Số phận của người Duy Ngô Nhĩ trong canh bạc của cường quốc - Dân Làm Báo

Số phận của người Duy Ngô Nhĩ trong canh bạc của cường quốc

Vũ Đông Hà (Danlambao) - ...Từ Tân Cương ngày nay nhìn lại số phận của Việt Nam Cộng Hoà ngày xưa đã bị đồng minh phản bội. Từ khát vọng của người Uighur hôm nay nghĩ đến ước mơ về tương lai của người Việt Nam. Nhìn tất cả để tin rằng vận động quốc tế là cần thiết, nhưng tương lai, số phận của đất nước tuỳ thuộc chính vào người Việt Nam. Nếu không thì khát vọng dân tộc sẽ được dùng như một món hàng thương thảo trên bàn cờ trao đổi quyền lợi quốc tế và quyền lực cá nhân giữa những chính trị gia không cùng giòng máu...

*

Theo Liên Hiệp Quốc, ước tính có đến một triệu người Duy Ngô Nhĩ (Uighur) và các sắc tộc thiểu số Hồi Giáo bị giam giữ trong các trại tập trung ở khu vực Tân Cương thuộc Trung Cộng. Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cáo buộc Bắc Kinh đã bắt giam, tra tấn, khủng bố, tìm mọi cách để xóa bỏ văn hóa và tôn giáo của người Duy Ngô Nhĩ. 

Cuối tháng 5, 2020, Quốc hội Hoa Kỳ bỏ phiếu 413-1 thông qua Uighur Human Rights Policy Act (UHRPA) - Đạo luật Chính sách Nhân quyền của người Duy Ngô Nhĩ. Đạo luật này yêu cầu các cơ quan chính phủ Hoa Kỳ điều tra và báo cáo các vi phạm nhân quyền của nhà cầm quyền Trung Cộng đối với người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ, trong đó có việc Bắc Kinh bỏ tù cả triệu sắc dân này trong các trại tù tập trung.

UHRPA được khởi xướng bởi 2 dân biểu - Marco Rubio của đảng Cộng Hoà và Robert Menendez của đảng Dân Chủ. Sau khi đạo luật được thông qua với gần tuyệt đại đa số phiếu bởi Hạ viện lẫn Thượng viện, UHRPA được trình lên Tổng thống Donald Trump để phủ quyết hay phê chuẩn.

Hơn 2 tháng sau, vào trung tuần tháng 6, 2020 Tổng thống Trump ký phê chuẩn UHRPA.

Theo Forbes, thời điểm ký phê chuẩn đạo luật xảy ra vài giờ sau khi một dữ kiện trong cuốn sách The Room Where It Happened: A White House Memoir của John Bolton - cựu cố vấn an ninh quốc gia của Tổng thống - được phổ biến. Ông Bolton tiết lộ rằng Tập Cận Bình đã bào chữa, bảo vệ chương trình xây dựng các trại tù tập trung và ông Trump đã nói với Tập "chính xác đó là việc làm đúng đắn" khi ông Trump tìm cách kết thúc một thỏa thuận thương mại với Tập Cận Bình.

Những điều ông John Bolton tiết lộ có đúng sự thật hay không thì hy vọng thời gian và những cuộc điều trần, điều tra (nếu có) sẽ trả lời. Tuy nhiên, thời điểm TT Trump ký phê chuẩn đạo luật ngay sau khi dư luận đọc được những tiết lộ của ông Bolton là sự thật xảy ra.

Phía Trung Cộng, Bắc Kinh lồng lộn tuyên bố - Trung Quốc sẽ kiên quyết thực hiện các biện pháp đối phó và Hoa Kỳ sẽ gánh chịu hoàn toàn tất cả các hậu quả phát sinh từ đó.

Phía người Duy Ngô Nhĩ, ông Nury Turkel - một luật sư vừa mới được Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi của đảng Dân chủ bổ nhiệm vào Ủy ban Tự do Tôn giáo Quốc tế Hoa Kỳ (USCIRF) vào tháng 5/2020 - đã bày tỏ rằng đây là một ngày tuyệt vời đối với người dân của ông khi lần đầu tiên một đạo luật của Quốc hội Hoa Kỳ được đưa ra để bảo vệ quyền lợi của họ trước mối đe dọa hiện hữu ở Trung Quốc.

Một trong những nhóm lưu vong chính là Đại hội đồng Uighur Thế giới cảm ơn Tổng thống Donald Trump đã ký đạo luật, đã mang lại hy vọng cho những người Duy Ngô Nhĩ đang rất tuyệt vọng.

Chỉ một tuần sau, đốm lửa hy vọng mới chợt loé lên của người Duy Ngô Nhĩ lại mong manh trước gió.

*

Trong một cuộc phỏng vấn dành riêng cho phóng viên Jonathan Swan của trang web Axios tại Phòng Bầu dục vào chiều thứ Sáu ngày 20.06.2020, Tổng thống Trump cho biết ông đã trì hoãn việc áp dụng các biện pháp trừng phạt đối với các quan chức Trung Quốc liên quan đến các trại giam tập thể ở Tân Cương vì không muốn việc này cản trở các thỏa thuận thương mại của ông với Bắc Kinh.

TT Trump nói rằng ông đã tránh trừng phạt Trung Quốc trong vấn đề trại tù tập trung giam người Duy Ngô Nhĩ là vì "chúng tôi đang ở giữa một thỏa thuận thương mại lớn".

Thoả thuận lớn đó, cũng theo ông Trump, là cơ hội có thể bán được sản phẩm trị giá 250 tỉ đô la cho Trung Quốc.

Cũng theo Jonathan Swan, một phóng viên thân cận với TT Trump, nhiều nhân vật diều hâu chống Trung Quốc trong chính phủ của ông Trump đã bày tỏ sự thất vọng một cách riêng tư rằng Tổng thống đã không sử dụng Đạo luật Magnitsky Toàn cầu để trừng phạt các quan chức Trung Quốc về những tội ác nhân quyền tồi tệ nhất của thời đại này.

Ông Trump đã phản bác những luận điệu đó với lý do là chính ông là người đã ký Đạo luật Chính sách Nhân quyền Uyghur năm 2020.

Điều cần nhắc lại là Đạo luật Chính sách Nhân quyền của người Duy Ngô Nhĩ do dân biểu Marco Rubio của đảng Cộng Hoà và Robert Menendez của đảng Dân Chủ khởi xướng và Hạ viện lẫn Quốc viện thảo luận, sửa đổi, đúc kết và phê chuẩn. Tổng thống Hoa Kỳ là người cuối cùng chỉ đặt bút ký để chính thức biến thành luật để thi hành.

Việc thi hành luật đã được trì hoãn chỉ một tuần sau đó vì cơ hội được bán những mặt hàng trị giá 250 tỉ đô cho Tàu.

Cũng theo trang Axios, đạo luật mới Uighur Human Rights Policy Act (UHRPA) là nỗ lực của Quốc hội nhằm gây áp lực buộc TT Trump ban hành lệnh trừng phạt và TT Trump có tất cả các quyền mà ông cần để trừng phạt Trung Quốc liên quan đến các trại tù tập trung giam hãm người Duy Ngô Nhĩ.

*

Nhắc lại Đạo luật Magnitsky toàn cầu.

Đây là đạo luật chống lại các vi phạm nhân quyền như những gì đã mà Bắc Kinh tiến hành ở Tân Cương: bỏ tù, khủng bố, tra tấn, tẩy não các dân tộc thiểu số và tôn giáo. Theo luật này thì "Tổng thống có thể áp dụng chế tài đối với bất kỳ cá nhân nào mà Tổng thống xác định rõ ràng, dựa trên các bằng chứng đáng tin cậy, là phải chịu trách nhiệm về hành vi giết hại bất hợp pháp, tra tấn hoặc các vi phạm nghiêm trọng khác đối với quyền con người được quốc tế công nhận nhằm vào các cá nhân ở bất kỳ quốc gia nào".

Đạo luật Magnitsky toàn cầu được giới thiệu bởi Thượng nghị sĩ Benjamin L. Cardin của đảng Dân chủ tại Thượng viện và Dân biểu Chris Smith thuộc đảng Cộng Hoà tại Hạ viện vào năm 2015. Quốc hội Hoa Kỳ thông qua và Tổng thống Barack Obama ký phê chuẩn vào ngày 23 tháng 12 năm 2016.

Trong cuộc phỏng vấn, Tổng thống Trump đã nói với phóng viên Jonathan Swan: 

"Khi ông nói về Đạo luật Magnitsky, thì chỉ để ông biết là, không ai đề cập cụ thể nó với tôi đặc biệt là liên quan đến Trung Quốc. Nếu ai đó hỏi tôi, tôi sẽ xem xét nó, nhưng không ai hỏi tôi. Chưa ai nói với tôi về Đạo luật Magnitsky. Vì vậy, nếu ai đó hỏi tôi về đạo luật này, tôi sẽ nghiên cứu nó. Nhưng tại thời điểm này, không ai đã hỏi tôi về đạo luật đó." 

(When you say the Magnitsky Act, just so you know, nobody's mentioned it specifically to me with regard to China. If somebody asked me, I would take a look at it. But nobody's asked me. I have not been spoken to about the Magnitsky Act. So if somebody asks me about it, I'd study it. But at this moment, they have not asked me about it.)


Qua những gì đã xảy ra, và người đọc có thể tra khảo, tìm hiểu, đối chiếu thêm từ nhiều nguồn thông tin khác nhau, sẽ thấy được phần nào bức tranh màu xám của canh bạc chính trị siêu cường thay vì chỉ có một trong 2 màu trắng hoặc đen.

Từ Đạo luật Magnitsky của năm 2016 mà TT Trump không biết gì về nó cho đến Uighur Human Rights Policy Act của 2020 mà TT Trump "trì hoãn việc áp dụng" vì "đang ở giữa một thỏa thuận thương mại lớn".

Từ những khổ đau chồng chất của cả triệu người Duy Ngô Nhĩ và các sắc dân thiểu số Hồi Giáo khác đang bị cầm tù, tra tấn, khủng bố và tẩy não đến những thoả thuận, đổi chác bằng mặt hàng buôn bán.

Từ tuyệt vọng đen tối chuyển sang hy vọng bừng sáng khi ngòi bút ký tên của một lãnh đạo đặt xuống tờ giấy vô tri vô giác. Từ tia sáng hy vọng ngắn ngủi trở lại đêm dài đen tối khi khổ đau của hàng triệu con người chỉ là con số không trong cuộc bán buôn.

Và từ Tân Cương ngày nay nhìn lại số phận của Việt Nam Cộng Hoà đã bị phản bội gần nửa thế kỷ trước. Từ khát vọng của người Uighu hôm nay đến ước mơ tương lai của người Việt Nam.

Nhìn tất cả để biết rằng vận động quốc tế là cần thiết nhưng đòi hỏi sự cẩn trọng, nhận định kỹ càng và tính độc lập tự chủ với châm ngôn Tổ Quốc Trên Hết. Số phận và định mệnh của dân tộc hoàn toàn tuỳ thuộc vào chính người Việt Nam. Khát vọng của chúng ta không thể lệ thuộc, nương nhờ, gửi gắm để rồi trở thành một món hàng thương thảo của những chính trị gia không cùng giòng máu.

Tham khảo:








28.06.2020




Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo