Cộng sản: Nói và làm - Dân Làm Báo

Cộng sản: Nói và làm

Nguyễn Hoàng Dân (Danlambao) - Mọi đảng cộng sản và mọi đảng viên cộng sản đều có cái đặc tính, nói đúng hơn là một thứ thuộc tính (Inherent) bất di dịch, nói và làm luôn luôn mâu thuẫn với nhau, hoàn toàn ngược nhau, như đen với trắng, nhưng được che đậy dưới những chiêu bài lý tưởng, hay ngụy biện chơi chữ theo lối làm xiếc với chữ nghĩa, nhằm đánh tráo bản chất vấn đề, sự kiện, với dụng ý quỷ quyệt làm xóa nhòa gian manh, dối trá giữa các luận điệu tuyên truyền đầy lôi cuốn và sự thật trần trụi đến ghê tởm mà họ đã và đang thực hiện.

Cố Tổng thống VNCH Nguyễn Văn Thiệu đã có câu nói để đời với lịch sử "Đừng nghe những gì cộng sản nói. Hãy nhìn những gì cộng sản làm". Đây là chân lý bất biến, rất dễ làm các đảng viên cộng sản tức tối vì đã bị chọc đúng vào gót chân Achilles của họ, khiến các tập thể cuồng cộng đã bị tẩy não (Brainwashing) tới độ mù lòa, cứ giãy nảy như đỉa phải vôi, nhưng đã là chân lý và trước những sự thật hiển nhiên, thì không thể nào dùng các thứ lý lẽ cãi chầy, cãi cối, để mong có chút phần thắng khi tranh luận được. 

Từ việc lớn quốc gia đại sự, như giải phóng tổ quốc giành độc lập (nay bị lệ thuộc Tàu cộng 100%), xây dựng nền kinh tế chỉ huy chủ nghĩa xã hội, tiến lên chủ nghĩa cộng sản (nay là thứ quái thai dị dạng kinh tế thị trường, định hướng XHCN), hay xóa bỏ giai cấp bóc lột, ngồi mát ăn bát vàng (nay có giai cấp tư sản đỏ là thiểu số đảng viên cộng sản gộc và bọn đại gia cơ hội chủ nghĩa, cấu kết mãi quốc cầu vinh trên thân phận khốn khổ của gần 90 triệu con dân Việt Nam), đến việc nhỏ như phân phối cái ăn, cái mặc, cái trị bệnh lúc ốm đau (khi còn đói khổ), tới giành phần, phân loại, định chổ chôn cất (lúc đã hoàn tất vinh (?) thân phì gia, xuôi tay về với Mao, với Hồ)… đều rặt một kiểu khốn nạn, nói đằng đông, làm đằng tây, của một tổ chức lưu manh là đảng cộng sản và với một bọn ngược ngạo, gian ác là các đảng viên đảng cộng sản. 

Ôn cố tri tân, thử điểm qua một vài chính sách và việc thực hiện thực tế của đảng cộng sản Việt Nam, đối với dân đen xã hội chủ nghĩa và cán bộ đỉnh cao trí tuệ của đảng, về ít chuyện nhỏ nêu trên, tức chuyện ăn, chuyện mặc khi còn sống và chuyện chôn cất khi đã hết thở, để thấy được sự tham lam hèn mạt của người cộng sản, sự lưu manh của câu thiệu "mình vì mọi người, mọi người vì mình" và sự bất hạnh của đất nước Việt Nam, khi bị cai trị bởi một bè lũ mang danh là chính quyền của nhân dân, mà những chuyện nhỏ ăn, mặc hàng ngày, cũng phân loại hơn, thua với nhân dân, khi chết cũng trâng tráo chia chác cuộc đất vùi thây cho cá nhân và đồng đảng. Các chuyện nhỏ còn không có đủ liêm sỉ tối thiểu để làm coi cho được, thì mong gì tới các đòi hỏi nghiêm túc, chính trực, công bằng cần có khi làm những chuyện lớn là việc trị quốc, an dân. 

1/ Cái ăn, cái mặc ở miền bắc Việt Nam trước năm 1975: Khác hẳn với các cuộc cách mạng của nhân loại trong quá khứ, cách mạng cộng sản đã nhân danh việc tiêu diệt và xóa bỏ giai cấp, để lập ra sự thống trị của một giai cấp mới, một thứ "the new class", được George Orwell súc vật hóa khi ví von mặt thật trần trụi của cuộc cách mạng vô sản do các con heo khởi xướng là hứa hẹn sẽ đem lại cho tất cả mọi con vật sự bình đẳng, nhưng có các con vật bình đẳng hơn các con khác, được Michael Voslensky hoán vị song trùng với cuộc cách mạng tháng 10 Nga, gọi là thành phần Nomenklatura, tức tầng lớp cán bộ đảng viên cộng sản Lienxo đang nắm trọn quyền lực trong đảng và tự định ra sự thụ hưởng cao vượt bậc, so với cuộc sống đói rét của người dân ngoài xã hội. 

Miền bắc Việt Nam trước năm 1975 là một phó bản thu nhặt những sản phẩm què quặt, phi nhân do cuộc cách mạng vô sản quốc tế mang lại, nên cũng cũng rập khuôn y hệt và chỉ có một khác biệt duy nhất là về quy mô nhỏ hơn. 

Với chủ trương lấy hận thù, đấu tranh giai cấp làm động lực, đồng thời xử dụng tiêu chuẩn…. ác hóa con người làm thước đo cho sự trung thành, đảng cộng sản Việt Nam đã ra sức tàn phá mọi cơ cấu truyền thống lâu đời của nền văn minh Việt Nam, hủy hoại nền văn hóa nhân hòa tương thân, tình làng nghĩa xóm, nhằm trói buộc con người trong toàn xã hội, từ nông thôn ra thành thị phải tuân phục và lệ thuộc hoàn toàn vào đảng và nhà nước cộng sản. 

Chỉ riêng trong vùng các đô thị miền bắc, sau các chiến dịch tiêu diệt tư sản trong ba năm 1958 – 1960, về căn bản chỉ còn giành cho thành phần các đảng viên lãnh đạo và giai cấp công nhân vô sản.... Từ năm 1961 kết cấu xã hội trong cộng đồng dân cư đã thay đổi tận gốc rễ. Một xã hội đa tầng bị thu gọn thành một kết cấu đóng, hai mặt, hoặc là quốc doanh, hoặc là tập thể. Số hộ còn lén lút làm ăn cá thể trong các vùng đô thị chỉ còn ước độ 17%... (Vũ Ngọc Tiến, Điều tra đời sống cư dân đô thị miền bắc Việt Nam giai đoạn 1954 đến 1975, 2005). Con người trong toàn xã hội được chia thành 7 bậc. Nhân dân gồm 3 bậc là dân thường, sinh viên, học sinh và trẻ em. Cán bộ có 4 bậc là cơ sở, sơ cấp, trung cấp và cao cấp. Chế độ hộ khẩu - một đặc trưng bất biến của chủ nghĩa cộng sản và xã hội công an trị cũng được thiết lập xong, triệt để và toàn diện, khống chế và kiểm soát cộng đồng xã hội tại miền bắc Việt Nam tuyệt đối về mọi mặt. 

Người dân hoàn toàn sống ký sinh, những nhu cầu ăn, mặc, phải dựa theo chế độ tiêu chuẩn định lượng, định phẩm, do nhà nước quy định cụ thể cho từng thành phần. Mọi loại vật dụng cần thiết trong đời sống bình thường, từ lương thực, thực phẩm nuôi sống con người, đến các nhu yếu phẩm gia dụng tối thiểu trong sinh hoạt, nhất nhất đều phải thông qua sổ gạo và dưới hình thức các loại tem, phiếu (gọi là bìa), được nhà nước phân phối theo từng quý 3 tháng, đến mua tại cửa hàng quốc doanh được chỉ định riêng cho mỗi mặt hàng và tùy theo từng thành phần thuộc vào 11 thứ hạng xếp loại cao, thấp trong xã hội cộng sản. 

Tổng quát, mức sống của hơn 80% cư dân được cào bằng như nhau trong sự gia ơn, ban phát được chăng hay chớ của nhà nước. Sự chênh lệch còn lại là mức thụ hưởng của một đẳng cấp mới hình thành trong xã hội xã hội chủ nghĩa, vốn được chế độ mệnh danh là thể chế ưu việt, không còn giai cấp và kẻ bóc lột. 

Nhân dân làm chủ nhân ông đất nước, hưởng tiêu chuẩn thấp nhất là tiêu chuẩn N. Mỗi tháng một người lớn được mua 12 kg gạo, 0,3kg thịt heo, 0,5kg cá, 0,1kg đường. Trẻ em dưới 15 tuổi được mua 10kg gạo, 0,2kg thịt, 0,3kg cá, 0,2kg đường. Ngoài việc ăn độn, mua như cướp, phải tranh giành xếp hàng từ rạng sáng, bán như cho, phải quỵ lụy, cầu cạnh các mậu dịch viên vênh váo, mặc sức quát tháo, thi ân, ban phát (?), gạo bán cho nhân dân thường đã mốc, hôi và đen, nhưng gặp thức gì thì phải lấy thức đó. Trong phiếu thịt lại có kèm ô bán đậu phụ (tàu hũ miếng) để cửa hàng du di bán thay thế thịt, gọi là bảo đảm cho tiêu chuẩn chất đạm. 

Công nhân lao động nặng, hay công việc độc hại hưởng tiêu chuẩn I, hoặc II. Mỗi tháng tối đa một người được mua 15 kg gạo (phẩm chất gạo nhân dân), 1,5 kg thịt, 1,5 kg cá và 0,75 kg đường. 

Cán bộ cơ sở có bậc lương cán sự 1 đến cán sự 4, trong quân đội từ hàng binh sĩ đến Trung úy, hưởng tiêu chuẩn E, thay đổi chút ít từ E1 đến E2, nhưng tối đa mỗi tháng được mua 13 kg gạo (phẩm chất nhân dân), 1 kg thịt, 2 kg cá và 1 kg đường. 

Cán bộ sơ cấp từ bậc lương cán sự 5 đến chuyên viên 2, trong quân đội là sĩ quan cấp Thượng úy đến Trung tá, hưởng tiêu chuẩn D. Mỗi tháng một người được mua 13 kg gạo ngon, 2 kg thịt, 3 kg cá và 2 kg đường. 

Cán bộ trung cấp hàng vụ trưởng, cục trưởng, giám đốc, hưởng tiêu chuẩn C. Mỗi tháng một người được mua 13 kg gạo ngon, 3 kg thịt, 5 kg cá, 3 kg đường, 1 hộp bơ và 2 gói thuốc lá ngoại nhập. 

Cán bộ cao cấp từ hạng chủ tịch tỉnh, hàng thứ trưởng, trong quân đội là sĩ quan cấp Thượng tá tới Đại tá, hưởng tiêu chuẩn B. Mỗi tháng một người được mua 15 kg gạo thơm, 5 kg thịt, 10 kg cá, 5 kg đường, 2 hộp bơ, 1 chai rượu và 1 cây thuốc lá ngoại. 

Cán bộ cao cấp về đảng là ủy viên trung ương, bí thư tỉnh ủy, về nhà nước là hàng bộ trưởng, trong quân đội là sĩ quan cấp tướng, được hưởng tiêu chuẩn A. Mỗi tháng một người được mua 15 kg gạo thơm, 7 kg thịt, 12 kg cá, 5 kg đường, 3 hộp bơ, 2 chai rượu và 2 cây thuốc lá ngoại nhập. 

Toàn bộ các ủy viên bộ chính trị, chủ tịch nước, chủ tịch quốc hội và đại tướng tổng tư lệnh quân đội, đều hưởng tiêu chuẩn ĐB đặc biệt), với mức cung cấp số lượng và chất lượng cũng đặc chuẩn theo nhu cầu. 

Từ sau năm 1954 tại Hà Nội đã có các cửa hàng quốc doanh đặc biệt, giành riêng cho từng loại cán bộ, đảng viên. 

Cán bộ cao cấp hưởng tiêu chuẩn A, B có cửa hàng gạo ở phố Ngô Quyền, chuyên bán các loại gạo thơm, đóng bao riêng, cân đủ và không ăn độn. Thân nhân, gia đình ăn theo, tuy nguyên tắc vẫn ăn độn (nên số lượng được mua ít hơn) nhưng vẫn là loại gạo hảo hạng... Thành ủy đảng bộ cộng sản của Hà Nội, giao cho hai hợp tác xã nông nghiệp Quốc Oai và Từ Liêm, phải giành riêng ra 100 ha ruộng, để chuyên canh các giống lúa Dự, lúa Tám thơm, theo một chế độ quản lý và chăm sóc đặc biệt, như phải với giống thuần chủng và không xử dụng thuốc trừ sâu để giao nộp lên trên... ( Bùi Tín, Mặt thật, 1993 ). Cửa hàng số 17 phố Tôn Đản, phụ trách bán thực phẩm thịt, cá, rau, quả có phẩm chất cao, vì cũng sản xuất riêng và phải tuân thủ nguyên tắc thịt tươi, rau không bao giờ úa, héo, lịch sự và giá rẻ. Cửa hàng giao tế tại phố Lý thái Tổ thì bán cung cấp 42 loại hàng “ đặc chủng “, không có ngoài thị trường, như đường kính, bánh quy tây, kẹo tây, bơ, chocolate, vải vóc, thuốc lá ngoại, rượu ngoại và cả sâm Cao Ly, với đặc điểm cũng ngoại hạng là giá rẻ như cho và với số cán bộ tiêu chuẩn A, hay ĐB thì được mua tự do. 

Tại bốn quận nội thành Hà Nội, các phố Nhà Thờ ở quận Hoàn Kiếm, phố Vân Hồ ở quận Hai Bà Trưng, phố Đặng Dung thuộc quận Ba Đình và phố Kim Liên ở quận Đống Đa đều có cửa hàng giành riêng cho giới cán bộ, đảng viên trung cấp hưởng tiêu chuẩn C. 

Quảng đại đa số dân chúng mua tại các cửa hàng quốc doanh xã, phường do nhà nước quy định cho từng khu dân cư, vừa ít ỏi về chủng loại, số lượng, lại vừa nghèo nàn, kém cỏi về phẩm chất, tới nỗi niềm ao ước lớn nhất mỗi khi tết đến của người dân chỉ là có được một nồi cơm trắng và vài miếng thịt kho. Tất cả mọi sự trao đổi, mua bán ngoài hệ thống thương nghiệp quốc doanh đều bị cấm ngặt, chỉ có vài nhóm mua bán cá thể lén lút hoạt động ở chợ Bắc Qua, nhưng do thường xuyên bị công an truy đuổi gắt gao, nên cũng chỉ hạn chế và giá cả cũng rất cao. 

Gia dụng phẩm thiết yếu nhất là cái mặc, mỗi năm một cán bộ nhà nước hạng sơ, trung cấp được mua 4m vải nội hóa, trong khi dân thường chỉ có 2m vải, 2 quần đùi và 2 áo thung ba lổ, đã thế còn thất thường, có năm phiếu vải của người dân chỉ được mua ít kim, chỉ?!!. Hạng cán bộ cao cấp thì mua tự do ở cửa hàng giao tế, từng có trường hợp vợ một cán bộ gộc mua trong một lúc đến 180m vải tweed ngoại nhập. 

Sự phân phối cách biệt giữa giới lãnh đạo cộng sản cao cấp, với thành phần các đảng viên trung cấp, cơ sở và tầng lớp bần dân, đồng thời với sự ra đời của các cửa hàng đặc biệt, thời gian đầu được đảng cộng sản giải thích là do xuất phát từ đề nghị của phía công an, chỉ nhằm mục đích bảo vệ cho cán bộ, tránh mọi sự đầu độc (?). Sau năm 1965, các loa tuyên truyền của đảng lại ra rả bào chữa cho rằng để bảo đảm cho đời sống cán bộ, trong điều kiện vật giá tăng, lương không tăng (?), nên phải cần có chế độ phân phối như vậy, vừa hợp lý với nguyên tắc làm theo năng lực và hưởng theo lao động của chủ nghĩa xã hội, tức cán bộ đảng phải ngày đêm lao tâm, khổ trí tìm đường đưa cả dân tộc lên đỉnh vinh quang chủ nghĩa cộng sản được ăn nhiều hơn, ngon hơn người lao động cơ bắp một chút là việc thỏa đáng, vừa hợp tình với điều kiện đất nước còn nghèo, bởi tỷ lệ chênh lệch giữa các thành phần cũng chỉ có 1/7 (?). Khi xây dựng thành công chủ nghĩa cộng sản, thì mọi người tha hồ ăn ngon, mặc đẹp, như Karl Marx khẳng định thời hoàng kim sẽ đến với người cộng sản và xã hội cộng sản, do mọi công dân nước thiên đàng chỉ cần làm theo khả năng và hưởng theo nhu cầu!!! 

Trên thực tế, từ sau năm 1954 ở miền bắc và kéo dài mãi đến đầu năm 1989 trên toàn cỏi Việt Nam, việc phân phối miếng ăn, cái mặt trong toàn xã hội theo chiều hướng lưu manh, bần tiện nói trên của đảng cộng sản, đã tạo ra sự chênh lệch phẩm chất cuộc sống giữa bọn Nomenklatura và giới bần dân bị trị và bị lợi dụng, không thể tính với tỉ lệ dối trá 1/7, mà là phải là 1/50, 1/100 và hơn nữa trên 1/1.000. Sự lừa bịp của đảng cộng sản khi chiếm đoạt mọi đặc quyền, đặc lợi cho thiểu số đảng viên cai trị, trong chuyện tranh giành với dân chúng việc nhỏ nhất là miếng ăn, dù đảng đã trí trá ngụy biện, giấu giếm che đậy còn hơn cả mèo giấu cứt, nhưng cũng bị người dân "thủ đô anh hùng" soi mói, dè bỉu qua câu đồng dao... Tôn Đản là chợ vua quan, Vân Hồ là chợ trung gian nịnh thần, Bắc Qua là chợ thương nhân, Vỉa hè là chợ nhân dân anh hùng.... và với câu đố dí dỏm, nhưng không kém phần cay độc... Bụng to, trán hói, hay nói ba hoa, đi xe Volga, ăn gà Tôn Đản... là con gì?. Đối với bọn mặt dày, vô liêm sỉ cộng sản Việt Nam, thì những phản ứng tiêu cực, kiểu chiến tranh nước bọt loại này là vô nghĩa. 

2/ Cái chết và chuyện chôn cất: Sau khi ăn đã đầy túi tham, hưởng lạc thú đã tới lúc không còn thứ linh đơn, loại diệu dược nào có thể giúp kéo dài thêm cuộc sống được nữa, cũng như đã củng cố đời con, đời cháu no cơm, ấm cật xong đâu ra đó… thì rõ ràng việc phải xuôi tay theo Mao, hay Hồ là chuyện không thể cưỡng lại được, nên đảng cũng chu toàn lo hậu sự cho đồng đảng được mồ yên, mả đẹp, theo tinh thần ơn đền, nghĩa trả cho hợp đạo lý cán bộ cấp cao (?), vì người thường dân khi chết nhà nước đã có chủ trương đem đi hỏa táng trong những "đài hóa thân" vừa thuận tiện, văn minh và không kém phần hiện đại, nhất là trong điều kiện quỹ đất đai ngày càng eo hẹp của một nước nhỏ, đông dân và phải không ngừng cắt xén bớt cho anh bạn bốn tốt. 

Cũng như quy định về cái ăn, cái mặc, thì cái chết và chuyện chôn cất các cán bộ của đảng cũng được phân hạng rất rõ ràng và cụ thể. Nghị định 105 năm 2012 của chính phủ cộng sản Hà Nội quy định khi có cán bộ cao cấp nào chết, nếu được tổ chức lễ quốc tang, lễ tang cấp nhà nước, hay lễ tang cấp cao, sẽ được an táng tại nghĩa trang Mai Dịch tại Hà Nội, hay nghĩa trang thành phố Lạc Cảnh ở Thủ Đức – Sài Gòn. 

Các chức danh trong đảng và về mặt nhà nước (gồm cựu và đương nhiệm) được tổ chức lễ quốc tang có tổng bí thư đảng, chủ tịch nước, thủ tướng chính phủ và chủ tịch quốc hội. 

Các chức danh trong đảng và về mặt nhà nước (gồm cựu và đương nhiệm) được tổ chức lễ tang cấp nhà nước có ủy viên bộ chính trị, bí thư ban chấp hành trung ương đảng, phó chủ tịch nước, phó thủ tướng chính phủ, phó chủ tịch quốc hội, chủ tịch ủy ban trung ương mặt trận tổ quốc, chánh án tòa tối cao, viện trưởng kiểm sát tối cao, đại tướng lực lượng võ trang và thượng tướng là cán bộ hoạt động trước tháng 8/1945. 

Nghĩa trang Mai Dịch xây dựng năm 1956, nằm trong phạm vi phường Mai Dịch, quận Cầu Giấy – Hà Nội, có tổng diện tích hơn 5,9 ha, vốn là nghĩa trang liệt sĩ chống Pháp của các quận nội thành Hà Nội. Năm 1982 nghĩa trang được được tân trang, tu bổ để làm nơi chôn cất thêm các cán bộ cao cấp của đảng và hiện nay đã có 394 mộ cán bộ cao cấp như Lê Duẩn, Trường Chinh, Trần quốc Hoàn, Tố Hữu… cùng 1.228 mộ liệt sĩ. 

Nghĩa trang thành phố Sài Gòn ở trong phạm vi phường Linh Trung, quận Thủ Đức, cũng là nghĩa trang liệt sĩ, người có công với đảng và khu A, tức đồi Lạc Cảnh, do thành ủy quản lý, giành riêng để chôn cất các cán bộ thành phố cao cấp như Nguyễn văn Linh, Võ văn Kiệt, Mai chí Thọ, Võ trần Chí. 

Tháng 2/2018 Hà Nội chính thức công bố quy hoạch chi tiết xây dựng nghĩa trang mới giành để chôn cất các quan chức cao cấp, vốn đã được phó thủ tướng Hoàng Trung Hải ký quyết định số 546/QĐ-TTg theo lệnh của ban bí thư đảng từ tháng 4/2014. Theo đó, vị trí được chọn ở tại xã Yên Trung, huyện Thạch Thất, nằm dưới chân núi Ba Vì, rộng tổng cộng 120 ha và cách phía tây Hà Nội hơn 40km. Tổng kinh phí xây dựng dự trù lên tới 1.400 tỷ VNĐ, quy mô chôn được 2.200 đến 2.500 cán bộ cao cấp của đảng và nhà nước cộng sản Việt Nam, theo tiêu chuẩn mỗi người được 25 đến 35m2 đất. 

Trong hoàn cảnh ngân khố quốc gia đang cạn kiệt, xã hội thì bi đát khắp nơi, mọi chổ. Nhà thương đầy người bệnh lê lết ngoài hành lang, dưới gầm giường vì quá tải, trẻ con vào trường học vách đất, mái lá, phải chịu cảnh mưa tạt, gió lùa và dân chúng nhiều nơi phải vượt sông bằng cách chui vào bao nylon như người nhái, hay đeo ròng rọc như binh sĩ học đu dây tử thần… mà đảng vẫn bình chân như vại, táng tận lương tâm móc túi ngân sách để lo chổ ấm ngàn thu cho đồng đảng! Ngàn thu hay không thì gương tày liếp của Lenin, Stalin, Saddam Hussein còn sờ sờ ra đó. Gần hơn và cũng là đồng chí cật ruột hơn là Lê đức Thọ chôn trong nghĩa trang Mai Dịch, chịu không xiết cảnh bị ném phân, phóng uế, thân nhân phải cải táng đem về quê Nam Định, hay Võ nguyên Giáp phải trốn ra Vũng Chùa – Đảo Yến, chịu vùi lấp thân xác kẻ nướng quân như xài bạc giả dưới hàng tấn cement cốt sắt, mong tránh tương lai không xa "Thương dân, dân lập đền thờ. Hại dân, dân đái ngập mồ, thối thây" thì Yên Trung sẽ yên được bao lâu cho đảng. 

03/2018


________________________________________

Chú thích:

Milovan Djilas, The New Class : An Analysis of the Communist System, 1957. 
George Orwell, Animal Farm, 08/1945. 
Michael Voslensky, La Nomenklatura : Les Privilégiés en URSS, 1980. 
Vũ ngọc Tiến, Điều tra đời sống cư dân đô thị miền bắc Việt Nam giai đoạn 1954 đến 1975, 06/2005. 
Lê tùng Minh, tức Tô minh Trung, Dân chủ hóa Việt Nam : Hiện thực và khả năng, 2004. 
Nguyễn ngọc Tiến, Đi xuyên Hà Nội, 7/2015. 


Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo