Mật ước Thành Đô 1990 trên đường trở thành hiện thực? - Dân Làm Báo

Mật ước Thành Đô 1990 trên đường trở thành hiện thực?

Hoàng Tất Thắng (Danlambao) - Treo cờ nước khác trên tổ quốc Việt Nam, hay chính thức xử dụng đồng CNY tại Việt Nam tức xóa bỏ mặt an ninh tiền tệ và chủ quyền kinh tế quốc gia, có phải là các hành động gấp rút sau cùng của Hà Nội, nhằm thực thi hoàn tất mật ước Thành Đô, mà bộ sậu Nguyễn Văn Linh, Đỗ Mười và Phạm Văn Đồng, thay cho đảng cộng sản Việt Nam lén lút ký kết với Bắc Kinh năm 1990, để đưa tổ quốc Việt Nam trở thành một tỉnh của Trung Hoa vào năm 2020, trong quyết tâm thà mất nước, hơn là mất đảng của bọn chúng. Hỡi nhân dân Việt Nam, chúng ta không còn nhiều thời gian để chần chờ, trong quyết định sinh tử đối với vận mệnh tương lai của đất nước.

*

Tháng 8/1989 chính phủ liên hiệp Ba Lan thành lập sau một cuộc bầu cử dân chủ và với ưu thế tuyệt đối thuộc về công đoàn Đoàn Kết Ba Lan.

Tháng 11/1989 bức tường ô nhục Bá Linh sụp đổ, Erich Honecker, tổng bí thư đảng cộng sản và chủ tịch nhà nước Đông Đức bỏ trốn sang Lienxo và sau đó là Chile.

Tháng 12/1989, Nicolae Ceausescu, tổng bí thư và chủ tịch nhà nước cộng sản Romania bị xử tử, đánh dấu sự kiện lần đầu tiên một lãnh đạo cao nhất của một đảng cộng sản toàn trị, bị hành quyết bởi cuộc cách mạng đứng lên lật đổ chế độ cộng sản của người dân.

Trong khi đó tại thành trì vô sản Liên Sô, tổng bí thư đảng cộng sản mới lên cầm quyền là Mikhail Gorbachev vẫn đang phất cao ngọn cờ Glasnost (cởi mở) và Perestroika (tái cấu trúc), lồng trong bối cảnh bị ghẻ lạnh khi tham dự lễ kỷ niệm 40 năm thành lập nhà nước Đông Đức, cũng như bị Lienxo và các nước cộng sản Đông Âu, đang hoảng loạn vì bảo dữ mùa thu cộng sản (Autumn of Nations) đang tới nên đã hoàn toàn dửng dưng, thờ ơ, nói đúng hơn là không đếm xỉa gì đến nỗ lực đưa ra sáng kiến cần triệu tập gấp một hội nghị quốc tế vô sản, nhằm siết chặt hàng ngũ phe xã hội chủ nghĩa trong tháng 10/1989 của đảng cộng sản Việt Nam (1), khiến cho Nguyễn Văn Linh, cũng như toàn đảng cộng sản Việt Nam bị choáng váng và thực sự hoảng sợ trước viễn cảnh phải đối mặt với vết xe đổ dây chuyền như khối cộng sản Đông Âu.

Hà Nội chỉ còn một giải pháp sau cùng là phải bám vào Trung Cộng, bằng mọi cách phải bình thường hóa được quan hệ với Bắc Kinh sau một thời gian mâu thuẫn, xung đột khá dài như chiến tranh biên giới, xâm chiếm Cambodia… mới mong bảo toàn được đảng và mạng sống cho bộ sậu chế độ toàn trị Việt Nam. Luận điểm làm căn bản cho quyết tâm khấu đầu thiên triều Bắc Kinh của bộ chính trị đảng cộng sản Việt Nam là dù có bành trướng như thế nào đi nữa, Trung Cộng vẫn là một nước xã hội chủ nghĩa (?). Lê Đức Anh còn quyết liệt hơn khi đánh giá Hoa Kỳ và Tây Phương muốn nhân cơ hội này để xóa bỏ cộng sản, đang xóa Đông Âu và tuyên bố sẽ xóa cộng sản trên toàn thế giới, rõ ràng đây là kẻ thù trực tiếp và nguy hiểm, nên ta phải tìm đồng minh và đồng minh ở đây là Trung Cộng (2).

Trong tâm thế đầu phục đó, Nguyễn Văn Linh, tổng bí thư đảng cộng sản, Đỗ Mười, chủ tịch hội đồng bộ trưởng và Phạm Văn Đồng, cố vấn trung ương đảng cộng sản Việt Nam, đã sang Thành Đô (Chengdu), thủ phủ của Tứ Xuyên (Sichuan) để hội họp với Giang Trạch Dân, tổng bí thư đảng cộng sản và Lý Bằng, thủ tướng Trung Cộng trong hai ngày 3 và 4/9/1990, với hậu quả thay vì bình thường hóa, đã trở nên phụ thuộc hóa hẳn vào Bắc Kinh (3), hay cụ thể hơn như Nguyễn Cơ Thạch, đương nhiệm bộ trưởng ngoại giao của Hà Nội nói là đã đưa Việt Nam vào một thời kỳ Bắc thuộc mới, thể hiện qua bản mật ước Thành Đô, mà đến nay vẫn bị Hà Nội giấu kín.

Cuối năm 2014, vài hệ thống truyền thông chính thức của Trung Cộng như Tân Hoa Xã và Hoàn Cầu Thời Báo, thỉnh thoảng tiết lộ một vài tin tức về cuộc họp Thành Đô, trong đó đảng cộng sản Việt Nam đã lộ nguyên hình phản quốc, bán nước, khi cam kết sẵn sàng chấp nhận trở thành một khu tự trị của Trung Cộng như thân phận các dân tộc Mãn, Mông, Tạng, Hồi hiện nay và đảng cộng sản Việt Nam sẽ là một chi bộ hoạt động trong đảng cộng sản Trung Hoa vào năm 2020. Thực hư mức độ khả tín như thế nào chưa rõ, nhưng điểm qua vài "công tác" chuẩn bị của Hà Nội từ đó đến nay, cũng có thể thấy được khoảng cách giữa nguồn tin và thực tế cũng không mấy xa?!

1/ Buông lỏng và tiến tới phối hợp kiểm soát biên giới: Tháng 7/1998, tổng cục du lịch Hà Nội công bố quyết định 229/1998/QĐ-TCDL, nội dung cho du khách Hoa Lục chỉ cần có giấy tờ thông hành của Trung Cộng là được tự do vào mọi nơi trong lãnh thổ Việt Nam, không cần phải có visa, tức mặc nhiên xóa bỏ rào cản biên giới và các biện pháp kiểm soát di trú phía Việt Nam.

Để hợp thức hóa, bộ công an Việt Nam ban hành thêm quyết định 849/2004/QĐ-BCA do thứ trưởng, thượng tướng công an Nguyễn Văn Hưởng ký tháng 8/2004, quy định mọi công dân Hoa Lục, đều được quyền xử dụng giấy phép xuất, nhập cảnh của Trung Cộng (tức giấy Peoples Republic of China - Entry and Exit Permit) để được miễn trừ các thủ tục kiểm soát ngoại kiều đi vào Việt Nam, theo ngã đường bộ, đường sắt, đường biển và qua 7 cửa biên giới Móng Cái, Hữu Nghị, Tân Thanh, Thanh Thủy, Tà Lùng, Lào Cay và Ma Lù Thàng.

Tháng 2/2018, Trung Cộng và Việt Cộng khởi sự thực hiện kế hoạch nhập chung sự kiểm soát biên giới của hai lực lượng biên phòng vào một tổ chức. Theo đó, có hai trạm kiểm soát thí điểm được đặt tại cầu Dongxing - Mông Cáy và cầu Hữu Nghị - Đồng Đăng, với lính biên phòng và nhân viên quan thuế hai nước sẽ làm việc chung với nhau (?), trong một khu vực chung sẽ không thuộc về bên nào (?), mà cũng có thể coi như là thuộc về cả hai bên (4), để tương lai chỉ còn một sự kiểm soát chung trên suốt tuyến biên giới dài 1.280km giữa hai nước, che đậy dưới chiêu bài hai quốc gia – một trạm kiểm soát (?). 

Tháng 3/2018 tại Quảng Ninh và đến tháng 9/2018 tại Lạng Sơn, dân chúng Hoa Lục đã có được quyền lái xe lưu thông thẳng qua nội địa Việt Nam. 

2/ Luật đặc khu và di dân ồ ạt: Hiện tượng di dân Trung Cộng tràn vào Việt Nam sau khi có mật ước Thành Đô và dưới vòng kim cô 4 tốt, láng giềng tốt, bạn bè tốt, đồng chí tốt, đối tác tốt, đã phát triển rất mạnh và có số lượng lớn, theo rất nhiều hình thức từ di dân lậu (?), tới các hình thức đầu tư kinh tế công khai, hoặc đầu tư chui thông qua sự cấu kết với giới cầm quyền tại Việt Nam.

Hình thức đầu tư công khai và đưa công nhân di dân lậu vào Việt Nam diễn ra từ năm 1991. Tính đến năm 2009 đã có 657 dự án đầu tư kinh tế trực tiếp của Trung Cộng vào Việt Nam, từ quy mô nhỏ như khách sạn, nhà hàng, tới quy mô lớn các ngành kỹ nghệ chế biến, xây dựng, khai khoáng, khai thác và chế biến nông lâm thủy hải sản, dàn trải từ biên giới, đến vùng duyên hải, từ miền bắc vào miền nam khắp 52 tỉnh, thành trên tổng số 63 tỉnh thành Việt Nam. Nhiều nơi dân Trung Cộng tập trung thành các khu phố biệt lập, cấm dân địa phương và công an cộng sản Việt Nam lai vãng, như ở Quảng Ninh, Hà Tỉnh, Huế, Đà Nẵng, Dak Nông, Bình Thuận, Bình Dương, Trà Vinh và Cà Mau. Đây vừa là những khu kỹ nghệ ôm rác công nghệ kỹ thuật lạc hậu, sát thủ môi trường điển hình của Trung Cộng thải sang, như khai thác Bauxite - Lâm Đồng năm 2007, nhà máy giấy Lee & Man – Hậu Giang 2007, nhà máy thép Formosa 2008, nhà máy phân đạm Cà Mau 2008, trung tâm nhiệt điện than Vĩnh Tân – Bình Thuận 2010, trung tâm nhiệt điện Duyên Hải - Trà Vinh 2016... vừa đồng thời đều là các hang ổ của hàng ngàn, hàng chục ngàn dân nhập cư lậu Trung Cộng ngang nhiên vào cư trú dưới lớp vỏ bọc công nhân kỹ thuật?.

Hình thức đầu tư ngầm, cấu kết với giới cầm quyền Hà Nội, lén lút đưa người vào các khu dân cư riêng tại các vùng biên giới xung yếu, dưới hình thức thuê đất rừng, trồng rừng và khai thác lâm nghiệp dài hạn từ 50 năm trở lên khởi sự từ năm 2000, đến năm 2010 mới lộ ra ánh sáng đôi chút tin tức. Đã có 18 tỉnh cho 10 công ty ngoại quốc thuê gần 4.000km2 đất rừng, trong đó các công ty Trung Cộng đã sở hữu gần 90%, tập trung tại Cao Bằng, Nghệ An, Hà Tỉnh, Quảng Nam, Bình Định, Kontum và Bình Dương.

Đầu thập niên 2010 bộ chính trị đảng cộng sản Việt Nam lại đưa ra “ chủ trương lớn “ xây dựng đặc khu kinh tế, đặt trong khuôn khổ dự luật Đơn vị hành chánh, kinh tế đặc biệt, với ba đặc khu mở đường là Vân Đồn - Quảng Ninh, Bắc Vân Phong – Khánh Hòa và Phú Quốc – Kiên Giang, dự tính cho quốc hội cộng sản biểu quyết vào tháng 6/2018 và trong tinh thần trơ tráo của Nguyễn Thị Kim Ngân, chủ tịch quốc hội, là bộ chính trị đã kết luận rồi, phải bàn để ra luật chứ không thể không ra luật đặc khu.

Vấp phải các phản ứng quyết liệt của người dân, chống âm mưu dọn đường cho dân Tàu tràn vào theo “ chiến thuật biển người “, vì Bắc Kinh sẵn sàng trợ cấp 100.000USD cho mỗi gia đình ở Hoa Lục di dân sang các đặc khu như đã áp dụng với đặc khu Boten của Lào và trong mục 4, điều 54 dự luật đặc khu của Hà Nội nói rõ cho phép công dân của nước láng giềng (?) có chung đường biên giới với Việt Nam tại tỉnh Quảng Ninh khi xử dụng giấy thông hành hợp lệ nhập cảnh vào đặc khu Vân Đồn với mục đích du lịch, thì sẽ được miễn thị thực visa! Vậy mà Nguyễn Chí Dũng, Bộ trưởng Kế hoạch - Đầu tư của Hà Nội, vẫn có thừa lì lợm và xảo trá khi cho rằng trong dự thảo luật đặc khu không có một câu, một chữ về Trung Cộng nào cả, họ ( người dân) cố tình hiểu sai và đẩy vấn đề lên (biểu tình chống đối rộng khắp Việt Nam) để chia rẽ quan hệ của Hà Nội với Bắc Kinh, khiến hai đảng cộng sản Trung Cộng và Việt Cộng phải tạm thời đình hoãn dự mưu thiết lập đặc khu.

Năm 2017, tổng dân số Việt Nam theo ghi nhận của quỹ dân số Liên Hiệp Quốc UNFPA là 96.019.879 người, chênh lệch gia tăng đến 2.319.879 người so với thống kê của tổng cục dân số Hà Nội. Sai số này khiến giả thuyết cho rằng nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam đang tiếp tay với Bắc Kinh, tạo điều kiện thuận lợi cho một số rất đông kiều dân Trung Cộng tự do tràn sang nhập cư lậu, mua đất, mua nhà, lập phố riêng biệt, lấy vợ bản xứ, sinh con đẻ cái để cư trú vĩnh viễn khắp nơi tại Việt Nam là điều xác thực, đang diễn ra, có lúc công khai, có lúc ngấm ngầm mượn tay, núp bóng người Việt không phải là điều vỏ đoán, hay vô căn cứ. Dù con số chính thức lớn hơn đang là bí mật quốc gia của Hà Nội, nhưng rõ ràng với hơn 2 triệu tên lính xung kích Tàu Phù đang cắm dùi từ năm 1991 trên tuyến tiền phương ở Việt Nam, chắc chắn đây sẽ là các con ngựa thành Troia, thuộc đạo quân thứ năm do Bắc Kinh trực tiếp tổ chức, chỉ huy, có sự tiếp tay dung dưỡng đắc lực của cộng sản Hà Nội, để trở thành những nhát dao trí mạng đâm sau lưng người Việt trong một tương lai không xa.

3/ Chính thức cho sử dụng đồng tiền Trung Cộng tại Việt Nam: Ngày 28/8/2018, thống đốc ngân hàng nhà nước Việt Nam Lê Minh Hưng ký ban hành thông tư 19/2018/TT-NHNN, đại diện cho đảng cộng sản Việt Nam chính thức hóa việc sử dụng đồng tiền của Trung Cộng là đồng nhân dân tệ RMB (Renminbi) hay CNY (Chinese Yuan), gọi tắt là đồng Yuan, để trực tiếp thanh toán trong mọi giao dịch thương mại, hoặc chuyển khoản qua ngân hàng trong phạm vi 7 tỉnh giáp biên với Trung Cộng là Lạng Sơn, Quảng Ninh, Hà Giang, Lai Châu, Lào Cay, Cao Bằng, Điện Biên, với hiệu lực bắt đầu từ ngày 12/10/2018.

Xổ toẹt lên mọi pháp lệnh ngoại hối, các nghị định, thông tư từng ra rả và hùng hồn quy định trên lãnh thổ Việt Nam mọi giao dịch, thanh toán, niêm yết, quảng cáo, ghi giá... của dân bản địa, hay của kiều dân đều không được thực hiện bằng ngoại hối, thông tư 19 rõ ràng chỉ là một kết thúc cho một chuỗi hành vi dọ dẫm, thực hiện thí điểm đã được Bắc Kinh và Hà Nội phối hợp thực hiện trên đầu người dân Việt Nam ngu ngơ, hay man trá núp dưới những chiêu bài hợp tác để phát triển và cũng cố tình hữu nghị từ năm 2004 đến nay.

Năm 2004, thống đốc ngân hàng nhà nước Hà Nội là Lê Đức Thúy ký ban hành quyết định 689/2004/QĐ-NHNN, ngày 7/6/2004, cho phép cư dân vùng biên giới Việt-Hoa, được trao đổi thương mại, mua bán bằng CNY trong giao dịch song phương.

Tháng 11/2014, phòng thương mãi - công nghiệp Việt Nam (VCCI), hiệp hội doanh nghiệp Trung Cộng tại Việt Nam và ngân hàng công thương Trung Cộng, phối hợp tạo ấn tượng về việc đồng tiền Trung Cộng sẽ được lưu hành tại Việt Nam, thông qua đề nghị cho thanh toán trực tiếp việc kinh doanh tại Việt Nam bằng đồng Yuan của Trung Cộng.

Chưa nói đến các hậu quả nhãn tiền khi lưu hành chính thức đồng CNY tại Việt Nam, như hoàn toàn bị mất khả năng điều động chính sách tiền tệ (không thể phá giá đồng nội tệ VNĐ khi cần thiết) do đã bị đặt vào một hoàn cảnh không khác gì mấy vai trò chư hầu, thuộc quốc, sẽ mất khả năng kiểm soát tiền tệ, do đồng tiền mạnh (CNY) sẽ đuổi đồng tiền yếu (VNĐ) ra khỏi thị trường, hay việc mất tin tưởng vào đồng nội tệ sẽ tạo ra tình trạng mất vốn, rút chạy ngoại tệ (Capital Flight) ra khỏi nước, gây hủy hoại khả năng trả nợ, mất khả năng nhập cảng, đẩy hối suất lên cao và gây ra lạm phát (5), nói một cách nôm na, việc cộng sản cho thanh toán trực tiếp bằng đồng Yuan tại Việt Nam, cũng như thể cho treo cờ Trung Cộng, thay cho cờ chính thức của Việt Cộng ở trên đất Việt Nam (6).

"…Nhân dân tệ hóa trong vùng biên giới phía bắc là một chính sách lớn, không chỉ liên quan đến an ninh tiền tệ mà cả về quốc phòng của Việt Nam, không thể chỉ được quyết định bởi một cấp thấp như thống đốc Lê Minh Hưng, mà phải là ở những cấp rất cao. Phải chăng việc dùng đồng CNY để thanh toán ở các tỉnh biên giới phía bắc Việt Nam là một trong những cam kết, nằm trong các văn kiện mà Nguyễn Phú Trọng đã ký kết với Tập Cận Bình và nhiều khả năng là Tập mới nhắc nhở Trần Quốc Vượng vào tháng 8/2018 để truyền đạt lại cho Trọng phải thực hiện gấp cam kết trên…"(Phạm Chí Dũng, bđd).

Treo cờ nước khác trên tổ quốc Việt Nam, hay chính thức sử dụng đồng CNY tại Việt Nam tức xóa bỏ mặt an ninh tiền tệ và chủ quyền kinh tế quốc gia, có phải là các hành động gấp rút sau cùng của Hà Nội, nhằm thực thi hoàn tất mật ước Thành Đô, mà bộ sậu Nguyễn Văn Linh, Đỗ Mười và Phạm Văn Đồng, thay cho đảng cộng sản Việt Nam lén lút ký kết với Bắc Kinh năm 1990, để đưa tổ quốc Việt Nam trở thành một tỉnh của Trung Hoa vào năm 2020, trong quyết tâm thà mất nước, hơn là mất đảng của bọn chúng. Hỡi nhân dân Việt Nam, chúng ta không còn nhiều thời gian để chần chờ, trong quyết định sinh tử đối với vận mệnh tương lai của đất nước.

9/2018.


__________________________________

Chú thích:

(1) Huy Đức – Trương Huy San, Bên thắng cuộc, 2012. 

(2) & (3) Trần Quang Cơ, Hồi ức và Suy nghĩ, 2001. 

(4) Kinling Lo, China and Việt Nam close to landmark deal on streamlined joint border checkpoint : Two countries, one inspection system supports Beijing ambitions to build closer trade and diplomatic links with Asean nations, South China Morning Post, 2/2018.

(5) Vũ Quang Việt, Về đề nghị của phía TQ được dùng Nhân dân tệ trong thanh toán ở nội địa Việt Nam, 2015.

(6) Phạm Chi Lan, Đề xuất thanh toán bằng nhân dân tệ tại Việt Nam: Sao có thể treo cờ nước khác?, 1/2015.

(7) Phạm Chí Dũng, Sáp nhập tiền tệ để tiến tới sáp nhập lãnh thổ, VOA, 6/9/2018. 

-->


Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo