Tại sao dựng lại chính thể Việt Nam Cộng Hòa là cần thiết cho sự phát triển ở tương lai của đất nước? - Dân Làm Báo

Tại sao dựng lại chính thể Việt Nam Cộng Hòa là cần thiết cho sự phát triển ở tương lai của đất nước?

Nguyễn Trọng Dân (Danlambao) - Người dân mà càng ngày càng đứng dưới lá cờ Vàng để đấu tranh càng đông thì sự sụp đổ của chế độ Cộng Sản tại Việt Nam càng thêm nhanh chóng. Việt Cộng tìm đủ cách để mọi người hiểu lầm về ý nghĩa của lá cờ Vàng và mục tiêu tranh đấu gầy dựng lại chính thể Việt Nam Cộng Hòa cũng là vì lý do này.

Có quá nhiều người lầm nghĩ là đấu tranh lật đổ chế độ Cộng Sản, dựng lại chính thể Việt Nam Cộng Hòa do vì còn lòng hoài niệm và thù hận có từ quá khứ. Nhưng trên thực tế, đấu tranh lật đổ Cộng Sản để lá cờ Vàng Ba Sọc Đỏ tung bay trên toàn cõi Việt Nam là vì những ích lợi căn bản và quan trọng mà chính thể Việt Nam Cộng Hòa sẽ đem về cho sự phát triển của dân tộc ở tương lai.

Bản chất chính trị căn bản của Việt Nam Cộng Hòa là xây dựng một chính thể chính trị do dân và vì dân dựa trên phong tục và truyền thống của dân tộc.

Nói một cách khác, Việt Nam Cộng Hòa không thể tồn tại đúng nghĩa nếu không nỗ lực duy trì dân chủ và đa nguyên. Việt Nam Cộng Hòa cũng không tồn tại đúng nghĩa nếu tam quyền phân lập bị vi phạm và kỳ thị giữa các sắc tộc đa số và thiểu số trên lãnh thổ Việt Nam tồn tại.

Diễn đạt cho ngắn gọn hơn, mọi hình thức độc tài và cường quyền không có cơ hội manh nha xuất hiện dưới chính thể Việt Nam Cộng Hòa.

Giá trị nhân văn của bản Hiến Pháp Việt Nam Cộng Hòa cùng với mô hình cấu trúc từ hạ tầng đến thượng tầng chính trị của chính thể này tạo thành một khung sườn làm điểm tựa căn bản cho mọi điều hành nhằm ổn định và phát triển xã hội Việt Nam trong tương lai sau khi Việt Cộng sụp đổ. 

Việt Nam Cộng Hòa hiện diện trở lại sẽ khiến xã hội Việt Nam cải thiện và tiến bộ ở mọi mặt. Trong phạm vi ngắn ngủi của bài viết này, chỉ xin đề cập đến năm tác động tốt đẹp chính yếu bình dân dễ thấy mà Việt Nam Cộng Hòa sẽ đem đến cho đất nước Việt Nam sau khi được khôi phục trở lại. Năm tác động tốt đẹp này bao gồm như sau:

A. Tác động tốt đẹp đầu tiên lên xã hội: Việt Nam Cộng Hòa là chính thể bảo vệ người cày Việt Nam.

Đằng sau lưng lá cờ Vàng Ba Sọc Đỏ bay phấp phới là bản Hiến Pháp Việt Nam Cộng Hòa do dân và vì dân dựa trên truyền thống dân tộc và bộ luật "Người cày có ruộng" đảm bảo giấc mơ ngàn năm cổ truyền của người nông dân Việt được bảo vệ, giúp đỡ và duy trì. 

Đạo luật "Người cày có ruộng" sẽ là một văn kiện pháp lý vô cùng quan trọng khiến Việt Nam Cộng Hòa trở thành là khát vọng của hàng triệu người dân cày Việt Nam ngay trong hiện tại và tương lai, một đất nước có phong hóa nông nghiệp cả ngàn năm. Điều 21 của bản Hiến Pháp Việt Nam Cộng Hòa cũng cương quyết khẳng định: "Quốc Gia chủ trương nâng cao đời sống nông dân và đặc biệt giúp đỡ nông dân có ruộng đất canh tác."

Cho dù Việt Nam có hiện đại hóa đến như thế nào đi nữa thì nông nghiệp của Việt Nam cung đóng vai trò trọng yếu từ kinh tế đến quốc phòng. An toàn về lương thực bao giờ cũng là mặt phòng thủ then chốt cho mọi chiến lược phát triển quốc gia. 

Trải qua sự thịnh hưng của các triều đại khác nhau trong sử Việt, có thể nói, chính thể Việt Nam Cộng Hòa là chính thể duy nhất và đầu tiên đề cao tối đa vai trò của người cày từ trong quốc sách lẫn hiến pháp và chiến lược điều hành kinh tế. Đạo luật "Người cày có ruộng" không những đảm bảo quyền công dân của người cày trong một chính thể cộng hòa, mà còn giúp đỡ và bảo vệ khả năng kinh tế độc lập của nông gia. Hơn cả ngàn năm trong sử Việt và thậm chí đến như hiện nay dưới chế độ XHCN, nông gia luôn bị khống chế lệ thuộc bởi các quy định về ruộng đất.

Chính thể Việt Nam Cộng Hòa là chính thể duy nhất gia tăng nỗ lực đảm bảo người cày thật sự làm chủ mãnh ruộng mình cày, không còn mang thân phận tá điền hay lao bộc do phải gia nhập vào tập đoàn sản xuất như hiện nay, vì toàn bộ đất đai là thuộc về sở hữu của đảng, đảng muốn thu hồi bất cứ lúc nào cũng được. Tình trạng dân cày bị Việt Cộng cướp ruộng trong suốt bốn mươi nay càng làm cho mọi người dân nhận rõ ra Việt Nam Cộng Hòa là một chính phủ thật sự do dân và vì dân dưới ánh mắt của người nông dân. Làm chủ ruộng cày và để lại mãnh ruộng này cho con cháu là khát vọng ngàn đời của nông gia và giấc mơ này đang bị chà đạp thậm tệ bởi Việt Cộng, dẫn đến những cảnh cưỡng chế làm người dân bị đất đai quá đau lòng.

Trong một xã hội Á đông nề nếp và bảo thủ như Việt Nam, chưa bao giờ lại có chuyện phụ nữ phải cởi truồng để chống cưỡng chế đất đai như đã thấy ở Cần Thơ. Cho nên có thể nói sự phục hồi chính thể Việt Nam Cộng Hòa là đồng nghĩa với sự phục hồi đạo luật "Người cày có ruộng” có một không hai trong sử Việt; tạo điều kiện để giới nông gia Việt Nam có khả năng tự lập và phát triển, dẫn đến ổn định và thịnh vượng ở nông thôn, cũng như chu toàn an toàn lương thực cho Việt Nam. 

Do đó, nỗ lực phục hồi Việt Nam Cộng Hòa không phải là vì thù hận quá khứ mà là điều cần phải làm vì một tương lai để đưa Việt Nam thoát khỏi cảnh người cày bị cướp bốc; cũng như đem đến công bằng và thịnh vượng cho nông gia Việt Nam từ Nam chí Bắc.

B. Tác động tốt đẹp thứ nhì lên xã hội: Việt Nam Cộng Hòa là chính thể duy trì và phát triển truyền thống dân tộc:

Quan trọng hơn nữa, trách nhiệm chính trị hàng đầu của chính thể chính trị Việt Nam Cộng Hòa, ngoài việc duy trì độc lập toàn vẹn lãnh thổ, là duy trì và phát triển truyền thống và văn hóa dân tộc. Điều 11 của bản Hiến Pháp Việt Nam Cộng Hòa đã khẳng định:

1- Văn hóa giáo dục phải được đặt vào hàng quốc sách trên căn bản dân tộc, khoa học và nhân bản.
2- Một ngân sách thích đáng phải được dành cho việc phát triển văn hóa giáo dục.

Một thí dụ bình dân cụ thể dễ thấy đối với trách nhiệm này của Việt Nam Cộng Hòa là chính phủ Việt Nam Cộng Hòa cương quyết đề cao tà áo dài và xem đây là quốc phục và là đồng phục cho các trường nữ sinh ở các trường công lập, đều mà Việt Cộng đã cố tình bãi bỏ trong chiến dịch có cái tên mỵ dân là "đả kiến bài phong" sau năm 1975; sau này, để hấp dẫn du khách, Việt Cộng buộc phải noi gương nền giáo dục Việt Nam Cộng Hòa kể từ sau năm 1988, tức là đòi hỏi hay quy định các nữ sinh phải bận đồng phục áo dài, chấm dứt 13 năm vắng bóng tà áo dài truyền thống trên toàn xã hội Việt Nam một cách hết sức vô lý. 

Nếu Việt Cộng tìm đủ cách du nhập lối sống phong hóa XHCN từ Đông Âu và áp đặt lên xã hội Việt Nam tối đa hỏa lực thì chính thể Việt Nam Cộng Hòa lại cố gắng duy trì và bảo tồn nếp sống phong hóa của người dân Việt từ nào giờ bằng mọi giá.

Bản chất cương quyết duy trì và phát triển truyền thống dân tộc của Việt Nam Cộng Hòa được mọi người từ chuyên gia đến người dân thường dễ dàng nhận thấy khi các cảnh sinh hoạt nông thôn được in trên hầu hết các tờ tiền giấy và đồng xu của Việt Nam Cộng Hòa trước đây. 

Bản chất chính trị này của Việt Nam Cộng Hòa vô cùng cần thiết cho Việt Nam ở tương lai sau khi Việt Cộng sụp đổ vì mọi người dân Việt cần phải nỗ lực phục hồi văn hóa và phong hóa dân tộc sau hơn bốn mươi năm bị Cộng Sản phá cho nát bét, từ tư cách, phong thái ăn nói, quan niệm sống, âm nhạc, quan hệ thầy trò, quan hệ gia đình, và mọi mặt nhân văn khoa học khác của xã hội.

Sở dĩ người Việt Nam ngày nay vẫn còn rạng danh là người Việt Nam là do có cả triệu người thụ hưởng nền giáo dục chân thật và truyền thống của Việt Nam Cộng Hòa và tiếp tục rèn luyện còn em mình theo lề lối này. Bốn mươi năm giáo dục XHCN đã đem đến mấy thế hệ trẻ người Việt ngày nay mất hết nhân tánh và chỉ biết sống đê hèn vì đồng tiền bất kể danh dự quốc gia.

Tại Nhật, giới trẻ Việt xuất thân từ nền giáo dục XHCN đã làm Việt Nam ô danh vì nạn trộm cắp, buôn lậu và mãi dâm. Ở Đông Âu, Tây Âu và các nước khác ở Đông Nam Á, người Việt trẻ xuất thân từ nền giáo dục láo lừa XHCN cũng đem đến những tai tiếng cho dân tộc không kém gì ở Nhật Bản.

Chưa bao giờ như lúc này, Việt Nam cần phục hồi nền giáo dục đầy tính nhân văn và đề cao nhân tánh hiền lương cũng như truyền thống của con người Việt Nam mà chính thể chính trị Việt Nam Cộng Hòa đã cưu mang và để lại càng sớm càng tốt.

Nhờ bản chất hiền lương, cầu tiến và trọng dân trí tự do, các cộng đồng người Việt tại hải ngoại xuất xứ hay gầy dựng bởi công dân Việt Nam Cộng Hòa di tản vượt biên sau năm 1975 đã thành những cộng đồng người Việt có một tiềm năng kinh tế vững mạnh, trình độ giáo dục và bằng cấp cao, góp ích rất nhiều cho các nước sở tại từ kinh tế đến văn hóa và kể cả quốc phòng; khiến người Việt được trọng nể khắp nơi nơi dù rằng hiện nay, tiếng thơm này đang bị giới trẻ hấp thụ lề lối giáo dục XHCN phá hoại mạnh mẽ từng ngày một do thiếu nhân tánh và nhận thức trong lối sống.

Phục hồi Việt Nam Cộng Hòa đồng nghĩa với phục hồi nền giáo dục nhân văn, truyền thống mà chính thể Việt Nam Cộng Hòa cưu mang thúc đẩy. 

Phục hồi nền giáo dục Việt Nam Cộng Hòa là một chiến lược rất cấp bách và vô cùng cần thiết để Việt Nam phát triển vững bền đến mai sau. Cho nên có thể nói, quan niệm cho rằng phục hồi Việt Nam Cộng Hòa là vì thù hận của quá khứ chỉ là những quan niệm vô cùng thiển cận hoặc chỉ là những ý nghĩ đã được Việt Cộng cài vào tâm tư người Việt bấy lâu một cách khéo léo thông qua tuyên truyền để phá hoại tiến trình phục hưng và phát triển của dân tộc mà thôi.

C. Tác động tốt đẹp thứ ba lên xã hội: Việt Nam Cộng Hòa là chính thể cương quyết bảo vệ tài sản của mọi công dân:

Khác với Việt Cộng chủ trương cướp bóc dân lành như đã thấy bốn mươi năm qua, Việt Nam Cộng Hòa là một thể chế chính trị cương quyết thúc đẩy sự thịnh vượng sung túc của người dân cũng như cương quyết bảo vệ tài sản của mọi công dân Việt Nam Cộng Hòa. Điều 19 của bản Hiến pháp Việt Nam Cộng Hòa có ba điểu khoản vô cùng quan trọng nhăm đảm bảo phát triển kinh tế và thịnh vượng cho mọi công dân:

1- Quốc Gia công nhận và bảo đảm quyền tư hữu.
2- Quốc Gia chủ trương hữu sản hóa nhân dân.
3- Sở hữu chủ các tài sản bị truất hữu hoặc trưng dụng vì lý do công ích phải được bồi thường nhanh chóng và thỏa đáng theo thời giá

Như vậy, Điều 19 của bản Hiến pháp Việt Nam Cộng Hòa cho thấy dưới chính thể Việt Nam Cộng Hòa, người dân sẽ không bao giờ chịu cảnh bị cưỡng chế đất đai hoặc bị đánh tư sản hoặc bị Đấu Tố sát hại oan ức do bè lũ Hồ Chí Minh đã tiến hành đối với người dân miền Bắc vào thập niên 1950. 

Xin được lưu ý là đã có khoảng hai trăm ngàn thường dân vô tội ở miền Bắc bị sát hại trước thảm họa cướp bóc của cải ruộng đất công khai này của Việt Cộng. Đó là chưa kể cả triệu người lâm vào cảnh đói kém do bị cướp bóc với chủ trương "đánh tư sản" sau năm 1975.

Một trong những quyền căn bản của con người, của mọi công dân là quyền tư hữu, đã bị Việt Cộng xóa bỏ, dẫn đến cảnh người dân không có sự bảo vệ về mặt luật pháp trước sự cướp bóc của chính quyền. Hiện nay, tài sản ruộng đất tư trang của người dân vẫn có thể bị Việt Công cướp bất cứ lúc nào một cách trắng trợn. Mối đe dọa này khiến người dân Việt Nam lúc nào cũng sống trong tình trạng bất an lo sợ và khiến mọi sáng tạo, mọi nỗ lực làm giàu của người dân bị đe dọa và không được phát triển mạnh.

Đấu tranh phục hồi chính thể Việt Nam Cộng Hòa chính là cứu thoát dân tộc ra khỏi nổi kinh hoàng lo sợ bị cướp bóc tài sản mà người dân phải chịu đựng bấy lâu nay do hệ thống công quyền biến thành cường quyền. 

Quan trọng hơn hết, sự phục hồi của chính thể Việt Nam Cộng Hòa đồng nghĩa với sự phục hồi tầng lớp tiểu tư sản, tư sản dân tộc. Phục hồi tầng lớp tiểu tư sản và tư sản dân tộc là một chiến lược phát triển kinh tế trọng yếu và lâu dài ở tương lai mà Việt Nam cần phải có nhằm đảm bảo sự tự chủ hoàn toàn về kinh tế dẫn đến độc lập về chính trị cho dân tộc Việt Nam.

Xin được lưu ý là chính sách cướp bóc theo kiểu Đấu Tố hay "đánh tư sản" đã khiến sức bật kinh tế Việt Nam bị triệt tiêu hoàn toàn, dẫn đến đói nghèo cùng cực, buộc Việt Cộng phải mở cửa để bán hầu hết tài nguyên đất nước cho tư bản nước ngoài vào khai thác kể từ năm 1986.

Do toàn bộ thành phần tư sản dân tộc và tiểu tư sản dân tộc Việt Nam bị Việt Cộng triệt tiêu hoàn toàn, mọi dự án lớn đầu tư buộc phải, hoặc là kêu gọi đầu tư từ tư bản ngoại quốc, hoặc là phải vay nợ các tổ chức tài chánh của tư bản nước ngoài. Điều này dẫn đến việc tài nguyên của đất nước bị bán rẻ, dân tộc chìm sâu trong nợ nần và mọi thăng dư kinh tế chảy vào túi của tư bản nước ngoài cũng như chảy vào túi của các đảng viên chia chác do ký kết các hợp đồng có lợi cho các tập đoàn tư bản ngoại quốc.

Xin được lưu ý thêm là thành phần tư bản đỏ tức là giới đảng viên Cộng Sản giàu có do tham nhũng hối lộ không thể gọi là thành phần tư sản dân tộc, vì chính thành phần này đang khiến dân tộc ngày một lún sâu trong nợ nần, tài nguyền ngày một bị tư bản nước ngoài bị khống chế.

Sở dĩ các kinh tế gia đánh giá cao sức đẩy của thành phần tư sản dân tộc, tiểu tư sản dân tộc và giới trí thức trong nền kinh tế của mọi quốc gia là vì ngoài khả năng tài chánh, giới tư sản dân tộc còn có tay nghề, kỹ thuật và sức sáng tạo cũng như kỹ năng quản trị kinh doanh. 

Giới đảng viên giàu sụ nhờ hối lộ tham nhũng hay bán rẻ tài nguyên đất nước nên giới tư bản đỏ càng phình to thì quốc gia càng nghèo khó nợ nần vì ngân sách tài nguyên ngày một lãng phí tốn hao. Diễn giải một cách ngắn gọn hơn, giới đảng viên giàu sụ hút máu thặng dư kinh tế của dân tộc trong khi giới tư sản và tiểu tư sản trí thức dân tộc thì góp phần đem về thặng dư kinh tế cho đất nước.

Việt Nam muốn tự chủ về kinh tế, thoát nợ nần trong tương lai thì sự phục hồi chính thể Việt Nam Cộng Hòa là một điều cần phải thực hiện ngay. 

Mặc dù chính thể Việt Nam Cộng Hòa bị bức tử do Việt Cộng xé bỏ cam kết Paris năm 1972, sức mạnh kinh tế của hàng triệu công dân Việt Nam Cộng Hòa vẫn đang ngày một hà hơi tiếp sức để kinh tế Việt Nam khỏi phải tuyên bố phá sản hoàn toàn trong suốt hơn ba mươi năm qua.

Dù chưa chính thức hiện diện trở lại, sự khôi phục kinh tế của Việt Nam trong suốt ba mươi năm qua hoàn toàn nhờ sức bật kinh tế mà Việt Nam Cộng Hòa đã để lại từ cơ sở hạ tầng đến sức mạnh tài chánh từ các công dân Việt Nam Cộng Hòa phải di tản hay vượt biển ra khắp năm châu tỵ nạn Cộng Sản.

Sự hồi phục kinh tế của Việt Nam chưa được toàn diện cũng là vì thể chế Cộng Sản độc tài tham nhũng dốt nát và tàn bạo đã tìm đủ cách khống chế và ngăn cản sự hồi sinh của chính thể Việt Nam Cộng Hòa toàn diện từ kinh tế đến chính trị, nhất là vẫn cương quyết bải bỏ quyền tư hữu công dân mà chính thể Việt Nam Cộng Hòa nỗ lực bảo vệ cưu mang.

Cho nên, phục hồi chính thể Việt Nam Cộng Hòa coi như là lối thoát duy nhất để dân tộc Việt Nam có thể tiến đến phú cường ở tương lai. Bảo rằng phục hồi Việt Nam Cộng Hòa do thù hận quá khứ là quá sai lầm.

D. Tác động tốt đẹp thứ tư lên xã hội: Việt Nam Cộng Hòa là chính thể bảo vệ quyền lợi người lao động

Một thực tế đau lòng là người dân Việt Nam hiện đang bị Việt Cộng bán đi như bán nô lệ để kiếm thêm tài chánh cung phụng, thỏa mãn lối sống xa hoa của các đảng viên. "Xuất khẩu lao động" là mỹ từ che đậy nỗ lực buôn bán xuất khẩu con người Việt Nam. 

Giới chức trách tại Nga đã khẳng định 14 công nhân Việt Nam bị chết cháy tại xưởng may ở thành phố Yegoreev vào ngày 11 tháng Tám năm 2012 là do các công nhân này bị khóa nhốt như nô lệ trong xưởng may khiến không thể thoát ra khi xưởng bóc cháy. Những công nhân này sang Nga làm việc dưới dạng xuất khẩu lao động, và phải sống trong điều kiện tồi tệ, giam cầm. Phỏng đoán có khoảng ba mươi ngàn công nhân Việt Nam bị xuất khẩu sang Nga cũng chịu đựng tình trạng nô lệ nghiệt ngã như mười bốn công nhân bị chết cháy ở thành phố Yegoreev. 

Tình trạng mua bán con người Việt Nam để có thêm tài chánh được Việt Cộng đẩy mạnh trong suốt bao nhiêu năm qua khiến con số công nhân Việt Nam bị ngược đãi và sống như nô lệ không còn ở mức vài ngàn mà đã lên đến vài chục ngàn ở hầu hết mọi quốc gia. Ở Mã Lai chẳng hạn, giới chức Liên Hiệp Quốc ước tính có khoảng 70 ngàn công nhân Việt bị ngược đãi hành hạ. 

Riêng tại trong nước, do người lao động không thể tự lập công đoàn để bảo vệ quyền lợi của mình, nên hầu hết các công nhân Việt bị giới chủ nhân ngoại quốc bắt chẹt quyền lợi lao động, thậm chí còn nhục mạ bắt công nhân Việt phải quỳ gối. Việt Cộng đã đem đến nhục nhã cho người Việt Nam.

Sự phục hồi Việt Nam Cộng Hòa là một điều kiện căn bản để đảm bảo quyền lợi của người lao động được bảo vệ. 

Bởi do bản chất chính trị căn bản của chính thể Việt Nam Cộng Hòa là xây dựng một chính thể chính trị do dân và vì dân dựa trên phong tục và truyền thống của dân tộc như đã nêu, nên mọi hành động xuất khẩu con người ồ ạt dưới mọi hình thức mà ta thấy Việt Cộng tiến hành đều vi hiến và bị cấm dưới chính thể Việt Nam Cộng Hòa.

Hơn nữa, trong chính thể Việt Nam Cộng Hòa, nếu chính phủ có muốn tiến hành ban bố đạo luật "xuất khẩu lao động" thì người dân cũng sẽ bỏ phiếu chống. 

Ngoài ra, điều 16 của bản Hiến Pháp Việt Nam Cộng Hòa thừa nhận quyền tự do thành lập công đoàn cho giới lao động thợ thuyền. Không những vậy, điều 22 của bản Hiến Pháp này còn nhấn mạnh thêm: "Trên nguyên tắc quân bình giữa nghĩa vụ và quyền lợi, công nhân có quyền cử đại biểu tham gia quản trị xí nghiệp, đặc biệt về những vấn đề liên quan đến lương bổng và điều kiện làm việc trong phạm vi và thể thức luật định." 

Như vậy, quyền lợi của người lao động Việt Nam đã được bản Hiến Pháp Việt Nam Cộng Hòa bảo vệ tối đa qua hai điều, điều 16 và điều 22 mà trong đó, người lao động thợ thuyền công nhân có quyền tự do thành lập công đoàn và tự do cử người đại diện để thương thảo về lương bổng và các quyền lợi lao động khác.

Trong bối cảnh cả xã hội Việt Nam bị chìm ngập trong bất công và bóc lột như hiện nay do chính sách cai trị tàn bạo tham nhũng của Việt Cộng gây ra, thì chính thể Việt Nam Cộng Hòa là hy vọng cho tương lai của mọi người lao động Việt Nam. 

Hy vọng này không phải gầy dựng từ lòng thù hận của cuộc chiến trước năm 1975 như bao lần Việt Cộng rêu rao bôi bác mà hy vọng này gầy dựng từ bản chất chính trị căn bản của chính thể Việt Nam Cộng Hòa, đó là một thể chính trị do dân và vì dân.

E. Tác động tốt đẹp thứ năm: Việt Nam Cộng Hòa là chính thể điều hành đất nước dựa trên nguyên tắc luật pháp phải minh bạch.

Xã hội Việt Nam hiện nay bị Việt Cộng làm cho suy thoái tha hóa cũng là bởi vì Việt Cộng độc tài toàn trị, nắm luôn cả quyền hành pháp và tư pháp. Tòa án là tòa án đảng, chính phủ cũng là chính phủ đảng. Cho nên, luật pháp từ đó không còn minh bạch vì luật lệ được ban ra không phải và không còn cho mục đích để duy trì và bảo vệ công lý mà hoàn toàn là vì mục đích chính trị. 

Thảm họa Đấu Tố có xảy ra làm hai trăm ngàn nạn nhân bị giết oan ức cũng bởi vì hệ thống tư pháp tòa án không còn tuân theo các nguyên tắc căn bản của công pháp khi xét xử hay khi thi hành án. Cho nên, mọi quyết định tử hình ban ra là theo quan niệm lập trường chính trị mà Việt Cộng đeo đuổi. Do bởi hệ thống tư pháp bị bắt buộc phải phục vụ cho mục đích chính trị & sẵn sàng chà đạp công lý, nên hầu hết ở các quốc gia Cộng Sản, trong đó có Việt Nam, thảm họa diệt chủng mới xảy ra, giết chóc bắt bớ giam cầm vô tội vạ mới hình thành như vụ Đấu Tố kể trên.

Hiện nay, tình trạng luật pháp không minh bạch đang làm xã hội Việt Nam băng hoại nghiệm trọng. Mọi giấy tờ đơn từ đều cần phải hối lộ; chạy án bao che hay hối lộ đã trở thành là chuyện bình thường trong xã hội Việt Nam ngày nay. Không còn công chức nào tuân thủ luật lệ nữa. Không công chức hay đảng viên nào mà không hối lộ chạy chức. "Suy đồi về lương tánh, rối loạn về điều hành" là mười chữ cần phải được đóng khung vì diễn tả chính xác nhất hệ quả của một nền tư pháp, luật lệ be bét không minh bạch do Việt Cộng dựng lên và ban hành đối với xã hội Việt Nam.

Dựa trên bản chất chính trị căn bản của chính thế Việt Nam Cộng Hòa như đã nêu, tức là một chính thể do dân và vì dân dựa trên phong tục và truyền thống, cấu trúc chính trị của Việt Nam Cộng Hòa buộc phải phân ra làm ba ngành Hành Pháp, Tư Pháp và Lập Pháp có tính hổ trợ nhưng lại hoàn toàn độc lập lẫn nhau nhằm diệt trừ hoàn toàn mọi mầm móng độc tài toàn trị; cũng như giúp củng cố tiếng nói và quyền công dân. 

Chính phủ Việt Nam Cộng Hòa là hiện thân của ngành hành pháp của chính thể Việt Nam Cộng Hòa, bên ngành lập pháp của chính thể Việt Nam Cộng Hòa thì bao gồm Quốc Hội Việt Nam Cộng Hòa và các Hội-đồng (dân biểu) địa phương, còn ngành tư pháp thì có Tối-cao Pháp-viện Việt Nam Cộng Hòa, viện công-tố quốc gia, và các toà án phụ thuộc.

Nếu một đạo luật được ban ra từ chính phủ, được thông qua bởi quốc hội nhưng tối cao pháp viện không phê chuẩn do vi hiến thì đạo luật đó cũng không được chính phủ thi hành. 

Cho đến nay, nhiều công dân Việt Nam Cộng Hòa vẫn thường xuyên lên tiếng cho rằng lời đầu hàng của tướng Dương Văn Minh là không có hiệu lực pháp lý do tướng Dương Văn Minh không phải là tổng thống hợp lệ như quy định của bản Hiến Pháp Việt Nam Cộng Hòa. 

Lý do có sự tranh cãi như trên là vì điều 56 khoảng bốn chương IV của bản Hiến Pháp Việt Nam Cộng Hòa có quy định rõ như sau: "Nếu vì một lý do gì Phó Tổng Thống không thể đảm nhiệm chức vụ Tổng Thống, Chủ Tịch Thượng Nghị Viện sẽ đảm nhiệm chức vụ này trong thời hạn ba tháng để tổ chức bầu cử tân Tổng Thống và tân Phó Tổng Thống." Do đó, tướng Dương Văn Minh làm tổng thống Việt Nam Cộng Hòa là hoàn toàn không hợp lệ dẫn đến quyết định đầu hàng của chính phủ là vi hiến.

Nêu ra trường hợp tranh cãi trên của nhiều công dân qua nhiều thế hệ già hay con em Việt Nam Cộng Hòa trẻ tuổi hiện nay là chỉ để chứng minh cho thấy tính minh bạch của luật pháp mà chính thể Việt Nam Cộng Hòa đã tạo ra, đã trở thành một sức mạnh trong ý chí, trong suy nghĩ của mỗi công dân Việt Nam Cộng Hòa. 

Đây là điểm tựa căn bản để mỗi người dân Việt Nam Cộng Hòa sống cho cương trực, ngay thẳng với tinh thần "danh dự và trách nhiệm" công dân. Mọi quyết định vi hiến vĩnh viễn không bao giờ được công dân Việt Nam Cộng Hòa chấp nhận. Đây là suy nghĩ căn bản của mọi người dân đã quen sống trong xã hội luật pháp minh bạch. Một sự suy nghĩ căn bản cần thiết cho sự phát triển của mọi quốc gia.

Sự phục hồi chính thể Việt Nam Cộng Hoà cũng đồng nghĩa với sự đảm bảo chắc chắn xã hội Việt Nam sẽ có một chính thể tôn trọng hiến pháp, tôn trọng luật lệ, không có chuyện luật một đàng, thi hành một nẻo như hiện nay. Bản chất chính trị căn bản của chính thể Việt Nam Cộng Hòa như đã nêu đòi hỏi công bằng của xã hội cần phải được duy trì cũng như luật lệ phải minh bạch vì nếu không, thì làm sao chính thể này thực hiện được sứ mạng vì dân của mình?!

Như đã khẳng định, sự hồi sinh của chính thể Việt Nam Cộng Hòa sẽ thay đổi toàn diện xã hội Việt Nam từ con người đến môi trường. Năm điểm ảnh hưởng tốt đẹp lên xã hội nêu trên chỉ là những thí dụ dễ thấy về vai trò quan trọng mà chính thể Việt Nam Cộng Hòa đảm trách trong sự phát triển đất nước ở tương lai.

Đấu tranh phục hồi lại chính thể Việt Nam Cộng Hòa là điều cần phải làm để cứu Việt Nam ra khỏi suy đồi về nhân tánh, sa sút về văn hóa và suy sụp về kinh tế như đang diễn ra hiện nay. 




Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo