Vụ dân vây hãm trại lợn Thái Dương (Nghệ An): Chịu thua, DN chấp nhận di chuyển trại lợn - Dân Làm Báo

Vụ dân vây hãm trại lợn Thái Dương (Nghệ An): Chịu thua, DN chấp nhận di chuyển trại lợn

Sao Mai (Nông nghiệp VN) - Người dân đã xô xát với lực lượng CA, có người quá khích đã xì hơi lốp xe 1 ô tô 7 chỗ của lực lượng CA nên cuối cùng các lực lượng CA đã phải rút lui.

Ngày 21/11, khi biết CA tỉnh và huyện đưa lực lượng về địa phương để tuyên truyền, giải thích vận động dân dỡ lán trại thì gần 1.000 người dân xã Đại Sơn đã kéo đến tập trung trước cổng trại lợn Thái Dương để ngăn cản. 

Dân vẫn kiên trì vây hãm trại lợn chờ Quyết định di dời của UBND tỉnh
Tại cổng phụ, 2 xe tải đất được đổ ra chắn trước lối ra vào và đặt cột điện nằm ngang lối đưa nước vào trại lợn. Đỉnh điểm của cuộc va chạm là người dân đã xô xát với lực lượng CA, có người quá khích đã xì hơi lốp xe 1 ô tô 7 chỗ của lực lượng CA. Cuối cùng CA đã phải rút lui kéo theo chiếc ô tô đã bị người dân đâm bẹp lốp. 

Sáng 22/11, theo đề nghị của UBND huyện Đô Lương, ông Đinh Viết Hồng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An đã đích thân cùng các Sở (CA, NN-PTNT, TN-MT, Tài chính...) về hội trường xã Đại Sơn để cùng với lãnh đạo huyện và xã Đại Sơn đối thoại với dân. Mặc dù từ sáng đến trưa, trời đổ mưa rất to nhưng vẫn có hàng nghìn người dân vẫn đội mưa đến dự cuộc đối thoại. Chúng tôi để ý thấy có một số người còn chuẩn bị và mang theo cả phân lợn vào trong hội trường. 

Tại cuộc đối thoại, thay mặt chính quyền địa phương, ông Nguyễn Thúc Thanh, Chủ tịch UBND xã đã nêu ra các bằng chứng về tình trạng ô nhiễm của Cty và các yêu sách của người dân đối với Cty TNHH lợn giống ngoại Thái Dương. Đã có 12 ý kiến phát biểu của người dân tại cuộc trao đổi. 100% ý kiến của dân đều giữ nguyên lập trường “buộc trại lợn giống ngoại Thái Dương phải di chuyển ra khỏi địa bàn xã Đại Sơn...”

Một số người còn tuyên bố rắn: “Nếu tỉnh và các ngành vẫn cho trại lợn giống ngoại Thái Dương ở lại trên địa bàn xã thì chúng tôi vẫn tiếp tục đấu tranh" và yêu cầu ông Đinh Viết Hồng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An phải trả lời ngay cho dân biết tại cuộc đối thoại: Trại lợn phải di chuyển hay tiếp tục ở lại xã Đại Sơn? Không ít người dân đã giành nhau lên diễn đàn để đòi hỏi bằng được việc "trại lợn Thái Dương phải cút khỏi địa bàn xã”. Phía ngoài hội trường, hàng trăm người dân la ó, hoặc vỗ tay tán thưởng khiến những người chủ trì không kiểm soát được tình hình. 

Ông Chu Thế Huyền, Phó Giám đốc Sở TN-MT được những người chủ trì giới thiệu lên phát biểu nhưng đã bị hàng trăm người dân la ó nên buộc ông đã phải dừng lại. Dân yêu cầu ông Hồng phải lập tức trả lời và đưa ra kết luận cuối cùng! 

Trước thái độ rất hùng hổ của người dân, ông Đinh Viết Hồng đã phải điện thoại về xin ý kiến của Chủ tịch UBND tỉnh. Sau đó ông Hồng đã rất khó khăn khi đưa ra quyết định: UBND tỉnh chấp nhận đề xuất của bà con nhân dân xã Đại Sơn là trại lợn giống ngoại Thái Dương phải ngừng sản xuất để xử lý môi trường và phải di chuyển ra khỏi địa bàn xã Đại Sơn. UBND tỉnh sẽ tìm địa điểm mới để giới thiệu cho Cty TNHH lợn giống ngoại Thái Dương xây dựng lại trại tại vị trí khác. Trong quá trình di chuyển đàn lợn sang địa điểm mới, Cty vẫn phải tiếp tục xử lý ô nhiễm tại trại và thực hiện bồi thường hỗ trợ các thiệt hại cho dân. 

Giao cho UBND huyện thành lập tổ công tác để tổ chức khám bệnh cho bà con bị ảnh hưởng bởi ô nhiễm. Các cơ quan chức năng phải lấy mẫu, xác định lại mức độ ô nhiễm nguồn nước để khuyến cáo người dân cách sử dụng nguồn nước hiện nay. Yêu cầu bà con nhân dân Đại Sơn phải nhanh chóng tháo dỡ lán trại trước cổng để công ty thực hiện nghiêm chỉnh kết luận của UBND tỉnh tại cuộc đối thoại hôm nay. 

Ông Lê Quang Thành, Tổng giám đốc Cty TNHH lợn giống ngoại Thái Dương cho hay: “Cty sẽ chấp hành quyết định trên của UBND tỉnh Nghệ An. Thời gian di chuyển đàn lợn đến ngày 30/12/2011”. Việc miễn cưỡng chấp hành quyết định đột ngột nói trên của UBND tỉnh Nghệ An, phía Cty TNHH lợn giống ngoại Thái Dương đã bị đặt trong tình thế hết sức bất lợi về nhiều mặt. Trong đó riêng việc tìm được vị trí mới cũng không dễ dàng gì. 

Ngoài những thiệt hại về doanh số do quá trình thực hiện di chuyển đàn lợn khỏi địa phương, số tiền trên 200 tỷ đồng mà đơn vị này đã đầu tư để xây dựng cơ sở hạ tầng sẽ được chính quyền tỉnh Nghệ An xử lý ra sao cho thoả đáng? Đàn lợn giống cụ kỵ quý (mỗi con xấp xỉ 6.000 USD), đàn lợn ông bà đang có chửa và đàn lợn con có đảm bảo an toàn khi di chuyển hay không? Những câu hỏi trên hiện đang bị bỏ ngỏ.



*

Đã đăng:



Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo