Chưa bằng một phần mười của một hạt bụi dưới chân Đức Phật - Dân Làm Báo

Chưa bằng một phần mười của một hạt bụi dưới chân Đức Phật

Ernst Benz * Trần Quốc Việt (Danlambao) dịch - Lời người dịch: Giáo sư người Đức Ernst Benz đã viết tác phẩm tựa đề "Phật giáo hay Cộng sản" trong đó ông bàn về sự phục hưng Phật giáo vào cuối thập niên 1950 và nỗ lực của Phật giáo ở một số nước Châu Á nhằm chống lại sự thâm nhập của cộng sản. Bài dịch sau bàn về sự phê phán quyết liệt chủ nghĩa cộng sản của giới Phật giáo ở các nước như Thái Lan, Tích Lan và Miến Điện trong bối cảnh cuộc chiến tranh lạnh.

*

Cho dù vậy, chúng ta vẫn có thể nói rằng sự hồi sinh của Phật giáo tại hầu hết các nước ở Đông Nam Á đều được xem như là hình thức bảo vệ chống lại chủ nghĩa cộng sản và ý thức hệ duy vật cộng sản. Nhờ truyền miệng và nhờ tài liệu rộng rãi những Phật tử ở Tích Lan, Miến Điện và Thái Lan đang cố gắng làm cho dân chúng miễn dịch vi trùng cộng sản. Chẳng hạn như tiến sĩ Suriyabhongse Pisuthiapataya, người phát ngôn nổi tiếng của Phật giáo Thái, đã viết tiểu luận nhan đề Cộng sản đang gõ cửa- Hãy coi chừng!

Rõ ràng, tiểu luận này có nhiều khẩu hiệu rất đơn giản hóa. "Đạo Phật là tôn giáo duy nhất có thể chống lại được thử thách của chủ nghĩa duy vật biện chứng Mác-xít và chứng minh sự giả dối của ý thức hệ cộng sản." Tiểu luận tập trung tấn công vào nền tảng duy vật của chủ nghĩa cộng sản, quan điểm cho rằng những quy luật vật chất và tự nhiên chi phối thế giới, cho rằng con người là "nô lệ của môi trường" và hoàn toàn bị hoàn cảnh thế giới bên ngoài định đoạt. Lý thuyết đấu tranh giai cấp, tiểu luận chỉ rõ, đặc biệt là không hợp với đạo đức nhà Phật. Phật tử không thể nào chấp nhận hận thù giai cấp và tán thành phương tiện tàn ác nhất nhằm đạt đến sự thống trị của giai cấp vô sản. Hơn nữa, chủ nghĩa cộng sản đã thề tiêu diệt tất cả các tôn giáo, kể cả Phật giáo. Nếu các nước cộng sản đành phải chấp nhận tôn giáo thì đấy chỉ là chiến thuật tạm thời mà họ sẽ theo đuổi chỉ chừng nào tôn giáo phục tùng những lời dạy của ý thức hệ cộng sản.

Lập luận tiếp theo là, ngược lại, giáo lý Phật giáo dạy rằng con người quyết định số phận của mình (Nhân quả). Được phú cho tự do ý muốn, con người có thể học để chế ngự tham, sân, si. Thế giới con người không phải bị chi phối bởi những quy luật vật chất và tự nhiên, mà được chi phối bởi luật đạo đức Nhân quả bất biến và sự tái sinh vốn tuân theo nguyên tắc nền tảng là thiện nghiệp có kết quả thiện còn ác nghiệp có hậu quả ác. Cuộc đời chúng ta không giới hạn chỉ ở kiếp hiện tại này, nhưng chỉ là một kiếp trong chuỗi dài nhiều kiếp tái diễn mà là kết quả của những thiện nghiệp và ác nghiệp từ bao kiếp trước. Mục tiêu của cuộc đời chúng ta không phải là thỏa mãn nhu cầu vật chất, mà là gột rửa tâm tham dục; chỉ có điều ấy mới đưa đến hạnh phúc và an lạc và giải thoát ra mọi khổ đau. Phật giáo đáp trả lời kêu gọi hận thù giai cấp, cách mạng và xâm chiếm thế giới của cộng sản bằng những lời dạy bảo về nhân từ, thân ái, từ bi và bao dung. Đạo Phật bắt đầu hoán cải cái ác của cuộc đời không phải bằng biện pháp bên ngoài, mà bằng cách làm cho tâm thanh tịnh; đấy là tiên đề cho tất cả các cuộc cải cách xã hội. Phương thức bao dung ôn hòa và thiện ý, chứ không phải hận thù và bạo lực cách mạng, phải được sử dụng để cải thiện hoàn cảnh xã hội.

Như vậy, Phật giáo "không hợp với chủ nghĩa cộng sản về mọi phương diện." Lý thuyết cộng sản và cách sống cộng sản " hoàn toàn trái ngược với tất cả mọi nguyên tắc đạo đức, với công lý phổ quát và những quy luật tự nhiên phổ quát." Chủ nghĩa cộng sản là " hình thức khủng bố chính trị, con đường hạ thấp con người xuống kiếp đời hèn mọn nhất và tước đoạt của họ toàn bộ nhân phẩm."

Tiểu luận Phật giáo trong Thế giới Dân chủ, do Hội Phật giáo Thái Lan xuất bản ở Bangkok, cũng đưa ra lập luận tương tự. Hội này, dưới sự bảo trợ trực tiếp của đức vua Thái, là tổ chức tôn giáo và văn hóa cao nhất trong nước. Các hội viên bao gồm những nhà lãnh đạo trong các giới chính trị, học giả, và kỹ nghệ.

Tiểu luận này trước tiên bàn về nhân cách của chính Đức Phật. Từ đấy tiểu luận nhắc nhở độc giả rằng Đức Phật lúc truyền bá Phật pháp đã không sử dụng tuyên truyền hay ép buộc, mà chỉ dùng đến phương pháp thuyết phục bằng luận chứng hợp lý và lời giảng dạy nhẹ nhàng cho những ai tự nguyện tìm đến với Đức Phật. Thông điệp của Đức Phật hướng đến người nghèo lẫn người giàu, đến người yếu lẫn người mạnh, đến người hành khất lẫn bậc vương giả. Đức Phật muốn đưa tất cả mọi người ra khỏi cảnh giới vật chất và trần tục để đến mục tiêu tâm linh, nhưng Đức Phật không kết tội giàu sang tự nó là xấu, hay quyền lực cố hữu là ác. Tiểu luận chỉ ra con đường của Đức Phật là con đường cải cách xã hội qua giáo dục và giác ngộ, không phải qua bạo lực lật đổ thể chế hiện hữu. Như vậy, điều ấy chứng tỏ tấm gương của Đức Phật và giáo lý Phật giáo là sự phản bác tất cả những lời kêu gọi đấu tranh giai cấp.

Tiểu luận lập luận tiếp theo rằng chủ nghĩa cộng sản coi cá nhân chỉ là viên chức trong tổ chức xã hội. Trái lại, Phật giáo hoàn toàn nhấn mạnh vào sự thừa nhận nhân cách cá nhân và trách nhiệm cá nhân. Về phương diện này, Phật giáo và Công giáo gần như gặp nhau. Tuy nhiên, sự khác biệt tồn tại ở chân lý rằng giáo lý Nhân quả của Phật giáo coi trách nhiệm đạo đức không chỉ giới hạn trong cuộc đời hiện nay của chúng ta; phẩm hạnh đạo đức của chúng ta cũng sẽ ảnh hưởng đến những cuộc tái sinh của chúng ta. Hơn nữa giáo lý Nhân quả khẳng định tự do, mà cá nhân không được ban cho trong xã hội cộng sản.

Tiểu luận vừa được đề cập đến chỉ là một trường hợp trong chiến dịch lớn lao của Thái Lan nhằm chứng minh sự xung khắc giữa Phật giáo và chủ nghĩa cộng sản. Ở Tích Lan, nơi không có biên giới chung với các nước cộng sản láng giềng, người ta không cảm nhận sâu sắc nhu cầu cho loại tuyên truyền chống cộng mà chỉ trích rất nghiêm khắc. Thay vì thế, chúng ta thấy trong Cuộc Nổi loạn trong Chùa của Vijayavardhana một sự đối chiếu lịch sử sâu sắc hơn với tư tưởng cộng sản. Là người chỉ trích sắc sảo lịch sử Châu Âu, bao gồm lịch sử cách mạng Nga, Vijayavardhana phân biệt cẩn thận giữa chủ nghĩa cộng sản lý tưởng và hiện thực chính trị của chủ nghĩa cộng sản tại Nga và Trung Quốc. Ông cho rằng chủ nghĩa cộng sản dưới hình thức đặc trưng thể hiện ở hai nước này chứng minh vực thẳm ngăn cách không thể nào vượt qua được giữa cộng sản và Phật giáo; vì những gì chủ nghĩa cộng sản đưa đến là "quân sự hóa lao động và cưỡng bách nhà nước." Cưỡng bách nhà nước mà là cơ sở của sự thành công bên ngoài của chủ nghĩa cộng sản tại những nước này thực ra chính là nền tảng xây dựng nên chủ nghĩa cộng sản lý tưởng. "Người ta sẽ không bao giờ tìm ra được bất kỳ cách gì để xui khiến con người hiến thân cho hạnh phúc bị áp đặt. Mọi hình thức cưỡng bức đều đáng ghét, đã luôn luôn đều đáng ghét, và sẽ luôn luôn đều đáng ghét, chừng nào con người là con người-họ thích hỗn loạn nhân tính hơn trật tự vô nhân tính."

Vijayavardhana không đồng ý với khái niệm nhà nước Mác-xít. "Theo lý thuyết Mác-xít, nhà nước là cơ quan tối cao có quyền năng vô hạn, và tự do cá nhân phải bị hy sinh cho cơ quan tối cao có quyền năng vô hạn này." Đàn áp tự do cá nhân, tự do tín ngưỡng, tự do báo chí và hội họp là hoàn toàn đi ngược lại khái niệm về con người của Phật giáo.

Ông cũng thấy rằng việc sử dụng cố ý hận thù làm vũ khí trong cuộc đấu tranh chính trị là sự cách biệt dễ thấy nhất giữa Phật giáo và chủ nghĩa cộng sản. "Sức mạnh năng động của học thuyết Mác bắt nguồn từ hận thù. Hận thù là phản ứng tự nhiên, nhưng điều Mác đã làm là nâng hận thù lên thành một nguyên tắc rất bao trùm và là nguồn gốc của mọi tiến bộ."

Hận thù khơi dậy những bản năng thấp hèn nhất của con người. "Hận thù đã mang lại hy vọng về sự đảo ngược lớn lao qua đó giới bị áp bức có thể bắt đầu hưởng hạnh phúc, quyền lực, và -sung sướng nhất-trả thù."

Ngược lại, lý tưởng Phật giáo cao nhất là "A-La- Hán- giới bao gồm tất cả" (All-encompassing Arahat-world). Phật giáo, với tình thương yêu, nhân từ và thiện cảm của mình dành cho tất cả chúng sanh, không chấp nhận khái niệm đấu tranh giai cấp, khái niệm cách mạng và chuyên chính vô sản Mác-xít. Phật giáo không chấp nhận chuyên chính của giai cấp này đối với giai cấp khác. Từ quan điểm đạo đức Phật giáo, mục đích phải là hài hòa nhu cầu của những giai cấp khác nhau và hoạt động hướng tới việc san bằng những bất bình đẳng giữa các giai cấp. Về mặt chính trị điều này có nghĩa là "phương pháp tiến hóa-phương pháp dân chủ: thảo luận, hợp tác, đồng thuận."

Thái độ của những người lãnh đạo của Phật giáo Miến Điện có vẻ hơi khác. Miến Điện giáp giới trực tiếp với Cộng hòa Nhân dân Trung Quốc. Mãi cho tới gần đây, tàn quân của Tưởng Giới Thạch vẫn hoạt động chống lại những toán cộng sản trong lãnh thổ Miến Điện. Nước này rất dễ bị cộng sản thâm nhập. Vì thế, đối với Miến Điện cuộc kháng cự có tổ chức nhằm chống lại chủ nghĩa cộng sản cấp bách hơn rất nhiều so với Tích Lan vốn là nước không cảm thấy bị Trung Cộng đe dọa trực tiếp. Ở Miến Điện, Phật giáo có tổ chức, tuy ủng hộ chủ nghĩa xã hội và lý tưởng nhà nước phúc lợi, nhưng đều đồng lòng chống lại ý thức hệ chủ nghĩa cộng sản. U Nu, trước hết, rất minh bạch về lập trường của chính quyền ông trong vấn đề này. Trong nhiều bài diễn văn của mình ông tố cáo chủ nghĩa cộng sản là kẻ thù chính của Phật giáo.

Vì vậy, một trong những lý do thành lập Tổ Chức Trung ương Phật giáo cho Liên bang Miến Điện là nhằm chống lại sự thâm nhập của chủ nghĩa duy vật cộng sản vào Miến Điện. U Nu cũng nói như vậy trong bài diễn văn ông đọc trước Nghị viện vào ngày 3 tháng Mười, 1950, trong đó ông bàn đến dự luật thành lập tổ chức trung ương này. "Hội đồng Phật giáo lần thứ Sáu có nhiệm vụ đưa những nhà truyền giáo Phật giáo ra nước ngoài, như những nước khác đã phái những nhà truyền giáo của họ đến đây," ông nói. "Một nhiệm vụ khác nữa là phải đấu tranh chống lại âm mưu của những kẻ mà mục đích của họ là phá hoại nền tảng chân chính của tôn giáo của chúng ta. Cách thức của họ khó hiểu; ý định của họ chắc chắn là độc ác. Tuyên truyền xuất phát từ vài trung tâm qua đó nghi ngờ tính toàn trí của Đức Phật và lại còn đem điều ấy ra chế giễu. Tồi tệ hơn thế nữa: nhiều kẻ còn quá đáng đến mức khẳng định rằng Đức Phật có địa vị nhỏ hơn Karl Marx. Một trong những nhiệm vụ của tổ chức Phật giáo này là sẽ đấu tranh chống lại những thách thức như thế trên bình diện trí thức. Chúng ta cần phải xóa tan ngay mọi nghi ngờ về sự toàn trí có thật của Đức Phật. Chúng ta phải có thể giải thích sự toàn trí thực sự là gì. Khi người cộng sản tuyên bố rằng Karl Marx có trí tuệ vĩ đại, chúng ta không có lý do gì tranh cãi với họ. Nhưng khi họ xâm phạm vào địa hạt của chúng ta và chế giễu Đức Phật, người mà tất cả chúng ta đều ngưỡng mộ và tôn kính, và khi họ mặt dày mày dạn nói rằng Marx uyên bác hơn Đức Phật thì bổn phận của chúng ta là phải khiển trách họ. Bổn phận của chúng ta là phải đáp lại bằng những lời lẽ rõ ràng rằng kiến thức hay trí tuệ mà có thể được gán cho Karl Marx thì chưa bằng một phần mười của một hạt bụi dưới chân Đức Phật vĩ đại của chúng ta. Khi trình trước Nghị viện dự luật này, chúng tôi hoàn toàn không có ý định hạ thấp các tôn giáo khác như Hồi giáo, Ấn Độ giáo, Công giáo hay thờ cúng tổ tiên. Chúng tôi quyết định hành động chỉ vì mong muốn đấu tranh chống lại những thế lực phản tôn giáo đang ngóc đầu dậy khắp nơi."

Chính thái độ này cũng ảnh hưởng tới hoạt động của trụ sở Hội Truyền giáo Phật giáo Thế giới ở Rangoon. Người sáng lập và đứng đầu Hội Truyền giáo này là nhà sư Phật giáo Anagarika (Người xuất gia) P. Sugatananda. Đây là pháp danh của Francis Story, một người Mỹ theo đạo Phật. Ông đã viết tiểu luận, Phật giáo Đáp lại Thách thức Mác-xít, trong đó ông chứng minh rằng Phật giáo và chủ nghĩa cộng sản xung khắc không thể nào hòa hợp được cả về bản chất lẫn ứng dụng thực tế. Luận điểm này cũng được trình bày trong một số bài viết của cơ quan chính của Hội Truyền giáo Phật giáo Thế giới, tờ Ánh sáng Phật Pháp

Những nhà lãnh đạo Miến Điện thường xuyên tố cáo chủ nghĩa cộng sản là kẻ thù chính của Phật giáo Miến Điện. Chẳng hạn, nhà sư và triết gia U Kelatha, viết trong tạp chí Người Miến Điện (31 tháng Bảy, 1949), khẳng định chủ nghĩa Mác luôn luôn là một nguy cơ đối với Phật giáo vì nền tảng duy vật khiến chủ nghĩa Mác khinh miệt giáo lý chính của Phật giáo-tức là mục đích của tồn tại là thắng được vô thường. Báo chí Phật giáo Miến Điện thường xuyên trở lại chủ đề là chủ nghĩa duy vật từ Phương Tây, đặc biệt dưới hình thức chủ nghĩa Mác, chịu trách nhiệm về sự thờ ơ và thậm chí cả ác cảm đối với Phật giáo mà thể hiện rõ ràng trong thế hệ trẻ người Miến Điện.

Chúng tôi có thể nêu ra vô số trường hợp về thái độ này trong giới Phật giáo Miến Điện. Ở đây chúng ta chỉ đề cập đến bài diễn văn nổi tiếng mà U Chan Htoon đọc trước Hội nghị Hội Tự do Tôn giáo lần thứ Mười sáu được tổ chức ở Chicago vào năm 1958. Ông tuyên bố: " Và ở đây tôi muốn chỉ ra rằng, do bối cảnh thế giới quan trọng hiện nay, Phật giáo rõ ràng hoàn toàn ngược lại với chủ nghĩa duy vật. Vì trong khi chủ nghĩa duy vật khẳng định rằng ý thức chỉ là sản phẩm phụ của vật chất, triết học Phật giáo chứng minh rõ ràng rằng chính ý thức có trước sự hình thành vật chất và hình thành chúng theo bản chất và khuynh hướng của ý thức. Tôi muốn điều này là phải rất rõ ràng, vì câu trả lời Phật giáo cho những sai lầm duy vật trong thời đại chúng ta chính là ở đấy."

Luận điểm này cũng được những nhà sư Phật giáo đưa ra trong các bài giảng pháp. U Narada, một trong những nhà lãnh đạo tinh thần của Phật giáo Miến Điện- ông trước đây là tu sĩ Công giáo người Ý-đã tổ chức một nhóm gồm tám mươi nhà sư Phật giáo (con số này từ đấy đã tăng lên 500) đi khắp mọi vùng miền ở Miến Điện để giảng pháp và thuyết pháp nhằm cố gắng củng cố Phật giáo chống lại sự thâm nhập của chủ nghĩa Bôn sê vích. Nhóm này cũng giảng về sự bao dung Phật giáo với các tôn giáo không phải Phật giáo ở Miến Điện và kêu gọi tất cả các tôn giáo gia nhập vào mặt trận chung để chống lại chủ nghĩa duy vật Bôn sê vich.

Nguồn:

Dịch từ tác phẩm "Buddhism Or Communism: Which Holds the Future of Asia?", nhà xuất bản Doubleday & Company, New York, 1965, trang 217-224. Nguyên tác tiếng Đức, bản dịch tiếng Anh của Richard và Clara Winston. Tựa đề tiếng Việt của người dịch.




Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo