Nguyễn Bá Chổi (Danlambao) - Ở thế giới bên kia, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn giờ đây hẳn là đang “hồ hởi phấn khởi” lắm, vì lời tiên tri của ông từ hơn nửa thế kỷ nay vừa được ứng nghiệm qua màn trình diễn “Nối vòng tay lớn” của Hải quân Mỹ tại Đà Nẵng đêm 5/3/2018.
Xin qúi bạn đọc dằn cơn “bức xúc” cớ sao lại có chuyện Trịnh Công Sơn, dưới con mắt của người Việt Miền Nam, là một “tên phản chiến, ăn cơm quốc gia thờ ma cộng sản” lại có thể đòi ”nối vòng tay lớn” với quân “đế quốc Mỹ xâm lược” được?
Để khỏi kéo dài thì giờ ”bức xúc” có khi đưa đến cảnh lục đục trong gia đình Lực lượng (A)K47, người viết xin “xử lý tình huống” một cách ngắn gọn như sau:
Đọc/nghe toàn bộ bài ca “Nối vòng tay lớn”, rõ ràng ai cũng phải hiểu Trịnh Công Sơn đặt ra bài hát này để “hót” cảnh “anh em ta”, từ Bắc vô, và trên rừng xuống “về gặp nhau” rồi “mừng như bão cát quay cuồng”.
Nhưng thực ra, đó chỉ là cái “Diện” tác giả “phô ra” hòng làm quay cuồng người nghe nhằm che dấu cái “Điểm” mới là mục đích chính, là ý đồ của nhạc sĩ thiên tài họ Trịnh: Chữ “Bắc” trong câu mở đầu bài hát (“Từ Bắc vô Nam…”) không phải là Bắc Kỳ mà là Bắc Mỹ; “giải mã” ra một cách rõ ràng là, “Anh em ta” mà Trịnh Công Sơn mong được “nối vòng tay lớn“ không phải là những người từ Bắc Việt vô Miền Nam “giải phóng” mà chính là những người từ Bắc Mỹ vượt Thái Bình Dương vô Quảng Nam Đà Nẵng.
Khi quả quyết những người “anh em ta” mà Trịnh Công Sơn trông mong “về gặp nhau” để được vui “mừng như bão cát quay cuồng” chắc chắn không phải Bộ đội cụ Hồ hay còn gọi là Quân Giải Phóng nhưng chính là Quân Mỹ, người viết không thuộc đội ngũ dân Dờ Lờ Vờ nên không thể muốn “sủa” gì thì “sủa”, chẳng cần lý lẽ luận cứ. Sau đây là những bằng chứng cụ thể để chứng minh điều khẳng định trên đây:
Một là, Trịnh Công Sơn tuy cắt rốn ở Lạc Giao, Thị xã Ban Mê Thuột, nhưng ruột ông thì gắn liền với xứ Huế. Năm Mậu Thân, Trịnh Công Sơn đã chứng kiến cảnh tang thương chưa từng xảy ra trên quê hương Đất Thần Kinh trong những ngày “anh em ta về”, do đó đương nhiên ông ta đã không hề có chuyện “gặp nhau mừng như bão táp quay cuồng”. Thay vì “nối vòng tay lớn”, đồng bào Huế đã chạy trốn "giặc miền Bắc vô đây, bàn tay nhuốm máu đồng bào", như nhạc sĩ đã ghi lại trong bài "Hát trên những xác người":
“Chiều đi lên đồi cao, hát trên những xác người
Tôi đã thấy, tôi đã thấy,
Trên con đường, người ta bồng bế nhau chạy trốn.
………………Tôi đã thấy, tôi đã thấy
Bên khu vườn, một người mẹ ôm xác con
………………Tôi đã thấy, tôi đã thấy
Trên con đường, người cha già ôm con lạnh giá
………………Tôi đã thấy, tôi đã thấy
Những hố hầm đã chôn vùi thân xác anh em.”
Hai là, Trịnh Công Sơn thừa biết, không phải chỉ có dân Huế bồng bế nhau chạy trốn trong cuộc “Tổng... và nổi dậy” năm Mậu Thân, nhưng suốt 20 cuộc chiến, dân Miền Nam bất cứ nơi đâu cũng đều, hễ thấy “anh em ta về” là lo “dzọt lẹ” sang phía quốc gia; không hề có chuyện nối vòng tay nhỏ chứ ngồi đó mà nối vòng tay lớn, đương nhiên là không kể những bọn phản trắc nối giáo cho giặc mà điển là anh em nhà họ Hoàng Phủ Ngọc Tường, Phan, Nguyễn Đắc Xuân…
Ba là, Ngày 30/4/75, Trịnh Công Sơn ở trong Căn cứ Không Quân Tân Sơn Nhất chầu chực máy bay Dakota dành riêng cho Nguyễn Cao Kỳ và phe của ông Kỳ chờ di tản, nhưng khi hay vợ con đã đi rồi, Kỳ dọt lẹ một mình ra hạm đội Mỹ. Bị bỏ rơi giữa lúc “anh em ta” chiếm trọn Sài Gòn, Trịnh Công Sơn liên nhảy vô Đài Phát thanh Sài Gòn” Nối Vòng Tay Lớn”.*
Bốn là, “Cách Mạng” biết rõ “thành tích” Trịnh Công Sơn như thế, nên sau đó đã không ngần ngại cho Sơn đi “học tập cải tạo” ba năm. Thế mà vẫn “phân nửa đời mình” của Khánh Ly vẫn xạo ke “Em ra đi nơi này vẫn thế”.
Năm là, điều rõ ràng nhất mà mọi người vừa thấy: dân Miền Nam gặp “anh em ta” từ Bắc Mỹ vô Quảng Nam Đà Nẵng đã “nối vòng tay lớn” và vui “mừng như bão cát quay cuồng” thực sư.
Qua sự hiện diện và tiếng hát của cô Emily Kerhaw, một nữ hải quân của Hàng không Mẫu hạm Carl Vinson đến từ Bắc Mỹ cùng sự “phản xạ” thái độ đón nhận của người dân Việt Nam có mặt tại khuôn viên phía đông cầu Rồng Đà Nẵng đêm 5/3/2018, “Nối vòng tay lớn” với “anh em ta” từ Bắc Mỹ vô Việt Nam, lời tiên tri của Trịnh Công Sơn từ nửa thế kỷ trước, đã ứng nghiệm.
Ghi chú:
* Theo tiết lộ của Luật sư Đinh Thạch Bích, một người thân quen TCS: http://daiphatthanhvietnam.com/?p=11691- Chuyên Quê nhà ( từ phút 32:13 đến 35:20)