Hạnh phúc và cuộc đời - Dân Làm Báo

Hạnh phúc và cuộc đời

Cao-Đắc Tuấn (Danlambao) - Tóm Lược: Hạnh phúc được coi là mục tiêu chính yếu của cuộc đời nhưng có nhiều vấn đề trong việc đi tìm hạnh phúc. Các cuộc thăm dò và xếp hạng các quốc gia trên thế giới cho biết người dân trong mỗi quốc gia đánh giá trị cuộc sống của họ thế nào. Nhiều nghiên cứu và tìm tòi về hạnh phúc qua triết lý, khoa học, và tôn giáo cho thấy có một số điểm tương đồng. Qua những nghiên cứu này, chúng ta có thể thiết lập một hệ thống lý thuyết và thực hành căn bản trong việc mưu cầu hạnh phúc. Hầu hết các học thuyết này giới hạn với cá nhân và không đề cập đến hạnh phúc của một xã hội hoặc dân chúng trong một quốc gia. Tuổi trẻ cần phải chuẩn bị cho cuộc đấu tranh chống chế độ cộng sản tại Việt Nam khi đi tìm hạnh phúc bằng cách phát huy những cảm xúc tích cực và tiêu hủy những cảm xúc tiêu cực.

*

Hạnh phúc thường được coi là mục tiêu của cuộc sống. Quốc gia nào với chính quyền có trách nhiệm đều muốn dân mình hưởng hạnh phúc. Bản Tuyên ngôn độc lập Hoa Kỳ có câu: "Chúng tôi tin những sự thật này hiển nhiên, rằng mọi người sinh ra bình đẳng, rằng họ được Thượng đế ban cho những Quyền không thể tách rời được, rằng những quyền này gồm có Sự Sống, Tự Do và mưu cầu Hạnh Phúc." Nước Bhutan nhấn mạnh tầm quan trọng của hạnh phúc khi chính quyền dùng Tổng hạnh phúc quốc gia (Gross National Happiness, GNH) là mục tiêu của chính quyền xác định trong Hiến pháp (Wikipedia 2018a).

Một cách tổng quát, hạnh phúc thường được định nghĩa là sự sung sướng, toại nguyện hoặc thỏa mãn về cuộc sống, sự an bình và thoải mái trong đời, mức độ thoải mái chủ quan, hoặc đạt được những mong ước và có những vui thú (Argyle 2009, 1, 8). Những yếu tố khách quan về sự thỏa mãn gồm có: tiền bạc, sức khoẻ, việc làm, các mối liên hệ xã hội (thí dụ, hôn nhân, tình bạn), sự nhàn rỗi, nhà cửa, và giáo dục (Argyle 2009, 44-46). Hài hước cũng là một yếu tố của hạnh phúc và là trạng thái trí tuệ tốt đẹp (Argyle 2009, 54). 

Người ta thường nghĩ rằng những thành công vật chất trong đời như tiền bạc, địa vị sẽ đem lại hạnh phúc. Tuy nhiên, những nghiên cứu khoa học, triết lý, và các cuộc thăm dò ý kiến cho thấy mối liên hệ ngược lại: chính hạnh phúc đem lại thành công và nhiều kết quả tốt đẹp khác. Trong vài nghiên cứu, "hạnh phúc và ý nghĩa cuộc đời được chấm quan trọng hơn nhiều so với tiền bạc, đạo đức, và ngay cả lên thiên đàng" (Argyle 2009, 1). Do đó, trong cuộc sống, hạnh phúc không xoay quanh thành công, mà ngược lại: chính thành công xoay quanh hạnh phúc như trái đất xoay quanh mặt trời (Achor 2010, 37-38).

A. Chỉ số hạnh phúc:

Vì hạnh phúc là mục tiêu quan trọng trong cuộc sống người dân, có nhiều nghiên cứu hoặc thăm dò dân chúng trên thế giới để xếp hạng quốc gia trên thế giới bằng cách dùng những chỉ số hoặc điểm trung bình đánh giá hạnh phúc của người dân trong mỗi quốc gia. Những bảng xếp hạng này thường chỉ có giá trị tương đối vì các cuộc thăm dò dựa vào một số phần trăm rất nhỏ trong dân số mỗi quốc gia. Ngoài ra, quan điểm và tiêu chuẩn về hạnh phúc của mỗi người khác nhau; do đó, khó có một kết luận chính xác. Dù sao, kết quả các bảng xếp hạng này cho chúng ta một cái nhìn tổng quát về người dân trên thế giới đánh giá trị cuộc sống của họ thế nào.

Một bảng xếp hạng dựa vào Happy Planet Index (HPI), tạm dịch Chỉ số hành tinh hạnh phúc (CSHTHP), thường gây lẫn lộn (Xem, NEF 2012; 2016). Tổ chức NEF công bố bảng xếp hạng khoảng 140 quốc gia trên thế giới vào năm 2012 và 2016 (Xem, NEF 2012; 2016). Việt Nam xếp hạng 2 trong bảng xếp hạng năm 2012 và hạng 5 trong bảng xếp hạng 2016. Kết quả này khiến nhiều người, nhất là dân Việt Nam và nhóm cầm quyền cộng sản (NCQCS) tại Việt Nam, ngạc nhiên.

Thực ra bảng xếp hạng dựa vào HPI gần như không có giá trị gì hết. HPI "không thực sự cho biết quốc gia nào hạnh phúc nhất, hoặc có nền an sinh (well-being) cao nhất, mà chỉ cho biết mức độ hữu hiệu một quốc gia tiêu thụ những tài nguyên sinh thái (ecological resources) để hỗ trợ một mức độ hạnh phúc nào đó" (Rampell 2009). HPI, do đó, không phải là chỉ số cho thấy người dân tại một quốc giả cảm thấy hạnh phúc. Ngoài ra, ngay cả trong việc tính toán HPI, có nhiều chỉ trích, nhất là việc dùng diện tích sinh thái (ecological footprint) trong công thức cho HPI (Xem thí dụ như, Lewis 2010; Pearce 2013). Tóm lại, bảng xếp hạng theo CSHTHP không dính líu gì đến mức độ hạnh phúc người dân trong một quốc gia theo ý nghĩa thông thường về cuộc sống.

Có hai bảng xếp hạng liên hệ trực tiếp đến mức độ hạnh phúc của người dân trong một quốc gia. Bảng thứ nhất do cơ quan United Nations Sustainable Development Solutions Network của Liên Hiệp Quốc (LHQ) (Wikipedia 2018b), sau đây gọi là bảng xếp hạng Sustainable Development Solutions Network (SDSN). Bảng thứ nhì do Ruut Veenhoven, một nhà nghiên cứu về hạnh phúc tại các quốc gia, thành lập (Veenhoven 2014), sau đây gọi là bảng xếp hạng Ruut Veenhoven (RV). Bảng xếp hạng SDSN và RV có kết quả từng quốc gia khác nhau, nhưng theo tương đối và tổng quát, hai bảng xếp hạng này khá giống nhau. Tôi ghi các kết quả này vào Excel spreadsheet và tính hệ số tương quan (correlation coefficient) giữa hai bảng xếp hạng. Hệ số tương quan của hai bảng là 0.87 cho thấy thứ hạng các quốc gia không chênh lệch nhiều lắm. Theo tôi, bảng xếp hạng SDSN được cập nhật hóa hơn và phản ảnh theo sát thời gian hiện nay hơn. Phần sau đây chỉ thảo luận về bảng xếp hạng SDSN. Độc giả muốn biết thêm về bảng xếp hạng RV có thể tham khảo thêm (Xem, thí dụ như, Veenhoven 2014).

Bản báo cáo về hạnh phúc thế giới của SDSN (Helliwell, Layard, và Sachs 2017) trình bày chi tiết cách thức tính toán chỉ số (điểm) hạnh phúc các quốc gia trên thế giới. Bảng xếp hạng dựa vào kết quả thăm dò khoảng 1.000 người dân trong mỗi quốc gia. Mỗi người tự đánh giá cuộc đời của mình theo thang điểm Cantril bằng cách trả lời câu hỏi: "Bạn hãy tưởng tượng một thang với bực thang đánh số từ 0 dưới cùng tới 10 ở trên đỉnh. Đỉnh thang tiêu biểu cuộc sống tốt đẹp nhất có thể được cho bạn và bực dưới cùng tiêu biểu cuộc sống tệ nhất có thể được cho bạn. Ở bực thang nào bạn cho rằng bạn đang đứng tại thời điểm này?" (Helliwell, Layard, và Sachs 2017, 9). 

Hính 1 cho thấy kết quả bảng xếp hạng SDSN cho 155 quốc gia (Helliwell, Layard, và Sachs 2017, 20-22; Wikipedia 2018b) và RV cho 158 quốc gia (Veenhoven 2014). Trong bảng xếp hạng SDSN, Việt Nam đứng hạng 94 xa dưới trung bình. Trong bảng xếp hạng VR, Việt Nam đứng hơn trung bình một ít. ác bảng xếp hạng, chỉ số, hoặc số điểm này không hoàn toàn chính xác và có "những kết quả rất đáng ngờ, nhất là về các so sánh quốc tế" (Argyle 2009, 2). Tuy nhiên, các cuộc thăm dò này cũng cho thấy kết quả tương đối và phản ảnh phần nào thực tế.

Hình 1: Thứ hạng và điểm về hạnh phúc tại vài quốc gia

Dựa vào những thống kê về Tổng Sản Lượng Nội Địa trên đầu người (Gross Domestic Product per capita) (Wikipedia 2018c), tôi tính hệ số tương quan (correlation coefficient) giữa điểm số đánh giá cuộc sống (chỉ số hạnh phúc) của SDSN và GDP mỗi đầu người (mức độ giàu có) để xem hai thông số này liên hệ với nhau thế nào. Kết quả là hệ số tương quan = 0.7; nghĩa là khá cao, nhưng không liên hệ mật thiết lắm.

Những bảng xếp hạng, chỉ số, hoặc hệ số tương quan chỉ cho thấy một khía cạnh nào đó. Các con số này không trả lời được những câu hỏi phức tạp hơn. Thí dụ, mức giàu có dẫn đến hạnh phúc, hay hạnh phúc dẫn đến mức giàu có? Chúng ta có thể không có được câu trà lời rõ rệt, nhưng có thể có được một sự hiểu biết sâu xa về vấn đề giúp phần nào trong việc tìm câu trả lời. Để làm được việc đó, chúng ta cần xem xét hạnh phúc dưới lăng kính tỉ mỉ và đa chiều hơn. Thí dụ, xem xét hạnh phúc qua nhiều quan điểm.

B. Hạnh phúc qua các quan điểm:

Có nhiều tài liệu, sách vở, và nghiên cứu về hạnh phúc và cách đạt hạnh phúc trong cuộc đời hoặc các môi trường sống trong xã hội như gia đình, nơi làm việc. Tài liệu về hạnh phúc thường xoay quanh các chủ đề chính như lý thuyết về hạnh phúc, cách sống để đạt hạnh phúc, và liên hệ giữa hạnh phúc với con người và cuộc đời. Trong phần sau đây, tôi sẽ chỉ trình bày một cách sơ lược về những thảo luận về hạnh phúc qua các quan điểm chính yếu: triết học, khoa học (y khoa, tâm lý học, xã hội học), và tôn giáo.

1. Hạnh phúc qua triết học:

Hạnh phúc là đề tài đã khiến nhiều triết gia tốn bút mực từ bao thế kỷ. Một triết gia từng nói, "Nếu triết học không giúp chúng ta hạnh phúc, hoặc kém hạnh phúc, thì triết học có ích lợi gí?" (Lenoir 2016, 10). 

Socrates (469-399 TCN (Trước Công Nguyên)) tin rằng hạnh phúc là cái mà ai cũng muốn và không phải là những gì bên ngoài như quần áo, danh vọng, sắc đẹp, mà là sự thỏa mãn kiến thức qua trí tuệ sáng suốt và đức tính. Ông lý luận rằng cuộc sống không đúng đắn dẫn đến bất hạnh trong khi sống đúng đắn đưa đến hạnh phúc (POH a; Cahn và Vitrano 2008, 3). Tương tự, Plato (428-347 TCN) tin rằng sự đúng đắn (có nghĩa là có đạo đức tốt và có đức hạnh) cần thiết cho hạnh phúc. Theo Plato, tâm thần có ba phần riêng rẽ: suy luận là phần có nhiệm vụ lý luận và suy nghĩ chín chắn, tâm linh là phần cảm xúc, giúp con người hành động theo lệnh từ suy luận, và thèm muốn là phần không có lý trí, lôi kéo chúng ta vào việc thỏa mãn các thú vui (Vitrano 2014, 40). Plato chủ trương rằng ba phần đó hoạt động cùng với nhau để đem lại thăng bằng cho linh hồn và đưa đến hạnh phúc. Thí dụ, suy luận và tâm linh hợp tác để khắc chế thèm muốn (tlđd., 40). Một người không đúng đắn lúc nào cũng đòi hỏi những cái sai lạc, lúc nào cũng cảm thấy ngập lội trong ham muốn (tlđd, 41).

Aristotle (384-322 TCN) đặt ra câu hỏi: "Mục đích tối thượng của sự hiện hữu của con người là gì?" Aristotle trả lời rằng hạnh phúc là mục đích tối thượng của cuộc sống và nếu đạt được, chỉ có thể đạt được khi cuộc đời kết thúc. Theo Aristotle, hạnh phúc được định nghĩa là "một hoạt động của tâm hồn theo đức hạnh " (POH b). Hạnh phúc là sự thực hành của đức tính (Cahn và Vitrano 2008, 31; POH b). Do đó, con người không thể có hạnh phúc nếu còn sống hoặc chưa có cuộc sống đạo đức tạo bởi những đức tính như can đảm, rộng rãi, công lý, và tình bằng hữu (POH b). Ta nên để ý Aristotle dùng từ ngữ eudaimonia để diễn tả hạnh phúc (Achor 2010, 40; SEP 2014). Từ ngữ Hy Lạp eudaimonia được dịch sát nghĩa là sống thánh thiện, và có ý nghĩa phát huy con người (human flourishing). Thực ra, Aristotle không có ý gán ghép ý tưởng thần thánh, mà chỉ ngụ ý sống thoải mái, tốt đẹp (SEP 2014).

Chủ nghĩa khoái lạc (hedonism) - tối đa hóa thú vui và tối thiểu hóa đau buồn - được diễn giảng hàng ngàn năm trước đây bởi Aristippus (435 - 366 TCN) và thảo luận chi tiết bởi Epicurus (342-270 TCN) (Peterson 2006, 78). Chủ nghĩa khoái lạc đóng góp vào hạnh phúc lâu dài kém hơn eudaimonia (Peterson 2006, 79). Epicurus phân tích hạnh phúc dựa vào niềm vui thích (pleasure). Một cuộc đời hạnh phúc trước tiên là một cuộc đời mang lại niềm vui thích. Thế nào là niềm vui thích? Thưởng thức kem, thỏa mãn đòi hỏi sinh lý, say sưa coi phim, nghe nhạc, học các điều mới lạ, chơi thể thao, v.v... Tuy nhiên, vì niềm vui thú chỉ tạm thời và thay đổi, nó không thể là cái hướng dẫn duy nhất cho cuộc sống (Lenoir 2016, 19-21). 

Ngoài các lý thuyết về hạnh phúc của các triết gia Hy lạp trên, có nhiều lý thuyết khác chú trọng vào các khía cạnh của hạnh phúc. Lucius Seneca (3 BC - AD 65), triết gia sinh tại Tây Ban Nha, lý luận rằng "hạnh phúc thực sự được xây dựng trên đức tính" (Cahn và Vitrano 2008, 43, 51). Lý thuyết mong ước (desire theory) cho rằng hạnh phúc là việc đạt được cái bạn muốn, cho dù cái đó có dính líu đến thú vui hay không (Peterson 2006, 82). Lý thuyết cuộc sống lành mạnh chủ quan (subjective well-being), thỏa mãn cuộc sống (life satisfaction) (Peterson 2006, 84). Immanuel Kant (1724-1804) tin rằng hạnh phúc phải theo lý trí và không có chút ô uế cá nhân. 

John Stuart Mill (1806 - 1873), triết gia Anh, "nhấn mạnh rằng các sự vui thú khác nhau theo định lượng và các sự vui thú cao cả, như niềm vui trí thức, tưởng tượng, và cảm xúc đạo đức, là nguồn gốc của hạnh phúc thực sự, trong khi các sự vui thú thấp kém chỉ là sự hài lòng" (Cahn và Vitrano 2008, 121). Arthur Schopenhauer (1788-1860), triết gia Đức vào thế kỷ thứ 19, tin rằng bản chất con người khiến ta hạnh phúc hoặc không hạnh phúc (Lenoir 2016, 51-52). Thí dụ, một người cảm thấy hạnh phúc khi nhìn lá vàng rơi vào mùa thu. Một người khác, đối diện cùng cảnh tượng, không thấy một chút cảm xúc gì hết, và có thể còn cảm thấy khó chịu.

Những triết gia hiện đại có nhiều tranh cãi về đề tài hạnh phúc. Tôi không muốn đi sâu vào khía cạnh này. Độc giả có thể tra cứu và tìm hiểu thêm qua các tài liệu và sách vở về triết lý hạnh phúc (Xem, thí dụ như, Cahn và Vitrano 2008, Vitrano 2014)

Nói tóm lại, các triết gia, thời xưa và thời nay, hầu như chỉ đồng ý về một điểm: hạnh phúc là mục tiêu quan trọng nhất trong cuộc đời. Ngoài ra, họ không đồng ý với nhau về nhiều điểm. Các điểm tranh cãi chính gồm có: (1) liên hệ giữa hạnh phúc và đạo đức, đức tính; (2) khác biệt giữa hạnh phúc và vui thú; (3) Cách thức đạt được hạnh phúc. Tuy nhiên, những khác biệt này thường không phản ảnh sự đả kích kịch liệt mà chỉ phản ảnh những chú trọng khác nhau. Ngoài ra, đạo đức thường được coi là yếu tố quan trọng trong hạnh phúc

2. Hạnh phúc qua khoa học:

Khoa học đóng một vai trò quan trọng trong việc nghiên cứu và tìm hiểu về hạnh phúc. Những ngành khoa học đóng góp trong việc tìm hiểu về hạnh phúc gồm có ngành sinh hóa, y khoa về trí não và tâm thần, ngành tâm lý học, và các ngành khác như khoa học điện toán, vật lý, hóa học. "Khoa học hiện đại cho thấy khả năng tự nhiên của chúng ta về hạnh phúc bị ảnh hưởng bởi sự thừa hưởng di truyền và bởi những bài tiết hóa học trong cơ thể ta" (Lenoir 2016, 67). Trong bài này, tôi sẽ chỉ chú trọng về ngành tâm lý học và y khoa (về bộ não và tâm thần).

a) Tâm lý học tích cực (positive psychology):

Một trong những ngành khoa học đang thịnh hành trong việc tìm hiểu hạnh phúc là ngành tâm lý học tích cực. Đại khái, tâm lý học tích cực là một ngành khoa học nghiên cứu về cuộc đời từ lúc mới sinh ra tới lúc chết, với đề tài về những sự việc khiến đời đáng sống (Peterson 2006, 4).

Tâm lý học tích cực chú trọng vào phát huy những cảm xúc tích cực (có lợi hoặc tốt đẹp) và tiêu diệt hoặc kiềm hãm những cảm xúc tiêu cực (bất lợi hoặc xấu xa). Cảm xúc tích cực đóng vai trò quan trọng trong hạnh phúc. Có nhiều nghiên cứu khoa học cho thấy cảm xúc tích cực đem lại sung sướng, hài lòng, sức khỏe, và sống lâu. Seligman (2013, 11, 133) xác định sáu đức tính cho nhân cách tích cực: hiểu biết và kiến thức, lòng can đảm, tình yêu thương và nhân bản, công lý, sự điều độ, và duy linh và siêu việt.

Nhiều nhà nghiên cứu tâm lý tích cực đưa ra công thức hạnh phúc: H = S + C + V. Ý nghĩa của các biến số này như sau: H là mức độ hạnh phúc, S là điểm sinh hóa di truyền của bạn, C là các điều kiện, trường hợp, hoặc hoàn cảnh bạn; và V là những hoạt động tự ý hoặc cố tình của bạn (Haidt 2006, 91). Sonja Lyubomirsky, một học giả tâm lý học nổi tiếng, khẳng định các con số này theo phần trăm như sau: S = 50%, C = 10%, và V = 40% (Lyubomirsky 2008, 20). Tuy có tài liệu cho biết S = 25%, C = 10% - 15%, và V = 60% - 65% (Ricard 2007, 170), tôi sẽ dùng các con số của Lyubomirsky. Ba con số này cho thấy số phần trăm của những sự khác biệt giữa các mức độ hạnh phúc của con người do bởi điểm sinh hóa di truyền (S), điều kiện hoặc hoàn cảnh (C), và những hoạt động tự ý hoặc cố tình (V) mỗi người. 

Điểm quan trọng của các con số trên là tiềm năng của V = 40% trong vòng khả năng kiểm soát của chúng ta (Lyubomirsky 2008, 22). Chúng ta sinh ra với bản chất di truyền và nếu không luyện tập, thường khó thay đổi bản chất này. Một người bi quan sống bình thường khó thay đổi để trở thành lạc quan. Tuy nhiên, nếu cố gắng luyện tập chúng ta có thể thay đổi hành vi, lối sống, thói quen, và huấn luyện để gia tăng hạnh phúc, và có thể thay đổi phần nào bản chất di truyền. Ngoài ra, chúng ta còn có 40% để phát huy và tăng cường thêm những cảm xúc. Với 40% này, chúng ta có dịp đạt được hạnh phúc cao nếu biết cách sống và áp dụng những phương pháp tăng cường hạnh phúc. Rất nhiều sách vở, lớp học, chương trình giúp con người gia tăng hạnh phúc trong đời.

Lyubomirsky (2008) liệt kê những hoạt động hạnh phúc mà chúng ta có thể thực hiện trong khả năng 40% trên. Bà đưa ra 12 hoạt động hạnh phúc. Thí dụ, biểu lộ lòng biết ơn, xây đắp niềm lạc quan, tránh né suy nghĩ quá nhiều và so sánh trong xã hội, thực hành các hành động tử tế, thực hành tôn giáo và tâm linh, và chăm sóc cơ thể bạn. 

Argyle (2009, 200-214) trình bày nhiều cách giúp phát huy hạnh phúc: phương tiện tạo phát tâm trạng, biến cố hoặc việc xảy ra trong cuộc sống, và chăm lo hạnh phúc. Thí dụ của các phương tiện tạo phát tâm trạng: Phim truyện, tưởng tượng, âm nhạc, tương tác xã hội (tlđd., 200). Những biến cố hoặc sự việc trong đời (đi du lịch, hôn nhân, sinh con, ra trường) có thể đem lại hạnh phúc lâu dài hoặc tạm thời (tlđd., 203-207). Các cách phát huy hạnh phúc thường có tính chất huấn luyện, tập cho con người có thói quen và hoạt động đều đặn để duy trì tâm trạng khoan khoái, thoải mái, và yêu đời. Thí dụ, nghe nhạc hàng ngày, chạy bộ đều đặn, mỉm cười với mọi người, học một thú tiêu khiển, đi uống cà phê với bạn bè, v.v... (tlđd., 208-213).

Achor (2010) đưa ra 7 nguyên tắc để đạt hạnh phúc. Thí dụ, hoạt động nhắm vào đạt hạnh phúc để luyện tập óc não, dùng trí tuệ thay đổi quan điểm, luyện tập óc não nhắm vào cơ hội, luyện tập và chuẩn bị đối phó với nghịch cảnh hoặc thất bại. 

Hanson (2013, 60-63) đưa ra một hệ thống tiếp thu (internalize) những kinh nghiệm tích cực trong tâm trí. Hệ thống này gồm có 4 bước hoặc giai đoạn: (1) cố có một kinh nghiệm tích cực bằng cách ghi nhận, để ý, hoặc cố tình tạo ra một kinh nghiệm tích cực nào đó (thí dụ, lắng tai nghe một ca khúc êm ái, đi thăm viếng cảnh thiên nhiên); (2) phong phú hóa (enrich) kinh nghiệm tích cực đó (thí dụ, nghe đi nghe lại một ca khúc ưa thích, ngắm cảnh tượng thiên nhiên thật lâu); (3) hấp thụ kinh nghiệm tích cực đó, cố tình khiến kinh nghiệm đó chìm sâu và trở thành một phần của bạn (thí dụ, cố tìm hiểu lới ca, nhịp điệu, và suy nghĩ về cách lựa chọn từ ngữ của nhạc sĩ); (4) kết nối vật liệu tích cực và tiêu cực để làm nổi bật kinh nghiệm tích cực và giảm thiểu hoặc xóa bỏ hoàn toàn những kinh nghiệm tiêu cực. Bạn có thể không cần bước 4, vì ba bước đầu cũng đủ. Ngoài ra, bước 4 thường nguy hiểm vì bạn đang cố xóa bỏ kinh nghiệm xấu bằng cách đối diện nó trực tiếp qua một kinh nghiệm tốt tương ứng, nhưng không có gì bảo đảm là kinh nghiệm tốt sẽ thắng.

b) Bộ não và trí tuệ:

Những phương pháp gia tăng hạnh phúc qua những hành động nhắm vào cảm xúc tích cực thường đòi hỏi bạn có nỗ lực theo đuổi việc đó. Như trình bày ở trên, chúng ta không lựa chọn được hoặc khó làm gì với các bản chất di truyền hoặc sự việc xảy ra theo hoàn cảnh, nhưng chúng ta có khoảng 40% cho hoạt động tự ý hoặc cố tình trong việc thay đổi mức độ hạnh phúc. Câu hỏi là chúng ta có thể hoạt động tự ý hoặc cố tình đi ngược lại với bản chất di truyền hay không? 

Thí dụ, giả sử hà tiện là một đặc tính di truyền và bản chất bạn là hà tiện, chỉ muốn dành dụm tiền bạc cho bạn và gia đình. Bạn có thể tập luyện để trở thành rộng rãi và đem tiền giúp vào các quỹ từ thiện được không? Sẽ có người cho rằng nếu bản chất bạn là hà tiện, thì bạn sẽ không cân nhắc việc đem tiền giúp vào các quỹ từ thiện mà sẽ tìm một hành động tích cực khác. Tuy nhiên, mục đích chính của tâm lý học tích cực là bạn phải cố tìm một hành động tích cực, dù ban đầu bạn không thích lắm, và phát huy hoạt động đó. Ngoài ra, nhiều nghiên cứu khoa học gần đây cho thấy trí tuệ có thể thay đổi cấu trúc bộ não, và do đó tạo nên ảnh hưởng lâu dài nếu trí tuệ được dùng một cách có kỷ luật. Nói một cách dễ hiểu, chúng ta có thể sửa đổi "tính tình" hoặc bản chất mình, hoặc gia tăng và phát huy những đặc tính chưa được khai phá, để có cuộc sống hạnh phúc hơn. 

Thực vậy, khoa học đã chứng minh bộ não con người không cố định mà thay đổi (Xem, thí dụ như, Argyle 2009, Hanson và Mendius 2009, Klein 2006, Schwartz và Begley 2002). Biến tính thần kinh (neuroplasticity) là "khả năng bộ não thay đổi khắp cuộc đời một người. Thí dụ, hoạt động thần kinh liên hệ với một nhiệm vụ nào đó có thể được chuyển sang vị trí khác, tỉ lệ chất xám có thể thay đổi, và các khớp hoặc dây nối thần kinh có thể mạnh mẽ lên hoặc yếu đi theo thời gian (Wikipedia 2018d). Sự thay đổi được tạo ra từ nhiều lý do: cảm giác với môi trưòng, tập thể dục, thuốc điều trị, thiền định, tập luyện nhận thức, và tập luyện trí tuệ. Với mục tiêu trong việc phát huy hạnh phúc, tập luyện trí tuệ là cách thức dễ dàng và hữu hiệu nhất.

Ngoài việc các tế bào não tăng trưởng theo tuổi tác và các yếu tố sinh học khác, các phần của bộ não cũng thay đổi theo trí tuệ. Do đó, "bạn có thể dùng trí tuệ để thay đổi bộ não bạn cho tốt hơn" (Hanson và Mendius 2009, 6). Những khía cạnh chính yếu của khoa học não và trí tuệ về hạnh phúc gồm có: (1) Chúng ta có một "hệ thống hạnh phúc" trong trí não; (2) Chúng ta được chương định (programmed) cho các cảm xúc tốt đẹp; và (3) Bộ não con người có thể thay đổi cho dù trưởng thành (Klein 2006, xv). Những mạch (circuits) trong bộ não chúng ta thay đổi mỗi khi ta học hỏi thêm điều mới lạ và những liên kết mới được rèn luyện trong hệ thống tế bào thần kinh cùa chúng ta (Klein 2006, xvi). Những phần trong bộ óc có nhiều phần liên hệ đến sự phát triển đáp ứng về hưởng thụ, thưởng phạt, kích thích, cảm xúc, và biểu lộ tình cảm gồm có: vùng não dưới (hypothalamus), hạch hạnh nhân (amygdala), vỏ não trước (frontal cortex) (Argyle 2009, 14-15).

Để đạt hạnh phúc, chúng ta phải vận dụng trí tuệ hoạt động nhắm vào các mục tiêu phát huy những cảm xúc tích cực hoặc đem lại những kết quả tốt đẹp cho cuộc sống. Những hoạt động trí tuệ này không chỉ là tạm thời, trong giai đoạn ngắn, mà nên được kéo dài mãi mãi suốt đời. Những người chưa có những hoạt động trí tuệ này cần phải trải qua một thời kỳ huấn luyện để thay đổi trí tuệ. "Khi trí tuệ thay đổi, bộ não cũng thay đổi theo" (Hanson và Mendius 2009, 5). Những hoạt động trí tuệ này nhiều khi dẫn đến những kinh nghiệm mà bạn chưa từng bao giờ trải qua, và có thể bạn cho rằng bạn không thích hoặc không có khiếu về các hoạt động trí tuệ đó. Nên nhớ "hoạt động trí tuệ" không nhất thiết là hoạt động dùng trí não, nhưng là những hoạt động, trí não hoăc tay chân, đem lại những cảm xúc tích cực nào đó. Thí dụ, đi bộ dọc theo một con rạch với nước trong veo chảy róc rách là một hoạt động tay chân, nhưng việc đó đem lại một cảm xúc thanh bình và sảng khoái.

Ngoài ra, những kinh nghiệm tích tụ trong cuộc sống sẽ chạm trổ bộ não của bạn, và do đó uốn nắn trí tuệ bạn. Bạn sẽ không ý thức hầu hết tiến trình uốn nắn này (Hanson và Medius 2009, 67). Hoạt động tinh thần uốn nắn cơ cấu thần kinh theo nhiều cách. Thí dụ, khi các tế bào thần kinh (neurons) bắn hoặc kích động (fire) cùng lúc, chúng củng cố các khớp, hoặc dây nối, thần kinh (synapse) hiện có và tạo thêm synapses mới. Những synapses nào không hoạt động nhiều sẽ dần dần bị mất đi (Hanson và Mendius 2009, 72).

Một trong những phương pháp giúp cho sự thăng bằng trí tuệ và giúp cho bộ não trở nên tốt đẹp là thiền định (meditation). Thiền định đem lại những hậu quả tốt đẹp cho cơ thể và trí tuệ chúng ta. Những hậu quả tốt đẹp này gồm có: gia tăng chất xám trong các phần của bộ não; gia tăng các chức năng tâm lý về chú ý, lòng từ bi, và cảm thông; làm giảm cortisol liên hệ tới sự căng thẳng trong cuộc sống; tăng cường hệ thống miễn nhiễm; và giúp trong nhiều tình trạng y học (Hanson và Mendius 2009, 85).

3. Hạnh phúc qua tôn giáo:

Sư hiểu biết của tôi chỉ dựa vào sách vở và tài liệu, và không phải do thực hành tôn giáo. Do đó, phần trình bày có thể thiếu sót. Rất mong độc giả thứ lỗi.

Các tài liệu gốc về Ki-tô giáo và Phật giáo thường được viết bằng ngôn ngữ lúc hai tôn giáo này được truyền bá lúc bấy giờ. Kinh thánh trong Ki-tô giáo được dịch từ tiếng Hebrew và qua nhiều ngôn ngữ khác như Hy lạp. Việc chuyển dịch một số từ ngữ sang tiếng Anh và tiếng Việt nhiều khi không được chính xác và không lột rõ hoàn toàn ý nghĩa. Thí dụ, "compassion" có nhiều nghĩa và có thể được dịch sang tiếng Việt là lòng thương người, nhân ái, từ bi, cảm thông, trắc ẩn. Thực ra, "compassion" cũng không hẳn chính xác khi được dịch từ tiếng Phạn Sankrit hoặc Nam Phạn Pali (Karuṇā) trong Phật giáo (Wikipedia 2018e) hoặc tiếng Hebrew (hamal, rachuwm) hoặc Hy Lạp (splanchnisomai) trong Ki tô giáo (Xem, Bible Study Tools). Trong bài này, tôi sẽ dùng lòng trắc ẩn và cảm thông (Ki-tô giáo), lòng từ bi và cảm thông (Phật giáo) cho compassion.

Hầu như tôn giáo nào cũng nhắm vào hạnh phúc con người, tuy từ ngữ "hạnh phúc" đôi khi không nêu ra rõ rệt. Vì giới hạn chiều dài bài, tôi không thể thảo luận mọi tôn giáo, mà chỉ có thể đề cập đến Ki-tô giáo và Phật giáo. 

a) Ki tô giáo:

Khi những tín đồ Ki-tô giáo muốn học hỏi về hạnh phúc, họ đọc Kinh thánh, nhất là các sách Phúc âm (Wadell 2016, 2). Nhiều học giả và những nhà nghiên cứu thần học, kể cả Đức Giáo Hoàng Francis, Đức Giáo Hoàng thứ 266 của Công giáo, diễn giải rằng hạnh phúc được nhắc nhở và gói ghém đầy rẫy qua lời của Đức Chúa Trời và Chúa Giê-su với nhiều từ ngữ liên hệ đến hạnh phúc. 

Đại khái, hạnh phúc có thể được diễn tả bằng sự hân hoan, mừng rỡ, vui thích, khoái cảm, và hưởng phước lành. Alcorn (2015, 38-44), linh mục và tác giả về Kinh thánh và thần học, tin rằng nỗi hân hoan (joy), từ ngữ dùng nhiều trong Kinh thánh, có cùng ý nghĩa với niềm hạnh phúc (happiness) mặc dù nhiều học giả khác diễn giải ngược lại và còn coi niềm hạnh phúc tệ hơn hân hoan. Ngoài ra, hưởng phước lành (blessed) cũng đồng nghĩa với hạnh phúc (Alcorn 2015, 185-195; Pope 2017, 41).

Theo nhiều học giả, Kinh thánh cho thấy Đức Chúa Trời muốn chúng ta hạnh phúc. "Đức Chúa Trời cho thấy rõ rằng tìm hạnh phúc - hoặc niềm vui, thích thú, thú vui - qua tội lỗi thì sai lầm và vô ích. Nhưng tìm hạnh phúc trong Ngài thì tốt đẹp và đúng" (Alcorn 2015, 19). Saint Augustine (354-430) coi hạnh phúc là niềm hân hoan về chân lý. Augustine tin hạnh phúc không nằm với con người. Tìm kiếm Đức Chúa Trời là con đường đi đến hạnh phúc (Wadell 2016, 7-16). C.S. Lewis (1898-1963), một học giả gốc Ái Nhĩ Lan nổi tiếng, viết, "Nếu bạn sống cho chính bạn, trong dài hạn, bạn sẽ chỉ thấy hận thù, nỗi cô đơn, tuyệt vọng, cơn giận dữ, sự suy đồi, và mục nát. Nếu bạn đi tìm Đức Chúa Trời và bạn sẽ thấy được Ngài, và với Ngài. bạn đều hưởng được mọi việc" (Muehlenberg 2014).

Nhưng thế nào là đi tìm Đức Chúa Trời? Ai cũng hiểu từ ngữ "đi tìm Đức Chúa Trời" là một ẩn dụ cho việc thực hành theo ý Đức Chúa Trời qua lời giảng dạy của Chúa Giê-su, hoặc noi gương Chúa Giê-su. Augustine tin rằng "[y]êu kính Đức Chúa Trời hết lòng và trung thành là cuộc đời hạnh phúc vì Đức Chúa Trời là sự hoàn hảo và là điều thiện cao quý và tuyệt diệu nhất" (Wadell 2016, 12). Thomas Aquinas (1225-1274) tuyên bố rằng người hạnh phúc là người có được sự tốt đẹp cao quý nhất, và sự tốt đẹp đó chỉ có thể tìm thấy được ở Đức Chúa Trời (tlđd., 20). Aquinas "kết nối hạnh phúc với cuộc sống môn đệ, cuộc sống đi theo, học hỏi từ, và noi theo gương Chúa Giê-su" (tlđd.,, 24).

Đức Giáo Hoàng Francis (Pope 2017, 41) giảng dạy, "Chữ 'hưởng phước lành,' có nghĩa 'hạnh phúc,' xuất hiện chín lần trong Bài Giảng Trên Núi của Chúa Giê-Su, bài giảng vĩ đại đầu tiên của Người (Matthews 5:1-12). Chữ đó như là một điệp khúc nhắc nhở chúng ta về lời kêu gọi của Đức Chúa Trời đi tới trước cùng với Người trên con đường dẫn đến hạnh phúc, cho dù có nhiều thử thách." Bài Giảng Trên Núi của Chúa Giê-su (Matthew 5:1-12), do đó, gói ghém "kim chỉ nam" cho việc tìm hạnh phúc. Theo đó, chúng ta phải có thái độ ôn hòa, khao khát cho công chính, có lòng thương xót con người, chấp nhận mọi ngược đãi gây ra vì việc làm công chính của mình. "Chúng ta phải chịu nghèo, tang tóc, ngược đãi, và những nỗi khổ đau tương tự, thì chúng ta mới thấy được Đức Chúa Trời và hạnh phúc. Như Chúa Giê-su nói nhiều lần, chúng ta phải tự chối bỏ chính mình" (Muehlenberg 2014).

Nhưng không phải lúc nào chúng ta cũng than khóc, chịu nghèo túng, chấp nhận sỉ nhục. Đức Chúa Trời muốn chúng ta hưởng hạnh phúc qua những hành động hoặc thực hiện những công việc tốt đẹp như hôn nhân, ăn mừng, tiệc tùng, cười đùa, nhảy múa, ca hát, và hưởng các thú vui (Alcorn 2015, 225-232; 295-303). Kinh thánh đầy rẫy những hình ảnh vui thú, tiệc tùng, nhảy múa. Thí dụ như, "Và David nhảy múa trước Đức Chúa Trời" (2 Samuel 6:12-14), "Bò hoặc cừu hoặc rượu mạnh, bất cứ gì con thèm. Và con sẽ ăn trước Đức Chúa Trời và hoan hỉ" (Deuteronomy 14:24-26), "Bánh mì tạo ra cho tiếng cười, và rượu khiến đời vui lên" (Ecclesiastes 10:19), "Mọi người hãy vỗ tay! La hét với những ca khúc hân hoan náo nhiệt tới Đức Chúa Trời" (Psalm 47:1).

Đi tìm hạnh phúc là một cuộc hành trình phát huy những đức hạnh và tiêu diệt tội lỗi. "Cuộc đời tín đồ Ki-tô giáo là một cuộc hành hương, một cuộc tìm kiếm khám phá dần dần với nơi đến là sự gần gũi thiêng liêng mãi mãi với Đức Chúa Trời" (Wadell 2016, 86). Để hoàn tất cuộc hành trình, chúng ta phải có được những đức hạnh. "Chúng ta ai cũng có khuynh hướng thiện, nhưng có khuynh hướng thiện không đủ vì nó không bảo đảm chúng ta sẽ thực sự làm việc thiện, nhất là khi việc đó tốn kém hoặc khó khăn" (tlđd., 94-95). Chúng ta phải hành xử thiện theo một cách nào đó qua thời gian, khiến việc đó trở thành một thói quen (tlđd.),

Những đức hạnh nào cần thiết cho cuộc hành trình đi tìm Đức Chúa Trời? Có nhiều đức hạnh, nhưng sau đây là những đức hạnh quan trọng nhất: lòng cao thượng (magnanimity), lòng can đảm (courage), lòng trắc ẩn và cảm thông (compassion) (tlđd., 99-110). Một người cao thượng là người có tinh thần cho các hành vi cao quý, thí dụ như yêu thương, phục vụ, trung thành, hy sinh, và rộng rãi (tlđd., 99-100). Lòng can đảm không để nỗi sợ hãi điều khiển mình, và cho chúng ta sức mạnh để làm liều cho dù tự đặt mình vào nguy hiểm cho những việc thực sự quan trọng (tlđd.,, 102-103). Lòng trắc ẩn và cảm thông giúp chúng ta hiểu được nỗi đau khổ của người khác. "Đối với tín đồ Ki-tô giáo, lòng trắc ẩn và cảm thông không phải là một đức hạnh không bắt buộc mà là một cách hoàn hảo để noi gương Đức Chúa Trời" (tlđd., 109).

Ngoài những đức hạnh chính yếu trên, Kinh thánh vạch ra thực hành những đức hạnh khác. Thí dụ, tự kềm chế (Proverbs 25:28; 2 Peter 1:5-6); dâng hiến cuộc đời cho hạnh phúc người khác (Luke 6:31; Isaiah 58:10-11; Philippians 2:3-4); thí dụ "Đừng làm việc gì vì ưa tranh cãi hay vì tự cao, nhưng hãy khiêm nhường xem người khác cao hơn mình. Đừng chỉ quan tâm đến lợi ích của riêng mình, mà cũng quan tâm đến lợi ích của người khác nữa" (Philippians 2:3-4); bày tỏ lòng biết ơn; thí dụ, "cám ơn trong mọi trường hợp" (1 Thessalonians 5:18).

Một điểm chắc chắn là chỉ có chúng ta, với nỗ lực bản thân trong việc đi tìm hạnh phúc qua việc đi theo Đức Chúa Trời, mới có thể có hạnh phúc. Chúng ta không thể có hạnh phúc qua những phương tiện vật chất. "Hạnh phúc không thể mua được." (Pope 2017, 18). Ngoài ra, trong việc "đi tìm Đức Chúa Trời," chúng ta không nên trì hoãn. Chúng ta phải có can đảm hành động ngay tức khắc."Hôm nay là thời gian cho hành động và thời gian cho lòng can đảm" (Pope 2017. 15). 

b) Phật giáo:

Nhiều học giả coi Phật giáo không phải là một tôn giáo, và là một ngành triết lý sâu xa về con người và cuộc đời. Phật giáo khuyến khích con người không dựa duy nhất vào niềm tin và không đòi hỏi tin vào Thượng Đế (Hanson và Mendius 2009, 8). "Ý tưởng về Thượng Đế và ý tưởng về linh hồn là dấu hiệu của ngu si. Các ý tưởng này sai lầm và rỗng tuếch" (Dalai Lama và Carrière 2001, 58).

Phật giáo nói đến hạnh phúc một cách rõ rệt và vạch ra những phương pháp để đạt hạnh phúc (Dalai Lama và Chodron 2017, 4-5). Một tiền đề của Phật Giáo về hạnh phúc là "mục đích của sự hiện hữu con người là đi tìm hạnh phúc" (Dalai Lama và Cutler 2009, 16, 62). "Hạnh phúc thực sự đến từ sự thanh thản của tâm trí. Cách duy nhất để đạt được hạnh phúc là có lòng vị tha và từ bi" (Dalai Lama và Chan 2014, 229). 

Hạnh phúc thực ra là trạng thái trí tuệ (state of mind). Nói cách khác, chính trí óc, không phải các yếu tố bên ngoài, tạo ra hạnh phúc (Dalai Lama và Cutler 2009, 20; Haidt 2006, 87). Thí dụ, tiền bạc, một yếu tố bên ngoài, tự nó không đem lại hạnh phúc. Chỉ vì trí óc con người nghĩ đến việc dùng tiền bạc để giải quyết các vấn đề khó khăn (thí dụ, trả tiền nhà, chi phí y tế, mua xe) hoặc để thỏa mãn những ham muốn vật chất (thí dụ, nhà cao cửa rộng, ăn ngon mặc đẹp) nên con người tưởng rằng tiền bạc đem lại hạnh phúc. Một thí dụ khác, một lực sĩ điền kinh luyện tập cực khổ cho Thế Vận Hội. Chương trình luyện tập rất khó khăn, thường khiến người lực sĩ đau đớn thể xác, nhưng anh ta vẫn cảm thấy hạnh phúc. Cái cảm nhận hạnh phúc đó đến từ trí óc, và hoàn toàn không dính líu gì đến các yếu tố bên ngoài như tiền bạc, chức vị, thể xác. 

Do đó, để đạt hạnh phúc, nghĩa là đạt mục đích sống, chúng ta chỉ cần biết vận dụng trí óc. Con người có thể huấn luyện trí tuệ cho hạnh phúc. Tiến trình này có ba giai đoạn. Giai đoạn thứ nhất là học hỏi (learning) (Dalai Lama và Cutler 2009, 38, 220). Giai đoạn thứ hai là phát huy niềm tin (conviction) và kiên trì (determination). Giai đoạn thứ ba là hành động (action) qua nỗ lực (effort) (tlđd., 220). Để thực hiện tiến trình này, chúng ta phải có ý muốn mạnh mẽ. Ngoài ra, trí tuệ con người có khả năng tiếp nhận các quan điểm để đối phó nhiều vấn đề khác nhau. Thiền định là cách đối thoại tinh thần trong việc tiếp nhận các quan điểm cho nhiều trường hợp (tlđd., 234).

Một khái niệm căn bản trong Phật giáo là mọi việc trên đời đều có liên hệ lẫn nhau. Việc gì cũng có nguyên do ("nhân") và hậu quả ("quả"). Mọi việc trong vũ trụ đều có liên hệ và tùy thuộc lẫn nhau. Không có gì tự dưng mà thành hoặc tự dưng biến mất (Ricard 2007, 63-64). Vì vậy, nỗi đau khổ của con người có lý do. Muốn đạt hạnh phúc, con người phải tiêu diệt nỗi khổ. Tứ diệu đế, hoặc bốn chân lý cao quý, là 4 chân lý về nỗi khổ và gồm có: Khổ đế (chân lý về các nỗi khổ), Tập đế (chân lý về nguồn gốc các nỗi khổ), Diệt đế (chân lý về diệt khổ), và Đạo đế (chân lý về con đường dẫn đến diệt khổ) (Batchelor 2015, 68; Dalai Lama và Chodron 2014, 39-59; Dalai Lama và Chodron 2017, 27-30; Keown 2013, 48-60; Wikipedia 2018f). Để đối phó với những nỗi khổ sẽ xảy ra (thí dụ, bệnh hoạn, chết), con người phải tập luyện và chuẩn bị dùng nhiều phương pháp. Thí dụ, dùng hình ảnh tâm trí, phát huy lòng yêu thương và lòng từ bi và cảm thông, và phát triển sức mạnh bên trong (Ricard 2007, 73).

Hạnh phúc và lòng từ bi và cảm thông (compassion) là hai khái niệm liên hệ chặt chẽ (Dalai Lama và Cutler 2009, xxvii). Với lòng từ bi và cảm thông, con người có thể phát huy những tình cảm tích cực như lòng tử tế, thương người, và thông cảm, và tiêu hủy hoặc làm suy yếu những trạng thái tiêu cực như giận dữ, hận thù, lo lắng, sợ hãi (Dalai Lama và Cutler 2009, 243). Những tình cảm tích cực phù hợp với bản chất con người, đem lại sức khỏe tinh thần và vật chất, và do đó đem lại hạnh phúc. Ngược lại, những phản ứng tiêu cực có thể phá hoại sức khỏe, và do đó làm suy giảm hạnh phúc (tlđd., 53-54, 242). Ta thấy về khía cạnh này, tâm lý học tích cực, Ki-tô giáo, và Phật giáo, trình bày ở trên, có nhiều điểm tương đồng.

Một cách phát huy lòng từ bi và cảm thông là hiểu được nỗi đau khổ của người khác. Ráng đặt mình vào vị trí người khác để cảm nhận nỗi đau khổ của người đó (tlđd., 88-89). Việc đó không dễ dàng nhưng bằng cách tập luyện qua suy tưởng dựa vào tính chất tương đồng của con người giữa mình và người đó, ta có thể thông cảm người khác (tlđd., 90). Ngoài ra, hạnh phúc và lòng vị tha (altruism) liên hệ mật thiết. Lòng ích kỷ là lý do chính yếu của sự đau khổ trong khi tình thương yêu vị tha là thành phần thiết yếu cho hạnh phúc thực sự (Ricard 2007, 203). Lòng từ bi và cảm thông còn giúp phát huy những đức tính khác như lòng can đảm, tự tin, hy vọng (Dalai Lama và Chodron 2017, 64-65)

Bên cạnh việc phát huy lòng từ bi và cảm thông, chúng ta cần phải tiêu diệt những nỗi khổ tạo ra bởi những cảm xúc tiêu cực. Nỗi khổ của con người thường do bởi tam độc (three poisons) gồm có: tham (attachment, greed, desire), sân (aversion, hatred), và si (delusion, ignorance) (Dalai Lama và Chodron 2017, 46-48; Tsering 2006, 45-54). Tham hoặc ham muốn thường do bởi những kỳ vọng thiếu thực tế (Dalai Lama và Chodron 2017, 47). Ham muốn phóng đại phẩm chất của vật ham muốn và do đó dễ gây ra bất mãn, nhất là sau khi đã đoạt được vật đó. Cứ thế, ta cứ luẩn quẩn trong bất mãn và ham muốn càng gia tăng (Tsering 2006, 53). Sân (giận dữ và thù ghét) là lực cản trở nhiều nhất trong việc phát huy lòng từ bi và chúng phá hủy sự phẳng lặng trí tuệ (Dalai Lama và Cutler 2009, 248; Tsering 2006, 65-80). Giận dữ có thể tích cực khi nó được thúc đẩy bởi ý thức trách nhiệm, nhưng thù ghét chẳng có lợi gì cả và luôn luôn tiêu cực. Chúng ta cần phải phát huy liều thuốc trị thù ghét. Hai liều thuốc đó là kiên nhẫn (patience) và chịu đựng hoặc nhẫn nhịn (tolerance) (Dalai Lama và Cutler 2009, 249). Si hiện hữu dưới nhiều hình thức như ngu dốt, nghi ngờ, đau buồn, khủng hoảng tinh thần, nghiện ngập, kiêu hãnh, tự cao, coi trọng bản ngã, sợ hãi và lo lắng (Tsering 2006, 60-62; Ricard 2007, 211). Đặc biệt, sợ hãi và lo lắng là hai cảm xúc tiêu cực và cần được khống chế. Để khống chế hoặc làm suy giảm chúng, ta cần có động cơ thích đáng và lòng chân thành. Một khi chúng ta phát triển động cơ tinh khiết và chân thành qua lòng tử tế, từ bi, thì chúng ta chẳng còn biết sợ hãi hoặc lo âu (Dalai Lama và Cutler 2009, 272-273).

Ngoài ra, một yếu tố quan trọng trong việc phát huy ý muốn mạnh mẽ là ý thức khẩn cấp (sense of urgency) (tlđd., 221). Chính cái ý thức khẩn cấp đó cho chúng ta một năng lực vĩ đại để chống lại mọi cản trở. Chúng ta thấy khái niệm khẩn cấp này cũng hiện diện trong lý thuyết Ki-tô giáo. 

Nói tóm lại, Phật giáo chủ trương con người có thể đạt được hạnh phúc bằng cách tận dụng trí tuệ, trau giồi và phát huy các cảm xúc tích cực và tốt đẹp (thí dụ, lòng từ bi, cảm thông, vị tha, khiêm tốn) và khống chế, tiêu diệt các cảm xúc tiêu cực xấu xa (thí dụ, ham muốn, giận dữ, thù ghét, kiêu hãnh, ích kỷ, sợ hãi, lo lắng). Giống như ngành tâm lý học tích cực và một số lý thuyết triết học về đức hạnh, và Ki-tô giáo, Phật giáo thúc đẩy con người hướng thiện bằng cách thực hiện việc này với ý thức sâu xa và mạnh mẽ, và luyện tập trí tuệ trong một tiến trình có kỷ luật.

4. Thực hành việc tìm hạnh phúc trong xã hội:

Các quan điểm triết lý, khoa học, và tôn giáo về hạnh phúc trình bày ở trên có khá nhiều điểm tương đồng. Chúng cho chúng ta một khái niệm khá rõ ràng về hạnh phúc và phương pháp đạt hạnh phúc. Có hai khía cạnh trong việc áp dụng các học thuyết này: cá nhân và xã hội.

a) Cá nhân:

Về phương diện cá nhân, chúng ta có thể áp dụng phương pháp nào thích hợp nhất với mình trong việc gia tăng hạnh phúc. Sự lựa chọn tùy vào xã hội chúng ta đang sống. Các phương pháp giúp phát huy hạnh phúc có vài chú trọng khác nhau, nhưng tựu trung cổ võ việc luyện tập trí tuệ. Luyện tập trí tuệ để phát huy các cảm xúc tích cực hoặc đức hạnh không phải là việc dễ. Tuy nhiên, chúng ta không cần sửa đổi thật nhiều trong thời gian ngắn. Chúng ta có thể tự đặt ra những bước nhỏ, rèn luyện với thời gian, và gia tăng cường độ dần dần.

Chúng ta cần biết rằng phát huy các cảm xúc tích cực hoặc đức hạnh không có nghĩa khiến chúng ta trở nên quá hiền lành, bạc nhược, hoặc hèn hạ. Ngược lại nữa là khác. Khi chúng ta luyện tập để có trí tuệ minh mẫn, mở lòng từ bi và cảm thông, diệt trừ sợ hãi, gần gũi với tâm linh siêu việt, chúng ta phát huy một ý chí mạnh mẽ và sức mạnh tinh thần. Lòng can đảm và chí khí được nung nấu, vì chúng ta biết lẽ phải thuộc về mình, và không có một bạo lực bất chánh nào có thể làm lung lay mình được.

b) Xã hội:

Các lý thuyết về hạnh phúc không đặt nặng vào hạnh phúc của một cộng đồng, xã hội, dân tộc, hoặc quốc gia, và đều dựa vào một giả thiết căn bản: Cá nhân đang tìm hạnh phúc đó là người sống trong một xã hội ổn định, thanh bình, và trong một quốc gia có chính phủ thực sự lo lắng cho cuộc sống người dân, và cá nhân đó không phải lo âu về các tự do căn bản và quyền con người. 

Tuy nhiên, khi xã hội hỗn loạn, suy đồi, và chính phủ tham nhũng, cướp bóc dân, và công dân trong nước không có các tự do căn bản và quyền con người, thì cá nhân khó có thể theo đuổi mưu cầu hạnh phúc cho mình được. Thí dụ, dưới nền giáo dục nhồi sọ, dối trá lịch sử, tin tức bưng bít, truyền thông kiểm duyệt, bạn không thể nào thoả mãn kiến thức, theo đuổi những hoạt động văn chương nghệ thuật một cách tự do. Trong một xã hội không có công lý, luật lệ tuỳ nghi áp dụng, bắt bớ dựa vào những điều luật mơ hồ, bạn không thể nào theo đuổi công lý. Trong một môi trường ô nhiễm, sông ngòi dơ bẩn, đất đai đầy rẫy chất thải, cá chết khắp nơi, bạn không thể thưởng thức thiên nhiên trong sạch. Hàng ngày, bạn phải đối phó với biết bao nhiêu phiền toái, đường phố ồn ào, náo nhiệt, xe cộ kẹt cứng, cướp giựt, cảnh sát giao thông hạch hỏi vô cớ, lo tiền đóng lộ phí, v.v... và bạn sẽ không còn thì giờ và sức lực để theo đuổi những hoạt động tích cực, thanh nhã.

Việt Nam hiện nay là một quốc gia có xã hội bi đát như trên và do đó người dân rất khó theo đuổi hạnh phúc một cách tự do và theo ý muốn cá nhân được. Sẽ có người không đồng ý và cho rằng ảnh hưởng của hoàn cảnh hay tỉnh trạng chỉ đóng góp 10% cho hạnh phúc dựa vào công thức về hạnh phúc trong ngành tâm lý học tích cực. Do đó, cho dù NCQCS Việt Nam có những lỗi lầm trên, dân Việt chỉ bị mất đi 10% mà thôi. Ngoài ra, những người này có thể lý luận sự kiện dân Việt Nam xếp hạng 94 trong số 155 quốc gia, theo bảng xếp hạng SDSN, hoặc 74 trong số 158 quốc gia, theo bảng xếp hạng RV, cho thấy người dân có hưởng phần nào hạnh phúc tuy xếp hạng dưới trung bình. 

Các lý luận này hoàn toàn sai lầm vì NCQCS không những lấy đi 10% do hoàn cảnh và tình trạng, mà còn triệt tiêu cả 40% do các hoạt động cá nhân cố tình, và có thể tạo nên những hậu quả tiêu cực khiến phần di truyền 50% còn bị suy kém nhiều. Việc xếp hạng 94/155 hoặc 74/158 là nhờ bản chất lạc quan và/hoặc sức chịu đựng của dân Việt là tính chất di truyền đóng góp vào mức độ cảm nhận hạnh phúc. Nếu không nhờ bản chất lạc quan và/hoặc sức chịu đựng này, dân Việt còn xếp hạng thấp hơn nữa.

Tuy nhiên, tình trạng không đến nỗi tuyệt vọng. Người dân Việt Nam, nhất là giới trẻ, nên cố tìm hạnh phúc cho chính mình được phần nào hay phần nấy, và chuẩn bị cho cuộc nổi dậy để khôi phục lại chính nghĩa và những gì tốt đẹp của đất nước. Chỉ khi nào chế độ cộng sản sụp đổ, người dân Việt Nam mới có thể đạt được hạnh phúc hoàn toàn.

Việt Nam vẫn còn có nhiều cơ hội giúp tuổi trẻ phát huy những cảm xúc tích cực và tiêu diệt những cảm xúc tiêu cực. Thí dụ, với lòng trắc ẩn từ bi và cảm thông, tuổi trẻ có thể nung nấu lòng can đảm, rèn luyện ý chí tự tin, và hủy diệt sợ hãi và hèn nhát. Tuổi trẻ cần phải tìm hiểu sự thật về lịch sử, về bản chất lừa đảo và tàn bạo của chế độ cộng sản, và trân trọng những hy sinh cao quý của dân tộc, kể cả cuộc chiến đấu oai dũng của miền Nam và thể chế Việt Nam Cộng Hòa (VNCH), trong cuộc chiến chống lại sự xâm lăng của cộng sản miền Bắc với sự hợp tác của cộng sản miền Nam, theo lệnh Nga Tàu. Hãy lắng tai nghe những bài hát thời VNCH, tìm hiểu lời ca ý nhạc và so sánh với những ca khúc cộng sản. Hãy đọc các tài liệu về tội ác cộng sản, về cuộc cải cách ruộng đất trong thập niên 1950, cuộc thảm sát Tết Mậu Thân tại Huế. Hãy quan sát những tệ trạng xã hội hiện nay, tình trạng giáo dục, ô nhiễm môi trường, tham nhũng. Đó là những hoạt động phát huy những cảm xúc tích cực và tiêu hủy những cảm xúc tiêu cực.

C. Kết Luận:

Hầu hết mọi quan điểm triết lý, khoa học, và tôn giáo đều coi hạnh phúc là mục tiêu của cuộc sống. Có nhiều cuộc thăm dò và nghiên cứu về hạnh phúc cho cá nhân và so sánh các quốc gia trên thế giới. Khoa học cho thấy trí tuệ và bộ óc ảnh hưởng lẫn nhau. Do đó, những phương pháp vận dụng trí tuệ trong việc gia tăng hạnh phúc có thể cải thiện cơ cấu óc não và giúp cho việc duy trì hạnh phúc lâu dài.

Trong xã hội suy đồi, tham nhũng, kẻ cầm quyền cướp bóc dân, và công dân không có các tự do căn bản và quyền con người như Việt Nam, người dân Việt rất khó phát huy hạnh phúc chân chính. Tuy nhiên, tuổi trẻ là nguồn hy vọng lớn lao cho đất nước, và có thể gây dựng một lực lượng đấu tranh đáng kể chống lại chế độ cộng sản. Trong bài kế tiếp, tôi sẽ khai triển vấn đề về các phương pháp đấu tranh để đem lại hạnh phúc cho toàn dân, khi người dân bị kẻ cầm quyền đàn áp và tước đi những quyền căn bản của con người.

*

Tài Liệu Tham Khảo:

tlđd.: tài liệu đã dẫn, thay cho "sđd." (sách đã dẫn) để chỉ tài liệu (sách, trang mạng, liên lạc riêng, v.v.) đã trích dẫn xuất hiện ngay trước trích dẫn này.

Achor Shawn. 2010. The Happiness Advantage. The Seven Principles that Fuel Success and Performance at Work. The Virgin Books. Random House, Inc., New York, NY., U.S.A.

Alcorn, Randy. 2015. Happiness. Tyndale House Publishers. Carol Stream, IL., U.S.A.

Argyle, Michael. 2009. The Psychology of Happiness. Reprinted 2nd edition. Routledge. East Sussez U.K.

Batchelor, Stephen. 2015. After Buddhism. Rethinking the dharma for a secular age. Yale University Press. New Haven, CT., U.S.A.

Cahn, Steven M. và Vitrano, Christine. 2008. Happiness. Classic and Contemporary Readings in Philosophy. Oxford University Press. New York, NY., U.S.A.

Dalai Lama, His Holiness The và Cutler, Howard C. 2009. The Art of Happiness, 10th Anniversary Edition. Hodder & Stoughton Ltd. London, U.K.

Dalai Lama, The và Chan, Victor. 2014.The Wisdom of Compassion – Stories of Remarkable Encounters and Timeless Insights. Riverhead Books, New York, NY. U.S.A.

Dalai Lama, The và Chodron, Thubten. 2014. Buddhism. One Teacher; Many Traditions.Wisdom Publications, Somerville, MA., U.S.A.

Dalai Lama, The và Chodron, Thubten. 2017. Approaching the Buddhist Path. Wisdom Publications, Somerville, MA., U.S.A.

Dalai Lama, His Holiness The và Carrière, Jean-Claude. 2001. Violence & Compassion - Dialogues on Life Today. Image Books, Doubleday, New York, NY., U.S.A.. 

Haidt, Jonathan. 2006. The Happiness Hypothesis. Finding Modern Truth in Ancient Wisdom. Basic Books. New York, NY, U.S.A.

Hanson, Rick. 2013. Hardwiring Happiness. The new brain science of contentment, calm, and confidence. Harmony Books, New York, NY., U.S.A.

Hanson, Rick và Mendius, Richard. 2009. Buddha's Brain. The practical neuroscience of happiness, love, and wisdom. New Harbinger Publications, Inc., Oakland, CA., U.S.A.

Keown, Damien. 2013. Buddhism. A very short introduction. Oxford University Press. Oxford, U.K.

Klein, Stefan. 2006. The Science of Happiness. Translated by Stephen Lehmann. De Capo Press, Cambridge, MA., U.S.A.

Lenoir, Frédéric. 2016. Happiness. A philosopher's guide. Translated by Andrew Brown. Melville House Publishing. Brooklyn, NY., U.S.A.

Lyubomirsky, Sonja. 2008. The How of Happiness. A New Approach to Getting the Life You Want. Penguin Books. New York, NY., U.S.A.

Peterson, Christopher. 2006. A Primer in Positive Psychology. Oxford University Press. New York, NY., U.S.A.

Pope Francis. 2017. Happiness in this life. Translated from the Italian by Oonagh Stransky. Random House, New York, NY., U.S.A.

Ricard, Matthieu. 2007. Happiness – A guide to developing life’s most important skill. Translated by Jesse Browner. Little, Brown, and Company. New York, NY., U.S.A.

Schwartz, Jeffrey M. và Begley, Sharon. 2002. The Mind & The Brain. Neuroplasticity and the Power of Mental Force. HarperCollins Publishers. New York, NY., U.S.A.

Seligman, Martin E.P. 2013. Authentic Happiness. Using the new positive psychology to realize your potential for lasting fulfillmemt. Simon & Schuster, New York, NY, U.S.A.

Tsering, Geshe Tashi. 2006. Buddhist Psychology. The foundation of Buddhist thought. Volume 3. Wisdom Publications, Somerville, MA., U.S.A.

Vitrano, Christine. 2014. The nature and value of happiness. Westview Press. Boulder, CO., U.S.A.

Wadell, Paul J. 2016. Happiness and the Christian Moral Life. An introduction to Christian ethics. Third Edition. Rowman & Littlefield. Lanham. MD., U.S.A.

NGUỒN INTERNET

Cần lưu ý rằng nguồn Internet có thể không vĩnh viễn. Một blog có thể gỡ bỏ bởi tác giả, một bài báo có thể bị xóa, hoặc một Website có thể bị đóng cửa.

Bible Study Tools. Không rõ ngày. Compassion. Không rõ ngày. https://www.biblestudytools.com/dictionary/compassion/ (truy cập 15-2-2018).

Helliwell, John; Layard, Richard; và Sachs, Jeffrey (Eds). 2017. World Happiness Report. Sustainable Development Solutions Network, U.S.A. https://s3.amazonaws.com/sdsn-whr2017/HR17_3-20-17.pdf (truy cập 15-2-2018).

Lewis, Martin W. 2010. The Misleading Ecological Footprint Model. 23-11-2010. http://www.geocurrents.info/economic-geography/the-misleading-ecological-footprint-model (truy cập 15-2-2018). 

Muehlenberg, Bill. 2014. C. S. Lewis on Real Happiness and Real Christianity. CultureWatch. 30-1-2014. https://billmuehlenberg.com/2014/01/30/c-s-lewis-on-real-happiness-and-real-christianity/ (truy cập 12-2-2018).

New Economics Foundation (NEF). 2012. Happy Planet Index: 2012 Report. 14-6-2012. http://neweconomics.org/2012/06/happy-planet-index-2012-report/ (truy cập 15-2-2018).

_________. 2016. The Happy Planet Index 2016. A global index of sustainable wellbeing. https://static1.squarespace.com/static/5735c421e321402778ee0ce9/t/57e0052d440243730fdf03f3/1474299185121/Briefing+paper+-+HPI+2016.pdf (truy cập 15-2-2018).

Pearce, Fred. 2013. Admit it: we can’t measure our ecological footprint. 20-11-2013. https://www.newscientist.com/article/mg22029445-000-admit-it-we-cant-measure-our-ecological-footprint/ (truy cập 15-2-2018).

POH (The Pursuit of Happiness). a. Socrates. Không rõ ngày. http://www.pursuit-of-happiness.org/history-of-happiness/socrates/ (truy cập 15-2-2018)

_________. b. Aristotle. Không rõ ngày. http://www.pursuit-of-happiness.org/history-of-happiness/aristotle/ (truy cập 15-2-2018).

Rampell, Catherine. 2009, The Happy Planet Index. Economix. 6-7-2009. https://economix.blogs.nytimes.com/2009/07/06/the-happy-planet-index/ (truy cập 15-2-2018).

Stanford Encyclopedia of Philosophy (SEP). 2014. Aristotle's Ethics. 21-4-2014. https://plato.stanford.edu/entries/aristotle-ethics/ (truy cập 15-2-2018).

Veenhoven. R. 2014. Average happiness in 158 nations 2005-2014. World Database of Happiness. Rank report Average Happiness. Internet: worlddatabaseofhappiness.eur.nl/hap_nat/findingreports/RankReport_AverageHappiness.php (truy cập 15-2-2018). 

Wikipedia. 2018a. Gross National Happiness. Thay đổi chót: 10-2-2018. https://en.wikipedia.org/wiki/Gross_National_Happiness (truy cập 13-2-2018).

_________. 2018b. World Happiness Report. Thay đổi chót: 29-1-2018. https://en.wikipedia.org/wiki/World_Happiness_Report (truy cập 14-2-2018).

_________. 2018c. List of countries by GDP (PPP) per capita. Thay đổi chót: 11-2-2018. https://en.wikipedia.org/wiki/List_of_countries_by_GDP_(PPP)_per_capita (truy cập 14-2-2017).

_________. 2018d. Neuroplasticity. Thay đổi chót: 9-2-2018. https://en.wikipedia.org/wiki/Neuroplasticity (truy cập 13-2-2018).

_________. 2018e. Karuṇā. Thay đổi chót: 4-2-2018. https://en.wikipedia.org/wiki/Karu%E1%B9%87%C4%81 (truy cập 14-2-2018).

_________. 2018f. Four Noble Truths. Thay đổi chót: 11-2-2018. https://en.wikipedia.org/wiki/Four_Noble_Truths (truy cập 14-2-2018).




Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo