Le Nguyen (danlambao) - Nhân loại đang sống trong thời đại dân chủ, đang hướng đến dân chủ, đang mong muốn được sống trong dân chủ và nhân loại đang trong tiến trình dân chủ hoá.
Vào những năm cuối của thập niên 80 của thế kỷ trước, người dân Đông Âu, cuối cùng là người dân Nga đã đứng lên lật đổ chế độ độc tài cộng sản thiết lập chính thể dân chủ. Đến hôm nay, đợt sóng dân chủ đang ập đến đánh đổ các thể chế độc tài quân phiệt, phi dân chủ của Bắc Phi,Trung Đông. Trong hai đợt sóng dân chủ đó, đều có sự hỗ trợ tích cực của các cường quốc dân chủ, tiên tiến phương tây, qua cơ cấu tổ chức Liên Hiệp Quốc. Đợt sóng dân chủ kế tiếp, không đâu khác là các nước độc tài cộng sản, dân chủ giả hiệu ở Á Châu còn sót lại, trong đó có độc tài cộng sản Việt Nam.
Để chuẩn bị cho làn sóng cách mạng dân chủ tiến đến Việt nam, các cá nhân, tổ chức đấu tranh, các đảng phái chính trị, nếu chưa thì có những việc cần phải làm ngay.
- Các cá nhân cần liên kết, tự tổ chức thành những nhóm nhỏ hoặc gia nhập hẳn vào một tổ chức đấu tranh. Phương pháp hoạt động là kín, có tổ chức nhưng hoạt động như không có tổ chức, như một cá nhân tự phát, không để lại dấu vết gì trong hoạt động nhắm vào các mục tiêu công bằng xã hội, dân sinh dân quyền và nhận diện nhau, thông tin phối hợp hành động theo giao ước của mật ngữ, tín hiệu qua các phương tiện kỹ thuật thời hiện đại, nhất là cần giữ khoảng cách nhất định nơi công cộng.
- Các tổ chức đấu tranh, các đảng phái chính trị cần đưa người về nước đi sâu vào đời sống của người dân trong nước, nói về sự khác biệt của chính quyền của dân, do dân, vì dân.
Những quyền mà người dân được hưởng, những việc mà cán bộ nhà nước không được quyền làm… nhất là hướng dẫn người dân đấu tranh đòi hỏi quyền lợi thiết thực về cơm ăn áo mặc, về các quyền tư do cơ bản mà mọi con người sinh ra đều được hưởng, theo cách có tổ chức trên danh nghĩa hợp pháp nào đó.
Theo nhận định khách quan trong thời điểm hiện tại chưa đủ độ “chín” cho một cuộc xuống đường quy mô đồng loạt, giờ chỉ thích hợp cho giai đoạn tổ chức chuẩn bị để xuống đường đấu tranh, bởi tất cả sức mạnh quốc tế hỗ trợ cho tiến trình dân chủ hóa toàn cầu đang tập trung vào Bắc Phi,Trung Đông. Không nên đốt giai đoạn, phải kiên nhẫn chờ đúng thời điểm, đúng điểm rơi để tạo thời cơ hoặc chờ thời cơ đến, ra tay hành động.
Toàn dân Việt Nam và nhân loại có cùng một ước mơ là được sống trong dân chủ và những người Việt Nam dấn thân cho dân chủ, không muốn dân chủ hoá trong hổn loạn, đa phần muốn cộng sản chuyển đổi độc tài sang dân chủ theo cách hoà bình vì đồng bào ta đã chịu quá nhiều đau khổ, mất mát do chiến tranh gây ra! Thế mà dường như cộng sản Việt Nam không quan tâm đến ý nguyện, ước vọng của toàn dân, càng ngày chúng càng đàn áp thô bạo các tiếng nói dân chủ ôn hoà, bất bạo động như thách thức, khát khao dân chủ của toàn dân Việt Nam. Do đó, không còn chọn lựa nào khác, ngoài cách phải xuống đường đấu tranh, dù máu phải đổ cho cây dân chủ đâm chồi như nhân dân Tunisia, Egypt, Libya thực hiện và đã thành công.
Thiển nghĩ để xuống đường đấu tranh có hiệu quả, chúng ta cần nhìn lại những ưu, khuyết điểm và sức mạnh nồng cốt làm nên các cuộc cách mạng dân chủ này. Quan sát ba cuộc cách mạng đánh đổ độc tài Bắc Phi,Trung Đông. Một lần nữa khẳng định rằng sức mạnh nhân dân là vô địch, dù mỗi nước có chuẩn bị châm ngòi nổ khác nhau, thời gian lật đổ giai cấp cầm quyền nhanh chậm không giống nhau và diễn biến cục diện có ít nhiều khác biệt. Từ xuống đường đấu tranh bất bạo động đòi chính quyền thay đổi như Tunisia, Egypt đến đấu tranh ôn hoà chuyển sang tổ chức vũ trang lật đổ chế độ như Libya.
Cách mạng dân chủ Bắc Phi có tên gọi rất đẹp, rất lãng mạn “cách mạng hoa lài”, “mùa xuân ả rập”, khởi đi từ nước Tunisia với ngòi nổ tự thiêu của một thanh niên tên Mohamed bouazizi phản đối hành động thô bạo của công an đối với anh và làn sóng xuống đường ủng hộ Bouazizi chống nhân viên công lực lạm dụng quyền hạn vi phạm luật pháp chuyển sang hướng chống chính quyền độc tài Ben Ali, xảy ra vào thượng tuần tháng 12/2010 và kết thúc vào trung tuần tháng 01/2011. Chỉ vài tuần lễ xuống đường nhân dân Tunisia đã giành được quyền làm chủ đất nước từ tay tổng thống độc tài Ben Ali của Tunisia.
Sang đến nước Egypt thời gian xuống đường đấu tranh buộc tổng thống Hosni Mubarak từ bỏ quyền lực cũng chỉ mất vài tuần lễ từ những ngày cuối tháng giêng, kết thúc vào giữa tháng hai cùng năm. Phương tiện chuyển tải thông tin, tập hợp xuống đường là các trang mạng xã hội, face book, twitter, điện thoại di động. Chính quyền Mubarak cũng nhận ra sự lợi hại của vũ khí mới nên ra lệnh cắt các đường truyền hệ thống mạng xã hội nhằm làm tê liệt vũ khí này nhưng mọi thứ đều đã muộn, ngoài tầm kiểm soát của chính quyền Mubarak bởi các nhân sự chủ chốt đã bước ra khỏi thế giới ảo, chia nhau lao vào các khu nhà ổ chuột, khu công nghiệp, các ngõ nghách của thành phố khắp cả nước, vận động xuống đường và cùng họ tràn xuống đường phố buộc Hosni Mubarak phải rời bỏ quyền lực!
Dù cả hai nhà độc tài này đều sử dụng mạng lưới an ninh, mật vụ hùng hậu dày đặc bắt bớ, trấn áp ngay cả ra lệnh cho quân đội bắn giết người biểu tình nhưng chỉ có một số nhỏ trung thành thi hành lệnh, còn đa phần từ chối bắn vào nhân dân mình. Cuối cùng với ý chí, sức mạnh nhân dân được sự hổ trợ của cộng đồng quốc tế gây sức ép lên nhà cầm quyền Tunisia, Egypt khiến ông Ben Ali, ông Hosni Mubarak hiểu ra rằng đã đến lúc không thể cưỡng lại ý chí, nguyện vọng của toàn dân, không còn con đường nào khác là phải bước xuống trả lại quyền làm chủ đất nước cho nhân dân, hai ông chấp nhận thua cuộc và ra đi.
Riêng nước Libya được truyền cảm hứng từ hương thơm hoa lài từ cuộc cách mạng Tunisia, Egypt. Tuy vậy, cuộc xuống đường đấu tranh ôn hòa của nhân dân Libya đã phải chuyển sang ngõ rẽ khác bởi ông Qaddafi lãnh đạo tối cao đã sử dụng sức mạnh vũ lực của nòng súng, của không quân và các lực lượng lính đánh thuê Trung, Tây Phi tấn công bắn giết nhân dân Libya, đẩy nhân dân vào thế đối đầu vũ trang với nhà cầm quyền. Không những dùng súng đạn bắn giết nhân dân, Qaddafi còn dùng công cụ truyền thông nhà nước, tuyên truyền dối trá phỉ báng, vu cáo những người xuống đường đòi hỏi quyền lợi chính đáng của họ, là thành phần xấu, băng đảng, nghiện ngập, có liên quan với khủng bố quốc tế Al Qaeda.
Thế nhưng hành động phát ngôn gian trá, che dấu tội ác chống nhân dân của Qaddafi không đánh lừa được nhân dân toàn thế giới và lãnh đạo các cường quốc lần lượt lên tiếng: “Chính quyền bắn giết dân thì không còn chính danh để cầm quyền, lãnh đạo nhà nước ông Qaddafi phải ra đi.”
Tựu trung, tất cả lãnh đạo các cường quốc trừ Trung Cộng đều lên tiếng yêu cầu Qaddafi dừng tay lại, bước xuống, ra đi trả lại quyền lực nhà nước về cho nhân dân nhưng Qaddafi bỏ ngoài tai những lời khuyên chân thành của cộng đồng nhân loại, ông ta vẫn ngoan cố bám lấy quyền lực và dấn sâu hơn vào tội ác chống nhân dân, chống nhân loại. Thế cho nên Liên Hiệp Quốc mở phiên họp khẩn cấp ra nghị quyết cho liên Âu, Hoa Kỳ ngăn chận hành động khát máu của Qaddafi săn giết người dân Libya xuống đường đòi hỏi quyền lợi chính đáng của họ. Sau nhiều tháng trôi qua, máu người dân Libya đổ xuống cho hoa dân chủ xuyên qua ánh mặt trời và triều đại Qaddafi, dù chưa sụp đổ hoàn toàn nhưng xem như đã chấm hết!
Qua ba cuộc cách mạng dân chủ của Tunisia, Egypt và Libya tương đối ít đổ máu so với lịch sử cách mạng chính trị của nhân loại, nhờ sự hỗ trợ, hậu thuẩn tích cực của cộng đồng nhân loại và thời nay đã qua rồi cái thời mỗi nước là một ốc đảo, các tên lãnh đạo độc tài hung bạo không thể “đóng cửa” bưng bít thông tin, tự do bắn giết dân lành vô tội gây chấn động lương tâm nhân loại, vẫn leo lẻo chống chế “không được xen vào nội bộ nước chúng tôi” xem ra không còn “linh thiêng” nữa.
Cũng từ ba cuộc cách mạng của Bắc Phi theo cách nghĩ khác hơi lạnh lùng, tàn nhẫn nhưng là sự thật, nếu so sánh với các cuộc cách mạng do cộng sản chủ xướng thực hiện trong lịch sử thì giá máu xương phải trả cho ba cuộc cách mạng dân chủ của các nước Bắc Phi này rẽ hơn nhiều và cuộc cách mạng với cái giá mà nhân dân Libya phải trả cho tự do dân chủ của tổ quốc họ, là cách tồi tệ nhất của một trong ba đến từ mùa xuân ả rập. Lẽ ra, nếu Qaddafi biết thức thời, biết lịch sử Libya phải bước sang trang mới tươi đẹp hơn thì đất nước Libya đã có đoạn kết tốt hơn …tiếc rằng lịch sử không hề có trạng thái “nếu”.
Dù thế, dù trả ít hay nhiều xương máu cho giấc mơ dân chủ của ba nước Tunisia, Egypt, Libya đều không là giải pháp tối ưu cho con đường dân chủ Việt Nam bởi Việt Nam còn có cách thực thi dân chủ trong hòa bình, không cần xuống đường làm cuộc thay đổi nếu đảng cộng sản Việt Nam biết thức tỉnh, thật lòng thực hiện tự diễn biến, tự chuyển hóa, thiết lập nhà nước dân chủ, từng bước tách rời quyền lực đảng cộng sản ra khỏi quyền lực nhà nước bằng cách xóa bỏ những điều luật trong bản hiến pháp hiện hành chống lại luật cơ bản của thiết chế dân chủ như:
- Xóa bỏ điều 4, độc quyền lãnh đạo của đảng cộng sản.
- Xóa bỏ điều 88, tội tuyên truyền chống nhà nước CHXHCN.
- Xóa bỏ điều 79, tội âm mưu lật đổ chính quyền nhân dân.
- Xóa bỏ trò bịp bợm chính trị ở câu chữ “theo quy định của pháp luật” trong hiến pháp nhằm triệt tiêu các quyền được đa phần nhân loại công nhận trong Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền và trong Công Ước Quốc Tế về các quyền dân sự, chính trị.
Riêng các lực lượng đấu tranh cho dân chủ cần kiên trì bám lấy mục tiêu dân chủ, cần phát huy năng lực tổ chức vì không tổ chức thì khó làm nên đại sự cũng như cần chuẩn bị nhiều giải pháp để đáp ứng kịp thời mọi tình huống, mọi diễn tiến của môi trường chính trị Việt Nam. Từ việc thích nghi với giải pháp tự diễn biến, tự chuyển hóa từ độc tài sang dân chủ của đảng cộng sản Việt Nam, đến việc chủ động biến thành nhân tố quyết định trong cuộc vận động quần chúng nhân dân tràn xuống đường phố làm cuộc cách mạng thay đổi thể chế khi thời cơ đến. Kể cả việc góp phần dựng xây, thiết lập, hoàn thiện thể chế chính trị dân chủ hậu cộng sản trong tương lai.
Vậy, đảng cộng sản Việt Nam sẽ tự diễn biến, tự chuyển hóa sang dân chủ hay người dân phải tràn xuống đường làm cuộc cách mạng dân chủ. Con đường nào cho dân chủ Việt Nam?