Đi đày - Dân Làm Báo

Đi đày

Hoàng Thủy Ngữ (Danlambao) - Trong cuộc sống, đôi khi người ta phải gác bỏ sự tế nhị và đi thẳng vào vấn đề. Đó là nỗi khổ tâm của người viết bài này.

Bài viết muốn đề cập đến chuyện “đi đày”, theo cách xử dụng từ ngữ của anh Nguyễn Quốc Tấn Trung trong bài xã luận “Những người đi đày” kèm với tấm ảnh Mẹ Nấm cùng gia đình chụp sau khi đáp xuống sân bay tiểu bang Texas, Hoa Kỳ đăng trên trang web Luật Khoa tạp chí ngày 22.10.2018.

Lưu đày, “đi đày” hay lưu vong (exile) cả ở thể chủ động hay bị động có nghĩa là sống xa quê hương, đất nước của mình. Từ ngữ này thường được dùng để nói về trường hợp những người buộc phải rời bỏ quê hương vì bị cho là tội phạm hay vì cuộc sống mất an toàn. Sự nguy hiểm nếu tiếp tục ở lại có thể vì bị đàn áp, tù tội, vì chiến tranh, thảm họa chết đói, môi trường hay bệnh dịch…

Khi những người bị xem là phần tử chính trị nguy hiểm, chống đối nhà cầm quyền hay là kẻ thù của quốc gia dân tộc rồi lãnh bản án lưu đày, họ có thể chọn hoặc phải rời bỏ quê hương hoặc bị tử hình. 

Lưu vong đồng nghĩa với lưu đày nhưng với ý nhẹ nhàng hơn khi được dùng để nói về những người bị bắt buộc hay tự nguyện sống định cư ở nước ngoài nhưng vẫn giữ nguồn gốc văn hóa, ngôn ngữ của mình. Khi một sắc dân đi lưu vong với sổ lượng lớn thì được hiểu là cuộc di dân. 

Thông thường, từ lưu đày được dùng trong lãnh vực chính trị với ý nghĩa tiêu cực, ngoài ý muốn của người bị kết án. Đây là trường hợp của Nguyễn Ngọc Như Quỳnh,Tạ Phong Tần, Nguyễn Văn Đài, Cù Huy Hà Vũ, Điếu Cày Nguyễn Văn Hải. Và theo cách nói của tác giả bài xã luận thì những người này “đi Mỹ” là “đi đày”.

Sau biến cố 30/04/1975 cả triệu người Việt bỏ nước ra đi. Đến tận hôm nay, sau 43 năm “giải phóng”, người Việt vẫn tìm mọi cách để định cư tại các quốc gia khác khắp nơi trên thế giới. Đây là sự kiện đáng suy ngẫm, buồn nhiều hơn vui.

Việc bỏ nước ra đi, chấp nhận cuộc sống lưu vong là một thái độ chính trị. Tuy vậy, sự ra đi nhiều khi bị xem như sự trốn chạy, hèn nhát và có lúc lại bị trách móc nhạo báng. Hơn nửa triệu đồng bào bỏ mạng trên biến, làm mồi cho cá không có giá trị bằng những đồng dollar nhận được. Đi được hay phải ở lại đều bi đát như nhau. Người sống lưu vong nơi xứ lạ, kẻ bị lưu đày trên chính quê hương mình. Có một sự thật người ta không muốn nhớ: kiều hối đã cứu sống đất nước này trong thời gian bao cấp. Đến nay nó vẫn là con bò sữa nhà nước VN tìm mọi cách vắt lấy được. 

Tác giả bài xã luận đã mô tả đúng một phần tâm trạng của người Việt thuộc thế hệ ly hương đầu tiên. Cái cuống rún chưa lìa là điều đáng mừng cho đất Việt. Nó giúp cho người Việt còn nghĩ đến nhau, thao thức về vận nước, duy trì văn hóa, tạo dựng cộng đồng VN trên xứ người và bắc nhịp cầu dẫn dắt các thế hệ tiếp theo. Khó khăn là làm sao cho các thế hệ tiếp nối có được tình cảm đối với quê hương như thế hệ cha anh. Nếu chỉ được tính bằng tiền thì VN, cũng như các quốc gia khác, chỉ là một nơi đến du lịch vì tò mò rồi ra đi bỏ lại sau lưng. Quê hương chẳng phải là chùm khế ngọt hay chua. Người Việt ít nhiều cũng đã từng đổ mồ hôi nước mắt trên mảnh đất này. Nó đơn giản chỉ là mảnh đất do cha ông đã gầy dựng và bảo vệ bằng xương máu để lại. Nó gắn chặt vào lòng người. Không cần cường điệu thổi phồng. Nhưng quê hương giờ đây không còn là tổ quốc. Ý niệm tổ quốc đã bị đánh tráo lọc lừa. Đây chính là sự khác biệt trong nhận thức giữa người hiểu biết và bọn cuồng Hồ.

Trở lại chuyện “đi đày”. Tác giả nêu ra hoàn cảnh của Ahmed Salah để chứng minh cuộc sống thê thảm của người làm chính trị khi phải sống lưu đày. Chuyện thành công vể kinh tế của con người không giống nhau vì mỗi người có năng lực và mục đích khác nhau. Trong bất cứ xã hội nào, ai cũng phải làm việc. Bên cạnh đó còn là khả năng thích ứng để tồn tại. Nếu Ahmed Salah không thể thích ứng với xã hội Mỹ thì dù có sống ở Ai Cập, ông cũng bị gạt ngoài lề. Làm cách mạng kiểu John Lennon với Imagine chỉ tự làm khó mình và chẳng giúp được ai. Chính trị không có chỗ cho những thứ đó. Cái này ông cần học những người cộng sản. Vả lại làm cách mạng không chỉ vì miếng ăn. Lenin cũng đã từng lưu vong tại Thụy Sĩ, sống thoải mái, đi khắp Âu châu, có thì giờ viết báo Sự Thật (Pravda) và họp hành bàn chuyện chính trị salon. Ông chỉ về lại Nga (bằng sự giúp đỡ của người Đức) sau khi cuộc “nổi loạn” của giới thợ thuyền thành công và đã khéo léo chộp lấy thời cơ, đảo chánh cướp chính quyền. Công đầu cách mạng là của nữ giới: những công nhân trong nhà máy và giới trung lưu tại Petrograd. Bắt đầu là việc đòi bánh mì, kế tiếp là đòi quyền đầu phiếu của phụ nữ. Họ Hồ của VN chắc cũng đã học được vài chiêu rồi áp dụng trong cuộc cách mạng tháng 8. Ahmed Salah đã sinh nhầm thế kỷ nên không được sự nhiệt tình ủng hộ của các cường quốc Tây Phương. Bây giờ là thời đại kim tiền, của kinh tế và kinh tế.

Còn nữa, tác giả cũng nhắc đến Taslima Nasrim và Maryam al-Khawaja. Tâm sự của các nhà đấu tranh này đã được tác giả diễn giải như sau: "Những tù nhân lương tâm, những nhà hoạt động bị trục xuất khỏi quốc gia của mình thường sống trong nỗi sợ hãi về cái chết chính trị cận kề. Không được coi là công dân của quốc gia trục xuất,chưa được là công dân của quốc gia tiếp nhận, họ tồn tại bằng thứ thẻ căn cước tạm thời dành cho người tỵ nạn...  Không chỉ vậy những nhà hoạt động cũng mất tiếng nói và sự ủng hộ từ cơ sở. Họ có thể vượt qua những khó khăn thử thách và những trừng phạt chính trị của chính quyền, nhưng khi bị trục xuất, họ mất đi cái vị trí đạo đức (ethial position) mà mình từng có”.

Việc các gs Trương Nguyện Thành, Ngô Bảo Châu hay doanh nhân Alan Phan trở về VN là chuyện riêng của họ. Có thể vì họ yêu nước, yêu bác và đảng hay vì yêu những thứ nào khác không ai biết nên cũng chẳng cần bới móc phê bình. Nhưng chắc chắn địa vị của họ không giống hoàn cảnh của những người tay lấm chân bùn, lo chạy miếng ăn từng bữa hay bị cướp đoạt đất đai. Ngoài ra cần trang bị cái lưỡi không xương và cái lưng còng vì đó là những trang thiết bị tối cần để thăng tiến trong xã hội này. Trường hợp gs Phạm Minh Hoàng có thể là ngoại lệ. Tuy vậy, tác giả cũng không nên nhắc đến họ để thêm rối rắm. Đó là những ngưởi đã an vị với chức phần và hài lòng với chọn lựa của mình. Họ không đấu tranh. Thỉnh thoảng viết vài bài bóng gió lồng kiến thức chuyên môn trên blog, vài câu vu vơ muốn hiểu sao cũng được trên facebook để bàn dân thiên hạ không quên mình là được rồi. Họ khôn khéo, biết người biết ta nên không dại liều mình tranh đấu “lăng nhăng” để rồi phải bị tra tấn, vào tù ra khám. Họ không lo bị mất cái vị trí đạo đức (ethial position) hay phải sống trong nỗi sợ hãi về cái chết chính trị cận kề và phải tồn tại bằng thứ thẻ căn cước tạm thời dành cho người tỵ nạn. Họ đủ tư cách pháp nhân để xin được vài tấm thẻ căn cước khác nhau dằn túi. Có gì minh chứng là họ chỉ có duy nhất tấm thẻ căn cước VN. Ngoài ra, còn giai cấp lãnh đạo VN và đám thái tử đỏ? Không cần nêu tên nhưng hẳn tác giả cũng biết rõ những kẻ ấy là ai.

Cái đáng quý nhất của con người là mạng sống. Ngoài ra còn gia đình và những người thân. Vượt qua nỗi sợ hãi để đứng lên, dám nói dám làm, trực diện với bạo quyền, chấp nhận những đau thương đến với bản thân và gia đình không phải ai cũng làm được. Cái giá này quá đắt trong kiếp người ngắn ngủi. Trong 90 triệu người Việt, con số vài chục người dấn thân chỉ vì quyền lợi chung và lẽ phải đang bị vùi dập, tù tội cho thấy sự can đảm, hy sinh và cùng nỗi lẻ loi của họ lớn đến mức độ nào. Con số ít ỏi này ở ngoài sức tưởng tượng của lương tri. 

Cũng theo tác giả: “ ….bị đày ra khỏi quốc gia mình sinh ra – lớn lên, và không biết bao giờ mình có thể trở lại, chưa bao giờ là niềm vinh dự”. Đúng vậy, nếu đây là sự nhục nhã thì nhục nhã ở cấp quốc gia. Việc trục xuất những người đối lập cho thấy sự hèn hạ, lưu manh của chính quyền và độc tài của chế độ. Hèn hạ vì không dám đối thoại công bằng và sợ hãi công luận thế giới. Lưu manh vì xử dụng họ như những con bài đổi chác để được tiếng nhân đạo. Độc tài vì tự cho mình quyền làm chủ vận mạng của người dân. Việc làm của các quốc gia tiếp nhận là cái tát trả vào mặt. Chỉ có những kẻ trơ trẽn muối mặt mới không nhận ra điều đó. Và cũng chỉ cần một chuyến máy bay, đi qua cửa khẩu tại các phi trường nước ngoài cũng thấy được giá trị “ưu việt” của cái hộ chiếu VN như thế nào. 

Bài xã luận “Những người đi đày” kèm theo tấm ảnh chụp gia đình Mẹ Nấm là bôi nhọ tấm lòng và sự hy sinh của người khác. Rất nhiều hạng trí thức chờ thời, viết lách nhố nhăng. Đó là loại trí thức xôi thịt, sống nhờ bằng cỗ bàn của những người đã dấn thân dọn sẵn. Nguy hiểm nhất là những kẻ này đủ khả năng viết những bài viết mập mờ đánh lận con đen, cố tỏ vẻ khách quan nhưng gây tác động tâm lý sợ hãi hay căm thù. 

Không khác VN, quốc gia phân quyền theo hiến pháp đảng trị của csvn, cộng đồng hải ngoại cũng bát nháo những đám trí thức múa rối, xôi thịt chờ thời. Khác biệt chỉ là quyền lực, dùi cui và súng đạn. Âu cũng là số phận của mẹ Việt Nam.

Hy vọng đây là lần cuối tôi phải viết về những bài xã luận của tác giả nói trên.




Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo