Christopher Bodeen (AP) * Đỗ Hồng (Danlambao) dịch - Một tờ báo của đảng cộng sản cho biết hôm thứ tư rằng Bắc Kinh không hài lòng với chuyến viếng thăm đầu tiên của chiếc hàng không mẫu hạm Hải Quân Hoa Kỳ tới một hải cảng Việt Nam kể từ cuộc chiến VN và đang theo dõi các diễn biến.
Tuy nhiên, tờ Global Times viết rằng chuyến viếng thăm của chiếc USS Carl Vinson không có vẻ thay đổi cán cân quyền lực tại biển Hải Nam, mà Trung Cộng hầu như công bố trọn chủ quyền và đang củng cố các cơ cấu quân sự trên các đảo nhân tạo.
Tờ báo này, vốn được biết đến do quan điểm quốc gia cứng rắn, trong một bài xã luận cho rằng: "Sự cảnh giác và không hài lòng của TC là không thể tránh được, nhưng chúng ta không nghĩ chuyến viếng thăm VN của chiếc USS Carl Vinson có thể khuấy động rắc rối trên biển Nam Hải."
Bài báo viết tiếp rằng chuyến viếng thăm đó "sẽ không tạo ra bất cứ một công cụ nào để gây áp lực cho TC trong khi HK phái các chiến hạm tới Nam Hải sẽ chỉ phí tiền mà thôi."
VN và TC có những công bố chủ quyền rộng rãi trùng lắp đối với các hải đảo và tài nguyên trên biển, và các viên chức Mỹ nói rằng chuyến viếng thăm hải cảng là dấu chỉ mà HK cam kết đối với vùng này và mối quan hệ Việt-Mỹ.
Phó Đô Đốc Philip Sawyer, chỉ huy trưởng Đệ Thất Hạm Đội HK, tuyên bố với các ký giả trong một cuộc họp báo hôm thứ ba tại hải cảng Đà Nẵng, nơi chiếc tàu đậu hôm thứ hai, rằng “chiếc Carl Vinson đang ở đây, tôi cũng đang ở đây, điều này là về VN. Đây là về mối quan hệ của chúng tôi với VN, cả quan hệ quân sự lẫn quan hệ hợp tác toàn diện.”
Ông Sawyer và các viên chức khác không liên kết chuyến viếng thăm của chiếc tàu này với các hoạt động của TC trên biển Nam Hải, nhưng ông ghi nhận những mối quan tâm của Hoa Thịnh Đốn về những xúc tiến của TC để gây sức mạnh sau những công bố lãnh thổ và những câu hỏi chưa được giải đáp về mục tiêu của TC trong việc bành trướng và nâng cấp nhanh chóng về quân sự của họ.
Ông Sawyer nói: “Quan điểm của tôi là cả hai điều đó, xây đắp đất đai và quân sự hóa, đang gây ra cảm giác lo ngại trong vùng. Và cảm giác lo ngại mà nó tạo ra là có thực bởi vì sự thiếu minh bạch.”
Ông cho biết thêm: “Thật không rõ ràng về điều gì đang xảy ra ở đó. Và tôi nghĩ rằng cảm giác lo ngại cùng sự thiếu minh bạch có tiềm năng phá vỡ đối với nền an ninh và sự ổn định của vùng này. Và điều đó gây ra lo ngại.”
Chuyến viếng thăm của chiếc USS Carl Vinson với hơn 5.000 thủy thủ đánh dấu sự hiện diện quân sự lớn nhất của HK tại VN kể từ khi quốc gia Đông Nam Á này được thống nhất dưới sự lãnh đạo của cộng sản sau khi chiến tranh kết thúc vào năm 1975.
Được hộ tống bởi một tuần dương hạm và một khu trục hạm, chiếc tàu này viếng thăm khi TC hoàn tất công trình về các căn cứ không quân, các đài radar và những cơ sở hạ tầng khác vốn có thể chứng tỏ là then chốt trong một cuộc xung đột quân sự trên quần đảo Hoàng Sa và 7 đảo nhân tạo tại Trường Sa vốn cũng được công bố chủ quyền lãnh hải bởi VN.
Sứ mạng của chiếc tàu này bao gồm trao đổi kỹ thuật, những trận đấu thể thao cùng viếng thăm một cô nhi viện và trung tâm dành cho nạn nhân chất độc da cam, vốn là một loại thuốc khai quang được xịt bởi quân đội Mỹ để ngăn chận chỗ trú ẩn cho cán binh cộng sản trong thời chiến. Nó đánh dấu một thay đổi nhỏ, thay vì một thay đổi quan trọng, trong mối quan hệ. Hải Quân HK đã thực hiện các hoạt động tại VN cho các sứ mạng Hợp Tác Thái Bình Dương về nhân đạo và dân sự trong 9 năm của 12 năm qua.
Brunei, Mã Lai Á, Phi Luật Tân và Đài Loan cũng tranh giành các vùng biển và hải đảo trên biển Nam Hải mà TC cho rằng thuộc về họ.