Nguyễn Hoàng Dân (Danlambao) - ...Nghe đâu ông tổ của cộng sản là Lenin đã từng nói đại ý nhiệt tình đi kèm với ngu dốt sẽ là sự phá hoại. Đúng nhưng chưa chân thật và chưa đủ. Với những người cộng sản Việt Nam phải nói là chỉ có tham quyền, tham lam và ngu dốt, nên đã trở thành thảm họa tàn phá và hủy diệt đất nước. Do đó rừng Việt Nam - một thứ rừng nhiệt đới (Tropical Rainforest) đúng nghĩa, ngày nay vĩnh viễn chỉ còn là một hình ảnh xa vời trong kỷ niệm mà thôi...
*
Xét riêng về lãnh vực vật chất, do có bản chất vận động không ngừng nghỉ và không thể quay trở về đúng y với trạng thái trước đó của thế giới vật chất, nên các trạng từ chỉ định thời gian, như trước và sau, xưa và nay, quá khứ và hiện tại, đều có thể được hiểu theo một cách đơn giản đó là một khái niệm thời gian phân chia diển biến thay đổi trạng thái vật chất của một sự việc, một hoạt động, một vật thể cụ thể, trong một giai đoạn nào đó thành hai mốc xác định đã qua và hiện tại vào thời điểm đang có sự ghi nhận với mục đích so sánh. Theo đó, xưa và nay, thường được dùng so sánh sai biệt của điều đã qua khá lâu, hoặc quá lâu với điều tương ứng trong hiện tại, hay bởi trạng thái vật chất của sự việc đã quá khác biệt, quá chênh lệch, hay đã khác hẳn nhau bị gây ra theo thời gian.
Việt Nam từ một quốc gia có hai miền nam bắc phân biệt rạch ròi, với hai chế độ chính trị khác nhau hoàn toàn, chỉ mới sáp nhập thành một thực thể địa lý thống nhất từ năm 1975. Do đó so với tiến trình vận động của lịch sử khoảng thời gian này chưa thể coi là quá dài, nhưng do có các sự thay đổi quá mau chóng, quá nhiều về mọi mặt và theo chiều hướng trớ trêu là thụt lùi, xấu hơn và tệ hại hơn, nên trong phạm vi bài viết nhỏ tìm hiểu về thực trạng rừng ở miền nam Việt Nam trước và sau năm 1975, đã được người viết đặt dưới tiêu đề xưa và nay với dụng ý nhấn mạnh đến sự tàn phá toàn diện, triệt để một nguồn tài nguyên phong phú mà thiên nhiên đã ban tặng cho người dân miền nam, dù chỉ diển ra trong hơn 40 năm cai trị của chế độ cộng sản Việt Nam. Một sự hủy diệt trầm trọng trong thời bình mau đến độ không ngờ và có hậu quả khó lòng bù đắp lại được, bị gây ra bởi sự cực đoan, hãnh tiến, dốt nát và quá tham nhũng của mọi cấp đảng viên đảng cộng sản, cấu kết với bọn tư bản đỏ vừa có lòng tham không đáy, vừa có lương tri và liêm sĩ chỉ là con số không, nên đã vượt xa những hủy hoại dù phải trải qua 20 năm chiến tranh tàn phá và vẫn bảo tồn được tương đối dưới sự kiểm soát và các cố gắng bảo vệ, phát triển - dù mới rất khiêm tốn của chính phủ VNCH.
Các phân tích, giải đoán không ảnh tỷ lệ 1/40.000 cho thấy trong tổng số 16.800.000 ha đất đai trên toàn miền nam Việt Nam, đã có đến 12.660.000 ha rừng, đất rừng đủ các loại, chiếm tỷ lệ lên đến 75,36% tổng diện tích lãnh thổ VNCH (1). Trong khi đó, theo các tính toán của những chuyên viên lâm học quốc tế, một quốc gia chỉ cần có một tỷ lệ rừng khoảng 30% là đủ để điều hòa các ích lợi vật lý gián tiếp, như góp phần cung cấp dưỡng chất cho đất đai, điều hòa khí hậu, điều tiết hữu hiệu các nguồn nước, chế ngự các sông ngòi, ngăn chận sự sụt lở nơi đất cao, bồi đắp nơi đất thấp, phòng chống gió bão, lũ lụt và phát triển cân đối nền kinh tế trong nước, thông qua việc thu hoạch nguồn lợi trực tiếp từ rừng, như khai thác các loại lâm sản chính gỗ, củi, lâm thổ sản phụ tre, mây, quế, trầm, tràm, nguyên liệu cho tiểu thủ công nghiệp như nhựa thông, dầu chai, cũng như là tiền đề để phát triển ngành kỹ nghệ đệ tam đẳng du lịch, như rừng du ngoạn, hay các khu bảo tồn thiên nhiên (lâm viên quốc gia) có giá trị.
Rừng của miền nam Việt Nam bao gồm nhiều loại khác nhau, từ rừng rậm nguyên sinh (rừng dày giàu, mộc loại hảo hạng quần sinh hay tản sinh, có nơi tạo thành các quần thụ đặc thù và thuần chủng), rừng dày vừa, rừng lá kim (thông 2 lá và thông 3 lá), rừng thưa, rừng thứ cấp, đến rừng tràm, đước, rừng ngập mặn sú,vẹt ven biển (rừng sát)… với hơn 2.000 mộc loại khác nhau, trong đó có hơn 200 loại có giá trị thương mại lớn và hệ thống thảm thực vật phong phú, đa dạng, phân bổ khắp năm vùng địa lý, duyên hải Trung phần, trung nguyên Trung phần, cao nguyên Trung phần, miền đông Nam phần và miền tây Nam phần (ngày nay lần lượt gọi là duyên hải Trung bộ, nam Trung bộ, Tây nguyên, đông Nam bộ và tây Nam bộ). Trong đó cao nguyên Trung phần, nam trung nguyên Trung phần và khu vực tây bắc - đông bắc miền đông Nam phần, đã được coi là "rốn rừng" của toàn miền nam Việt Nam.
Tổng diện tích rừng miền nam Việt Nam trước năm 1975.
B.Rollet, Memorandum on the Vegetation of Việt Nam
South of Parallel 17 North, 1961, 1972.
Sản lực trung bình của rừng miền nam Việt Nam ước độ 0,5m3/ha, tương đương sản lực loại rừng nhiệt đới của các quốc gia lân bang, tuy vẫn ở mức quá thấp so với sản lực rừng tại các quốc gia tân tiến ôn đới, thường ở mức 2,5 - 3,5 m3/ha, bởi nhờ đã có chính sách rõ ràng lành mạnh về sâm lâm, tức có kế hoạch dưỡng lâm, song song, phù hợp với tình hình khai thác lâm sản, nhất là hoàn toàn không bị ảnh hưởng tàn phá của chiến tranh - nhưng với tỷ lệ rừng đến 75,36% và tổng diện tích gần 12,7 triệu ha rừng các loại, thì trong điều kiện hòa bình, không bị CS miền bắc Việt Nam xâm nhập gây chiến và phá hoại, rừng ở miền nam Việt Nam, sau khi trừ số đất rừng hoang hóa du canh, hoàn toàn có thể cho phép khai thác mỗi năm một sản lượng gỗ tròn các loại khoảng 6 triệu m3, mà vẫn giữ được phát triển bình thường, an toàn cho lâm phần, với một chương trình sâm lâm chu đáo. Chưa tính đến còn khoảng 150.000 ha rừng tre, nứa và lồ ồ, có sản lực 4 tấn cây khô/ha/năm, quy ra khối lượng khoảng 600.000 tấn nguyên liệu cho kỹ nghệ giấy, tương đương với 180.000 tấn bột giấy mỗi năm (2).
Mộc loại rừng miền nam Việt Nam có nhiều hạng, trong đó có hơn 50 loại là gỗ quý, hay gỗ tốt. Gỗ quý như Trắc, Cẩm Lai, Giáng Hương, Mun, Gõ Đỏ, Muồng, Sơn... dùng để sản xuất loại gỗ lạng trang trí đắt tiền và các sản phẩm gỗ thượng hạng. Gỗ tốt có các loại như Sao, Kiền Kiền, Huỳnh Đàng, Căm Xe, Lim, Táu, Bằng Lăng, Sến... không bị mối mọt, được ưa chuộng trong tạo tác, xây cất nhà cửa và đóng tủ, giường, bàn, ghế. Gỗ có thể lạng khoanh Vên Vên, Giổi, Ngô Tùng, Bạch Tùng, Thông, Trám... thích ứng cho kỹ nghệ ván ép, trong khi Tràm, Nứa, Thông là nguyên liệu dồi dào cho kỹ nghệ giấy và Đước vừa có thể làm cây cất nhà trong vùng sông rạch miền tây, vừa là loại nguyên liệu hầm than rất được ưa thích và có giá trị trong thứ bậc nhiên liệu gia dụng của người dân VNCH.
Vì các lý do an ninh, trung bình sản lượng gỗ khai thác được hàng năm của miền nam chỉ vào khoảng 400.000 tới 500.000m3, chưa tới 10% sản lực lý thuyết. Tùy cường độ chiến tranh, như giai đoạn tương đối hòa bình 1955-1960 có năm khai thác được hơn 550.000m3, nhưng đến khi chiến cuộc bùng phát dữ dội như năm 1968, chỉ còn khai thác được 286.500m3 gỗ các loại mà thôi (3).
Tình hình khai thác lâm thổ sản ở miền nam Việt Nam từ 1955 đến 1959.
Số liệu thống kê của Nha Thủy Lâm, Bộ Nông Nghiệp VNCH,
dẫn theo Nguyễn Văn Hảo, Les Problèmes de la
Nouvelle Agricuture Việt Namienne, 1963.
Bên cạnh đó, dù đang ở trong hoàn cảnh chiến tranh ác liệt, kéo dài suốt trong 20 năm tồn tại (1955-1975), cũng như dù mọi kế hoạch phát triển luôn bị cộng sản tìm đủ mọi cách phá hoại, nhưng chính phủ VNCH cũng đã có các nổ lực rất lớn trong công cuộc xây dựng và phát triển kinh tế ở miền nam Việt Nam (mà rừng và lâm nghiệp là một thành phần trong đó), với các điều kiện khách quan, chủ quan đều đầy dẫy trở lực, khiến tâm trí, tiền của và phương tiện dành cho các lãnh vực này cũng rất hạn chế (4).
Các kế hoạch trồng rừng, dưỡng lâm và ngăn chận nạn đốt rừng du canh của đồng bào sắc tộc, đều được chính phủ miền nam Việt Nam, thuộc cả hai nền đệ nhất và đệ nhị cộng hòa, quan tâm tổ chức thực hiện.
Vùng đất cát duyên hải Trung phần từ Quảng Trị trở vào Bình Thuận được nghiên cứu trồng cây Dương Liễu (Phi Lao), nhằm chống nạn xâm thực cát bay, sạt lở bờ biển và để lấy gỗ tạo tác, xây dựng, nhờ có chu kỳ sinh trưởng, khai thác ngắn chỉ 10 đến 12 năm, thích hợp thổ nhưỡng và sản lực trung bình cũng cao từ 10 - 12m3/ha/năm. Cây gỗ Giá Tỵ tức gỗ Teak có nguồn gốc ở Thailand và Ấn Độ là loại danh mộc, gỗ cứng, đa dụng, cũng được nhập nội trồng thử và đã gắn liền với tên tuổi của bà Ngô Đình Nhu, do đã có nổ lực phát triển đầu tiên, thành công một khu rừng Giá Tỵ rộng 165 ha trong vùng Định Quán - Long Khánh năm 1958. Có khoảng 10.000 ha rừng tre, nhằm mục đích cung cấp nguyên liệu cho nhà máy giấy Nông Sơn, cũng đã được khởi sự trồng tại Thọ Long - Quảng Nam năm 1963.
Để tiến tới chấm dứt nạn phá rừng du canh, ổn định cuộc sống định canh cho cộng đồng thiểu số trên cao nguyên, chính phủ VNCH đã đồng thời ban hành các nghị định 513A năm 1958, sắc luật 034-67 năm 1967, sắc lệnh 076 năm 1969 và sắc lệnh 138 năm 1970, xác nhận quyền sở hữu đất đai cho đồng bào Thượng theo tiêu chuẩn căn bản mỗi gia đình được tối đa 10ha đất nông nghiệp nếu canh tác định canh và tối đa 20ha đất nông nghiệp nếu canh tác luân canh.
Ảnh hưởng chiến tranh và sự tàn phá rừng tuy có các lượng giá khác nhau, nhưng tựu trung vẫn không gây tranh cãi khi kết luận không có sự hủy diệt rừng ở miền nam nói riêng và rừng của Việt Nam nói chung vì chiến cuộc. Nghiên cứu hậu chiến của Mark N. Collins đã ghi nhận Việt Nam có khoảng 2,2 triệu ha rừng, bằng 6,6% tổng diện tích lãnh thổ và 15,6% độ che phủ, bị ảnh hưởng bởi chiến tranh, nên đã không gây ra việc phá hủy phần lớn diện tích rừng trong giai đoạn từ 1945 đến 1975 (5).
Do đó, từ sau năm 1975 và đến hết thập niên 70, dù không còn số liệu tính riêng cho rừng miền nam, nhưng giai đoạn này tổng diện tích rừng Việt Nam vẫn còn đến 18,15 triệu ha rừng các loại, chiếm 55% tổng diện tích cả nước, so với chỉ còn 5,67 triệu ha rừng các loại, chiếm 17% tổng diện tích cả nước trong thập niên 80, 90 (6), đã đủ để cho thấy thiên tai, địch họa cũng không bằng nhân họa dưới thời cộng sản nắm quyền cai trị đất nước.
Việt Nam trở thành quốc gia vô địch phá rừng trong vùng Đông Nam Á, với tốc độ hủy hoại 185.000 ha rừng tự nhiên mỗi năm trong giai đoạn 1976 tới 1990 theo ước tính của Ngân hàng Phát triển Á Châu ADB (Asian Development Bank) và đến năm 2010 chỉ còn lại khoảng 80.000 ha rừng nguyên sinh tự nhiên, chiếm 1% trong tổng số diện tích đất rừng 13,8 triệu ha theo ghi nhận của FAO (7).
Rừng trên cao nguyên miền trung như Kontum, Pleiku (nay gọi là Gia Lai), Darlac, Quảng Đức (nay gọi là Đắc Nông), Tuyên Đức và Bảo Lộc (nay gộp chung là Lâm Đồng) coi như đã bị phá sạch, do nhịp độ trong các năm từ 1975 đến 2013 trung bình mỗi năm có 40.000 đến 50.000 ha rừng tại đây bị tận diệt. Theo các số liệu (không thể khả tín hơn số liệu ở trên của FAO) do tổng cục lâm nghiệp Hà Nội công bố, trong thời kỳ này toàn vùng cao nguyên (tây nguyên) bị tàn phá khoảng 32,8% diện tích rừng tự nhiên, từ 3,8 triệu ha, giảm còn 2,5 triệu ha.
Hình vệ tinh rừng cao nguyên Trung phần 1984
(Satellite Imagery/Google Earth)
(Satellite Imagery/Google Earth)
Hình vệ tinh rừng cao nguyên Trung phần 2016
(Satellite Imagery/Google Earth)
(Satellite Imagery/Google Earth)
Đến nỗi như tại Lâm Đồng, dù rừng có đến hơn 50% là rừng thông, cũng từ 405 ngàn ha rừng tự nhiên và 294 ngàn ha rừng thông, chiếm 70% tổng diện tích toàn khu vực năm 1958, đã giảm xuống chỉ còn 233 ngàn ha rừng tự nhiên và 127 ngàn ha rừng thông, chiếm tỷ lệ 35% tổng diện tích đất năm 1992 (8).
Tương ứng, số cơ sở chế biến gỗ năm 2005 ở miền bắc là 906 cơ sở, miền nam 811 cơ sở, đến năm 2010 miền bắc chỉ còn 591 cơ sở và miền nam tăng lên 2.413 cơ sở. Trong đó các tỉnh cao nguyên từ 99 cơ sở tăng lên 274 cơ sở và ở các tỉnh miền đông Nam phần từ 476 cơ sở tăng lên 1.796 cơ sở (9).
Hình vệ tinh rừng ở Pleiku (Gia Lai) năm 1984
(Satellite Imagery/Google Earth)
Hình vệ tinh rừng ở Pleiku (Gia Lai) năm 2016
(Satellite Imagery/Google Earth)
Tuy nhiên, vốn là một đại ma đầu lưu manh, mọi việc đều có thể biến hóa, từ che đậy triệt để dưới chiêu bài an ninh quốc gia, bí mật kinh tế, đến thủ đoạn chế tạo các con số thống kê, để đánh lận con đen, đáp ứng cho tuyên truyền lộng giả thành chân và đánh tráo bản chất sự việc, nên theo Hà Nội năm 2005 diện tích rừng Việt Nam là 12,7 triệu ha, trong đó có 10,2 triệu ha rừng tự nhiên và 2,5 triệu ha rừng trồng, năm 2015 diện tích rừng đã tăng lên 14,06 triệu ha, với 10,17 triệu ha rừng tự nhiên và 3,88 triệu ha rừng trồng. Có thể dễ dàng lật tẩy việc gian xảo có chủ ý này của Hà Nội như sau:
- Thuật ngữ rừng tự nhiên được cộng sản Việt Nam sử dụng lươn lẹo một cách quỷ quyệt, để chỉ loại rừng thứ cấp, rừng cây tạp (đa số chỉ cao dưới 2m) và các loại cây bụi tái sinh trên đất rừng già đã bị khai thác gỗ cạn kiệt, trở thành loại rừng nghèo, mộc loại không có giá trị kinh tế, cũng như đã bị mất thảm thực vật chân rừng, không có giá trị giữ ẩm và điều tiết nguồn nước. Nhận định này có thể hiểu qua báo cáo năm 2015 công nhận... Chất lượng rừng tự nhiên tiếp tục giảm. Dù độ che phủ có khuynh hướng tăng, nhưng chủ yếu là do rừng trồng có mức đa dạng sinh học thấp, so với rừng tự nhiên với mức đa dạng sinh học cao, nhưng tỷ lệ bảo tồn còn rất thấp, trong khi tốc độ phát triển diện tích rừng trồng mỗi năm cao hơn khoảng 6 lần tốc độ phục hồi của rừng tự nhiên... Đúng là một cách trình bày "khéo léo" của những đỉnh cao trí tuệ trong Bộ Tài nguyên Môi trường Hà Nội, khi buộc phải xác định sự thật rừng nguyên thủy của Việt Nam đã tàn lụi.
- Từ năm 2011 Hà Nội đã cho cộng dồn các loại rừng giang, tre, nứa, chổm, vầu vào hệ thực vật rừng để gia tăng tổng diện tích rừng, cũng các diện tích trồng cây cao su, cây đặc sản trên đất lâm nghiệp, cũng được tính luôn độ che phủ, với hệ số tương đương 1,34%, trong mục đích gia tăng tỷ lệ độ che phủ cho phù hợp với con số diện tích rừng mạo nhận do Hà Nội vẽ ra, nhằm che đậy sự thật rừng ở Việt Nam đã bị hủy diệt (10).
- Tổng sản lượng khai thác gỗ ở Việt Nam, vừa gỗ tròn rừng già nguyên sinh và gỗ rừng trồng là 3 triệu m3 năm 2005 và 5,6 triệu m3 năm 2013, nhưng trong đó lượng gỗ tròn tự nhiên từ mức trung bình 1,8 triệu m3 mỗi năm và chiếm 70% nguyên liệu trong ngành chế biến gỗ trước năm 2000, đã lần lượt giảm xuống còn 500 ngàn m3 năm 2003, 300 ngàn m3 năm 2004, 180 ngàn m3 năm 2004 và 150 ngàn m3 năm 2005. Gỗ rừng trồng cây nhỏ, sớ thịt mềm, ít giá trị, không đáp ứng được nhu cầu chế biến sản phẩm gỗ có giá trị cao, gỗ rừng tự nhiên thì kể như đã hoàn toàn không còn, nên Việt Nam phải nhập cảng gỗ tròn nguyên liệu hàng năm lên đến gần 2 tỷ USD (11) và "xua quân" qua tàn phá rừng ở Lào, Cambodia núp dưới danh nghĩa hợp tác trồng cao su, trồng điều và trồng chuối.
Nghe đâu ông tổ của cộng sản là Lenin đã từng nói đại ý nhiệt tình đi kèm với ngu dốt sẽ là sự phá hoại. Đúng nhưng chưa chân thật và chưa đủ. Với những người cộng sản Việt Nam phải nói là chỉ có tham quyền, tham lam và ngu dốt, nên đã trở thành thảm họa tàn phá và hủy diệt đất nước. Do đó rừng Việt Nam - một thứ rừng nhiệt đới (Tropical Rainforest) đúng nghĩa, ngày nay vĩnh viễn chỉ còn là một hình ảnh xa vời trong kỷ niệm mà thôi.
8/2018.
Chú thích:
(1) Rollet. B, Memorandum on the Vegetation of Việt Nam South of Parallel 17 North, 1962, 1972.
(2) Số liệu thống kê Nha Thủy Lâm VNCH, dẩn bởi Nguyễn Hữu Đính, Lâm phần miền nam Việt Nam và vai trò của rừng rú khi hòa bình được vãn hồi, 1973.
(3) Việt Nam Bulletin, Info series 44, Agricuture Present and Future Prospects, 03/1971.
(4) Tiến sĩ Vũ Minh Khương, Sai lầm khi coi thường thành quả của VNCH, BBC, 2/2016.
(5) Mark N. Collins, The Last Rain Forests: A World Conservation Atlas, 1990.
(6) Mark N. Collins, Jeffrey A Sayer, Timothy C. Withmore, The Conservation Atlas of Tropical Forests: Asia and the Pacific, 1991.
(7) FAO, Việt Nam Forest Information and Data, 2011.
(8) Rodolphe De Koninck, Deforetation in Việt Nam, 1999.
(9) & (11) Trần Văn Hùng, Thực trạng năng lực sản xuất ngành chế biến gỗ Việt Nam trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế (Luận văn Thạc sĩ đại học Lâm nghiệp), 2014.
(10) Phạm Thu Thủy, Moira Moeliono & cộng sự, Bối cảnh REDD+ ở Việt Nam: Nguyên nhân, Đối tượng và Thể chế, CIFOR, 2012 (REDD: Reduced Emission from Deforestation and Forest Degradation).
01.09.2018