Vào lúc 13:00 ngày 28 tháng 5 năm 2015, Mục sư Nguyễn Mạnh Hùng là thành viên của Hội đồng Liên tôn Việt Nam đã có buổi điều trần trước Tiểu ban Quốc tế Nhân quyền, thuộc Ủy ban Thường trực về Đối ngoại và Phát triển Quốc tế, Quốc hội Canada.
Mục sư Nguyễn Mạnh Hùng là nhân chứng đại diện Hội đồng Liên tôn Việt Nam điều trần về sự bách hại, đàn áp Tôn giáo của các cấp chính quyền tại Việt Nam đối với 5 Tôn giáo lớn là: Cao Đài, Công Giáo, Phật Giáo Hòa Hảo Thuần túy, Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất và Tin Lành.
Ngoài ra Mục sư Nguyễn Mạnh hùng cũng trình bày quan điểm lập trường của Hội đồng Liên tôn Việt Nam là bác bỏ các văn bản pháp luật nhằm ngăn cản, tước bỏ quyền tự do tín ngưỡng đối với các nhóm Giáo hội không được nhà nước công nhận hợp pháp. Đặc biệt là Dự luật Tín ngưỡng Tôn giáo sắp ban hành tới đây nhằm trói buột, siết chặt quyền tự do Tôn giáo hơn nữa bằng cơ chế xin cho. Mục sư kêu gọi Quốc hội Canada luôn đặt vấn đề nhân quyền trong đó có quyền tự do Tôn giáo trong các quan hệ ngoại giao, hợp tác hay viện trợ cho Việt Nam, xin các đại biểu nêu lên quan ngại của Canada về Dự luật Tín ngưỡng Tôn giáo mà nhà nước Việt Nam dự tính ban hành trong nay mai, xin các đại biểu khuyến nghị lên Chính phủ Canada áp lực nhà cầm quyền Việt Nam trả tự do cho tu sï, tín đồ các Tôn giáo và các tù nhân lương tâm bị giam cầm vì đấu tranh cho quyền con người và quyền tự do Tôn giáo.
Ngày 01 tháng 6 năm 2015, Mục sư Nguyễn Mạnh Hùng sẽ tham dự buổi tiếp tân, gặp gỡ 1 số Dân biểu tại Quốc hội Canada do 2 dân biểu Judy Sgro và dân biểu Irwin Cotler đồng bảo trợ. Sau đó sẽ gặp gỡ một số tổ chức phi chính phủ (NGO), một số chức sắc tôn giáo và tường trình lại buổi điều trần trước Quốc hội Canada với cộng đồng người Việt tại thành phố Toronto.
Sau đó Mục sư Nguyễn Mạnh Hùng sẽ tiếp tục chuyến công tác vận động sang Hoa Kỳ, gặp gỡ một số Dân biểu Quốc hội Hoa kỳ, tổ chức phi chính phủ (NGO), chức sắc Tôn giáo và cộng đồng người Việt tại Hoa Kỳ.
Ngày 31 tháng 05 năm 2015
Hội đồng Liên tôn Việt Nam
*
Bài điều trần của đại diện Hội đồng Liên tôn Việt Nam về tình hình tôn giáo tại Việt Nam trước Quốc hội Canada
Ngày 28-05-2015
Kính thưa Ông Chủ tịch Ủy ban Nhân quyền và đại biểu Quốc hội Canada
Kính thưa Quý vị Quan khách.
Trước tiên tôi xin bày tỏ tấm lòng biết ơn đến Quý vị đã quan tâm tới tình hình nhân quyền của đất nước chúng tôi và có lời mời chúng tôi tham dự buổi điều trần ngày hôm nay. Tôi là Mục sư Nguyễn Mạnh Hùng, quản nhiệm Hội thánh Tin lành Chuồng bò thuộc Giáo hội Mennonite độc lập, thành viên Hội đồng Liên tôn Việt Nam (HĐLTVN).
Tôi xin phát biểu trong tư cách chứng nhân, đồng thời là đại diện HĐLTVN, một tổ chức quy tụ nhiều chức sắc lãnh đạo 5 tôn giáo lớn là: Cao Đài, Công Giáo, Phật Giáo Hòa Hảo Thuần túy, Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất và Tin Lành. Là một thành viên của HĐLTVN, tôi xin trình bày 3 nội dung sau:
I- Nhận định tổng quát về tình hình tôn giáo hiện nay
Xét theo vẻ bên ngoài và theo các thông tin do nhà nước VN cung cấp, tại VN xem ra có tự do tôn giáo và phát triển tôn giáo qua các hiện tượng: có nhiều nơi thờ tự cùng cơ sở tôn giáo được xây cất, nhiều lễ hội tôn giáo to nhỏ được tổ chức, nhiều chức sắc và tín đồ được đi ra hải ngoại để lo việc tôn giáo. Xin thưa với Quý vị rằng đó chỉ là những thứ tự do giả tạo và cũng chỉ được nhà nước ban cho những cộng đoàn tôn giáo, những tín đồ ngoan ngoãn tuân phục hoặc im lặng trước các sai lầm và tội ác của họ.
Còn quyền tự do tôn giáo thực sự là quyền được tự do thành lập và sinh hoạt; được công nhận như pháp nhân trước luật pháp; được độc lập trong việc tuyển sinh, huấn luyện tu sĩ cũng như tấn phong, bổ nhiệm, thuyên chuyển các chức sắc lãnh đạo; quyền được rao giảng giáo lý và lối sống văn hóa cho mọi người, việc góp phần vào giáo dục văn hóa cho giới trẻ từ tiểu học tới đại học, việc thi hành các công việc cứu tế xã hội, quyền tư hữu đất đai và mua bán, chuyển nhượng, nới rộng hay thu hep cơ sở; quyền tự do liên lạc với quốc tế và mời người ngoại quốc vào trong nước vì nhu cầu tôn giáo cũng như phái người ra ngoại quốc. Tất cả các quyền tự do căn bản này đều bị ràng buộc phải xin phép nhà nước với những ngăn cản khắt khe và phải chờ đợi nhiều năm cũng không được chấp thuận. Với những cơ chế mang tính trói buộc như vậy làm cho hàng lãnh đạo tôn giáo giảm phẩm chất, hàng tín đồ ít dấn thân vào công việc xã hội, hoạt động của tôn giáo kém hiệu quả và ảnh hưởng của tôn giáo khó lan tỏa ra ngoài xã hội.
Đó chính là mục tiêu hiểm độc của Luật Tín ngưỡng Tôn giáo mà nhà nước VN dự tính ban hành trong nay mai. HĐLT chúng tôi đã có một kháng thư về Dự luật này, công bố ngày 10-05-2015. Trong đó chúng tôi cho rằng việc một Nhà nước vô thần và những viên chức không có kinh nghiệm về tâm linh tôn giáo, thậm chí chống đạo, mà lập luật cho người có tín ngưỡng và cho niềm tin tôn giáo, là âm mưu áp đặt ý muốn của đảng Cộng sản lên các Giáo hội độc lập. Dự luật TNTG vẫn tiếp tục cơ chế xin-cho, với đủ mọi loại giấy phép, nhằm mục đích kiểm soát, khống chế, lũng đoạn các Giáo hội, giới hạn tự do tôn giáo một cách nghiêm ngặt hơn nữa. Dự luật TNTG có rất nhiều điều khoản và từ ngữ mơ hồ tạo điều kiện để nhà nước và các viên chức địa phương tha hồ giải thích tùy tiện cấm cản, sách nhiễu, lũng đoạn các Giáo hội. Dự luật TNTG có nhiều điều khoản mâu thuẫn với nhau, và mâu thuẫn với Công ước Quốc tế về các quyền Chính trị và Dân sự (điều 18), cũng như mâu thuẫn với Hiến pháp VN 2013 (điều 24). Trong kháng thư đó, chúng tôi cũng tố cáo nhà cầm quyền tiêu diệt các quyền tự do tôn giáo cơ bản như đã nêu ở trên.
II- Một số sự kiện minh chứng chính sách đàn áp tôn giáo
Từ sau sự kiện 30/04/1975, nhà cầm quyền tịch thu nhiều đất đai, cơ sở thờ tự của các tôn giáo, gây áp lực, đàn áp thô bạo các tôn giáo độc lập:
a- Đối với đạo Cao Đài: Ngăn cản cuộc họp của các châu đạo như châu đạo Vĩnh Long nhiều lần. Phá phách, ngăn cấm các buổi cúng cầu siêu. Dùng Hội đồng Chưởng quản (do nhà nước thành lập) sách nhiễu Giáo hội chánh truyền để chiếm đoạt các thánh thất như Khổ Hiền Trang (Tiền Giang), Tuy An (Phú Yên). Ngăn cản thô bạo cuộc họp của HĐLTVN ngày 07-05-2015 tại Đức Trọng (Lâm Đồng).
b- Đối với Công Giáo: Tiếp tục giam giữ Linh mục Nguyễn Văn Lý 18 năm tù và hiện đang giam giữ lần tù thứ 4. Sách nhiễu Giám mục Hoàng Đức Oanh (Kontum): cấm bổ nhiệm linh mục, toan tính triệt hạ 22 nhà nguyện của người thiểu số. Áp lực lên Dòng Chúa Cứu Thế Sài Gòn để họ từ bỏ việc bênh vực cho những người bị áp bức và đấu tranh cho công lý.
c- Đối với Phật Giáo Hòa Hảo Thuần túy: Tiếp tục giam giữ nhiều chức sắc và tín đồ, quản thúc vị Hội trưởng Lê Quang Liêm. Cấm đoán, phá phách các lễ trọng của đạo, hành hung đánh đập các tín đồ tới tham dự lễ. Phá tan nhiều niệm phật đường, dùng Phật giáo quốc doanh làm luận văn phỉ báng đức Huỳnh Giáo chủ và Giáo hội Phật giáo Hòa Hảo Thuần túy.
d- Đối với Phật Giáo Thống Nhất: Dự tính cưỡng chiếm chùa Liên Trì (Thủ Thiêm, Sài Gòn). Sách nhiễu tăng ni nhiều chùa chiền, tự viện, cản ngăn chùa Phước Thành (Thừa Thiên-Huế) không cho cứu trợ thương binh Việt Nam Cộng hòa tháng 03-2015, quản chế Tăng thống Thích Quảng Độ và theo dõi sách nhiễu Hòa thượng Thích Không Tánh nhiều năm.
e- Đối với đạo Tin Lành: Đàn áp thô bạo Mục sư Nguyễn Hồng Quang và tín đồ cộng đoàn Mennonite độc lập có lần phải vào bệnh viện cấp cứu. Đập phá tan hoang trụ sở của Giáo hội Mennonite tại Bến Cát (Bình Dương) liên tục từ tháng 06-2014 đến nay. Dùng côn đồ đập phá tan nát tư gia, nhắn tin hăm dọa giết cả nhà Mục sư Nguyễn Mạnh Hùng, quản nhiệm Hội thánh Chuồng bò (là tôi). Hăm dọa Mục sư Đinh Diêm không cho tham gia HĐLT. Hiện đang giam giữ Mục sư Nguyễn Công Chính tới 11 năm tù và Mục sư Dương Kim Khải 5 năm tù.
III- Một số đề nghị cụ thể với Chính phủ và Quốc hội Canada
a- Xin Quý quan chức Chính quyền và Đại biểu Quốc hội Canada luôn đặt vấn đề nhân quyền trong đó có quyền tự do tôn giáo trong các quan hệ ngoại giao hợp tác hay viện trợ cho VN. Chúng tôi hy vọng sự giúp đỡ của Quý quốc có thể giúp cải thiện được tình trạng nhân quyền tại VN, ngõ hầu sự giúp đỡ của Quý quốc thực sự đem lại phúc lợi cho các nhân dân VN và cải thiện được quyền tự do tôn giáo cho chúng tôi.
b- Chúng tôi mong rằng, với kinh nghiệm của Quý vị trong một quốc gia có tự do dân chủ, nơi mà các tín đồ được bình đẳng như các công dân bình thường, nơi mà các quan hệ nhà nước với tôn giáo được xác định qua một số thỏa ước, xin Quý vị nêu lên quan ngại của Canada về Dự luật tín ngưỡng Tôn giáo mà nhà nước VN dự tính ban hành trong nay mai sẽ hạn chế quyền tự do tôn giáo của công dân. Vì đây là toan tính nhằm xiết chặt, bóp nghẹt quyền tự do của các tôn giáo độc lập.
c- Xin Quý vị khuyến nghị lên Chính phủ Canada áp lực nhà cầm quyền VN phải trả tự do cho tu sĩ, tín đồ các tôn giáo và các tù nhân lương tâm bị giam cầm vì đấu tranh cho quyền con người và quyền tôn giáo. Đặc biệt yêu cầu VN phải tôn trọng quyền tín ngưỡng, hành đạo cho các tín đồ trong các nhà tù và với các nhóm dân tộc thiểu số ở những vùng sâu vùng xa.
Kính cảm ơn Quý vị đã chú ý lắng nghe. Trân trọng cảm ơn ông Chủ tịch Ủy ban Nhân quyền Quốc hội Canada. Tôi xin trả lời thỏa đáng tất cả các câu hỏi của Quý vị.
Mục sư Nguyễn Mạnh Hùng, Quản nhiệm Hội thánh Tin lành Chuồng bò