Phương Bích - Cho tôi mượn câu hát trong bài "Lên ngàn": Hò ơi, em chèo thuyền đi "cất Lờ bát quái" thay chồng, thay chồng nuôi i ì con.....
Cuộc sống là những lớp sóng mới đè lên lớp sóng cũ. Bất cứ sự kiện nào dù chấn động đến mấy, cũng đến hồi lùi vào dĩ vãng. Trong lần chúng tôi đi Thái Bình, thăm mộ cụ Nguyễn Hữu Đang và cụ Trần Độ, “bác tài” căn giờ, chọn đường về qua mạn Hải Phòng, để cả nhóm ghé thăm cống Rộc, nơi xảy ra “trận đánh đẹp” lừng lẫy năm nào của công an Hải Phòng, xem những người đàn bà họ Đoàn thay chồng nuôi con, gánh vác việc nhà ra sao.
Đi tắt tiết kiệm được nửa đường, nhưng đường quá xấu nên xe chúng tôi tới cống Rộc hơi muộn. Còn đang loay hoay định hướng trên đê thì thấy cô Hiền (vợ Đoàn Văn Quý) lượn xe máy đến sát bên, cười toe toét. Xe chúng tôi đi theo Hiền rẽ xuống một con đường nhỏ. Đến khu nhà của tổng đội thanh niên thì phải xuống đi bộ. Thương (vợ Đoàn Văn Vươn) cũng đã ra đón chúng tôi. Hai chị em họ đi xe máy, chở tôi và chị Sông Quê vào đầm trước. Đôi lúc phía trước gần như không nhìn thấy đường đâu, vậy mà xe cứ lao vun vút. Hiền vừa lái xe vừa cười, bảo trước đây, khi đèo luật sư Trần Đình Triển vào thăm đầm, ông ấy cứ la bai bải, bắt dừng xe lại để ông xuống đi bộ. Thực ra con đường độc đạo lát bê tông tuy có bề rộng là 60cm, nhưng do cỏ dại 2 bên che gần kín đường, khiến cho người lạ cảm giác nó chỉ rộng chừng 20cm, nên chúng tôi vẫn sợ điếng người khi ngồi sau xe 2 chị em Thương, Hiền. Cỏ lau hai bên quất ràn rạt vào ống chân.
Đi chừng hai cây số thì vào đến nơi. Lúc này nắng đã gần tắt hẳn. Chúng tôi đi loanh quanh khám phá “đại bản doanh” của anh em họ Đoàn. Nhìn không giống ảnh chụp trên mạng, phần do mùa này cây cỏ mọc um tùm, che lấp cảnh vật, phần do cuộc sống đã phần nào “Hồi sinh” …
Hóa ra gần như phần lớn hệ thống đê quai, từ thân đê chính dẫn xuống đầm đều do anh em Đoàn Văn Vươn làm nên. Khu đất có nhà của tổng đội thanh niên đóng là “mua” lại trên phần diện tích đã được giao cho nhà Đoàn Văn Vươn. Theo tài liệu trong Wikipedia tiếng Việt, thì “ Từ năm 1993, ông Vươn thực hiện việc quai đê lấn biển để nuôi trồng thủy sản. Ông khởi nghiệp bằng việc bán tài sản, vay mượn bạn bè, người thân và ngân hàng, chịu nhiều thiệt hại mất mát trong quá trình lấn biển, bao gồm cái chết của con gái đầu 8 tuổi bị rơi xuống cống chết đuối trong một lần theo bố mẹ ra đầm”.
Nghe thì đơn giản, nhưng nếu nhìn ngoài thực địa, không dễ hình dung nổi để tạo nên cơ ngơi này, người ta phải mất bao nhiêu TÂM và SỨC ? Ít ra đối với tôi, những người kiến tạo và gìn giữ được mảnh đất này là những người có chút gì đó “Phi thường”. Liệu bà mẹ có tình cờ đặt tên cho con trai là "Vươn" không?
Khu “đại bản doanh” nằm ở cạnh cống phai, mùa này cây cối xung quanh mọc um tùm. Khi nhà Quý và Vươn đều bị lực lượng cưỡng chế phá mất, những người đàn ông trụ cột đi tù, còn lại đàn bà và trẻ con co cụm lại với nhau, căng bạt làm lều ở tạm. Hội nuôi trồng thủy sản Tiên Lãng bèn xúm lại dựng cho họ cái lều, vách và mái đều bằng fibrociment, gá vào bức tường còn sót lại. Cái lều này chỉ che được phần nào mưa nắng, chứ chả ngăn được gió rét lùa. Chừng năm sau, chính gia đình ông Khanh, Trưởng ban cưỡng chế gia đình Vươn Quý cùng văn phòng luật sư Hưng Giang (nhận bào chữa cho ông Khanh) đã khắc phục hậu quả bằng cách giúp tiền cho chị em Thương Hiền xây một cái nhà cấp 4, dựng trên nền đất cũ của nhà Vươn. Rõ là kẻ xây, người phá, rồi lại kẻ phá người xây!
Cho đến nay, chị em Thương Hiền và các con vẫn ở trong cái nhà cấp 4 đó. Hàng ngày, những người đàn bà dậy sớm, đi nhặt Lờ cũ, đặt Lờ mới. Gom hải sản chở ra chợ bán. Chiều tối lại đi rải Lờ. Nghe chỉ có thế tưởng đơn giản, nhưng mấy chục héc ta đầm mà chỉ có 2 người đàn bà và một cậu em trai phụ giúp thì đúng là làm không hết việc.
Có lẽ tôi là người yếu bóng vía, nên thấy chỉ có 2 người đàn bà, 3 đứa trẻ và mấy con chó sống ở đây thì hãi quá. Quen mấy thì quen, những lúc mưa to gió lớn, cảm giác con người nơi đây sao mà nhỏ bé quá chừng. Tôi hỏi biển đâu, mọi người chỉ về phía rừng bần, bảo ở phía sau rừng cây đó.
Chuyện mãi cũng đến lúc chia tay. Lúc chở chúng tôi quay ra đã hơn 8 rưỡi tối. Tôi ngạc nhiên khi thấy cô Hiền chở tuốt lên đê, vào làng. Hóa ra chị em nhà họ muốn khoe thành quả của mình. Đó là một ngôi nhà 6 phòng, mới xây 1 tầng nhưng rất khang trang. Hiền kể, khi làm xong nhà này, một đoàn nhà báo cùng với chính quyền địa phương kéo nhau vào hỏi han, ra ý các chị đâu có phải nghèo khổ gì? Em trả lời, mới chỉ hơn một năm các anh không nhiễu nhương gì, chúng tôi đã làm được căn nhà này, thì nói thật là nếu không bị cưỡng chế, khó dễ thì gần hai chục năm khai phá, chúng tôi thừa sức làm vài chục cái nhà như thế này chứ chả phải một cái thôi đâu. Thế là tất cả họ im lặng, kéo nhau đi.
Tôi sửng sốt nhìn người phụ nữ mảnh dẻ trước mặt.
Tiếc là lúc ấy, tôi lại không chụp một bức ảnh nào về ngôi nhà. Có lẽ tôi vẫn bị ảnh hưởng bởi tâm lý, phải giấu diếm kẻo “họ” biết, lại gây phiền nhiễu cho gia đình họ…Nếu như anh em Đoàn Văn Vươn sống ở châu Mỹ, hay châu Úc…. hẳn họ sẽ là những chủ trang trại rất giàu có. Người Việt ta không thiếu gì người biết làm giàu một cách chân chính. Nếu không bị trói buộc, bị kìm hãm bởi những chính sách quản lý kém cỏi của nhà nước, chắc chắn nhiều người Việt không hề thua kém thiên hạ.
Ra về, tôi cứ nghĩ ngợi mãi, đó là phương pháp đấu tranh và kết quả mang lại.
Đoàn Văn Vươn cũng đã từng đeo đuổi việc khiếu kiện. Nhưng anh ta sớm nhìn thấy kết quả vô vọng của việc khiếu kiện, nên đã quyết định biến nó thành một vụ án hình sự, để đánh thức và thu hút sự quan tâm của một bộ máy vô cảm, vô trách nhiệm đến khủng khiếp. Không phải ai cũng dám làm như Đoàn Văn Vươn. Cái giá cho 5 năm tù của anh em Vươn Quý là thay đổi được cả một chủ trương thu hồi đất của các chủ đầm trong khu vực, giữ được đất cho vợ con mình và cho cả bao nhiêu người. Nếu ngày đó Đoàn Văn Vươn không quyết định nổ súng, hẳn giờ này anh ta đang ở số 1 Ngô Thì Nhậm, cùng với bà con dân oan cả nước.
Liêu nhà nước và dân oan có cùng nhận ra nguy cơ tiềm ẩn, đằng sau các vụ án oan sai thế này?
* CHÙM ẢNH SƯU TẦM TRÊN GOOGLE:
Nhìn những bức ảnh trên, để thấy khối lượng đắp đê lấn biển của anh em Đoàn Văn Vươn, không chỉ cho cá nhân họ, mà là một cống hiến cho cả xã hội.
* CHÙM ẢNH CHỤP TRONG CHUYẾN ĐI
Hoàng hôn trên đầm Vươn
Ra về
Phương Bích