Quỳnh Chi, phóng viên RFA, Bangkok - Gia đình ông Đoàn Văn Vươn và Đoàn Văn Quý cùng bà con xã Vinh Quang đang thu thập chữ ký để tố giác hành vi vu khống của giới chức Hải Phòng. Quỳnh Chi tường trình trong phần sau:
Chị Phạm Thị Báu, tức chị Hiền vợ ông Đoàn và chị Nguyễn Thị Thương, vợ ông Đoàn Văn Vươn - Source báo phapluat
Hôm thứ Tư, gia đình ông Đoàn Văn Vươn và Đoàn Văn Quý chính thức viết đơn và tiến hành thu thập chữ ký nhằm tố giác hai giới chức TP Hải Phòng là ông Đỗ Trung Thoại – phó Chủ tịch UBND TP Hải Phòng và ông Đỗ Hữu Ca, Giám đốc CA TP Hải Phòng.
Vu khống và chiếm đoạt tài sản công dân có tổ chức
Lá đơn do bà Nguyễn Thị Thương, vợ ông Đoàn Văn Vươn đứng tên nhằm tố cáo hai nhân vật trên “phủ nhận hội đồng cưỡng chế huyện Tiên Lãng, chiếm đoạt, hủy hoại tài sản” và “đổ tội cho dân”. Người phụ trách thu thập chữ ký, chị Phạm Thị Báu, tức chị Hiền vợ ông Đoàn Văn Quý cho biết mục đích chính của lá đơn:
“Cái đơn ấy nhằm tố giác việc ông Đỗ Trung Thoại và ông Đỗ Hữu Ca đã dung túng cho việc cưỡng chế trái pháp luật đối với gia đình tôi. Thứ hai là họ đổ tội cho dân. Chúng tôi nhấn mạnh hai điểm ấy trong đơn tố giác”.
Theo như lá đơn, việc ông Đỗ Trung Thoại và ông Đỗ Hữu Ca trả lời truyền thông trong nước là việc hủy hoại tài sản gia đình ông Đoàn Văn Vươn là do người dân làm là việc “dung túng, bao che cho hội đồng cưỡng chế và thách thức công luận”. Theo nguồn tin từ phía chị Hiền, hiện tại có rất nhiều người ký tên vào lá đơn tố giác đó. Hầu hết họ là người dân xã Vinh Quang, chứng kiến sự việc và bức xúc trước việc bị chính quyền Hải Phòng đổ tội khi không xác định được danh tính người phá nhà ông Vươn.
Một người dân ở xã Vinh Quang cho biết gia đình của bà đã đại diện ký tên vào lá đơn và bà rất bất bình trước hành động “đổ oan của chính quyền Hải Phòng”. Bà nói:
“Hôm đó thì toàn bộ bà con đều đứng trên đê, có ai xuống đâu. Hôm cưỡng chế xong thì người ta rút về hết, còn bảo vệ trông coi chỗ ấy nên có ai xuống đâu. Sáng hôm sau bà con lên đê thì thấy nhà đã bị cào ủi sập. Người dân nào phá được? Còn nếu các ông ấy xác định được người dân nào phá thì phải xác định người dân đó là ai? ở khu vực nào. Còn chúng tôi chỉ biết là mình không được tham gia, cũng không biết ai phá. Chúng tôi bức xúc ở chỗ người dân không trực tiếp phá mà vì sao lại nói người ta phá?”
Trong lá đơn tố cáo, bà Nguyễn Thị Thương yêu cầu hai việc. Thứ nhất là “Điều tra làm rõ việc làm của hai ông trên có phải hai ông là kẻ chủ mưu, là kẻ dung túng, bao che cho Hội đồng cưỡng chế UBND huyện Tiên Lãng để họ chiếm đoạt tài sản công dân có tổ chức”.
Thứ hai là “Xem xét, truy tố trước pháp luật về việc hai ông dung túng, bao che, tiếp tay cho người khác để họ phạm tội theo quy định của pháp luật. Đồng thời phải bồi thường cho gia đình tôi về việc làm trên của hai ông”.
Nói về lý do cho rằng ông Đỗ Trung Thoại và ông Đỗ Hữu Ca dung túng cho hành vi sai trái của huyện Tiên Lãng, chị Hiền cho biết:
“Chúng tôi xác định là không phải một chính quyền huyện Tiên Lãng mà dám làm việc ấy. Chúng tôi nghĩ là đằng sau huyện Tiên Lãng là một thế lực khác cao hơn. Và các ông ấy ngày càng thể hiện ra mình là người dung túng cho những người cưỡng chế cho nên chúng tôi nghĩ rất có thể ông là người chủ mưu của cuộc cưỡng chế này”.
Hai anh Đoàn Văn Vươn và Đoàn Văn Quý. RFA file/Source phapluat.vn
Liệu người dân có thể tin vào công lý?
Có thể thấy lá đơn được viết khá đơn giản thậm chí có phần chưa hoàn chỉnh vì thiếu tên cơ quan nhận đơn. Tuy nhiên, những người nông dân này chỉ muốn viết lên suy nghĩ của mình và hy vọng vào công lý. Chị Hiền cho biết:
“Tôi không sợ bởi vì gia đình chúng tôi hoàn toàn phản đối kịch liệt chính quyền huyện Tiên Lãng và chúng tôi không sợ bất cứ việc gì nữa.”
“Chúng tôi tin là chúng tôi sẽ thắng. Chúng tôi tin vào lẽ phải. Chúng tôi tin là Đảng và Nhà nước sẽ lấy lại công bằng cho chúng tôi”.
Do bị chứng suy nhược thần kinh và trải qua những việc vừa rồi, chị Nguyễn Thị Thương ít khi trả lời báo chí. Tuy nhiên, khi được hỏi hy vọng của chị về lá thư này, chị Thương mạnh dạn cho biết chị tin tưởng mình sẽ tìm được công lý. Chị nói:
“Tôi tin vào công lý chứ. Vì chúng tôi chỉ là những người lao động thôi, không có hàm ý gì cả. Chúng tôi nhờ mọi người soi xét. Nhờ Trời thôi. Ai làm thì người ấy chịu chứ lương tâm chúng tôi làm cho Đảng, cho Dân, cho Nhà nước chứng không phải riêng chúng tôi. Cho nên chúng tôi vẫn phải hy vọng”.
Như vậy, một ngày sau khi ông Đỗ Trung Thoại lên tiếng với báo giới rằng “nhà của anh Đoàn Văn Vươn là do dân bức xúc nên phá” thì chính những người dân nơi đây đã lên tiếng.
Liên quan đến việc ngôi nhà ông Đoàn Văn Vươn bị phá mặc dù nằm ngoài khu vực cưỡng chế, sáng 17/1, lãnh đạo UBND TP Hải Phòng đã lên tiếng lần đầu tiên. Theo ông Đỗ Trung Thoại: "Các đồng chí báo cáo không ra lệnh san phẳng nhà, nhưng do... nhân dân bất bình nên vào phá. Chứ còn lực lượng cưỡng chế của huyện, lực lượng công an không san phẳng nhà này".
Tuy nhiên, tại cuộc họp báo do UBND thành phố Hải Phòng tổ chức vào ngày 12 tháng 1, Chủ tịch UBND huyện Tiên Lãng Lê Văn Hiền lại nói rằng căn nhà của gia đình ông Đoàn Văn Vươn bị phá do "đây là vị trí kẻ gây án ẩn nấp".
Xin được nhắc lại, ngày 5/1, hơn 100 cảnh sát, bộ đội cưỡng chế, thu hồi khoảng 20 ha đất của gia đình ông Đoàn Văn Vươn. Một số người trong gia đình ông Vươn đã gài mìn tự chế trong vườn và chống lại bằng súng hoa cải. Hậu quả là bốn cảnh sát và hai cán bộ huyện đội bị thương.
Ngày 10/1, 4 người gồm ông Đoàn Văn Quý, Đoàn Văn Vươn, Đoàn Văn Sịnh, và Đoàn Văn Vệ bị khởi tố, bắt tạm giam về tội giết người. Riêng vợ ông Vươn và vợ ông quý bị khởi tố về tội chống người thi hành công vụ, nhưng được toại ngoại và cấm đi khỏi nơi cư trú.
Theo phân tích của nhiều luật sư cũng như nguyên thứ trưởng bộ Tài nguyên Môi trường Đặng Hùng Võ, việc cưỡng chế này không đúng pháp luật.
2012-01-23