New7Wonders và vịnh Hạ Long:Cái gì đến đã đến - Dân Làm Báo

New7Wonders và vịnh Hạ Long:Cái gì đến đã đến

Trần Kinh Nghị - Bất chấp những lời phê phán, cảnh báo và sự hoài nghi của hàng triệu người Việt Nam trong và ngoài nước, kể cả của một số giới chức Việt Nam và của tổ chức UNESCO, cuộc bình chọn danh hiệu “New7Wonders” đối với vịnh Hạ Long đã bước sang giai đoạn cao trào với buổi lễ hoành tráng tại sân vận động Mỹ Đình, Hà Nội tối 27/4/2012. Không còn nghi ngờ gì nữa, đây là một thắng lợi của trường phái sính hình thức và háo danh, nhưng có lẽ cũng là một sự kiện gây phân tâm đáng kể nữa đối với xã hội Việt Nam hiện nay. Đây có thể chưa phải là kết thúc mà chỉ là sự bắt đầu của hàng loạt vấn đề đặt ra đối với ngành văn hóa-du lịch Việt Nam.

Thực ra buổi lễ là một sự kiện quan trọng nhất của cả quá trình rất "hao người tốn của" kéo dài từ năm 2007 đến nay và còn tiếp tục dài dài đối với người dân Quảng Ninh nói riêng và đối với cả nước nói chung. Dù chưa có con số tổng kết chính thức về toàn bộ chi phí cho đến nay, chỉ biết rằng từ ngày bắt đầu phía nước chủ nhà phải đóng cho ban tổ chức New7Wonder không dưới 5000 USD mỗi tháng (theo VNnet ngày 23/11/2011). Đó là chưa kể rất nhiều loại chi phí “lặt vặt” về nhân sự, vé máy bay, khách sạn, quảng cáo, tổ chức sự kiện,v.v…, đặc biệt chưa kể khoản đóng góp cuối cùng trị giá hàng trăm triệu USD do bên tổ chức yêu cầu theo từng giai đoạn. Đây có thể là một cái bẩy khiến bên tham gia ngày càng dấn sâu vào những khoản chi phí không lường trước được. . 

Phí tổn từng ấy đối với một nước nghèo như Việt Nam là không nhỏ, nhưng chỉ là một lý do để phản đối; lý do chính và quan trọng hơn là ở sự thiếu tính “chính danh” của cuộc bình chọn, nói cách khác là sự mờ ám của quá trình bình chọn cũng như tính hiệu quả của danh hiệu trước mắt và lâu dài. Chỉ có kẻ điên mới bỏ tiền ra để mua một món hàng không thực chất như vậy. Thế giới làm sao có thể tôn trọng kết quả từ một kiểu bình bầu mà trong đó một người có thể bỏ nhiều phiếu bất kỳ (thông qua điện thoại di động và địa chỉ e-mail). Nhiều dư luận quốc tế cho đó chỉ là một trò chơi kích động chủ nghĩa dân tộc hẹp hòi! Quả vậy, nếu để ý sẽ thấy sự ồn ào náo nhiệt chủ yếu chỉ diễn ra trên “mạng ảo “ và trên lãnh thổ Việt Nam và một số nước có đăng ký địa danh bình chọn, và thường thì người nước nào đều chỉ bầu cho nước ấy. Nhưng đó lại là cách duy nhất mà một website tư nhân có thể lợi dụng để không chỉ lừa gạt những cá nhân mà cả một dân tộc. Đây không phải là ý kiến suy luận của người viết bài này mà là ý kiến của nhiều người và tổ chức đã dày công nghiên cứu về vấn đề này, đặc biệt về cái website và chủ nhân của nó. 

Ta hãy bình tâm cùng điểm lại một số thông tin khách quan như vậy để khỏi mang tiếng “chụp mũ”cho nhau nhé! . 

Bernard Weber - chủ nhân của New7Wonders.com

New7Wonders.com là ai? 

Những thông tin khác nhau trên mạng cho thấy trang web New7Wonders là của một người leo núi tên là Bernard Weber- gốc Thụy Sĩ, quốc tịch Canada . Thực chất đó chỉ là một website tư nhân, hoàn toàn không phải một dự án của chính phủ hay tổ chức nào trên thế giới. Bằng cách quảng bá, marketing khôn khéo và láu cá, cụ thể ở đây là việc chọn tên dự án "New 7 Wonders of Nature"- (7 kỳ quan thiên nhiên thế giới mới), Bernard Weber đã kính đúng vào lòng tự hào dân tộc, lôi kéo và đánh lừa được rất nhiều phương tiện truyền thông, thậm chí cả các ban ngành về tài nguyên thiên nhiên & du lịch ở nhiều nước khác nhau, đặc biệt các nước nghèo có hiểu biết và dân trí thấp. 

Weber tuyên bố dự án của mình là “phi lợi nhuận”, nhưng thực chất đó là cách kiếm tiền chủ yếu của y, biểu hiện rõ nhất là việc quy định mỗi quốc gia có địa danh tham gia bình chọn phải kí hợp đồng và đóng cho tổ chức một khoảng lệ phí theo thời giá do bên tổ chức đặt ra, nếu ai không đóng sẽ lập tức bị truất quyền tham gia. (Việt nam đã từng bị dọa truất quyền hồi năm 2008 vì không kịp đóng lệ phí hàng tháng). Ngoài ra các website khác nếu muốn sử dụng những nội dung về thắng cảnh bình chọn cũng phải trả một số phí thường không ngừng tăng lên tùy theo thời giá và do phía tổ chức quy định. Đó là chưa kể các nguồn thu từ tiền tài trợ, tiền chia từ các công ty dich vụ viễn thông cho phí SMS và vote call, tiền bán các loại hàng hoá như áo phông, đồ lưu niệm với giá rất đắt, v.v…Việc quy định mỗi người có thể nhắn bao nhiêu tin tùy thích để bầu chọn thực chất là để "mở rộng cửa" cho các con mồi vào mua càng nhiều phiếu bầu càng tốt...để làm giàu cho các SMS. 

Về lợi nhuận, tờ báo Sachsen (Đức) cách đây 3 năm đã trích một tuyên bố của chính N7W : "Chúng tôi cam kết sẽ dùng 50% tiền lãi thu được để đầu tư vào việc tu bổ 7 kỳ quan thế giới mới và một số công trình khác". Nhưng khi được hỏi 50% số lãi còn lại sẽ được dùng vào việc gì, thì N7W không đã trả lời được. Trên thực tế chưa ai chứng kiến N7W đã chi một khoản nào cho ai cả.
Đã có nhiều ý kiến gọi đích danh ông chủ website New7Wonders là "tên lừa đảo". 

Về tư cách và uy tín của New7Wonders 

Theo một số nguồn tin cá nhân người Việt tìm hiểu qua các nguồn internet thấy thông tin cụ thể về new7wonders.com như sau: Được xếp hạng 22,607 trên thế giới và hạng 31,656 tại Mỹ (trong khi trang vnexpress được xếp hạng 386 trên thế giới và hạng 1,167 tại Mỹ, ngay cả diễn đàn vn-zoom.com còn được xếp hạng 3,357 trên thế giới và 18,285 tại Mỹ), có nghĩa là, cả 2 trang tiếng Tiếng Việt này đều có “tầm ảnh hưởng” vượt xa N7W trên thế giới. Một sự thật hết sức bất ngờ là, trong các nước sở hữu địa danh lọt vào “chung kết”, new7wonders được xếp hạng 1,061 tại Việt Nam, chỉ thua 2 nước có IQ thấp là Lebanon (240) và Tanzania (265). Tại một số nước IQ cao như Đức, Pháp, Hàn Quốc, xếp hạng của N7W là thấp (50,446 ở Đức, 77,133 ở Pháp, Hàn Quốc không thấy xếp hạng). 

Tổ chức UNESCO đã từng tuyên bố:“Mặc dù nhiều lần được mời ủng hộ N7W, nhưng UNESCO quyết định không hợp tác với ông Weber. Mục tiêu của UNESCO là giúp các nước xác định, bảo vệ và bảo tồn các di sản thế giới. Cần xác định các tiêu chuẩn khoa học, xác định giá trị của các ứng viên.” Điều này có nghĩa UNESCO cho rằng kết quả bầu chọn của N7W không chính xác và không có khoa học. 

Bộ trưởng Văn hóa Ai Cập-Farouq Hosni gọi cuộc bầu chọn này là “ngớ ngẩn” và mô tả Weber - nhà sáng lập NOWC - chỉ có mục đích duy nhất là “tự quảng cáo”. 

Chính phủ Maldives đã sớm tỉnh ngộ, nhận ra trò lừa đảo của N7W và đã rút lui từ tháng 5/2011.

Ông Wacik-Bộ trưởng Văn hóa-Du lịch Indonesia (nước cũng đã rút lui khỏi cuộc thi) nói: “Thật không công bằng và bất hợp lý.Tôi không bao giờ để bị tống tiền bởi bất cứ ai, bao gồm cả tổ chức phi chính phủ này. Tôi cứ tưởng rằng trở thành kì quan thế giới hay không là do mọi người bình chọn, chứ thế này thì tổ chức sự kiện trên làm gì?” 

Tại Việt Nam, ông Nguyễn Xuân Thắng, Tổng thư ký Hiệp hội UNESCO VN và nguyên Phó Chủ tịch Hiệp hội UNESCO thế giới, cho rằng việc "mua phiếu bầu và nhà tổ chức thu tiền" này khiến cuộc bình chọn 7 kỳ quan thế giới mới của N7W "không khác gì một cuộc thi Manhunt (Người đàn ông quyến rũ) quốc tế, khi một cá nhân bỏ ra vài nghìn USD để mua hàng trăm lá phiếu".

Những loại thông tin như trên rất sẵn trên mạng internet. Chẳng lẽ các vị quan chức chuyên trách và lãnh đạo của ta quá bận đến mức không còn thời gian để tham khảo, hay chỉ đơn giản là họ coi thường dư luận. Chẳng hay đó thuộc loại tội danh gì nếu đem ra kiểm điểm theo tinh thần NQ TW4?. /.




Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo