Giật mình - Dân Làm Báo

Giật mình

Sơn Minh (Sống Mới) - Ngay sau khi Philippines kiện Trung Quốc ra tòa án quốc tế, tất cả các báo lớn tại Việt Nam tràn ngập thông tin. Riêng một bài xã luận ngắn trên Dân Trí đăng vào 7 giờ sáng ngày 28/1 đã thu hút hơn 100 ý kiến bình luận quan tâm đến vụ kiện. Cũng trong sáng nay, Thanh Niên có bài xã luận thảng thốt phản ánh tình trạng hổng kiến thức lịch sử về Hoàng Sa khi những sự kiện mới cách đây chưa đến 40 năm mà đã bị phai nhòa trong nhận thức của độc giả.

Cột mốc chủ quyền thời Pháp trên đảo Hoàng Sa 

Cái tít Đòn đích đáng vào “đường lưỡi bò” của Dân Trí trong tiểu mục Blog với những lời ca ngợi về sự sắc sảo, quyết đoán của Bộ Ngoại giao Philippines dường đã thu hút người đọc bình luận tăng đột xuất. Qua khảo sát nhanh, có thể thấy 2/3 trong 114 bình luận của độc giả đều tỏ sự ngưỡng mộ trước sự đoàn kết của Philippines và 1/3 còn lại là câu hỏi hoặc bình luận có hàm ý: Thế còn Việt Nam thì sao? Tại sao chúng ta không ủng hộ hay học tập theo Philippines?! 

Trong khi đó, Thanh Niên lại tập trung vào thực trạng trong nước với bài Để không giật mình khi công bố thống kê của tòa soạn về phản hồi của người đọc tâm sự rằng, chỉ sau khi đọc bài báo kỷ niệm trận hải chiến Hoàng Sa năm 1974 thì họ mới biết, quần đảo này đã bị Trung Quốc dùng vũ lực cưỡng chiếm. Thậm chí “có bạn sinh viên cho biết mãi đến khi vào đại học thì mới biết được điều này.” Có lẽ chỉ mấy năm gần đây, báo chí, truyền thông mới chuyển biến tích cực khi phổ cập thông tin chủ quyền biển đảo nhiều hơn. Các cuộc triển lãm ảnh, các cuốn sách chuyên sâu cũng được in dồn dập trong năm 2012. Tuy nhiên, theo Thanh Niên phản ánh, có một lỗ hổng đáng ngạc nhiên khi các website cá nhân tích cực quảng bá cho chủ quyền đất nước, còn các website chính phủ thì đìu hiu. Tên miền hoangsa, truongsa có đuôi gov.vn dành cho các cổng thông tin chính thức cho các huyện đảo này lại không tồn tại. Hay như, một số website nghiên cứu biển Đông của cơ quan nhà nước lại không có mục “tự giới thiệu”. Danh không chính thì sao ngôn thuận, chưa kể, 2 thập kỷ qua đã cho thấy một lỗ hổng kiến thức chủ quyền biển đảo tạo nên cả một thế hệ “mù thông tin” rồi dẫn đến bàng quan, lơ là tình hình đất nước. 

Có thể thấy, quyết định kiện Trung Quốc của chính quyền Manila đã khiến truyền thông Philippines thức tỉnh. Một số học giả đã lên tiếng cảnh báo các cơ quan thông tấn ưu tiên thông tin về chủ quyền biển đảo thay vì đưa các tin sốc sex vào khung giờ vàng. Đây được coi là cơ hội có một không hai để tổng thống Aquino thu hút sức mạnh và tinh lực của cả đất nước không chỉ để bảo vệ chủ quyền mà còn có thể chuyển hóa thành hoạt động kinh doanh, sản xuất và giải quyết các mâu thuẫn tồn tại lòng đất nước. 

Nếu truyền thông ngủ mê trong thông tin giải trí, không trở thành tiếng nói trung thực về lịch sử và thực trạng chủ quyền đất nước thì chỉ một vài hoạt động riêng rẽ của một Việt kiều sưu tập bản đồ, một vài triển lãm trong thành phố, một bản đồ trong nhà ga hay một thắng lợi nho nhỏ của học giả đấu tranh trước đường lưỡi bò phi pháp cũng nhanh chóng rơi vào quên lãng. Các sự kiện lịch sử phải được lưu giữ để bảo toàn sự thật, được tri nhận, chia sẻ từ trong cộng đồng và kích phát bởi chính phủ. Thấy Philippines đang làm gấp rút mà nghĩ đến Việt Nam, không khỏi... giật mình. 





Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo