Đầu năm, mạn đàm về ‘trí thức’ - Dân Làm Báo

Đầu năm, mạn đàm về ‘trí thức’

Mai Sỹ Xuân Lâm (danlambao) - Với internet ngày nay, kiến thức của con người được phổ cập rất nhanh, thế nên không khó gì để tìm thông tin, định nghĩa về một cái gì gì đó bất kỳ. “Trí thức là gì?”, “thế nào là trí thức?” cũng không khó để đi tìm một định nghĩa cho nó. Tuy nhiên, dựa theo quá trình lịch sử sự xuất hiện của hai từ ‘Trí Thức’ cũng như sự hiểu của mọi người về cụm từ ‘trí thức’ này, quả thật có quá nhiều điều cần tranh luận.

Người trí thức được hiểu một cách đơn giản nhất không cần phải suy nghĩ nhiều, theo cách dân dã của người Việt Nam là: Một người có ăn học và làm việc bằng trí óc.

Điều này chúng ta dễ dàng nhận thấy thông qua mỹ từ của những người chốn thôn quê, người bình dân họ thường khen tặng một người ăn mặc chỉnh tề (đồ Tây, khoác Veston): “Nhìn cháu nó ăn mặc xem kìa, trí thức quá bây ơi!”. Ngụ ý khen tặng một ai đó có cách ăn mặc giống với người được đi học, học cao, có kiến thức. Vì thời xưa ít ai được đi học.

Theo dòng thời gian trong xã hội Việt Nam nói riêng, cụm từ ‘trí thức’ dường như đi liền với giáo dục, sự học và kiến thức. Thế nên khi nói đến trí thức là ý muốn nói đến những người có học, học cao và làm việc bằng trí óc (phân biệt với người làm công, lao động chân tay). Đó là cách hiểu về ‘trí thức’ rất hạn hẹp trong xã hội Việt Nam từ thời phong kiến kéo dài đến ngày hôm nay.

Xét trên giá trị rộng hơn, khi phân tích 2 từ ‘Trí” và ‘Thức’ thì ta thấy rằng tiếng Việt rất phong phú để diễn giải cho hai từ này. Tuy nhiên, khi đặt và xét cụm từ ‘trí thức’ theo ngữ nghĩa liên quan đến hoạt động của não bộ thì ta có thể hiểu trí thức dưới hình thái như sau:

- Trí: Là quá trình nhận thức, suy nghĩ, tư duy của con người bao gồm khả năng học hỏi, tiếp thu, ghi nhớ, giao tiếp, tưởng tượng, diễn tả, lý luận, phê phán, giải quyết vấn đề,..v.v…..

- Thức: Khi chúng ta nói đến các cụm từ như ý thức, nhận thức, tâm thức, thức tỉnh,..v.v…. Được mô tả như là một dạng từ ngữ diễn đạt cho một hành động, hay một sự việc nào đó được thực hiện một cách sáng suốt và hiệu quả. Phản nghĩa với thức là vô thức.

VD: Giao tiếp có ý thức; Người có ý thức với công việc và cộng động; Người có nhận thức.

Kết lại: Trí thức là quá trình tư duy của con người để giải quyết vấn đề một cách sáng suốt và hiệu quả.

Như vậy, từ đây ta có thể hiểu theo một nghĩa rộng hơn: Khi nói đến nhà trí thức, hay còn gọi là người trí thức là chúng ta muốn nói đến những người có suy nghĩ, tư duy, nhận thức để giải quyết một vấn đề nào đó trong xã hội, chính trị, kinh tế, khoa học, giáo dục,.v.v…. Một cách sáng suốt và hiệu quả. Để phân biệt người trí thức và không trí thức ta có thể quan sát và đánh giá dựa trên hành động của người đó có suy nghĩ kỹ, có tư duy không, người đó có trách nhiệm không, người đó đã nhận thức đúng và đủ vấn đề chưa, khác với một người hời hợt đụng đâu làm đó, sai gì làm nấy. Trí và Thức đó chính là cơ sở để đánh giá ai là một nhà trí thức.

Một khi chúng ta hiểu được giá trị của nhà trí thức là những người có tư duy và giải quyết vấn đề một cách sáng suốt, mang lại lợi ích chung, thì chúng ta có thể thấy ngay rằng lối suy nghĩ về trí thức là một người có ăn học và làm việc bằng trí óc đã trở nên hạn hẹp và kém hiệu quả. Vì đôi khi một người có ăn học và làm việc bằng trí óc, nhưng cách làm của họ không mang lại lợi ích và không sáng suốt thì không thể coi là người trí thức, mà khi đó chỉ đáng gọi là trí ngủ hay còn gọi là trí thức trùm chăn, trí thức tự phong, trí thức tự sướng.

Việc xách định thế nào là một người trí thức, cũng giống như việc đặt giả thuyết \sqrt{2} là số hữu tỉ, sau biện luận chứng minh thì \sqrt{2} là số vô tỉ. Như vậy ta có thể thấy rằng, lý luận phản biện xã hội cũng là một mặt của toán học, chúng chỉ khác nhau chữ và số. Nếu đặt giả thuyết người trí thức là người có ăn học và làm việc bằng trí óc thì sau khi biện luận đã cho ta đáp án: Người có ăn học và làm việc bằng trí óc mà không mang lại lợi ích và không sáng suốt thì chỉ là trí ngủ. Tương tự, nếu đặt giả thuyết phản biện xã hội không là chỉ tiêu để phong hàm “trí thức”. Thì khi những người tham gia phản biện đã nhận thức được những vấn đề có lợi, có hại và đưa chúng ra phản biện xã hội nhằm giúp cho người lãnh đạo giải quyết vấn đề đó một cách sáng suốt và thấu đáo, mang lại lợi ích chung. Thì ta thấy rằng, chính những người tham gia phản biện xã hội đã là những nhà trí thức, mặc dù đóng góp của họ chỉ là gián tiếp.!

Toán học giúp giải quyết các con số một cách LOGIC dựa trên các công thức toán học, phản biện xã hội giúp giải quyết vấn đề bằng lý luận LOGIC. Chúng khác nhau giữa chữ và số nhưng đều có giá trị chung là sử dụng tư duy LOGIC để chứng minh. Điều này cho ta thấy rằng, phát biểu của ông Ngô Bảo Châu khi trả lời phỏng vấn báo Tuổi Trẻ đã không suy nghĩ thấu đáo vấn đề về giá trị của trí thức. Nếu xem giá trị của trí thức là giá trị của sản phẩm mà ông ta làm ra và đoạt được giải thưởng triệu đô, thì chẳng khác nào chúng ta đang xét đến giá trị để phong tặng học hàm, học vị. Ông Ngô Bảo Châu là một người như vậy, một người được phong hàm giáo sư. Thế nên, sau khi phân tích chúng ta không khó để nhìn nhận được vấn đề, mèo đang khen mèo dài đuôi.

Trí thức là quá trình tư duy của con người để giải quyết vấn đề một cách sáng suốt và hiệu quả. Đôi khi giá trị sản phẩm của người tạo ra nó đoạt được giải thưởng triệu đô, nhưng họ lại không giải quyết được vấn đề ‘trí thức’ một cách thấu đáo và sáng suốt thì chỉ là trí ngủ. Họ chỉ có giá trị trong ngành, nghề của họ mà không có giá trị trong xã hội. Đôi khi những bác nông dân chỉ mới học lớp 4 nhưng họ có tư duy và giải quyết được vấn đề, đã chế tạo được máy móc nông cụ phục vụ hiệu quả cho bà con nông dân, mang đến lợi ích cho xã hội. Họ có giá trị rất lớn cho xã hội, mặc dù sản phẩm của họ làm ra không có giá trị triệu đô, họ cũng là người trí thức.!



Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo