Khi luật pháp được dùng để gài bẫy dân - Dân Làm Báo

Khi luật pháp được dùng để gài bẫy dân

Mẹ Nấm (Danlambao) - Cựu thượng uý Nguyễn Thị Vững làm việc tại Cục Cảnh sát phòng chống buôn lậu Bộ Công an, bị truy tố trong vụ án "ném ma túy vào xe để tống bạn trai vào tù" là trường hợp cụ thể nhất về vấn nạn công an dùng chính luật pháp để bẫy dân. Từ câu chuyện của nữ công an này, tôi nhớ đến những câu chuyện khác mình đã từng được kể trong suốt hai năm tù.

T. bị nhốt cùng trại giam với tôi. Bạn T. bị kết án 7 năm vì tội “cưỡng đoạt tài sản” do giữ xe máy ủi của công ty đang mắc nợ T. tiền thi công công trình. Bốn tháng đầu trong quá trình điều tra, công an "dụ" bạn T. nhận ký vào bản cung là vì bức xúc nên giữ xe thì sẽ được xử nhẹ dưới khung, còn việc nợ nần họ sẽ khởi tố một vụ khác cho để lấy lại tiền. Sự thơ ngây của T. cũng như những người khác khiến điều tra viên gặp rất nhiều thuận lợi và phá án với thời gian thần tốc. Bản án 7 năm mà T. nhận là như một bài học đắt giá để chẳng bao giờ tin công an nữa.

T. chỉ là một trường hợp mà tôi có cơ hội tiếp xúc, còn khá nhiều trường hợp khác.

L. là một thanh niên bốc đồng, ham chơi, đi trên đường thấy hai nữ sinh đi học về. L. và một người nữa chạy theo chọc ghẹo, rồi giựt cái mũ làm quen. Một trong hai nữ sinh là con gái của trưởng công an huyện. L và bạn bị khởi tố vì giá trị cái mũ trên 2 triệu đồng.

Đây là những ví dụ kể ra nghe chẳng liên quan gì đến chuyện công an gài bẫy như trường hợp nữ thượng uý Nguyễn Thị Vững. Nhưng điểm quan trọng nhất dễ nhìn vào ở đây, là quá trình lấy lời, kết cung. Nguyên tắc “suy đoán vô tội” rất ít khi được áp dụng. Những ví dụ trên được được ra để minh chứng cho việc nếu công an - cơ quan đầu tiên muốn định hay gỡ tội, họ có đủ phương thức để cho dân vào tròng.

Vụ án công an Vững nhận tiền, thông đồng với một phụ nữ khác tên Vân bỏ ma tuý vào xe anh Thiện - bạn trai của Vân. Cảnh sát cơ động Hà Nội bắt anh Thiện rồi điều tra không liên quan nên thả ra. Chính anh Thiện sau đó đã tự mình đi điều tra và chứng minh âm mưu của Vân và Vững.

Cơ quan điều tra “mặc dù chưa chứng minh được việc tổ Cảnh sát cơ động bắt giữ xe ô tô của anh Thiện từ tin báo của Vững. Tuy nhiên đã có đủ cơ sở kết luận Vững báo tin cho lực lượng công an là để thực hiện thỏa thuận giữa Vững với Vân.”

Đây là kết luận né tránh, bởi lý do công an xét xe anh Thiện không thể từ trên trời rơi xuống.

Tuy nhiên, chưa làm rõ chi tiết này đồng nghĩa với việc chỉ có 1 cá nhân phải chịu tội. Công an là người thừa hành luật pháp, lại bày mưu hiến kế cho người khác gài bẫy, bỏ tù người dân.

Các diễn biến xã hội mới nhất liên quan đến đại án tham nhũng trong thương vụ AVG-Mobifone đã bày ra bàn cho người ta thấy thực trạng bi hài của công tác điều tra, phòng chống tội phạm, đặc biệt là tội phạm tham nhũng.

Viện trưởng VKS Nhân dân tối cao thừa nhận với báo chí “mời các ông bộ trưởng vào trại giam là một chuyện khó khăn” như một lời chốt hạ cuối cùng rằng luật Cộng sản đang xài là luật rừng. Tại sao phải "mời" những kẻ vi phạm pháp luật vào trại giam nếu hệ thống luật pháp đó không có sự phân cấp với mọi tội phạm? Quan chức biết luật mà vẫn phạm tội thì được ưu ái hơn thường dân?

Người dân đi mua bán 100 đô la Mỹ có thể bị phạt, nhưng 200 ngàn, 500 ngàn, 2 triệu hay 3 triệu đô có thể nghiễm nhiên trao tay tại văn phòng, tại nhà riêng quan chức lại rất khó “giám sát”?!

Khua chiêng gõ trống định tội tham nhũng cho rầm rộ nhưng nếu thoả thuận xong thì “chính sách hình sự đặc biệt” sẽ được áp dụng để chạy tội cho các cá nhân đã lỡ nhúng chàm?!

Trước đó, trong tháng 8 chính sách “khắc phục hậu quả” được xem là kế sách “dùng tiền thoát mạng” để dọn đường cho các quan chức đã và đang vướng án.

Khi luật pháp được dùng để gài bẫy dân thì mọi lời rao giảng về tự do, công bằng, dân chủ chỉ là mị dân.

Chú thích:



07.09.2019




Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo