Vũ Đông Hà (Danlambao) - 3 giờ sáng ngày 09.06.2018, trước làn sóng chống đối ngày càng gia tăng của người dân, đảng CSVN đã phải hoãn việc Quốc hội thông qua Dự luật Đặc khu. Để biến dự thảo thành luật, mở đường cho Bắc Kinh hoạt động và kiểm soát lâu dài 3 địa bàn chiến lược Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc thì khâu quyết định pháp lý chính thức sau cùng nằm trong tay Quốc hội.
Dự án Đường Cao tốc Bắc-Nam dài 1.800 cây số, với kinh phí 229.800 tỷ đồng, tương đương gần 10 tỷ đô là, cũng cần phải trình Quốc hội xem xét và quyết định phê duyệt.
Mặc dù Quốc hội vẫn là cánh tay, là công cụ của đảng trong hệ thống toàn trị, nhưng với những biến chuyển của tình hình, với chủ trương gia tăng mị dân về tính chất dân chủ của hệ thống chính trị, và để không bị "việt vị" với Hiến pháp do chính đảng CS làm ra, Quốc hội thật sự đã đóng một vai trò quan trọng trong việc biến những chủ trương, chính sách lẫn âm mưu bán nước, hại dân của tập đoàn lãnh đạo ở Ba Đình thành luật.
Việc dự luật Đặc Khu phải tạm đình hoãn đã gây ra nhiều hệ luỵ cho những chuẩn bị, kế hoạch tiến hành của Bắc Kinh, và Bắc Kinh sẽ phải gia tăng sức ép để thúc đẩy tiến trình hoàn thành một phần quan trọng của đại chiến lược "Một vành đai, Một con đường" về phía nam.
Đồng thời, nắm được 3 đặc khu, trúng thầu dự án xây dựng lẫn bảo trì đường Cao tốc Bắc-Nam xuyên suốt chiều dài đất nước, cộng với những công trình China đang hoạt động trên khắp 3 miền, Bắc Kinh xem như hoàn tất việc khống chế Việt Nam.
Do đó, Quốc hội CSVN, bộ phận mà trên nguyên tắc pháp lý, có quyết định sau cùng để thông qua hay phủ quyết "kế hoạch xâm lược mới của Bắc Kinh", phải nằm trong vòng ảnh hưởng, thuần phục và nhận chỉ thị, phương thức giải quyết mọi vấn đề từ Bắc Kinh.
Do đó, Quốc hội CSVN phải trở thành một cánh tay nối dài - không còn là của Ba Đình, mà là của Bắc Kinh.
Do đó, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phải trở thành một cận thần trung thành và đắc lực của Bắc Kinh.
Do đó, trong một thời gian ngắn trước khi Dự án Đường Cao tốc Bắc-Nam được khởi sự đấu thầu, ngày 08.07.2019 Nguyễn Thị Kim Ngân lên đường sang Bắc Kinh. Bốn ngày trước khi lên đường, Nguyễn Thị Kim Ngân đã gặp Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Hùng Ba của thiên triều tại Việt Nam để nhận thông tin, dặn dò, chỉ thị.
Hùng Ba là tên Hán thái thú mới được phái qua để giải quyết tại chỗ những cản trở, phản kháng, bài Tàu từ người dân Việt Nam và cùng với Nguyễn Phú Trọng giải quyết những "khâu" chiến lược đang bị đình hoãn hoặc chống đối.
Thông qua cuộc gặp với Hùng Ba, Nguyễn Thị Kim Ngân đã dọn đường cho sứ mạng chư hầu bằng những thông điệp quen thuộc nhưng đã được xem như là kinh điển và điều kiện cho thái độ bày tỏ lòng trung thành của từng lãnh đạo CSVN đối với Bắc Kinh: "Đảng, Nhà nước, Quốc hội và nhân dân Việt Nam luôn coi trọng việc củng cố tình hữu nghị truyền thống và phát triển quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Trung Quốc, coi đây là một trong những ưu tiên hàng đầu trong chính sách đối ngoại của Việt Nam..."
Chuyến đi Bắc Kinh của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân không bao giờ là một chuyến đi thăm chỉ để gia tăng tình hữu hảo giữa quốc hội của 2 đảng cộng sản. Đó là một chuyến công tác quan trọng với những sứ mạng mà Bắc Kinh sẽ giao phó.
Đổi lại, Nguyễn Thị Kim Ngân sẽ được thiên triều ban phát điều gì?
Giống như mọi thành phần lãnh đạo cao cấp khác, đó là vị trí và chiếc ghế nào mà thiên triều sẽ đứng đằng sau sân khấu chính trị Ba Đình để sắp xếp cho Nguyễn Thị Kim Ngân trong đại hội đảng CSVN lần thứ XIII vào năm 2020.
Chỉ còn 1 năm. Với tình trạng già nua, sức khoẻ suy yếu của Nguyễn Phú Trọng, cuộc chạy đua vào cái ghế quyền lực cao nhất bắt đầu.
Cuộc đua của những con ngựa Việt cộng mà trên lưng là những tay nài cưỡi ngựa Tàu cộng.
07.07.2019