“…Bài học lịch sử là không dễ gì nắm bắt được thời cơ cải cách chính trị. Khi cho rằng mình có đủ lực lượng kiểm soát tình hình, người cầm quyền thường ngoan cố cự tuyệt cải cách, hoặc chần chừ, coi nhẹ, đến khi tình thế qua đi, mới nghĩ đến cải cách nhưng lúc đó khủng hoảng đã bùng phát, họ không còn tư cách chủ đạo công cuộc cải cách chính trị nữa, chỉ còn cách bị dòng thác lịch sử cuốn phăng…”
(Tân Tử Lang – “Mao Trạch Đông ngàn năm công tội”, Thông tấn xã Việt Nam đã dịch, xuất bản và phát hành nhưng hình như sau đó lại bị cấm ở Việt Nam!)
Trước vỉa hè… con đường cũ
Trước đại hội đảng cộng sản Việt Nam lần thứ XI (ĐHĐ XI), lãnh đạo đảng có công bố chủ trương mời dân góp ý.
Nghe thế, nhiều người khấp khởi, chia sẻ tâm can, hy vọng rằng lãnh đạo kỳ này thực sự biết lắng nghe, sẽ không dùng thủ đoạn dụ cho người ta nói thật rồi sẽ hãm hại những kẻ dám nói trái ý mình. Nhiều người đã dốc tâm can mà góp ý, chỉ cốt vì sự tồn tại và phát triển của Việt Nam và để khỏi tự nhục nhã với lương tâm rằng công dân thấy vận nước nguy nan mà không lên tiếng.
Bây giờ thì văn kiện dự thảo định đọc trước Đại hội đã được công bố, tỏ rõ thái độ kiên quyết bác bỏ những ý kiến “trái chiều”.
Chung quy, Việt Nam vẫn có ba cái kiên định. “Kiên định con đường đi lên chủ nghĩa xã hội”, vẫn “coi chủ nghĩa Mác Lê nin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng và hành động”, vẫn kiên định “tiếp tục nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa”.
Đó là ba món cốt tử quyết định trình độ, chất lượng thể chế hiện tại và tương lai cho Việt Nam.
Đó là một câu trả lời rõ ràng và đủ sắt đá để chấm dứt mọi hy vọng về hứa hẹn đổi mới thực sự của nhà cầm quyền Việt Nam.
Để thực hiện ba cái kiên định này, người dự thảo văn kiện vẫn dùng những hình dung từ chung chung, là “tiếp tục”, “nâng cao”, “phát huy”, “tạo nền tảng…”. Những hình dung từ này luôn là tấm mộc đỡ cho sự “không ai cả” trong hệ thống chịu trách nhiệm, nên dẫu có đổ vỡ hoặc thậm chí mất nước cũng chẳng quy tội được cho ai!
“Đường cũ” “thông” hay “tắc”?
Sau hơn nửa thế kỷ “kiên định” con đường nói trên, thực tế Việt Nam đã có 65 năm dẫn chứng hùng hồn để chứng minh rằng đó là con đường “thông” hay “tắc” và dẫn toàn dân đến đâu.
Dẫu có nói một cách rào đón rằng, dù đã có nhiều cố gắng, sau hơn nửa thế kỷ kiên định con đường ấy, hiện trạng kinh tế, văn hóa, chính trị và an sinh xã hội của Việt Nam hiện nay vẫn đang nằm trong Top những nước nghèo nhất thế giới mà tham nhũng cao nhất thế giới, lạm phát tăng cao nhất trong 20 năm trở lại đây, thâm thủng mậu dịch mức nguy hiểm đe dọa đổ vỡ nền kinh tế, ngân hàng đang cho vay với một trong những mức lãi suất cắt cổ nhất thế giới và buộc người vay phải chấp nhận một cơ chế thế chấp tài sản hết sức bất công. Việt Nam hiện cũng là một trong những nước có tai nạn giao thông cao nhất thế giới và nền giáo dục, y tế, tự do dân chủ, an sinh xã hội kém cỏi, nhiều người trở nên dối trá, trộm cắp, hung hãn, năng suất lao động thấp, môi trường nhiều độc hại…
Sau từng ấy năm cặm cụi bước trên đường, lâu nay xem ra bạn chiến đấu thân thiết đồng chí hướng và mô hình với Việt Nam trên thế giới hiện nay có vẻ chỉ là Cu Ba và Bắc Triều Tiên. Rất ít ai trên thế giới có thể dám vinh dự khi nhận là đồng chí của những nước này. Ngay cả mang nhiều tai tiếng về chính thể cộng sản độc tài như Trung Quốc, trên thực tế, lâu nay họ cũng đã chọn một con đường khác và sự lựa chọn này đã đem lại nhiều phồn vinh cho người Trung Quốc.
Sự thực khách quan là thứ không thể chối bỏ.
Những kẻ diệt chủng được bầu chọn
Cho đến nay, nhiều nhà nghiên cứu và báo chí trên thế giới đã “bầu chọn” ba nhân vật diệt chủng kinh khủng nhất trong lịch sử loài người, và còn bầu nên một kẻ diệt chủng tàn ác quái gở độc nhất vô nhị trong thế kỷ 20. Một số fan hâm mộ các thần tượng sau đây đang cố chứng minh ngược lại, nhưng chưa thuyết phục.
Theo các bình chọn, tiếc thay, ngoài A. Hitler là cha đẻ của chủ nghĩa phát xít ra, thì có tới ba nhân vật diệt chủng còn lại đều nằm trong số những nguyên thủ quốc gia đã du nhập lý thuyết về chủ nghĩa cộng sản, chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa Mác Lê nin về thực hiện trên đất nước của họ.
Theo nhiều tài liệu được công bố trên thế giới, Mao Trạch Đông – cựu chủ tịch Đảng cộng sản Trung quốc, còn tác ác hơn cả Tần Thủy Hoàng khét tiếng trong nhiều thiên niên kỷ. Mao đã khiến cho khoảng 35 triệu người bị chết đói và bị sát hại dưới thời Đại nhảy vọt của ông ta. Kể cả những nạn nhân bị sát hại chết oan khuất, thời cai trị của Mao và bè đảng của ông ta đã gây ra cái chết cho khoảng 70 triệu người dân Trung Quốc. Hiện nay, Đảng cộng sản Trung Quốc, dù vẫn kiên trì đường lối độc tài, nhưng đã cho công bố nhiều tài liệu nói lên sai lầm và sự tàn ác của Mao.
Còn Stalin – nhân vật được cho là vĩ đại – người thống soái, hình mẫu lý tưởng của Việt Nam và những người theo chủ nghĩa xã hội trên thế giới, đến khoảng năm 1990, chính Liên Xô đã phải thừa nhận rằng nhiều vụ sát hại lớn, trong đó có vụ thảm sát khoảng 22.000 sĩ quan tại Balan(vụ Katyn), là do Stalin và những đồng chí dưới quyền ông ta gây ra. Vụ này trước đây chính quyền Xô Viết vẫn đổ cho phát xít Đức!
Sự tàn ác của Stalin quá hiển nhiên, đến mức không thể chối cãi hay bao biện. Tổng thống Nga đương nhiệm – ông Dmitry Medvedev, trong bài phát biểu tại lễ kỷ niệm 65 năm chiến thắng phát xít Đức – ngày 9/5/2010 đã nói: “… Quan điểm nước Nga ngày nay cho rằng, Stalin là nhà độc tài đã phạm các tội ác chống lại nhân dân…”.
Trước đó, Tổng thống Medvedev đã viết (ngày 30/9/2009): “Tôi tin rằng, tưởng nhớ về bi kịch của dân tộc cũng thiêng liêng như tưởng nhớ về chiến thắng. Không có lý do gì để biện giải cho đàn áp chính trị…”.
Cựu tổng thống Vladimir Putin nói: “Những người đã bị Stalin thảm sát, khủng bố là những người ưu tú nhất, có trí tuệ nhất và can đảm nhất của nước Nga và Liên Xô thời đó…”.
Theo nhiều nguồn tài liệu của các học giả và báo chí, có khoảng 20 – 40 triệu người Liên Xô đã bị Stalin và bộ máy thanh trừng của ông ta vu cáo để bị giết chết hoặc giam giữ trong các nhà tù của chế độ Xô-viết.
Còn một nhân vật nữa, được xác nhận là đã tạo ra một chính thể quái thai và tàn ác nhất thế kỷ 20 – tác giả của những “cánh đồng chết” khủng khiếp tại Cambodge – tên là Polpot cũng là nguyên thủ du nhập lý thuyết cộng sản và chủ nghĩa Mác Lê nin về đất nước này, với ý nguyện tạo ra một “xã hội cộng sản chủ nghĩa lý tưởng” trên đất Cambodge. Việc làm trước hết và triệt để nhất của hắn, theo nhiều tài liệu đã công bố, là thảm sát trí thức và giết hại khoảng 1/3 dân số Campuchia (giết khoảng 1,7 triệu người trong thời gian vài năm), chưa kể đã sát hại khoảng 25.000 dân Việt Nam.
Kẻ diệt chủng tàn ác này vốn là đồng chí của Việt Nam trong nhiều năm, lại được sự hỗ trợ của Đảng cộng sản Trung Quốc thời đó bằng đường lối kiên định chủ nghĩa cộng sản và những món tiền lớn nuôi nấng bộ máy diệt chủng!
Vì những lẽ đó và nhiều minh chứng hiển nhiên khác, nên ngay cả Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa Đông Âu cũng đã nhận ra và khước từ chủ nghĩa cộng sản, chủ nghĩa Mác Lê nin, con đường đi lên chủ nghĩa xã hội từ 1988 (từ Balan). Cuộc “cách mạng nhung” do chính nhiều đảng viên cộng sản trong bộ máy lãnh đạo cũ thực hiện để thay đổi thể chế từ độc tài sang đa nguyên khoảng từ 1990 – 1991 đến nay đã đem lại hiện thực tươi sáng hơn cho đất nước và nhân dân họ.
Về con đường theo chủ nghĩa Mác Lê nin và chủ nghĩa xã hội này, tác giả Tân Tử Lang – Đại tá – giảng viên tại Đại học quân sự cấp cao, Học viện quốc phòng Trung Quốc – trong cuốn Mao Trạch Đông ngàn năm công tội – xuất bản năm 2007 tại Trung Quốc đã viết:
“…Với cái giá bi thảm nặng nề qui mô lớn nhất, thời gian dài nhất, hy sinh nhiều nhất, người Trung Quốc đã chứng minh “chủ nghĩa cộng sản” ấy không ổn. Cuộc thực nghiệm này là một cống hiến lớn cho nền văn minh của loài người.
Đây là một tọa độ lịch sử, tọa độ chủ nghĩa xã hội không tưởng hoàn toàn thất bại ở Trung Quốc, trên thế giới, và trong lịch sử văn minh của loài người. Ý nghĩa chính diện của tọa độ này là làm cho những người đời sau mơ tưởng về một thế giới đại đồng (thuật ngữ mác xít là chủ nghĩa cộng sản) đi tới đây sửng sốt mà dừng bước. Để trên thế giới này không còn nảy sinh việc mấy triệu, mấy chục triệu người chết đói vì sai lầm khi lựa chọn lối đi…”.
Về tư tưởng của Mác Ăng ghen – cha đẻ của chủ nghĩa cộng sản, Tân Tử Lang viết:
“…Chẳng có mục tiêu cao đẹp của “chủ nghĩa cộng sản” nào hết, đây là một mệnh đề do người sáng lập Chủ nghĩa Mác nêu ra hồi trẻ và đã từ bỏ vào những năm cuối đời. Tháng 10/1847, Ăng ghen viết tác phẩm “Nguyên lý chủ nghĩa cộng sản” phác họa ước mơ của chàng trai 27 tuổi về một xã hội lý tưởng trong tương lai. Ngày 11/05/1893 khi 73 tuổi, nói chuyện với phóng viên báo Pháp “Le Figaro”, Ăng ghen đã phủ định mô hình xã hội tương lai do mình thiết kế hồi trẻ. Ông nói:
“Chúng tôi không có mục tiêu cuối cùng. Chúng tôi là những người theo thuyết không ngừng phát triển. Không tính chuyện áp đặt cho loài người quy luật cuối cùng nào. Còn cách nhìn, dự định chi tiết trên phương diện tổ chức xã hội tương lai ư? Ngài không thể tìm thấy ở chỗ chúng tôi ngay cả hình bóng của chúng”
Theo hồi ức của Liuba, cháu gái cố Tổng bí thư Brezhnev, sinh thời Brezhnev từng nói với người ern trai: “Chủ nghĩa cộng sản cái quái gì, đều là những lời nói trống rỗng lừa bịp dân chúng”.
Sai lầm của nhà lãnh đạo Liên Xô cũ không phải ở chỗ từ bỏ mục tiêu của chủ nghĩa cộng sản, mà ở chỗ ông tiếp tục lấy cái lý luận mà bản thân không còn tin nữa làm ý thức hệ chính thức để lừa gạt nhân dân.
Trong một bức thư tháng 09/1890, Ăng ghen viết: “Theo quan điểm duy vật, nhân tố mang tính quyết định trong quá trình lịch sử nói cho cùng là sản xuất và tái sản xuất trong đời sống hiện thực. Mác và tôi đều chưa khẳng định được gì nhiều hơn thế”.
Nói về sự trả giá của loài người cho những con đường kiên định này, tác giả Tân Tử Lang – mà hẳn rằng những nghiên cứu của ông không đi ngược lại chủ trương của nhà cầm quyền Trung Quốc hiện nay, nhận định:
“Chế độ xã hội chủ nghĩa bạo lực – giai đoạn đầu của chủ nghĩa cộng sản – trải qua hơn 70 năm nỗ lực hết sức mình để đuổi kịp và vượt các nước tư bản chủ nghĩa, chỉ riêng Liên Xô và Trung Quốc đã phải trả giá 50 triệu người chết đói (Liên Xô 13 triệu, Trung Quốc trên 37 triệu), mà cũng không đuổi kịp các nước tư bản chủ nghĩa chủ yếu trên phương diện “sản xuất và tái sản xuất trong đời sống hiện thực”. Chế độ xã hội chủ nghĩa bạo lực của Lenin, Stalin và Mao Trạch Đông thi thố hết tài năng cũng không tạo ra nổi năng suất lao động cao hơn chủ nghĩa tư bản, đương nhiên bị lịch sử đào thải, giai đoạn cao hơn của nó là chủ nghĩa cộng sản tất nhiên cũng diệt vong”.
Trong tác phẩm của mình, Tân Tử Lang cũng đã minh chứng và phủ định không khoan nhượng cái gọi là “nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa” của Trung Quốc, trong đó có sự phá sản thảm hại của chủ trương bơm phồng vai trò “chủ đạo” của nền kinh tế quốc doanh Trung Quốc
Món nước màu “đổi mới” và “lỗi hệ thống”
Với ba cái kiên định như trên, nghĩa là khó hy vọng có gì mới thực sự mà nhà cầm quyền đem đến cho nhân dân tại Đại hội này.
Món “kiên trì đường lối đổi mới” được nhà cầm quyền khẳng định, trong một thời gian đã từng đem lại phần nào hy vọng và cứu vãn nhà cầm quyền yên vị trên ngôi cao, nhưng với những gì đã xẩy ra lâu nay cho nền kinh tế và an sinh xã hội, với sự đàn áp những người bất đồng chính kiến ôn hòa tại Việt Nam và cách ngăn chặn tự do ngôn luận lâu nay, có thể nghi ngờ rằng món “đổi mới” đã bị “đánh tráo khái niệm”.
Nhiều người nhận định rằng, hóa ra, “đổi mới” lâu nay chỉ còn là món “nước màu” rưới lên trên, không đủ che phủ “đĩa thức ăn được nấu từ gạo hẩm”.
Nhiều người cứ vật vã thắc mắc rằng, tại sao Việt Nam được tiếng là thông minh và giỏi bắt chước là thế, trước đây đã bắt chước các đàn anh như Liên Xô và Đông Âu, Trung Quốc theo mô hình xã hội chủ nghĩa và chủ nghĩa cộng sản nhanh như chớp. Vậy mà sau khi các “anh lớn” ấy đã biết từ bỏ con đường cũ để lựa chọn con đường khác – con đường đa nguyên, tôn trọng tự do dân chủ hơn đã được hai mươi năm nay, và hiệu quả đã chứng minh rõ ràng không thể chối cãi, thì Việt Nam lại cứ khư khư theo con đường cũ, mà theo nhiều học giả là “tự sát”, tổn hại cho dân cho nước. Sao bây giờ lại không chịu bắt chước cái hay của các ông anh lớn!
Ngay cả Trung quốc, người “anh lớn môi hở răng lạnh” bây giờ mà Việt Nam đang đi theo, thì VN cũng không chịu bắt chước cái hay mà “anh lớn” đã làm rất hiệu quả. Đó là cải cách triệt để về thể chế kinh tế, mở cửa nhiều hơn về chính trị và tư tưởng, mở nhiều phong trào rầm rộ phê phán những cái dở và tội ác của những đồng chí đầy quyền lực của họ đã gây nên như Mao Trạch Đông và “bè lũ bốn tên”.
Ngay cả “anh lớn” cũng không bao giờ mạo muội đưa nội dung “xã hội chủ nghĩa” vào tên nước, chỉ đề là “Cộng hòa nhân dân Trung Hoa”, chứng tỏ trên thực tế họ đã dần khước từ con đường đem lại mất dân chủ và đói nghèo cho nhân dân.
Nguyên Chủ tich Quốc hội Nguyễn Văn An – một trong những tác giả thể chế và đã gần trọn đời đi theo chủ nghĩa cộng sản, chủ nghĩa Mác Lê nin, tư tưởng Hồ Chí Minh và “nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa”, trước thềm ĐHĐ XI, vì lương tâm, ông đã phát biểu thành thực về vấn đề lỗi hệ thống trong thể chế chính trị lâu nay của Việt Nam.
Trả lời phỏng vấn Tuần Vietnamnet, ông nói :
“Việt Nam đang mắc lỗi hệ thống. Quyền lực nhà nước được phân làm ba nhánh song lại thống nhất ở nơi Đảng. Vậy Đảng trở thành ông vua tập thể. Như thế không phải dân chủ nữa mà là Đảng chủ. Vậy Đảng là ông vua rồi còn gì. Đó là cái sai từ gốc của hệ thống gây nên cái lỗi của hệ thống quyền lực theo mô hình cộng hòa Xô Viết. Thông lệ quốc tế không có vậy, và cần phải được khắc phục theo quy luật phổ quát là phân chia ba nhánh quyền lực một cách rạch ròi thống nhất theo hiến pháp và pháp luật tức là thống nhất ở nơi dân”
Lựa chọn con đường là quyền của bất kỳ ai, và mọi người có trách nhiệm tôn trọng, nếu sự lựa chọn đó chỉ ảnh hưởng đến sở thích và đường đi của riêng người đó. Nhưng để lựa chọn cho quyền lợi của một đất nước hiện có tới gần 90 triệu người dân, trong đó chỉ có khoảng 3,6 triệu đảng viên cộng sản, thì cần phải thực hiện một cách thận trọng, có lương tâm và trách nhiệm, nếu không, sẽ mang tội đi ngược lại quyền lợi nhân dân.
Thận trọng và tỉnh táo không chỉ là trách nhiệm trước nhân dân và đất nước, mà còn là vì quyền lợi của chính những người cầm quyền. Đã có nhiều tiền lệ về vấn đề này.
“…Bài học lịch sử là không dễ gì nắm bắt được thời cơ cải cách chính trị. Khi cho rằng mình có đủ lực lượng kiểm soát tình hình, người cầm quyền thường ngoan cố cự tuyệt cải cách, hoặc chần chừ, coi nhẹ, đến khi tình thế qua đi, mới nghĩ đến cải cách nhưng lúc đó khủng hoảng đã bùng phát, họ không còn tư cách chủ đạo công cuộc cải cách chính trị nữa, chỉ còn cách bị dòng thác lịch sử cuốn phăng…”
Tác giả Tân Tử Lang đã viết trong cuốn “Mao Trạch Đông ngàn năm công tội như thế!
Võ Thị Hảo
© DCVOnline
http://nguyenvanloc.dcvonline.net/modules.php?name=News&file=article&sid=8164