Con đường của bạn - Dân Làm Báo

Con đường của bạn

Vũ Đông Hà (danlambao) Bạn tôi bây giờ đang nằm co ro trong lao tù lạnh lẽo. Freedom is not free. Tự do không miễn phí. Bạn tôi đã biết như thế và bạn đã trả giá bằng sự giam cầm. Cái giá bạn phải trả không vì những lợi lộc cho riêng mình mà cho khát vọng của 90 triệu người: được sống thật sự tự do.

Niềm tin của bạn tôi? Bạn quan niệm như thế nào về con đường xây dựng Tự do, Dân chủ? Điều gì đã thúc đẩy bạn bước vào hiểm nguy? Tôi nhớ đến bạn và hồi tưởng lại những đêm về sáng chúng tôi đã cùng trao đổi những giấc mơ chung về tương lai đất nước, chia sẻ với nhau về niềm tin vào con đường chính nghĩa, và tôi muốn viết lại. Viết về bạn và những người đã đánh đổi bình an cá nhân để mưu cầu hạnh phúc cho muôn người. Những gì về bạn không vĩ đại, cũng chẳng hùng tráng, chỉ bình thường như bao người Việt Nam yêu nước. Nhưng đó cũng là những điều mà hơn bao giờ hết, cần được viết ra.

*** 

Chiến tranh Thế giới thứ II, Vietnam War, Taliban, Al-Qaeda, 9 tháng 11, Chiến tranh Iraq, Diệt chủng Darfur… Khi bom đạn và tiếng súng đã lắng đọng, mùi tử thi đã không còn phảng phất trong không gian, những gì còn lại chỉ là hoang tàn, đổ nát, từ cảnh vật đến lòng người. Chiến tranh, vũ khí, thù hận, như những chất cường toan ăn sâu vào phế phủ, đã chứng minh tự nó không thể là lời giải tốt đẹp cho những đổi thay, dù đó là những mong muốn đổi thay tốt đẹp. Bạn tôi đã tin như thế. Tin chắc như thế. Chính vì vậy, bạn đã bước vào con đường mà khởi đầu của bước chân đi là một khẳng định, dứt khoát: con đường để đem lại Tự do và Dân chủ cho Việt Nam không thể nào là con đường chiến tranh và thù hận. 

Bạo lực là chỗ trú ẩn cuối cùng của kẻ yếu đuối” văn hào Jorge Luis Borges đã nói vậy. Và bạn tôi tin vào điều đó. Đối với bạn, hình ảnh gầy gò, mỏng manh như hạc của Mahandas Gandhi là biểu tượng của sức mạnh vô biên. “Hành Trình Muối Biển” của ông, the Salt Satyagraha, không một tiếng bom rơi, đạn nổ, chỉ có nhịp đập của hàng vạn con tim hùng tráng, đã đánh thức cả dân tộc Ấn trỗi mình ra khỏi ngục tù sợ hãi, đem quốc gia thoát khỏi gông cùm thuộc địa Anh. Không tiếng súng. Không bom rơi. Đấu tranh bằng sức thuyết phục của con tim, chiến thắng bằng sức mạnh của lòng nhân ái là chọn lựa của những con người can đảm nhất. Bạn của tôi đã nghĩ và sống như thế. 

Bước vào thế kỷ 21, nhu cầu cấp thiết của dân tộc Việt Nam là Tự do-Dân chủ. Nhưng đích đến sau cùng là phải tiến đến cái viễn ảnh tương lai mà mọi người Việt Nam mong muốn có được. Đó là quyền được sống trọn vẹn với nhân phẩm con người, quyền được tự do tham gia, xây dựng và phát triển vững mạnh một chính quyền dân chủ, trong sạch, đa đảng để chính quyền đó đảm bảo cơ hội bình đẳng, quyền làm người cơ bản, sự thịnh vượng và ổn định quốc gia cho tất cả công dân. 

Cũng chính vì đích đến sau cùng đó mà bạn tôi tin rằng không thể đấu tranh giành lại Tự do Dân chủ bất kể mọi giá phải trả. Đất nước đã trải qua quá nhiều tang thương. 1000 năm nạn giặc Tàu. 100 năm Pháp thuộc. 20 mươi năm chiến tranh đọa đày. Hơn 35 năm trong vũng lầy độc tài chuyên chính. Không thể một lần nữa chúng ta phải xây dựng lại đất nước trên những hoang tàn, tang thương, mất mát và thù hận. Bạn tôi tin vào một cuộc chiến đấu thay tiếng súng bằng nhịp đập của con tim, át tiếng bom rơi bằng những lời chính nghĩa. Đem đại nghĩa để thắng hung tàn. Lấy chí nhân mà thay cường bạo. Bình Ngô Đại Cáo của Nguyễn Trãi vẫn vang vọng trong lòng các bạn tôi. 

Có thể nói bạn tôi là những “người mơ”. Bạn mơ nhiều. Mơ ngày và mơ đêm. Có những ước mơ chung to lớn. Có những ước mơ nhỏ nhoi riêng. Nhưng bạn không phải là kẻ hoang tưởng. Bạn đã biết, trước mặt bạn, sừng sững một núi đá chận đứng trên con đường đầy chông gai hầm hố, bẫy sụp: một đảng độc tài với hơn ba triệu đảng viên, công an, quân đội, tình báo, cho tới lực lượng đầu gấu xã hội đen. Tất cả hợp lại tạo nên một khối quyền lực khủng khiếp khiến mỗi người dân trở nên vô cùng nhỏ bé, yếu đuối và bất lực như cái kiến. Nhưng bạn tôi cũng tin rằng quyền lực của kẻ thống trị lại hoàn toàn lệ thuộc vào đại khối nhân dân. Lệ thuộc vào người thương gia tuân thủ đóng thuế, bác nông phu trồng lúa, chị thư ký quản lý ngân hàng, anh công nhân xưởng máy, người phu đổ rác hàng ngày,… Hệ thống quyền lực chỉ tồn tại nếu người dân tuân phục, tiếp tay và sẽ yếu dần để đi đến tan rã nếu người dân bất tuân phục, không hợp tác. Từ đó, bạn tôi nhận thức rằng cuộc chiến đấu ngày hôm nay không phải là một cuộc chiến đấu ý thức hệ, không là một tranh chấp đảng phái, mà là một cuộc đấu tranh quyền lực giữa một thiểu số thống trị và đại khối dân tộc. Khởi đầu cho cuộc đấu tranh này là việc tháo gỡ nỗi sợ hãi và thái độ luôn tuân phục của quần chúng vào thiểu số thống trị. Sức Mạnh Quần Chúng. People Power. Phải lấy lại cho bằng được. Quần chúng phải là những kẻ thật sự nắm giữ quyền lực và vận mệnh của quốc gia. 

Lấy lại cho bằng được! Nhưng tiến trình lấy lại quyền lực về tay người dân không phải bằng sự tiêu diệt con người. Bạn tôi biết rằng sự thống trị được củng cố bằng những cơ chế quyền lực. Kẻ thống trị phải giữ cứng, kiểm soát mọi cơ chế, hệ thống của quốc gia, cùng một lúc họ thay đổi hoàn toàn chức năng của các cơ chế, hệ thống này. Từ hệ thống pháp lý để định ra những luật lệ cần thiết, từ bộ phận công an đáng lẽ để duy trì kỷ cương giềng mối của pháp luật, từ lực lượng quân đội lẽ ra để bảo vệ tổ quốc, từ hệ thống truyền thông để cả nước thông tin,… kẻ thống trị đã biến tất cả thành những phương tiện với mục tiêu: phục vụ quyền lợi cá nhân, củng cố quyền lực và đàn áp nhân dân. Bạn tôi tranh đấu để cùng với nhân dân khôi phục lại những chức năng đúng nghĩa cho những cơ chế, hệ thống của quốc gia. Tranh đấu để tiêu diệt những sai trái của guồng máy nhưng không tiêu diệt những con người đang phục vụ trong guồng máy đó. Đất nước thời nào, chế độ nào cũng cần có những người lính, công an, quan tòa, nhân viên nhà nước,… theo đúng vai trò, chức năng. 

Một buổi tối ở quán cà phê trong con hẻm của thành phố Kowloon, bạn và tôi cũng với những bạn bè khác, người Sài Gòn, Hà Nội, kẻ Thái Bình, Hội An… đã loay hoay với một câu hỏi: Lý do gì khiến gần 90 triệu người phải tuân phục một thiểu số thống trị? Qua từng mẩu chuyện, các bạn tôi đã trả lời thay cho bao người: Nhúc nhích là vào tù ngay em ơi; Mất công ăn việc làm sao anh; Mỗi ngày nó cứ kêu lên đồn công an phiền lắm; Em thì chịu được nhưng nó làm khổ cả gia đình em, má em cứ khóc hoài; Hai đứa con của chú sắp vào đại học, nhỡ có chuyện gì;… Để rồi: Một mình anh đâu làm được gì; Thời đại này là thời đại mackeno, khôn sống dại chết;Dầu gì bây giờ cũng khá hơn hồi xưa rất nhiều;… Đất nước, dân tộc mình bây giờ là như thế, bao phủ bởi bóng đêm sợ hãi và thái độ nhắm mắt buông xuôi. 

Nhưng các bạn tôi thực sự đã không như thế. Họ đã yên lặng làm những việc không giống như những phát biểu ồn ào giữa quán đông. Họ đã âm thầm đi vào giông bão để tìm ánh mặt trời. Họ đã nhận thức được hiện tượng tiêu cực của con người Việt Nam hôm nay chỉ là hệ quả của sự chênh lệch quá độ về quyền lực giữa thiểu số cầm quyền và đại khối dân tộc. Yếu hèn không phải là bản chất của con người Việt Nam. Không đến nỗi như nhà văn Dương Thu Hương đã viết: một dân tộc dũng cảm biết bao trong chiến tranh và hèn mọn biết bao trong cuộc sống thời bình. Hơn 35 năm, bộ máy cầm quyền đã biến dân tộc Việt Nam không còn là một khối, mà đã trở thành triệu cá thể riêng biệt, tách rời. Mỗi cá thể quá nhỏ bé, dễ dàng bị cai trị và khống chế. Nhân dân xã hội chủ nghĩa đồng nghĩa với thần dân của một triều đại phong kiến. 

Có lần bạn tôi đùa và hỏi… hỗn: nếu một mình Gandhi đi ngang nghĩa địa thì ngài có sợ không? Chắc là cũng có. Sợ hãi là một phần của bản chất của con người. Đừng mong và đừng đòi hỏi mỗi người, tự họ, rũ bỏ sự sợ hãi. Bạn tôi lại hỏi: nhưng nếu có mười người đi ngang nghĩa địa thì họ có sợ không? Chắc không, hoặc là ít sợ hơn. À!, vậy mười người bình thường can đảm hơn thánh Gandhi? Bạn tôi đã phần nào vô lễ trong cái lý luận “trẻ con” này, nhưng lại giúp chúng tôi thấy được chìa khóa của cuộc tranh đấu giành lại quyền lực về phía nhân dân: Số Đông. Một người thì sợ. Trăm người bớt sợ. Ngàn người hết sợ. Trăm ngàn người: cách mạng đổi đời, quyền lực về tay người dân. Không thể làm cách mạng một mình. Một nhà dân chủ mà không có quần chúng là một nhà dân chủ… tắt thở. Các bạn tôi thường nhắc nhở nhau điều đó. 

Mới sáng hôm nào, tôi còn nhớ rõ màu nắng chan hòa và bầu trời trong xanh hôm ấy, chúng tôi ngồi quay quần bên những tách cà phê ấm và đã trao đổi, học hỏi ở nhau thật nhiều về những kinh nghiệm đấu tranh của lịch sử thế giới. Những người Mỹ da đen Nashville đã chuẩn bị kế hoạch trước để cùng nhau xung phong vào tù, và hiểu ra rằng sợ hãi đã biến mất ngay vào giây phút họ quyết định hành động này. Những người dân Nam Phi nhúng bàn tay, biểu tượng của phong trào đòi bình đẳng, vào sơn và in bàn tay ấy lên … mông của những con bò khắp nước. Dễ làm, lẹ. Phản kháng trở thành một trò đùa của đám đông đủ mọi tầng lớp, và công an lăn xăn chạy theo … chùi mông những con bò phản động. Người dân Miến Điện cùng nhau đội nón lá biểu tượng của nông dân và cũng là của bà Aung San Suu Kyi như một hình thức phản kháng tập đoàn thống trị. Quân phiệt cầm quyền họp khẩn để thảo luận luật định cấm người dân Miến đội nón lá dưới bầu trời xích đạo của xứ Miến. Điều gì đơn giản, dễ cho nhiều người tham gia, không đủ lý do chính đáng cho bạo quyền đàn áp hoặc đàn áp thì phải trả một giá quá đắt thì sợ hãi cá thể sẽ bớt đi. Quan trọng hơn: mỗi hành động của người dân phải xuất phát từ nhu cầu về quyền lợi vật chất, tinh thần và tâm lý của chính cá nhân họ. Đó là những quy luật mà các bạn tôi cùng nhau mang theo trong túi hành trang lý tưởng của mình. 

Vậy đó, những suy tư, thao thức, những sôi nổi, xôn xao như thế đã thôi thúc bạn tôi ngày đêm. Và bạn tôi đã lên đường sẵn sàng đánh mất những thứ đang có, những gì mà nhiều người mơ ước có được như bạn. Bên cạnh bạn, có người đi trước kẻ theo sau, gọi nhau là chúng ta để cùng mang theo trái tim xanh như lá mạ để gieo trồng đồng lúa chín tương lai. Bạn tôi đã bước ra khỏi những đắn đo vây phủ, thoát được nỗi lo sợ tâm lý hằng vướng mắc. Hỏi bạn về cảm giác đầu tiên đó trong đời. Tự Do! Bạn tôi sung sướng trả lời. Không còn nô lệ nỗi sợ hãi của chính mình. 

*** 

Bạn đã phải đối diện với muôn vàn thử thách trước sức ép của guồng máy bạo lực. Cả một hệ thống độc quyền truyền thông đồng nhịp ném bùn vào chính nghĩa của bạn bằng sự lươn lẹo, vốn đã trở thành truyền thống. Nhưng chính những gì xảy ra đã chứng minh một điều: những kẻ thống trị đang sợ bạn. Họ lo sợ trước sức thuyết phục của bạn đối với quần chúng về những vấn đề nhức nhối của đất nước. Những kẻ đứng bên ngoài song sắt không phải là kẻ chiến thắng. Chính nghĩa đã thuộc về bạn. Vì thế cả bộ máy cầm quyền đã bằng mọi giá ngăn chận những ảnh hưởng của bạn. 

Bây giờ, nhiều người vẫn tiến bước trên con đường mà bạn đã bước chân đi. Có người mới nhập cuộc. Họ đi tới và tin tưởng rằng dù tay đang bị trói, chân đang bị cùm, bạn vẫn đang tiếp tục con đường bằng trí tuệ và cân nhắc sáng suốt trước mọi tình huống. Họ vẫn tin tưởng rằng sẽ sớm được hòa nhịp lại cùng với bước chân của bạn trên con đường không thể không có này. Trong đêm tối yên lặng, chắc hẳn bạn vẫn nghe được những bước chân đi đó. Những bước chân đang tiến bước bằng tinh thần mà chúng ta đồng ý với nhau ngày nào: Đi bằng trái tim nhân ái; Đích đến là khát vọng chung của đại số dân tộc; Đi để xóa bỏ những sai trái của một hệ thống nhưng không tiêu diệt con người; Kết quả đạt được không đem lại hoang tàn đổ nát; và cuộc đổi đời chỉ đến khi chúng ta có được số đông, số đông không còn sợ hãi, không còn tuân phục vào những bất công sai trái. Con đường đã vạch. Đích đến đã định. Dù có nghìn trùng nhưng có đi thì mới rút ngắn được con đường. Và như lời của bạn thường nói: nếu chúng ta không đi thì còn ai đi thế cho chúng ta?

Bạn thân mến, con đường chính nghĩa bạn đi vẫn còn đấy những bước chân của bạn. Và ngày sẽ một thêm đông.




Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo