Phạm Văn (Danlambao) - Nhà tôi ở gần nơi làm việc nên tôi thường đi bộ. Một buổi sáng khi đi qua một cửa hiệu tôi thấy mấy đứa trẻ ở độ tuổi lớp 1-2 đang hát bài “Đêm qua em mơ gặp Bác Hồ”. Khi chúng ngừng hát, một bé gái lớn hơn trong đám trẻ nói: “Đêm qua chị mơ thấy Bác Hồ cười với chị, chị đã vuốt chòm râu Bác Hồ như tế này này. Chị thích lắm!”. Nói xong, bé gái hỏi một bé trai nhỏ hơn: “Em có mơ thấy Bác Hồ không?” Bé trai nói: “Có! Em cũng thấy Bác Hồ cười với em và cho em kẹo nữa”. Cả hai đứa trẻ vừa nói vừa diễn tả bằng các động tác tay chân, nom ngộ nghĩnh và đáng yêu. Hai đứa trẻ nói xong, cả đám trẻ cùng phá lên cười, có vẻ rất thích thú!
Câu chuyện về “giấc mơ gặp Bác Hồ” này là hoàn toàn có thật, không hề bịa đặt. Tôi chứng kiến cảnh ấy xong lặng lẽ bước đi, tự nhiên thấy lòng mình se lại, nặng trĩu. Bởi vì, những câu hỏi luôn ám ảnh tôi lâu nay: “Thần tượng là gì?”, “Nếu đã là thần tượng thì phải rất tốt, rất đáng kính trọng?”, “Nhưng tại sao thần tượng lại sụp đổ?” Rồi bất ngờ, cuộc biểu tình-xuống đường rầm rộ, mạnh mẽ như muốn xô đổ, cuốn trôi tất cả của hàng vạn người dân hôm 10 tháng 6, và nhất là vào lúc này, dường như sau những phản bác không thể chống đỡ, không thể chối cãi được về những khiếm khuyết, sai lầm căn bản và tính chất ảo tưởng của học thuyết Marx, người ta đang cố gắng bám víu lấy thần tượng Hồ Chí Minh như một cứu cánh cuối cùng, khiến tôi buộc phải đi tìm câu trả lời ngay cho những câu hỏi này.
1. Thần tượng là gì?
Nói chung thần tượng là những biểu tượng về một người nào đó nhưng mang nội dung, ý nghĩa thần thánh. Những biểu tượng này tồn tại, hiện lên trong đầu óc, tâm thức người ta cả khi thức cũng như khi ngủ. Có khi chúng chỉ là về một cái đầu người với một vầng trán cao, ánh mắt sáng, có khi là về một thân người với chiếc áo ka-ki bạc màu hoặc chiếc áo vét, có khi chỉ là về một chòm râu, một nụ cười hoặc một bàn tay, một cánh tay giơ lên, hoặc có khi chỉ là về cái gì đó mờ mờ, ảo ảo, nửa hư nửa thực v.v... Những biểu tượng này luôn chuyển động, có lúc dừng lại so sánh, tìm thấy mình nơi những bức tượng trong khán phòng, trên khán đài, sau những bức tường thành, trên sân các công sở, trên quảng trường, trong công viên hoặc trên cả những ngọn đồi, có lúc dán mình vào những bức ảnh, chân dung được treo ở những nơi trang trọng nhất hoặc nơi nhiều người qua lại, nhiều khi chúng tìm vào, giấu mình nơi các đền miếu, chùa chiền tĩnh mịch tôn nghiêm, kể cả những lăng mộ, nhưng cũng có lúc mệt mỏi, hoang mang chúng phải tìm đến những vật dụng, sự việc gần gũi hoặc người đang sống để được an ủi rằng thần tượng không phải là cái gì đó quá xa lạ. Có thần tượng ta có cảm giác yên tâm, tin tưởng, có chỗ để dựa vào và được cứu vớt, nhưng cũng có thể làm ta trở nên có sức mạnh, thậm chí rất lớn lao.
Có nhiều loại thần tượng. Có loại “thần tượng” mà nhiều người, nhất là những người trẻ thường tạo dựng cho mình như thần tượng âm nhạc, điện ảnh, khoa học, thể thao v.v... Đây là những thần tượng nói chung không có yếu tố thần thánh, mà hầu hết là về những người có tài năng vượt lên trên số đông những người bình thường và được tôn sùng, mến mộ với mục đích nhằm học tập, theo đuổi, mặc dù biết rằng khó có thể theo kịp. Tuy nhiên, ở đây ta chủ yếu về hai loại thần tượng chính: thần tượng đương nhiên và thần tượng không đương nhiên.
Thần tượng đương nhiên (cũng có thể gọi là “thần tượng tự nhiên”) là thần tượng được con người, nhân dân tự tạo dựng cho mình, chẳng hạn như các thần tượng Đức Khổng Tử ở Trung Hoa, và ở Việt Nam như Đức thánh Trần Hưng Đạo và nhiều người khác. Đây là những con người có tài năng, đức độ cao, có những công lao to lớn đối với nhân dân, dân tộc và có thể cả nhân loại. Chẳng hạn, Khổng Tử có tấm lòng yêu thương nhân dân lớn lao như trời biển, lại còn xây dựng cả một học thuyết đức trị nổi tiếng ảnh hưởng sâu rộng đến đời sống nhân dân Trung Hoa và cả các nước khác trong khu vực và thế giới; Trần Hưng Đạo với đức độ, tài năng kiệt xuất đã tổ chức, lãnh đạo nhân dân ta ba lần đánh tan quân Nguyên-Mông xâm lược; Lý Thường Kiệt với “Tuyên ngôn độc lập” nổi tiếng: “Sông núi nước Nam Vua Nam ở. Rành rành định phận tại sách trời. Cớ sao quân giặc xâm phạm tới. Chúng bay sẽ bị đánh tơi bời”.
Trong các xã hội lạc hậu chủ yếu dựa trên nền sản xuất nông nghiệp, thủ công, gắn chặt với chế độ quân chủ dưới những hình thức khác nhau, tài năng, đức độ của những người được xem là thần tượng, cùng với những điểm về hình dáng, cơ thể, bước đi, giọng nói và nguồn gốc xuất thân, nơi được sinh ra v.v..., khác biệt so với số đông, đối với đông đảo nhân dân, đó là những gì rất khó, không thể hình dung, vượt ra ngoài tầm nhận thức, ý thức của họ, vì thế chúng tác động đến nhận thức, tình cảm, tinh thần của họ như những cái gì đó có sức mạnh siêu nhiên-thần thánh. Mặt khác, trong xã hội này có lẽ chỉ có cái thân xác-cơ thể sống là cái gì đó rất hiện thực đối với mỗi con người, còn cộng đồng, dân tộc, loài người là những cái gì đó hoàn toàn xa lạ, mơ hồ, trừ khi có những cuộc chiến tranh, nhất là chống ngoại xâm, đã cuốn họ lại thành một khối lớn duy nhất, nhưng sự cảm nhận về cái khối này lại được gửi qua sự hiện diện của những thủ lĩnh, những bậc minh quân.
Hơn thế, trong điều kiện sự lạc hậu ấy thì những sức mạnh của thiên nhiên, nhất là những điều khủng khiếp như bệnh dịch, mất mùa, bão giông, sóng thần, cái chết, tính vô cùng tận của vũ trụ v.v... đã trở thành những sức mạnh siêu nhiên-thánh thần đối với con người. Chính những sức mạnh này đã được người ta đem gán vào tài năng, đức độ và đặc điểm riêng của những thủ lĩnh, minh quân, những người đã tổ chức, lãnh đạo họ làm nên những chiến công lẫy lừng chống quân xâm lược hoặc những cuộc chiến chống thiên nhiên, hoặc trong công cuộc khai hóa, mở mang đất đai, sông núi. Nhân dân dựng thần tượng là vì nhân dân cần những thần tượng ấy còn vì muốn được che chở trong cuộc sống với những tai ương, bất trắc khó lường, trong sự tồn tại mong manh trước vũ trụ bao la, để có thêm niềm tin, sức mạnh cho cuộc sinh tồn. Bởi vậy, nhu cầu về thần tượng là một nhu cầu tự nhiên của con người, của nhân dân nói chung trong các xã hội này. Và những thần tượng do nhân dân tự dựng cho mình ấy, là những thần tượng đương nhiên (tự nhiên), là những thần tượng không bao giờ mất đi-sụp đổ trong lòng nhân dân!
Thần tượng không đương nhiên (hay không tự nhiên) là loại thần tượng được dựng lên và đem áp đặt từ bên ngoài vào con người, người dân, nhằm thực hiện mục tiêu của kẻ dựng thần tượng. Có thể nói dựng thần tượng là một nhu cầu không thể thiếu của các chế độ quân chủ. Ai cũng biết rằng kết đoàn lại-thống nhất thì tạo nên sức mạnh, nhất là trong cuộc đấu tranh chống ngoại xâm, chống thiên tai. Có lẽ ý nghĩa của thần tượng trước hết là như thế. Trong trường hợp này chế độ quân chủ có thể mượn ngay những thần tượng của nhân dân để thống nhất họ lại. Nhưng cái căn bản của chế độ quân chủ là dựng thần tượng để phục vụ cho sự cai trị nhằm bảo vệ địa vị, quyền lực và lợi ích của kẻ cai trị, hoặc để xâm lược, đồng hóa, tiêu diệt các dân khác cũng vì những mục đích ấy. Trong trường hợp sau, thần tượng có thể là thần tượng vốn của nhân dân, nhưng nó bị lợi dụng, cũng có thể là thần tượng do kẻ cai trị dựng lên để áp đặt cho nhân dân. Đáng nói là trong các chế độ quân chủ đã lỗi thời độc tài, chuyên chế tàn bạo thì nhu cầu dựng thần tượng càng cần thiết đối với chúng. Ở đây kẻ cai trị hiểu rõ nhu cầu tự nhiên về thần tượng của nhân dân, chúng biết rằng nhân dân không thể sống thiếu các thần tượng.
Lênin là vị lãnh tụ đã từng được đông đảo công nhân và nhân dân lao động Nga rất ngưỡng mộ, kính trọng, xem như thần tượng của mình. Trước khi Lênin chết, cụ thể vào mùa thu 1923, Stalin và những người ủng hộ ông ta đã có ý định sẽ ướp xác, bảo quản lâu dài thi hài Lênin. Bêria, một kẻ thân cận chỉ đứng dưới Stalin về quyền lực, đã tích cực ủng hộ điều này và thúc đẩy việc xây dựng lăng Lênin sau khi ông chết, đồng thời thúc đẩy sùng bái Stalin (Xem Hồ sơ mật Liên Xô, Trọng Phụng và Văn Toàn biên soạn, Nxb CAND 2006). Về phía Stalin, ông ta khôn khéo đề cao Lênin, coi Lênin như người thầy. Cho nên, thần tượng Lênin vốn được nhân dân Nga “tự tạo dựng” cho mình đã bị Stalin và những người ủng hộ ông ta lợi dụng và biến thành thần tượng có tính chất áp đặt cho nhân dân Nga nhằm mục đích xác lập và củng cố quyền lực của Stalin, củng cố chế độ độc tài tăm tối, tàn bạo mang tên nhà nước XHCN ở Liên Xô.
Ở Trung Quốc, sau “Đại nhảy vọt, toàn dân làm gang thép” thất bại thảm hại, sau “Cách mạng văn hóa” mà thực chất là một cuộc thanh trừng hết sức khốc liệt, tàn bạo với sự tham gia của đội ngũ “Hồng vệ binh” điên rồ khát máu, lẽ ra thần tượng Mao Trạch Đông phải sụp đổ. Nhưng biểu tượng thần thánh này vẫn tồn tại, có lẽ căn bản không phải vì những “chiến công” đánh bại Nhật Bản xâm lược, đuổi Tưởng Giới Thạch ra khỏi đại lục, mà là ở chỗ Mao thực sự là hiện thân cho tinh thần đại Hán-bành trướng. Tôi có đọc một tài liệu (nhưng không còn nhớ tên và thời gian xuất bản) trong đó có nói về việc Mao muốn rằng Trung Quốc phải chiếm lấy các nước Đông Nam Á để di dân của họ sang. Hẳn rằng vì lẽ này mà giới cầm quyền Băc Kinh đã dựng thần tượng Mao Trạch Đông để khích lệ nhu cầu thần tượng đại Hán của người Trung Quốc. Hiện giờ dường như giới cầm quyền Bắc Kinh đang muốn dựng thần tượng sống Tập Cận Bình khi đề cao “tư tưởng” của ông ta, còn bản thân ông ta được tôn lên làm chủ tịch-hoàng đế Trung Quốc vĩnh viễn.
Hồ Chí Minh ở Việt Nam cũng thuộc loại thần tượng không đương nhiên. Xin được phép không nói về “thần tượng” sống Hồ Chí Minh trong hai cuộc chiến tranh chống thực dân Pháp và “chống Mỹ cứu nước” (sẽ có một bài báo hoặc chuyên luận về điều này sau). Chỉ xin nói là sau khi Hồ Chí Minh chết thì ban lãnh đạo Việt Nam cũng bắt chước Liên Xô-Stalin ướp xác, bảo quản lâu dài thi hài của “người”. Bởi vì, “người” là “tinh hoa” cùa dân tộc-giống nòi Việt Nam, vì “người” là tiêu biểu cho tinh thần đấu tranh giành độc lập của nhân dân Việt Nam, vì để cho nhân dân miền Nam chưa có dịp gặp “người” có thể về “thăm” “người” khi đất nước “thống nhất” và sau này, vì “người” là anh hùng giải phóng dân tộc và “danh nhân văn hóa thế giới”. Đáng nói là sau hơn 40 năm kể từ khi chiến tranh ở Việt Nam chấm dứt, dưới sự lãnh đạo “tài tình” của đảng “cộng sản” “vĩ đại”, Việt Nam vẫn là một nước nghèo, cho nên nhu cầu về thần tượng Hồ Chí Minh của phần đông người dân Việt Nam dường như vẫn nguyên vẹn và chế độ độc tài-toàn trị, chế độ đảng “cộng sản” trị ở Việt Nam đã lợi dụng triệt để điều này.
Thực ra, chế độ đảng “cộng sản” trị ở Việt Nam chỉ là một biến thể mới của chế độ quân chủ và đã trở nên hết sức lỗi thời, quái dị. Cho nên, vấn đề chủ yếu không nằm ở cái xác khô vô hồn của Hồ Chí Minh, mà đó chỉ là cái cớ để đảng “cộng sản” Việt Nam duy trì sự cai trị của mình bằng phương thức ngu dân. Chế độ đảng “cộng sản” trị biết rõ, chừng nào nhân dân còn đắm đuối với cái thần tượng ấy thì nó càng dễ bề cai trị, mặc sức thực hiện những mưu đồ, tham vọng về địa vị, quyền lực và lợi ích của nó, thậm chí cả mưu đồ bán nước cho Tàu Cộng. Đương nhiên, trong các thành viên bao gồm cả “cộng sản” và không “cộng sản” của cái thể chế này không phải ai cũng hiểu rõ mưu đồ của những kẻ đứng đầu bộ máy, cho nên cùng với những tên tay sai, những “dư luận viên”, họ trung thành và rất nhiệt thành bảo vệ thần tượng của mình bằng mọi hình thức, mọi cách. Nhưng không như những thần tượng đương nhiên, Hồ Chí Minh cũng như tất cả những thần tượng được áp đặt từ bên ngoài cho nhân dân, nhất định sụp đổ!
2. Sự sụp đổ của thần tượng
Thú thực, Hồ Chí Minh cũng đã từng là thần tượng của tôi. Nhưng đến khi tôi chỉ cần có tư liệu hùng hồn về việc Hồ Chí Minh cùng đảng của ông ta đã xử bắn bà Nguyễn Thị Năm (tức Cát Thanh Long), một ân nhân lớn của chính ông ta, chính phủ của ông ta và “cách mạng”, đã quy lên địa chủ, phú nông 172 008 người và giết họ, trong đó có 123 266 người bị quy oan, giết oan, cũng đủ làm cho Hồ Chí Minh không còn thiêng chút nào đối với tôi nữa. Tôi còn được nghe kể về những vụ giết người hồi “cải cách” năm 1953 ấy hết sức man rợ như chọc tiết, đập đầu, chôn sống v.v... Cho nên, tôi nghi ngờ việc Hồ Chí Minh mãi về sau mới “khóc” và rút khăn lau những “giọt nước mắt” của ông ta trước những tội ác tày trời này. Theo tôi, với tội ác kinh hoàng, khinh mạng người như cỏ rác ấy, Hồ Chí Minh lẽ ra phải tự sát hoặc ít ra phải từ chức. Nhưng tại sao Hồ Chí Minh vẫn “đứng vững” ở các cương vị Chủ tịch đảng, Chủ tịch nước, phải chăng trong sâu thẳm của hành vi “khóc” và lau “nước mắt” ấy có sự thôi thúc của một khát vọng mãnh liệt về một lãnh tụ-quân vương trong một thể chế quân chủ kiểu mới, vượt lên trên mọi quân vương, được che giấu khôn khéo, gắn chặt với việc hiểu thấu nhu cầu về thần tượng vẫn tràn trề, mãnh liệt trong tâm thức nhân dân?” Vì thế, chắc chắn những “giọt nước mắt” kia không phải là của sự xót thương, ân hận. Tôi khẳng định rằng sự lập lờ giữa cái gọi là “bản lĩnh” chính trị và sự “lỳ lợm”, “trơ trẽn” này là một tiền đề căn cốt của căn bệnh đa thể nan y lỳ lợm-trơ trẽn-vô cảm của toàn bộ bộ máy cai trị hiện nay và đáng buồn thay, nó lan thấm sâu cả sang người dân trên diện rộng.
Vì vậy, sự mất thiêng ở khía cạnh nào đó của thần tượng, chưa có nghĩa là thần tượng sụp đổ. Tôi cho rằng để một thần tượng sụp đổ phải có ba điều kiện hay ba lý do quan trọng như sau: thứ nhất, sự sụp đổ của thần tượng bắt đầu cùng với quá trình sụp đổ của chế độ cần có thần tượng; thứ hai, những sự thật rất không tốt, mờ ám của thần tượng bị che giấu lâu nay do yêu cầu dựng thần tượng, đã bị lật tẩy; thứ ba, nhân dân đã thức tỉnh, nhận ra được bản chất tham lam, tàn bạo, dối trá và lỗi thời của chế độ cai trị, đã bắt đầu tự ý thức về những quyền con người, quyền làm người của mình, không cần phải có ai ban phát, bố thí cho họ, không cần ai áp đặt những định hướng, đường đi cho mình, nhất là khi không biết rõ đường hướng ấy đến đâu, nghĩa là đã tự đứng lên trên đôi chân của mình, tự xác định bổn phận, trách nhiệm và tự chịu trách nhiệm đối với cuộc sống của mình, do đó nhu cầu về thần tượng trở nên vô nghĩa đối với họ. Chắc rằng mọi người sẽ chứng minh được cả ba lý do trên một cách dễ dàng và thuyết phục, tôi chỉ nhấn mạnh thêm rằng lý do hay điều kiện thứ ba là tối quan trọng. Khi nhân dân không còn nhu cầu về thần tượng nữa thì có nghĩa là thần tượng đã sụp đổ.
Sự sụp đổ của thần tượng là việc cái biểu tượng lâu nay đóng đinh trong đầu ta do sự áp đặt mà có, khiến ta ngộ nhận nó là cái tiêu biểu cho những gì tốt đẹp nhất, giúp ta được an ủi, thậm chí có sức mạnh, nhưng thực ra nó chỉ là cái giả, hết thời, là cái thực ra không như ta đặt tình cảm, sự yêu mến, kính trọng và trọn niềm tin vào đó, đã tan vỡ, mất đi trong ta. Tuy nhiên, không nên hiểu sự sụp đổ của thần tượng như là việc đập nát, kéo đổ các tượng đài, tàn phá các lăng tẩm, mộ chí, thiêu rụi những bức tranh, chân dung, sách báo, tư liệu về hoặc liên quan đến thần tượng, hoặc việc dùng những chính sách, hình thức cực đoan “tẩy não” những người đã từng có thần tượng một thời mà giờ đây khi thần tượng đã sụp đổ, vẫn còn ở họ. Trái lại, cần phân biệt rõ những gì mang ý nghĩa kiến trúc-văn hóa với những gì độc hại thậm chí ngay trong bản thân một di sản, hiện vật nào đó. Cụ thể, ta có thể giữ lại Lăng Hồ Chí Minh với tư cách một công trình kiến trúc-văn hóa của một thời kỳ, nhưng loại bỏ nó với tư cách một “cái mả lớn” ngay giữa thủ đô văn hiến bằng cách cho đốt thi hài Hồ Chí Minh và đem chôn hoặc đặt tại nơi nào đó, có lập đền hoặc miếu thờ hẳn hoi, nhưng không làm theo Hồ Chí Minh là đem tro về lập đền thờ ở ba miền Bắc-Trung-Nam (vì đó cũng là biểu hiện của tư tưởng thần tượng). Đồng thời, dỡ bỏ những bức tượng, tượng đài Hồ Chí Minh không cần thiết v.v...
3. Khi thần tượng sụp đổ
Thay cho việc nói về những gì tích cực có lẽ là rất nhiều đối với con người, người dân khi thần tượng sụp đổ, tôi chỉ xin nói một khía cạnh liên quan đến giáo dục và cũng là để thay cho lời kết của bài viết. Hiện giờ nền giáo dục lấy người thầy, bộ máy công chức giáo dục, bộ máy quan chức nói chung làm mục đích. Chúng bắt các em phải tụng niệm những điều mà đảng và chế độ của đảng cần, bắt các em phải hô các khẩu hiệu chứa đựng những khát vọng và việc rèn dưỡng ý chí hướng đến một tương lai viển vông, hư ảo, bắt các em phải gọi một người xa lạ là “Bác” và đòi các em phải cố tưởng tượng ra, phải nghĩ đến và kính yêu người này ngay cả trong giấc mơ trong trẻo của chúng. Thật đau lòng khi mỗi buổi sáng ta đi qua một trường tiểu học thấy các em hô to: “Vì Tổ Quốc xã hội chủ nghĩa, vì lý tưởng của Bác Hồ vĩ đại, thiếu niên sẵn sàng!” Thương thay, những cái chồi non tươi ấy vừa nhú ra đã nhiễm nặng những làn gió độc. Ảm đạm thay, tương lai của con người, giống nòi, đất nước Việt Nam đã và đang được ấn định trong đầu trẻ thơ như thế đấy.
Thần tượng không đương nhiên, đó là cái gây tai họa, di họa lớn nhất cho nền giáo dục nhân dân! Thần tượng ấy đang sụp đổ nhưng chưa sụp đổ hoàn toàn. Hãy cứu lấy các em, cứu lấy tương lai của dân tộc, giống nòi Việt Nam khỏi bàn tay tử thần của chế độ “cộng sản” trị tham lam, ngu muội, tàn ác và lỗi thời. Toàn thể nhân dân Việt Nam và cả các em thơ nữa, hãy làm những việc gì đó phù hợp, có thể, để làm cho chế độ “cộng sản” trị nhanh chóng sụp đổ, cũng có nghĩa là làm cho cái thần tượng Hồ Chí Minh được dựng lên nhanh chóng sụp đổ hoàn toàn trong lòng nhân dân. Hãy nhớ rằng chỉ khi thần tượng sụp đổ thì một nền giáo dục mới mới có thể bắt đầu. Đó là nền giáo dục mà bản chất khai phóng-khai sáng của nó nằm trọn trong tinh thần, ý nghĩa của hai chữ Tự do-Dân chủ. Chỉ trong nền giáo dục ấy các em mới có thể được các thầy cô, gia đình, xã hội dạy cho cách tự học, tự lớn lên, sẽ không còn ai có thể bắt các em phải muốn gì, nghĩ gì, mơ gì theo ý họ. Chỉ trong nền giáo dục ấy các em mới có thể trở thành những con người tự do-sáng tạo và chỉ có sự sáng tạo không ngừng của các em đất nước Việt Nam mới nhanh chóng phát triển, con người Việt Nam, giống nòi Việt Nam mới có thể trường tồn.
27.07.2018