Nguyễn Ngọc Già (Danlambao) - Ông Trương Minh Tuấn - Bộ trưởng Bộ TT - TT đăng đàn trả lời chất vấn tại Quốc hội. Trong chất vấn ấy, đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy thắc mắc: "...Bộ trưởng có trả lời là không gọi là báo chí chính thống, vì không có quan điểm báo chí không chính thống. Tuy nhiên, trong báo cáo của Bộ TT-TT có viết nội dung thông tin trên mạng hiện nay được cung cấp bởi 2 nguồn, thứ nhất từ các cơ quan chính thống (báo chí in, báo chí điện tử, phát thanh truyền hình)..."(*)
Sau đó, ông Tuấn nói: "... Tất cả chúng ta phải phân biệt báo chí với mạng xã hội, chứ không phải báo chí chính thống và báo chí không chính thống. Chính vì vậy trong báo cáo của tôi cũng có cái sai, xin lỗi ĐB Thúy như vậy".
Trước 1975, VNCH là một quốc gia dân chủ với nền kinh tế thị trường đúng nghĩa, dù chưa phát triển lắm trong bối cảnh chiến tranh. Nền giáo dục VNCH với triết lý "Nhân bản, Dân tộc và Khai phóng", làm cho Thầy-Cô ở mọi cấp đều rất chú trọng và kỹ lưỡng trong việc sử dụng tiếng Việt.
Kể từ sau 1975, chữ nghĩa tiếng Việt không được những nhà ngôn ngữ học, nhà giáo, nhà báo và những người "làm nghề cần đến chữ" quan tâm. Dường như chữ nghĩa tiếng Việt đang ngày càng méo mó và có thể nói, trở nên dị dạng nhiều hơn.
Dưới đây là một số "chữ nghĩa" như vậy.
"Triển khai":
"Khai" nghĩa là mở ra một điều (một vấn đề) gì đó, "triển" nghĩa là đưa một điều (một vấn đề) gì đó "đi lên", "ra xa" và làm cho nó rõ hơn, sâu sắc hơn để hiện thực phải theo đúng với mong muốn. Không "khai" làm sao "triển"? Vì vậy, nên dùng "khai triển" như trước 1975.
"Doanh nhân":
Chữ "doanh" vốn có nghĩa mưu sự và thường liên quan đến quân sự, kể cả ngoại giao, thuyết khách, sứ giả v.v... Gắn với chữ "doanh", ai cũng biết chữ "doanh trại" (ám chỉ trại lính). "Doanh" cũng là một cách gọi từ chữ "dinh", nhưng ở góc độ nói về một địa điểm để tính chuyện gì đó (thường là việc "quân cơ"), không phải nơi ăn ngủ, vui chơi, hưởng lạc, nên không thể gọi là "dinh". Người ta cũn biết chữ "bản doanh" hay "đại bản doanh", ở đó, "chuyện buôn bán" là phụ, sâu xa hơn, nó dùng trong ý nghĩa "chính trị" với nhiều cơ mưu được bày ra và bàn bạc.
Chữ "nhân" vốn dùng trong lĩnh vực rộng, mang tính căn bản và phổ quát, để chỉ những gì thuộc về con người, ví dụ: "nhân quyền" (không thể thay bằng chữ "gia quyền" - chữ này mang một ý nghĩa hoàn toàn khác), "danh nhân", "đại nhân", "tiểu nhân", "phu nhân", "thân nhân", "gia nhân" (chỉ người ăn kẻ ở trong nhà) v.v... Chữ "nhân" không dùng cho những người làm (và có) chuyên môn, như người CSVN đang dùng là "doanh nhân" để chỉ những "người buôn bán"
Chữ "thương" có rất nhiều nghĩa, ở đây chỉ gói trong vấn đề "buôn bán" (bởi vì đang nói đến chữ "doanh nhân"). Chữ "thương" đi liền với "thương mãi", "thương mại", "thương gia", "thương lượng" (đàm phán về giao kèo (hợp đồng) mua bán với nhau, trả giá).
Chữ "gia" dùng ở phạm vi hẹp hơn chữ "nhân". Thông thường, nó chỉ những người làm chuyên môn (và phải có chuyên môn trong lãnh vực đó), như chúng ta thấy: sử gia, chuyên gia kinh tế, chính trị gia v.v... và tất cả những người "buôn bán" đều được gọi chung bằng chữ "thương gia" mà nhiều người còn nhớ rất rõ, cũng như hiện nay, "thương gia" vẫn còn được Người Việt Hải Ngoại sử dụng nhiều. Hoặc, giản dị hơn, trước 1975 người miền Nam hay dùng chữ "nhà" thay cho chữ "gia". Ví dụ sản xuất nước mắm gọi là "nhà thùng", lãnh vực in ấn gọi là "nhà in", người buôn sỉ gọi là "nhà buôn", người chuyên về ngôn ngữ gọi là "nhà ngôn ngữ học", rồi cả nhà báo, nhà giáo, nhà ảo thuật (ảo thuật gia) v.v...
Do đó, dùng chữ "doanh nhân" là một cách dùng tiếng Hán Việt rất sai. Hiện nay, người CSVN sử dụng lẫn lộn rất nhiều. Nếu chiếu theo cách gọi hiện nay, phải thay thế "Bộ Công Thương" thành "Bộ Công Doanh"(?) "Phòng Thương Mại và Công Nghiệp VN (VCCI)" thành Phòng Doanh Mại và Công nghiệp VN" (?), "Chuyên gia" gọi là "chuyên nhân" (?), "sử gia" gọi là "sử nhân" (?), "chính trị gia" gọi là "chính trị nhân" (?) "khoa học gia" gọi là "khoa học nhân" (?), "tiểu nhân" gọi là "tiểu gia" (?), "đại nhân" gọi là "đại gia" (?) v.v...
Trong khi ai cũng biết, "đại nhân" và "đại gia" là hai ý nghĩa hoàn toàn khác biệt. Theo lẽ đó, một chàng trai con nhà giàu phải gọi là "thiếu gia" không ai gọi là "tiểu gia".
Dù không tìm hiểu chữ "doanh nhân" có từ khi nào, nhưng có lẽ khó chối cãi do nền "kinh tế phi thị trường" sản sinh ra, bởi, miền Bắc và cả nước sau 1975, "kinh tế thị trường" bị tuyệt diệt, cho đến mãi sau này mới đang dần hồi sinh, dù vẫn bị "định hướng XHCN" bám vào.
Chữ "nhân", chữ "gia", chữ "doanh" và chữ "thương" đều là từ Hán Việt. Sử dụng "bốn chữ này" là cả một nghệ thuật. Không thể "gọi đại, gọi đến" như chữ "doanh nhân" hiện nay đang dùng.
Vì vậy, phải trả lại chữ "thương gia" về lại... "vị trí cũ" như vốn có.
Những "chữ nghĩa mơ hồ và tối nghĩa":
Nhan nhản trên tất cả các báo đài, không ai không biết những "chữ nghĩa": "hoàn thành cơ bản", "đồng ý về nguyên tắc" "thành công tốt đẹp", "chào xã giao", "tiếp thân mật" v.v...
Theo "cái tứ" của ông Trương Minh Tuấn nói trên, đã gọi "hoàn thành cơ bản" tức phải có "hoàn thành không cơ bản"; đã gọi "đồng ý về nguyên tắc" ắt phải có "đồng ý về vô nguyên tắc"; đã gọi tên "thành công tốt đẹp" tức phải kêu tên "thành công không tốt đẹp"; theo đó, "chào xã giao" tương ứng với "chào không xã giao"; "tiếp thân mật" tương ứng với "tiếp không thân mật" v.v... Và đến đây, tôi nghĩ độc giả sẽ thêm vô vàn những "chữ nghĩa mơ hồ và mơ màng" như thế!
Tuy nhiên, điều đáng phải suy nghĩ cho tất cả người Việt Nam trong và ngoài nước về hậu quả của cách dùng như trên; những tưởng "vô thưởng vô phạt", thậm chí là "hay và đẹp" lại "uyển chuyển và linh hoạt"? Không chắc, có lẽ vì thế ...
..."Thiếu trách nhiệm" lên ngôi
Ngày xưa, tôi chỉ được Thầy-Cô dạy "tính trách nhiệm" và "tính vô trách nhiệm". Khái niệm gọi là "thiếu trách nhiệm" (dù gây hậu quả nghiêm trọng hay gây hậu quả không nghiêm trọng) là khái niệm hoàn toàn xa lạ đối với nền giáo dục Nhân bản và Khai phóng. Tôi cũng được Thầy-Cô dạy rằng "làm tròn trách nhiệm" chứ không dạy tôi khái niệm "làm thiếu trách nhiệm".
Đáng ưu tư, bởi trong Luật Hình Sự (mới) vẫn còn duy trì loại "tội danh" này. Bên cạnh đó, người ta cũng không thể định lượng rõ ràng với chữ "thiếu". Bao nhiêu gọi là "thiếu"? Trong vấn đề "hình sự", định lượng luôn phải rõ ràng, càng rõ càng tốt (nên mới có luật giám định tư pháp). Chính vì chữ "thiếu" nghe rất "mơ hồ và mơ màng" như thế, người ta có thể tránh né hết tất cả mọi thứ bừa bộn hay ngổn ngang do chính họ gây ra.
Nếu một chiếc cầu xây xong... Vâng! Xong hết, nhưng bồn hoa, thảm cỏ v.v... để bảo đảm an toàn hành lang và đạt thẩm mỹ cho công trình vẫn không hoàn tất, người ta coi như "hoàn thành cơ bản" (!).
Cũng chính vì vậy, tâm lý phổ biến hiện nay, "nhà nhà sợ trách nhiệm, người người sợ trách nhiệm". Thế cho nên, thiên hạ đang ầm ào phẫn nộ về câu phát ngôn của ông cựu Phó Thủ tướng Vũ Khoan "Xóa nỗi nhục nước nghèo là "sứ mạng lịch sử "của người trẻ".
Thật buồn trong những ngày giáp Tết!
______________________________
Tham khảo: http://hvdic.thivien.net/hv/doanh