Sáng tác Trần Bảo Như - Hòa âm Nguyên Ca - Tiếng hát Mê Linh (Đoàn Du Ca Nam Cali) - English version Cao-Đắc Tuấn
Ó Đen và Quốc Hận
Trần Bảo Như (Danlambao) - Mỗi độ tháng tư về, hộp thư của tôi lại tràn ngập các bài viết, hồi ký, và hình ảnh về khoảng thời gian mất mát và đau thương nhất của miền Nam. Ngày Quốc Hận 30/4 vẫn chưa từng phai nhạt trong lòng người Việt tị nạn CS. Tháng Tư năm nay, ngoài nỗi đau mất mát sâu xa ấy, chúng tôi còn thêm một niềm mất mát, thương tiếc khôn nguôi đó là sự ra đi của anh hùng phi công Lý Tống.
5/4/1975 phi công Lê Văn Tống (tên khai sinh của Lý Tống) trong một phi vụ phá xập cầu Ba Ngòi gần Cam Ranh để chặn đường tiến quân của CSBV, chiếc A.37 của anh đã bị bắn rơi. Tin tức từ đài phát thanh, truyền hình Sài Gòn lúc bấy giờ đã khiến quân dân toàn miền Nam xót xa thương tiếc. Trung úy phi công Lê Văn Tống được truy thăng cố Đại úy Lê Văn Tống. Nhưng trong thực tế, số anh hùng chưa tận. Lý Tống đã nhảy dù thoát khỏi chiếc máy bay bốc cháy, lọt vào tay giặc để viết tiếp thiên anh hùng ca của một chiến sĩ QLVNCH. Không bao giờ đầu hàng, không ngừng chiến đấu suốt 44 năm tiếp theo, cho đến phi vụ cuối cùng, anh cất cánh cũng đúng ngày 5 tháng 4.
Thời gian bị cầm tù trong trại tù A30, anh đã là thần tượng của bao nhiêu bạn tù và những người dân gần gũi. Ho luôn chuyền tai nhau những mẩu chuyện về người tù huyền thoại. Trước những nòng súng lên đạn, trước lệnh “Qùy xuống” của các tên cán bộ gác tù sau lần vượt ngục bị bắt lại, Lý Tống đã phanh ngực quát: “Bắn đi! Chết Lý Tống này còn trăm ngàn Lý Tống khác!” Quân thù dẫu căm ghét nhưng không thể không kính phục.
Anh đã quyết định ngày mãn tù CS của mình bằng cuộc vượt ngục thành công 1981. Thoát tù nhỏ, rồi thoát tù lớn, băng qua năm quốc gia tới bờ tự do. Cuộc hành trình vang dội khắp thế giới, được Reader’s Digest ghi lại - Lý Tống's Long Trek to Freedom, và tường thuật từ chính Lý Tống trong Ó Đen. Tôi đã đọc Ó Đen từ xa xưa, nhưng những tối ngày sau tin anh mất, tôi thường mở nghe lại 7 tập audio Ó Đen cho đến khi vào giấc ngủ, để cảm thấy như đang cùng người anh hùng, vượt thoát CS, qua những con đường chông gai hiểm hóc; như anh vẫn còn gần bên, sáng ngời lý tưởng của một thế hệ đàn anh hào hùng đã chiến đấu cho miền Nam tự do, cho lớp nhỏ chúng tôi được ấm no, học hành.
Lý Tống đến Mỹ năm 1984, học và hoàn tất Thạc sĩ Chính trị Học. Nếu muốn một cuộc sống yên lành, ngay cả danh vọng như nghị viên, thượng nghị sĩ… cũng không hề quá tầm. Nhưng người chiến sĩ đó mãi mãi là một Ó Đen, một Cánh Thép, mãi mãi trung thành với lời thề Tổ Quốc – Danh Dự - Trách nhiệm, mãi mãi là một phi công của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa, chưa từng buông súng, và chưa từng giải ngũ. Anh vẫn miệt mài, bận rộn cho những phi vụ chống cộng không mệt mỏi:
1992, Lý Tống không tặc máy bay của Air Vietnam, thả truyền đơn kêu gọi đồng bào nổi dậy, nhảy dù xuống Sài Gòn, bị nhà cầm quyền CS kết án 20 năm, nhưng qua bang giao và vận động từ phía Mỹ, CSVN đã thả anh về Mỹ sau 6 năm.
1/1/2000, Lý Tống lái máy bay nhỏ qua Havana, Cuba, một lần nữa thả truyền kêu gọi người dân Cuba nổi dậy lật đổ chế độ CS Fidel Castro. Quay về, Lý Tống bị cục Hải Quan và Di Trú Hoa Kỳ truy vấn, không kết án, tuy nhiên giấy phép phi hành của anh thì bị phòng Hàng không Liên bang treo từ đó. Anh đã được cộng đồng Cuba tại Florida cổ võ và nghênh đón như một vị anh hùng.
17/11/2000, Lý Tống về Thái Lan, trả tiền cho một phi công Thái đồng ý cùng anh về rải 50000 truyền đơn xuống Sài Gòn, kêu gọi lật đổ bạo quyền CS. Bị bắt lại tại Thái, dưới các áp lực chính trị, tòa án Thái đã cố tình buộc cho Lý Tống tội danh không tặc, giam cầm anh. Chỉ sau các nỗ lực vận động không ngừng của người Việt hải ngoại, Lý Tống đã trở về trong lòng cảm kích và vòng tay yêu thương của đồng bào vào năm 2006.
15/2/2008, Lý Tống mở đầu một cuộc tuyệt thực kéo dài suốt 28 ngày để đòi công lý trong sự việc chọn tên Little Saigon tại San Jose.
26/8/2008, Lý Tống đến Nam Hàn thuê máy bay riêng với phi công theo mục đích du lịch, nhưng khi máy bay đã cất cánh, anh áp lực phi công lái qua Bắc Hàn để anh thả truyền đơn, nhưng phi công đã viện lý do không đủ nhiên liệu phải đáp xuống Seoul, gửi tín hiệu bị không tặc cho thẩm quyền tại phi trường. Lý Tống chỉ bị thẩm vấn và thả ra ngay sau đó.
Tháng 7/2010, Lý Tống lại một lần nữa là mũi xung kích trong mặt trận chống văn hóa vận của CS. Anh đã xịt hơi cay vào Đàm Vĩnh Hưng trong một buổi trình diễn, hy sinh chịu án tù 6 tháng cho mục đích chung.
Tôi không chỉ biết người anh hùng qua báo chí và sách vở. Một cơ may vào năm 2007, tôi đã có dịp biết Lý Tống của đời thường trong dịp Diễn Hành Văn Hóa Thế Giới tại New York. Năm đó, tôi đến NewYork và ở tại khách sạn Carter của tỉ phú Trần Đình Trường dành cho người Việt khắp nơi đến tham dự. Tôi ở đó ngày hôm trước thì hôm sau có phái đoàn Bắc Cali thật đông đảo tới và ngôi sao của đoàn chính là người hùng Lý Tống. Từ bốn phương tụ họp, nhũng người Việt ly hương chúng tôi ngoài những giờ ra ngoài dạo phố, ăn uống, hay ngủ nghỉ trong phòng, thường tụ hợp nhau ở sảnh nhỏ khu tiếp tân chung của khách sạn. Lý Tống thường ngồi ở chiếc sofa dài với những đồng bào quen biết, hoặc ái mộ vây quanh. Ai mới gặp Lý Tống đều muốn có tấm hình với “người hùng”, đều gọi anh chụp hình chung tới tấp. Lý Tống luôn hiền hòa, cười nhẹ, không bao giờ từ chối. Tôi còn nhớ mình nói đùa “Anh Lý Tống phải charge tiền cho mỗi tấm hình mới được”. Anh cười hiền, nhỏ nhẹ “Lý Tống lúc nào cũng free với đồng bào”.
Buổi sáng Diễn Hành Văn Hóa Thế Giới 20/6/2007, chúng tôi tập trung để biểu dương lực lượng đại diện cho đoàn Việt Nam với cờ vàng ba sọc đỏ, không phải cờ đỏ sao vàng của VNCS mà họ luôn muốn dành phần nhưng bất thành. Tôi sẽ nhớ mãi hình ảnh Lý Tống trong bộ pilot màu cam quen thuộc của anh, cầm cờ lau làm Phù Đổng Thiên Vương trên cỗ xe đẫn đầu của đoàn Việt Nam.
Dịp đó, ngoài tham dự cho Diễn Hành Văn Hóa Thế Giới New York, chúng tôi, đến từ khắp trời Âu, Mỹ… còn cùng tập hợp với cộng đồng New York biểu tình chống CS Minh Triết ở New York, trước phiên tòa xử về chất độc da cam; cùng qua DC để hợp với các cộng đồng Việt bạn chống Nguyễn Minh Triết trong chuyến thăm White House của ông ta. Lý Tống luôn từ tốn và bình lặng trước các lao xao, phân công hay bàn thảo, chia đoàn này, theo đoàn khác, etc... Tôi nhận xét được khi đó, tiếng nói của anh rất được lắng nghe, nhưng anh không hề đưa ý kiến riêng, chỉ để các chủ tịch cộng đồng phân chia và làm theo, đúng với tác phong người lính. Một điểm khác, tôi thầm nhận xét được. Anh luôn lặng lẽ nhận giữ lá cờ vàng to nhất, nặng nhất, biểu tượng của đoàn biểu tình và cầm nó hết sức trân trọng, nâng niu. Anh cũng luôn bắt tiếng hô tiếp khi thấy các tiếng hô chung có phần mệt mỏi “Đả Đảo CS! Đả Đảo bọn Mafia Đỏ!” Tiếng anh không to, nhưng bền bỉ, tương trợ. Ai thật sự có ý nghĩ là Lý Tống muốn làm anh hùng cá nhân, thích “nổ”, người đó hẳn chưa biết, chưa gặp Lý Tống ngoài đời.
Nói vậy, tôi không có ý thần tượng hóa Lý Tống. Anh hùng không phải là “thánh nhân”. Tôi không tìm kiếm sự toàn hảo trong một con người. Nhưng qua cuộc đời anh, với tôi, Lý Tống là một chiến sĩ danh dự của QLVNCH, biểu tượng cho một thế hệ trai hùng đã cống hiến cả đời, từ thanh xuân đến ngày nhắm mắt, cho sứ mệnh Bảo Quốc An Dân, là cánh Ó Đen của tự do bất diệt.
Sinh tử là định luật đời người, tôi tuyệt đối đồng cảm khi nghe lời thơ tiễn biệt em của cựu Thiếu Tá Cảnh Sát Lê Xuân Nhuận. Xin được mãn nguyện nhìn anh cất cánh trong phi vụ cuối cùng. Lý Tống đã sống oai hùng, can trường trong chiến bại, và để lại cho đời một tấm gương rất đẹp.
Lý Tống thương yêu, Lý Tống ơi
Âm dương hai nẻo cách nhau rồi
Từ nay khép lại trang hồng sử
Một thuở hiên ngang giữa cuộc đời
Em đã tung hoành thỏa chí trai
Trọn đời nợ nước trĩu hai vai
Xông pha nguy hiểm liều thân sống
Đảm lược trên đời dễ mấy ai
Em đã hy sinh thế mọi người
Đối đầu giặc dữ khắp trần ai
Kẻ thù lật quốc toàn nhân loại
Thế giới chơi chung một ván bài
Thất thế nhất thời cảnh huống chung
Ai đem thành bại luận anh hùng
Em nên hãnh diện vì em đã
Giữ trọn lời thề với kiếm cung
Em hãy nằm yên nghỉ thảnh thơi
Sau em sẽ có biết bao người
Đứng lên tiếp nối con đường sáng
Chính nghĩa bao giờ cũng thắng thôi
(Thanh Thanh Lê Xuân Nhuận)
Tôi biết từ nay, mỗi tháng tư đen, trong nỗi tang thương mất mát của Ngày Quốc Hận, khi chúng tôi cùng hướng lòng tưởng niệm đến bao quân dân cán chính VNCH vị quốc vong thân, sẽ có thêm một người, đó là anh hùng phi công Lý Tống.
__________________________________
Source: