Hàn Lệ Nhân (danlambao) - «Ngoài xã hội, vô nhà người mà không xin phép, không gõ cửa đồng nghĩa với tà tâm "ăn trộm"; vô nhà người, mượn tài vật mà không ngỏ lời là "ăn cắp". Trong văn nghệ, mượn ý tứ của người mà không ghi xuất xứ là "nhận vơ". Chân thường nhân "ăn cắp", "ăn trộm" cái xấu hổ chân thường nhân riêng chịu, không lây lan cho ai. Ngụy vĩ nhân "nhận vơ" cái xấu hổ trở nên "vĩ đại"…»
Khen ai khéo tạc bình phong,
Ngoài long, lân, phụng trong lòng gạch vôi!
(Ca dao VN)
Ngoài cuốn Nhật Ký Trong Tù mà tôi đã say mê đọc đâu vài chục lần, tôi còn đọc nhiều, rất nhiều thơ thuần Việt của thi-hào-Hồ-Chí-Minh, kể cả hàng hàng lớp lớp những sách, những bài "nói-thẳng-nói-thật" về thi tài của một người vừa là "tượng trưng cho thời đại hiển hách nhất trong lịch sử dân tộc Việt Nam", vừa nghe nói là "danh-nhân-văn-hoá-của-nhân-loại", do đó đương nhiên "Thơ của Người là ánh sáng của cuộc đời hiện tại và mãi mãi là cuốn sách chỉ đường cho tương lai". Tôi chịu khó "rà" thật kỹ "Thơ Người" cũng chỉ mong sao "rút" ra kỳ được chút "đạo đức giản dị, khiêm tốn, cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư" làm vốn lận lưng trong quá trình tập viết. Rốt cuộc, điều tôi "rút" ra được là thế nầy: Đọc riết buộc tôi để ý và nảy ra chút thắc mắc, trong cùng một con người "vĩ đại" mà sao phần thơ chữ Hán của Người lại có trình độ cao vượt bứt phần thơ thuần Việt, từ ngôn ngữ, ý tứ cho đến cấu trúc, văn phong..., đến nỗi nếu không biết trước tất cả là của cùng một tác giả (nhờ cái chữ ký như một thương hiệu bất khả chê - vì chê là bóc lịch), thiệt tình đố ai mà ngờ.
Ai tò mò đặt Nhật Ký Trong Tù kèm phần Việt ngữ, cạnh phần thơ thuần Việt của thi-hào-họ-Hồ, sự chông chênh lạ lẫm sẽ lộ rõ đến ngỡ ngàng, ngẩn ngơ rồi hoang mang, bàng hoàng: phải chăng đó là nguyên do tác-giả-đa-tài-đa-ngôn-ngữ đã không tự dịch thơ mình ra tiếng mẹ đẻ hầu "nhân dân lao động anh hùng" dễ thưởng thức và dễ học tập, học thi hơn, mà cứ mặc ai "muốn dịch sao cũng được"?
Trường hợp xấp ngửa này làm tôi tự động liên tưởng tới hai nhân vật trong bộ chưởng Anh Hùng Xạ Điêu của Kim Dung:
«Có hai anh em sinh đôi giống nhau như tạc từ mặt mày đến tiếng nói và dáng điệu là Cừu Thiên Lý (có bản dịch gọi là Cừu Thiên Trượng) và Cừu Thiên Nhận. Ông anh Cừu Thiên Lý ngo ngoe vài chiêu thức đuổi ruồi nhưng cực giỏi việc bịa đặt lừa đảo; ngược hẳn ông em là Cừu Thiên Nhận, bang chủ Thiết Chưởng Bang, võ công trùm đời, đặc biệt môn Thiết Chưởng và môn khinh công nên được quần hào võ lâm mệnh danh là Thiết Chưởng Thủy Thượng Phiêu (tay sắt nổi trên nước). Trong thời gian Cừu Thiên Nhận ẩn tích trau luyện "Ngũ Độc Thần Chưởng" chờ Hoa Sơn Luận Kiếm kỳ 2, Cừu Thiên Lý lợi dụng có tướng mạo giống em nên thường mạo danh để mà mắt bàn dân thiên hạ ròng rã hơn 20 năm trời... mà không ai phân biệt được giả chân, cho đến khi bị Quách Tĩnh điểm huyệt "thiên đột" (huyệt nhột và ngứa), chịu không thấu Cừu Thiên Lý bèn cung khai ngọn nguồn...» [1].
Ôi, cũng như nếu không bị Internet "điểm huyệt" thì mấy ai biết được ai đó đích thực là ai... Mồ tổ thằng Internet, đoạn lòng phá nát mộng… muội của ông!
Tôi cũng có để ý thấy, không hiểu nguyên do sâu và xa nào đã khiến thi-hào-họ-Hồ lẫn các phê-bình-gia-văn-học XHCN, trước sau, lấp la lấp lửng xem nhẹ tênh phần chú thích sự vay mượn ý tứ của thiên hạ, của nhân dân. Phần thơ chữ Hán của thi-hào-họ-Hồ, tôi đã tự nguyện trong khả năng hạn hẹp chú thích bổ túc một phần nhỏ trong bài "Đọc Lại Thơ Bác", đêm nay, như đã hứa, xin tiếp tục cho trọn nghĩa "xung phong" góp phần đưa "châu về hợp phố".
A. Bổ túc phần thơ chữ Hán (Hồ-Chí-Minh, Nhật Ký Trong Tù. Viện Văn Học – Hà Nội, 1960)
1. Bài “Giải trào” (Nói cho vui), trang 105:
Hán văn
Ngật công gai phạn trú công phòng,
Quân cảnh luân ban khứ hộ tòng;
Ngoạn thủy du sơn tùy sở thích,
Nam nhi đáo thử diệc hào hùng!
Việt ngữ
Ăn cơm nhà nước, ở nhà công,
Binh lính thay phiên để hộ tùng;
Non nước dạo chơi tùy sở thích,
Làm trai như thế cũng hào hùng!
Câu "Nam nhi đáo thử diệc hào hùng" vốn của Uy Viễn tướng công Nguyễn Công Trứ (1778-1858) trong bài "Kẻ Sĩ":
......
Rồng mây khi gặp hội ưa duyên,
Đem quách cả sở tồn làm sở dụng.
Trong lăng miếu ra tài lương đống,
Ngoài biên thùy rạch mũi Can Tương.
Sĩ làm cho bách tuế lưu phương,
Trước là sĩ, sau là khanh tướng.
Kinh luân khởi tâm thượng,
Binh giáp tàng hung trung.
Vũ trụ tri gian giai phận sự,
Nam nhi đáo thử thị hào hùng
Nhà nước yên mà sĩ được thung dung,
Bấy giờ sĩ mới tìm ông Hoàng Thạch...
(Theo sách Đạo làm người của Nguyễn Công Trứ của Vũ Ký, Nxb Kim Ý - Sàigòn 1962, trang 173).
2. Bài "Nhập Tĩnh Tây huyện ngục" (Vào nhà lao huyện Tĩnh Tây), trang 17:
Hán văn
Ngục trung cựu phạm nghênh tân phạm,
Thiên thượng tinh vân trục vũ vân;
Tinh vũ phù vân phi khứ liễu,
Ngục trung lưu trú tự do nhân.
Việt ngữ
Trong lao tù cũ đón tù mới,
Trên trời mây tạnh đuổi mây mưa;
Mây mưa, mây tạnh bay đi hết,
Còn lại trong tù khách tự do.
Câu "Thiên thượng tinh vân trục vũ vân" vốn là anh em song sinh với câu "Giang thượng tinh vân tạp vũ vân" trong bài "Đỗ Công Bộ Thục Trung Ly Tịch" của Lý Thương Ẩn (831-858) đời Đường:
Hán văn
Nhân sinh hà xứ bất ly quần
Thế sự can qua tích tạm phân
Tuyết Lĩnh vị quy thiên ngoại sứ
Tùng Châu do trú điện tiền quân
Toạ trung túy khách diên tĩnh khách
Giang thượng tinh vân tạp vũ vân
Mỹ tửu Thành Đô kham tống lão
Đương lô nhưng thị Trác Văn Quân
(Toàn Đường thi Quyển 539 - bài 90, theo “Xích Bích Kiều”)
Việt ngữ
Đời người có chỗ nào không có sự chia ly?
Vì chiến tranh nên mới tạm xa nhau
Tuyết Lĩnh chưa trở về người sứ giả ngoài ngàn dặm
Tùng Châu còn dừng lại vị điện tiền tướng quân
Trong bàn tiệc người say còn mời rượu người tỉnh
Trên mặt sông đám mây trong xen lẫn với đám mây tạp
Rượu ngon ở Thành Đô không xua đi được tuổi già
Nhưng trong quán rượu vẫn còn Trác Văn Quân đứng bán.
(“Tiệc rượu chia tay với Đổ Phủ ở Thục trung”)
B. Chú thích phần thơ thuần Việt của thi-hào-Hồ-Chí-Minh
1. Trong cuốn tài liệu mỏng "Lời Di Chúc của Chủ tịch Hồ-Chí-Minh" – Hà Nội 1969, trang 9, có câu:
"Còn non, còn nước, còn người,
Thắng giặc Mỹ, ta sẽ xây dựng hơn mười ngày nay",
làm tôi ngờ ngợ, nhớ tới cụ Tiên Điền cũng có câu:
Còn non, còn nước, còn trời,
Còn về, còn nhớ đến người hôm nay.
(Bùi Khánh Diễn, Kim Vân Kiều, Nxb Sống Mới – Sàigòn 1971, câu 557-558).
2. Trong “Bài Ca Sợi Chỉ”, câu 3 và 4:
Mẹ tôi là một đoá hoa
Thân tôi trong sạch tôi là cái bông
Xưa tôi yếu ớt vô cùng,
Ai vò cũng đứt, ai rung cũng rời.
làm tôi liên tưởng tới:
1.
Trơ như đá, vững như đồng,
Ai lay chẳng chuyển, ai rung chẳng rời.
(Kim Vân Kiều, câu 2521-2522, sđd, trang 223)
2.
Ta đây như cây trong rừng,
Ai lay chẳng chuyển, ai rung chẳng rời.
(Nguyễn Tấn Long & Phan Canh, Thi Ca Bình Dân VN, tập 2, trang 467, nxb Sống Mới, Sàigòn 1969)
3. Trong "Thư gửi luật sư Nguyễn Hữu Thọ (MTDTGPMNVN)", đề ngày 06/09/1967, có hai câu:
Đến ngày thống nhất nước nhà,
Bắc Nam sum họp thì ta vui lòng!
làm tôi nhớ tới đoạn Thúy Kiều dựa oai Từ Hải để oán trả ân đền:
.......
Sao cho muôn dặm một nhà,
Cho người thấy mặt là ta cam lòng.
(Kim Vân Kiều, câu 2435-2436, sđd trang 218)
4. Trong bài "Tặng các cụ lão du kích":
"Tuổi cao chí khí càng cao,
Múa gươm giết giặc ào ào gió thu.
Sẵn sàng tiêu diệt quân thù,
Tiếng thơm Việt Bắc ngàn thu lẫy lừng".
Hai câu "Tuổi cao chí khí càng cao, múa gươm giết giặc ào ào gió thu", sao mà chẳng mấy khác với:
Giã nhà đeo bức chiến bào,
Thét roi cầu vị ào ào gió thu.
(Đặng Trần Côn & Đoàn Thị Điểm: Chinh Phụ Ngâm, câu 23-24)
5. Vợ nhà văn Vũ Ngọc Phan, nhà thơ Hằng Phương có đem biếu nhà-thơ-chủ-tịch-Hồ-Chí-Minh mươi quả cam và được Hồ chủ tịch đáp tạ bằng thơ:
Cảm ơn bà biếu gói cam,
Nhận thì không đáng, từ làm sao đây!
Ăn quả nhớ kẻ trồng cây,
Phải chăng khổ tận, đến ngày cam lai.
(HCM, “Cảm ơn người tặng cam”)
Câu "Ăn quả nhớ kẻ trồng cây", đã đến lúc phải trả lại cho dân gian Việt Nam:
1.
Ăn quả nhớ kẻ trồng cây,
Có danh có vọng nhớ thầy khi xưa.
2.
Ăn quả nhớ kẻ trồng cây,
Uống nước sông nầy nhớ suối từ đâu.
3.
Ăn quả nhớ kẻ trồng cây,
Ăn khoai nhớ kẻ cho dây mà trồng.
4.
Ăn quả nhớ kẻ trồng cây,
Có bát cơm đầy, nhớ đến nhà nông.
Đường đi cách bến cách sông,
Muốn qua giòng nước, nhờ ông lái đò!
5.
Ăn quả nhớ kẻ trồng cây,
Ăn gạo nhớ kẻ đâm xay, giần sàng.
(Nguyễn Tấn Long & Phan Canh: Thi Ca Bình Dân VN, nxb Sống Mới 1969).
và câu "phải chăng khổ tận, đến ngày cam lai" lại là của cụ Tố Như:
Thương vui bởi tại lòng này,
Hay là khổ tận đến ngày cam lai?
(Kim Vân Kiều, sđd, câu 3209-3210, trang 262)
6. Một lần vĩ-nhân-xứ-Nghệ trở về thăm làng Sen, trong bài phát biểu có câu:
Quê hương nghĩa nặng tình sâu,
Năm mươi năm ấy biết bao nhiêu tình!
thế rồi từ đó, hai câu này "phải" thuộc tác quyền của Bác-Hồ: "người Việt Nam, Việt Nam hơn người Việt Nam nào hết" (Phạm Văn Đồng). Tuy nhiên, câu "Quê hương nghĩa nặng tình sâu" vốn nằm trong ca dao từ vạn đại:
1.
Quê hương nghĩa nặng tình sâu,
Thấy hoa gạo đỏ rủ nhau cùng về.
2.
Quê hương nghĩa nặng tình sâu,
Đất quê chôn chặt “nhúm nhau” của mình.
(Thi Ca Bình Dân VN, sđd)
và ai hơi hơi thuộc Kiều, chắc chắn sẽ bị / được chưng hửng vì "nói rứa mà nỏ phải rứa" khi câu "Năm mươi năm ấy biết bao nhiêu tình", lại cũng của cụ Nguyễn Du, thác lời Thúy Vân trong cảnh Kim-Kiều tái ngộ:
Những là rày ước mai ao,
Mười lăm năm ấy, biết bao nhiêu tình!
(Kim Vân Kiều, sđd, câu 3069-3070, trang 254)
7. Trong bài "Cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước thắng lợi vĩ đại của bản lĩnh và trí tuệ VN" có câu: «Bác Hồ nói:
Nay tuy châu chấu đấu voi,
Nhưng mai voi sẽ bị lòi ruột ra.
là hoàn toàn không đúng sự thật, nếu không muốn nói là Bác của người ta đã nhận vơ rất tự nhiên, rất vô tư, vì từ ngàn xưa ca dao ta đã lưu truyền hai câu:
Nực cười châu chấu đá xe,
Tưởng rằng chấu ngã, ai dè xe nghiêng.
8. Trong một bức thư gửi cho "ngụy binh", đề ngày 15/01/1951, Hồ chủ tịch có câu:
Nhiễu điều phủ lấy giá gương,
Con Hồng, cháu Lạc phải thương nhau cùng!
và báo giới Miền Bắc cứ buộc cho là do Bác của họ "phát minh", trong khi kho tàng ca dao đã di lưu từ bảy mươi đời:
Nhiễu điều phủ lấy giá gương,
Người chung một nước phải thương nhau cùng!
(Vũ Ngọc Phan: Tục ngữ, ca dao, dân ca Việt Nam, trang 127)
9. Trong bài "Sáu Mươi Tuổi":
Ăn khoẻ, ngủ ngon, làm việc khoẻ,
Trần mà như thế kém gì tiên.
thì ca dao đã có:
1.
Ăn được ngủ được là tiên,
Không ăn, không ngủ là tiền vất đi!
2.
Ăn được, ngủ được là tiên,
Kém ăn biếng ngủ, mất tiền thêm lo.
9. Trong cuốn HCM, Về Giáo Dục Thanh Niên, bài “Khuyên Thanh Niên”, trang 87, nxb Thanh Niên - Hà Nội 1977, được mào đầu bằng 4 câu thơ, với ghi chú "Thơ Hồ chủ tịch, nxb Văn Học - Hà Nội 1967, trang 37":
Không có việc gì khó,
Chỉ sợ lòng không bền.
Đào núi và lấp biển,
Quyết chí ắt làm nên.
thì từ xưa thật là xưa, ca dao tục ngữ Việt Nam đã dạy:
1.
Người có chí thì nên,
Nhà có nền thì vững.
2.
Ai ơi không chóng thì chầy,
Có công mài sắt, có ngày nên kim.
3.
Trời nào có phụ ai đâu,
Hay làm thì giàu, có chí thì nên.
4.
Ai ơi giữ chí cho bền,
Mặc ai xoay hướng, đổi nền mặc ai.
Và nếu truy thêm chút đỉnh sẽ gặp mùi cổ thi Trung Quốc:
Hán văn
Tạc sơn thông đại hải
Luyện thạch bổ thanh thiên
Thế thường vô nhân sự
Nhân tâm tự bất kiên.
Việt ngữ
Sớm sớm lên đỉnh núi
Đội đá vá trời xanh
Bền gan không nản chí
Việc khó cũng thành công.
10. Ngày 14 thánh 03 năm 1963, Hồ chủ tịch tiễn phái đoàn Vương quốc Lào trở về nước bằng 4 câu thơ:
Thương nhau mấy núi cũng trèo,
Mấy sông cũng lội, mấy đèo cũng qua.
Việt-Lào hai nước chúng ta,
Tình sâu hơn nước Hồng Hà, Cửu Long.
Sau đó bốn câu này được đăng trên báo Nhân Dân số 3274 (14/03/1963) với tựa đề «Tình hữu nghị Việt-Lào» ký tên Hồ Chí Minh, không ghi chú cũng như không có mở ngoặc, rồi được in lại trong Hồ Chí Minh Toàn tập, tập 9 Nxb Sự Thật HN 1989, trang 482, cũng không ghi chú nguồn, nghĩa là tất cả là do thi-hào-họ-Hồ ‘sáng tác’!
Hai câu đầu trong bài này vốn là ca dao việt nam từ khi mổ khi mô, ai đọc sách đều rõ, đơn cử:
1.
Yêu nhau tam tứ núi cũng trèo,
Thất bát khe cũng lội, tứ cửu, tam thập lục đèo cũng qua.
2.
Yêu nhau chẳng quản xa gần,
Mấy sông cũng lội, mấy ngàn cũng qua.
(Nguyễn Tấn Long & Phan Canh: sđd tập 1 trang 171)
3.
Bạn đọc chỉ việc gu-gồ là sự sự sẽ rõ ràng hơn hầu tránh cho người viết vướng tội nói điêu, bêu rêu “danh nhân văn hoá của nhân loại”.
Riêng phần ca dao tục ngữ bản gốc trong bài này, tôi nghĩ hai câu dưới đây tóm gọn nhưng xúc tích được sự ‘nhuần nhuyễn sáng tạo’ của Người:
Trống chùa ai đánh thì thùng,
Của chung ai khéo vẫy vùng thành riêng.
(Ca dao VN)
11. Cũng trong cuốn sách nói trên (tiết 9), trang 104, bài “Nói Chuyện Với Nam Nữ Thanh Niên Học Sinh Các Trường Trung Học Nguyễn Trãi, Chu Văn An và Trưng Vương (Hà Nội)”, có dẫn câu: «Nhiệm vụ của thanh niên không phải là hỏi nước nhà đã cho mình những gì, mà phải tự hỏi mình đã làm gì cho nước nhà», phía dưới ký tên Hồ Chí Minh.
Câu dẫn này – tuy không là thơ - lại làm tôi sửng sốt thực sự, vì tôi tin quyết ai có chút tò mò về thế giới ngoài Việt Nam đều biết hai năm rõ mười, câu nói nầy là của cố Tổng Thống Mỹ John F. Kennedy (1917-1963), trong bài diễn văn nhậm chức ngày 20/01/1961 tại Washington:
«Đừng hỏi dân tộc đã làm gì cho anh, mà nên hỏi anh đã làm gì cho dân tộc» (“Don't ask what the country can do for you, but ask what you can do for the country." / "Ne vous demandez pas ce que votre pays peut faire pour vous, mais demandez-vous ce que vous pouvez faire pour votre pays", 20/01/1961). [2]
Rồi từ sự sửng sốt trên, tôi nhớ lại đã có lần nêu ra trong một vài bài viết khác về tầm tự trọng của một số "danh nhân" ở xứ ta, hơn nửa thế kỷ qua, qua việc nhận vơ trí tuệ của người làm của mình, chôm chỉa từ một câu nói đến hai dòng thơ qua nguyên bản nhạc... và tôi chỉ muốn gào lên, gào to lên sao cho vọng về tận khởi điểm của 4.000 năm văn hiến mà tôi hằng tự hào từ hồi mới lớn! Nay, tiện thể xin ghi gom lại một lần cuối:
12. Câu nói "từ dân, do dân, vì dân" ký tên Hồ-Chí-Minh vốn là phát biểu của Tổng Thống Mỹ Abraham Lincoln (1809-1865), sau trận chiến Gettysburg ngày 19 tháng 11 năm 1863:
"... and that government from the people, by the people, for the people" (A. Lincoln)
"La démocratie, c'est le gouvernement du peuple, par le peuple, pour le peuple" (A. Lincoln)
13. Câu "mười năm trồng cây, trăm năm trông người" ký tên Hồ-Chí-Minh vốn là quốc sách của Quản Di Ngô từ thời Chiến Quốc bên Tàu: "Nhất niên chí kế mạc như thụ cốc, Thập niên chi kế mạc như thụ mộc, bách niên chi kế mạc như thụ nhân" (Kế sách một năm không gì bằng trồng lúa, kế sách mười năm không gì hơn trồng cây, kế sách trăm năm không gì hơn trồng [giáo dục] người).
*
Ngoài xã hội, vô nhà người mà không xin phép, không gõ cửa đồng nghĩa với tà tâm "ăn trộm"; vô nhà người, mượn tài vật mà không ngỏ lời là "ăn cắp". Trong văn nghệ, mượn ý tứ của người mà không ghi xuất xứ là "nhận vơ". Chân thường nhân "ăn cắp", "ăn trộm" cái xấu hổ chân thường nhân riêng chịu, không lây lan cho ai. Ngụy vĩ nhân "nhận vơ" cái xấu hổ trở nên "vĩ đại", hơn nữa tiếp tục nhồi nhét đồ "nhận vơ" vào đầu trẻ nít, thanh thiếu niên; duy ý chí "nặn cục đất ra ông Táo", quanh co ngụy biện cho "đồ nhận vơ", cái xấu hổ sẽ thành "vĩ đại" trong cái "vĩ đại", chóng chầy cũng biến chứng thành cái "bình thường" của nhà nhà, cho khít với luật chơi "thượng bất chánh, hạ tắc loạn", hay:
Người trên ở chẳng chính ngôi,
Cho nên kẻ dưới chúng tôi hỗn hào.
Người trên ở chẳng được cao,
Khiến cho kẻ dưới lộn nhào lên trên.
(Ca dao VN)
(26/12/2011)
________________________________
Ghi Chú:
[1] Lược theo Anh Hùng Xạ Điêu tập VI, trang 182-186, nguyên tác Kim Dung, bản dịch Phan Cảnh Trung & Đà Giang Tử, Nxb Hương Hoa – Sàigòn, 1964.
[2] Lý Chánh Trung: Tôn Giáo và Dân Tộc, Nxb Lửa Thiêng – Sàigòn 1972, trang 16, có dẫn câu này và cũng ghi rõ là của J.F. Kennedy.