VOA - Các nhà làm luật Philippines đã đến thăm các đảo nhỏ mà nước này nhận chủ quyền trong vùng biển Đông đang tranh chấp, khiến Trung Quốc lên tiếng phản đối.
4 nhà làm luật, được các thành viên trong quân đội và các ký giả tháp tùng, đã đến thăm chuỗi đảo Kalayaan, có nghĩa là "tự do."
Dân biểu Walden Bello đã thay một lá quốc kỳ rách tả tơi tại tòa thị chính trên một đảo ít dân cư nhất. Sau một nửa ngày đi thăm một vòng đảo này, với cư dân vỏn vẹn 60 người, ông Bello nói rằng nhóm người cùng với ông đến thăm đảo đã "thành công trong việc thực thi chủ quyền Philippines."
Hình: AP - Các nhà làm luật Philippines thăm các đảo trong quần đảo Trường Sa
Ông nói: "Khi chúng tôi đặt chân đến nơi, rõ ràng đảo này là lãnh thổ Philippines. Chúng tôi cảm nhận được điều đó khi chúng tôi đến thăm các kiến trúc và cư dân tại đó. Như quí vị biết đấy, đây là một cộng đồng với cư dân đã an cư lạc nghiệp. Đồng ý là có quân đội ở đó nhưng nó cũng có một cộng đồng dân sự thịnh vượng, phần lớn là các ngư dân. Vì vậy về phần chúng ta, chắc chắn là chúng ta đang ở trên đất nước, trên lãnh thổ của Philippines."
Tuy nhiên Trung Quốc lại tuyên bố nhận chủ quyền trên toàn bộ biển Đông, gồm luôn cả chuỗi đảo Kalayaan. Chuỗi đảo này là một phần trong quần đảo Trường Sa.
Các giới chức Trung Quốc hết sức khó chịu về chuyến viếng thăm này. Đại sứ Trung Quốc đã họp với một giới chức ngoại giao Philippines về vấn đề này và phát ngôn viên của sứ quán Trung Quốc Ethan Sun nói rằng chuyến đi đã gửi đi một tín hiệu sai lầm. Ông nói: "Chuyến đi thăm đảo của phái đoàn Philippines ngược lại hẳn với tuyên bố của các phe phái trong vùng biển Đông, nó không phục vụ cho một mục đích gì ngoại trừ phá hoại hòa bình và ổn định trong khu vực và phá hoại quan hệ giữa Philippines và Trung Quốc."
Ông Sun nói Trung Quốc đã khẳng định rõ với chính phủ Philippines rằng họ sẽ theo dõi sát loại hoạt động như thế của Philippines.
Dân biểu Bello gọi phản ứng của Trung Quốc là "ấu trĩ."
Một phát ngôn viên của Tổng thống Philippines hôm thứ Tư đã nhấn mạnh rằng chuyến đi thăm đảo là sáng kiến riêng của chính họ. Giám đốc báo chí Edwin Lacierda nói rằng chính quyền Philippines thừa nhận quan tâm của Trung Quốc và hy vọng chuyện này sẽ không gây trở ngại cho các quan hệ giữa hai nước.
Ông nói: "Điều duy nhất mà chúng tôi có thể bảo đảm với họ là chúng tôi vẫn tiếp tục đối thoại với họ, và chỉ mỗi sự kiện là đại sứ Trung Quốc đã có thể nói chuyện với thứ trưởng Conegos là một bằng chứng cho thấy là hai bên mở ngỏ cho cơ hội xúc tiến các cuộc đối thoại."
Ngoài Trung Quốc và Philippines, Việt Nam, Malaysia, Đài Loan và Brunei cũng tuyên bố chủ quyền trên toàn thể hay một phần biển Đông, nơi mà người ta tin là có trữ lượng lớn về dầu hỏa và khí đốt. Trung Quốc cứ khăng khăng đòi thảo luận song phương với từng quốc gia, trong khi các quốc gia còn lại muốn theo đuổi đường lối thảo luận đa phương.
Hôm thứ Tư, các giới chức ASEAN và Trung quốc họp tại Indonesia đã đồng ý về những hướng dẫn không có tính cách cưỡng hành để thực thi bản Tuyên bố về Cách Ứng Xử tại biển Đông từ năm 2002.
Điều này có thể sẽ từ từ đưa tới một bộ luật về cách ứng xử để xử lý các vụ tranh chấp trong khu vực. Một giới chức bộ ngoại giao Trung quốc tại cuộc họp của ASEAN gọi sự thỏa thuận này là một nền tảng quan trọng cho sự hợp tác. Nhưng Philippines hôm thứ Tư nói rằng thỏa thuận này không có hiệu quả gì trên thực tế.
Trong những tháng gần đây Philippines và Việt Nam đã than phiền về nhiều lần Trung Quốc vi phạm lãnh hải của họ. Philippines nói trong tháng Ba, tàu hải giám Trung Quốc đã sách nhiễu một tàu thăm dò dầu khí của Philippines hoạt động trong vùng đặc khu kinh tế 200 hải lý của họ. Nước này còn tố cáo ít nhất đã có 6 vụ vi phạm khác nữa của Trung Quốc.
Những ký giả tháp tùng các nhà làm luật Philippines cho biết các cư dân trên đảo nói rằng họ có quan hệ tốt với các ngư dân từ các quốc gia khác cũng nhận chủ quyền trên quần đảo Trường Sa và mỗi khi các tàu đánh cá của Trung Quốc gặp tàu cá của họ, hai bên vẫn chào hỏi nhau.
*
Dân biểu Philippines đến đảo Trường Sa, bất chấp cảnh cáo của Bắc Kinh
Mai Vân (RFI) - Trong một động thái công khai thách thức Trung Quốc, vào hôm nay 20/07/2011, một phái đoàn gồm 5 dân biểu Philippines do ông Walden Bello dẫn đầu, cùng với một nhóm trợ lý, viên chức điạ phương và nhà báo đã đáp hai chiếc máy bay đến đảo Thị Tứ trong vùng Trường Sa.
Đây là hòn đảo lớn nhất trong số các đảo do Philippines chiếm đóng trong vùng, tên quốc tế là Thitu Island, tên Philippines là Pag-asa. bên trên có xây một phi đạo. Phái đoàn dân biểu đã thượng hai lá cờ Philippines lên trên nóc một công sở trên đảo, trong một buổi lễ có khoảng 80 người tham dự, bao gồm binh lính, nhân viên tuần duyên, cảnh sát và công chức.
Theo Dân biểu Walden Bello, phái đoàn của ông đến Thị Tứ để cổ vũ cho một giải pháp hoà bình cho cuộc tranh chấp lãnh thổ. Tuy nhiên, ông cũng nhấn mạnh là người Philippines sẵn sàng bảo vệ đảo Pag-asa, lãnh thổ của mình.
Ông nói : « Chúng tôi đến đây trong tinh thần hoà bình, ủng hộ một giải pháp ngoại giao. Nhưng không một ai, không một thế lực ngoại quốc nào có thể nghi ngờ rằng nếu họ dám loại chúng tôi ra khỏi Pag-asa, thì nguời Philippines sẽ không ngồi yên để cho họ làm. Vốn được sinh ra để chống ngoại xâm, người Philippines sẵn sàng chết để bảo vệ lãnh thổ của mình. »
Đảo Thị Tứ, đảo lớn nhất mà Philippines chiếm đóng ở vùng Trường Sa, nằm cách đảo Palawan khoảng 450 cây số về phiá Đông Bắc, và cách đảo Hải Nam của Trung Quốc hơn 900 cây số. Trên đảo Thị Tứ hiện có hơn 60 người Philippines sinh sống trên đảo này.
Các nhà báo Philippines đi cùng phái đoàn nghị sĩ cho biết là họ thấy nhiều tàu đánh cá ở chung quanh đảo này. Theo một nghị sĩ trong đoàn, đó là tàu Trung Quốc.
Các dân biểu Philippines đã đến thăm đảo Thị Tứ bất chấp lời đe dọa của Bắc Kinh. Vào hôm qua, Đại sứ quán Trung Quốc ở Manila, đã lên tiếng cảnh cáo là chuyến đi của các nghị sĩ Philippines đến hòn đảo đang tranh chấp chủ quyền không có ích mà chỉ có hại cho hoà bình, ổn định khu vực, và sẽ gây tổn hại thêm cho quan hệ song phương’’.
Vào hôm nay, dân biểu Bello đã bỏ ngoài tai lời chỉ trích của Bắc Kinh khi tuyên bố trước đám đông dự lễ thượng kỳ trên đảo Thị Tứ rằng : « Có lẽ Trung Quốc không quan với tiến trình dân chủ ».
Ngoại trưởng Philippines, Alberto del Rosario, cũng hôm qua, xác định quyết tâm của Manila sẽ yêu cầu Liên Hiệp Quốc phán xét về vụ tranh chấp này.
Bắc Kinh, hồi tuần trước, đã bác bỏ đề nghị của Manila đưa vấn đề ra trước toà án quốc tế của Liên Hiệp Quốc về luật biển, và nhắc trở lại quan điểm xuyên suốt của Bắc Kinh là giải quyết tranh chấp qua đàm phán song phương với các quốc gia liên can.