của từng loại độc chất như vi khuẩn gây bệnh truyền nhiễm chẳng hạn. Còn Bộ Nông nghiệp HK sẽ công bố những luật định về các nguy cơ lên súc vật và cây cỏ có thể ảnh hưởng hàng loạt đến đàn gia súc của quốc gia.
Đứng trên bình diện thế giới, Cơ quan Y tế Thế giới (WHO) phối hợp với các quốc gia qua Chương trình An toàn Sinh học (Bio-Safety Programme) có nhiệm vụ theo dõi các tai nạn và những hành động cố ý gây khủng bố có tầm vóc quốc gia hay ảnh hưởng lên một vùng rộng lớn trên thế giới qua sự phối hợp với các quốc gia tài trợ và tham dự chương trình này.
5- Tiêu chuẩn độc hại
Các tiêu chuẩn độc hại được chia làm 3 loại: A, B, và C căn cứ theo mức độ độc hại và lây lan.
Tiêu chuẩn A được xếp vào các loại có tác hại nguy hiểm nhất cho công cộng như:
- Vi khuẩn gây bệnh than (anthrax) có thể lây truyền qua đường hô hấp và da;
- Vi khuẩn Clostnidium botulinum từ trong đất tiết ra độc chất làm tê liệt các bắp thịt và hệ thần kinh và có thể đưa đến tử vong;
- Vi khuẩn gây ra bệnh đậu mùa (smallpox);
- Vi khuẩn gây bệnh dịch hạch (plague).
Tiêu chuẩn B gồm có các nhân tố có khả năng lan truyền và gây tử vong tương đối cho con người và thú vật như ricin (tinh dầu đu đủ tía), vi khuẩn gây bệnh cúm Q và Brucellosis. Đây là hai loại vi khuẩn truyền qua việc tiếp xúc trực tiếp từ gia súc như trâu, bò, nai, heo, chó... qua con người gây nên nóng lạnh, đau lưng, ảnh hưởng lên hệ thần kinh trung ương làm cho mệt mỏi dài hạn.
Tiêu chuẩn C được xem như là nhẹ nhất ít có khả năng được dùng như một vũ khí sinh học. Đó là: virus bệnh cúm vàng (yellow fever) gây ra bệnh sốt vàng da, vi khuẩn Hantavirus có thể gây tử vong qua việc lây truyền từ các loài gậm nhấm như chuột, bọ, sóc do sự tiếp xúc trực tiếp.
Việc chọn lựa và phân loại các nhân tố trên đây là một yếu tố quan trọng trong công cuộc phòng chống khủng bố sinh học. Từ 3 tiêu chuẩn trên, các nhân tố độc hại được chia ra làm 4 Nhóm Nguy cơ (Risk Group) có danh số từ 1 đến 4: GR1, 2,3,4. Tùy theo mức độ độc hại như: nhân tố ảnh hưởng đến hệ thần kinh, độc chất từ thực hay động vật, hóa chất giết người như cyanur, hay nhân tố ảnh hưởng lên bộ hô hấp và khí quản.
Nhóm Nguy cơ 1 (RG1) được xếp vào loại có nguy cơ gây bệnh cho người lớn. Nhóm RG2 là nhóm có liên quan đến bệnh tật của con người và có thể được chữa lành. Nhóm RG3 là những tác nhân lan truyền qua không khí và đường hô hấp, có thể gây tử vong trước mắt. Và sau cùng Nhóm RG4 là nhóm kịch độc, gây tử vong và có thể gây ra bệnh dịch ảnh hưởng đến những vùng rộng lớn. Do đó Nhóm 3 và 4 là những tác nhân khủng bố sinh học nguy hiểm nhất.
Về các trung tâm thí nghiệm, tại Hoa Kỳ hiện có 4 Trung tâm tối tân nhất có tên là Phòng thí nghiệm An ninh Sinh học cấp 4 (BSL-4) có mức an toàn và an ninh cao nhất. Đó là Trung tâm kiểm soát Dịch tể và Phòng ngừa (CDCP) tại Atlanta, Georgia, Viện Quốc gia về Bệnh truyền nhiễm và Dị ứng (NIAID), Frederic, Maryland, Viện Đại học Texas, Galveston, Texas, và Viện Nghiên cứu Sinh Y học, San Antonio, Texas.
6- Thay lời kết
Từ những biện pháp phòng bị và ngăn ngừa khủng bố sinh học trên tại Hoa Kỳ, nếu được các quốc gia khác trên thế giới tuân thủ, chúng ta hy vọng nạn khủng bố sinh học có thể được ngăn chận phần nào. Nhưng tiếc thay, những quốc gia còn lại trên thế giới, ngoài một số trong Liên hiệp Âu châu có khả năng tài chính và nhân sự để chạy theo hướng trên.
Những quốc gia còn lại, trước hết vì không đủ điều kiện, sau nữa vì tầm nhìn của mỗi quốc gia về vấn nạn khủng bố sinh học có thể khác biệt với quan niệm của các quốc gia Tây phương qua vấn đề chủng tộc, tôn giáo, và quyền lợi dân tộc.
Do đó, trên thực tế, không thể nào có một sự đồng thuận dù tương đối cho việc truy tìm một giải pháp chống khủng bố sinh học nầy. Trước mắt là các quốc gia Hồi giáo Trung Đông vẫn còn xem vũ khí sinh học là biện pháp hữu hiệu nhất để đối đầu với sức mạnh của Tây phương và thực hiện việc phục hồi lãnh thổ Hồi giáo qua việc xâm nhập và di dân sang châu Âu. Việc làm này ngày càng thể hiện rõ trong suốt thời gian năm 2017, hiện đang tạo ra khủng hoảng lớn cho Âu châu và cũng đang manh nha tại Hoa Kỳ.
Riêng tại Việt Nam, những vụ “thanh toán” nhau vì tranh giành quyền lợi và quyền lực của những nhóm lợi ích trong Bộ Chính trị CSVN trong những năm gần đây là những chỉ dấu rõ ràng nhất cho thế giới biết, CSVN đã áp dụng nhuần nhuyễn… khủng bố sinh học và phóng xạ như thế nào rồi!
Chính vì vậy, thế giới vẫn còn bất ổn dài dài dù Hoa Kỳ có thực thi thêm nhiều biện pháp nghiêm ngặt hơn nữa để phòng chống khủng bố sinh học vì một số quốc gia độc tài và còn mang nặng chủ nghĩa giáo điều còn lại trên thế giới vẫn áp dụng phương pháp nầy triệt để và nhuần nhuyễn hơn để triệt tiêu đối thủ.
14.01.2018
Hội KH&KT Việt Nam (VAST)