Nhắn ông Đỗ Hữu Ca - Giám đốc Công an Hải Phòng - Dân Làm Báo

Nhắn ông Đỗ Hữu Ca - Giám đốc Công an Hải Phòng


Nguyễn Văn Khải - Ông già Ôzôn (Danlambao) - Hai hôm nay rất nhiều người dẫn thêm con cháu tới thăm nhà tôi, trong đó có cả người Hải Phòng tới xin nước Anolyt chữa bệnh lở loét bội nhiễm cho con cháu. Tôi thường mở máy tính cho các cháu xem cái mà ông Ca gọi là “chòi trông cá” đã bị san bằng trên mảnh đất không bị cưỡng chế thuộc khu đầm của anh Vươn ở Cống Rộc, Tiên Lãng. Tôi hỏi các cháu: “Nếu có người gọi đây là lều thì theo cháu trình độ học vấn của người ấy thế nào?”. Tất cả các cháu đều bảo đây là nhà hai tầng. Có cháu mới 5 tuổi còn nói kĩ hơn: “Đây là nhà mái bằng hai tầng”. Có cháu còn nói: “Đó là nhà chưa quét vôi”. Có một điểm đồng nhất với các cháu là: Người gọi đây là "cái chòi" là người chưa biết nói tiếng Việt.

Nếu coi ngôi nhà bị phá là "chòi" thì không hiểu trong cuốn binh thư mà ông Ca sắp viết sẽ phải bày binh bố trận như thế nào, huy động lực lượng như thế nào, đội hình chiến thuật bố trí làm sao... Tóm lại là kế hoạch tác chiến ra sao? Vì không có người đọc nào công nhận đấy là "chòi" đâu ông Ca ơi!

Cũng trong dịp tết này tôi gặp lại rất nhiều chiến hữu, học trò, người trong gia tộc và bạn bè đang chiến đấu ở các chiến trường BCK hoặc là công an. Với những loại lính già từ năm lăm tới tám mươi tuổi không thể không cùng nhau kể lại những trận đánh đã qua, những kỉ niệm ở chiến trường. Kể cả buồn, vui, đau khổ hay vinh quang. Cùng 2 cựu thiếu tướng và mấy đại tá chúng tôi ôn lại trận đánh cao điểm 241-Tân Lâm, trong ngày đầu tháng 4-1972. Khi những trái đạn B40, B41 của Đại đội 7, tiều đoàn 5, trung đoàn 24, sư đoàn 304 dương lên nhằm thẳng vào hầm ban tham mưu của trung đoàn 56 - quân lực Việt Nam Cộng Hòa, thì lời gọi hàng của chúng tôi đã được đáp ứng. Trung tá Đính và sĩ quan, binh sĩ còn lại của trung đoàn 56 đầu hàng vô điều kiện. Mặc dù căm giận họ đã bắn chết và làm bị thương rất nhiều đồng đội của mình, riêng đại đội tôi mất hai phần ba quân số, nhưng những người giải phóng quân không hề đánh đập mắng chửi họ bởi chúng tôi là lính cụ Hồ.

Đại tá Đỗ Hữu Ca (người béo tròn) đang chỉ đạo tác chiến, tấn công vào ngôi nhà trống không của anh Đoàn Văn Vươn

Trưa 31-1-1973, Tiểu đoàn chúng tôi cùng các đơn vị khác tấn công ở Cửa Việt bắt sống mười bảy xe tăng và hàng trăm lính thuộc tiểu đoàn Trâu Điên, lữ đoàn biệt động... Tất cả họ đều không bị đánh đập chửi rủa.

Cuối tháng 5-1973, tại Cam Bình - Cam Lộ - Quảng Trị, tôi là chủ tịch hội đồng quân nhân của đơn vị nghiêm khắc phê bình và kỉ luật những chiến sĩ của đơn vị đã có những hành vi xấu, những lời không đẹp đối với các gia đình quân nhân ở phía bên kia.

Vậy tại sao đội quân liên hợp cưỡng chiếm đất nhà anh Vươn lại đánh vợ anh Vươn, em dâu anh Vươn và con anh Vươn sau khi không bắt được đối phương trong căn nhà bỏ trống. Không là cảnh sát điều tra ai cũng có thể biết rằng trước khi thả vợ và em dâu anh Vươn, cảnh sát bắt họ phải kí khống vào giữa một tờ giấy trắng và kí vào góc tờ giấy trắng thứ hai để làm gì?

Tác giả - Tiến sĩ Nguyễn Văn Khải (Ông già Ozon) đứng bên phải, ngoài cùng

Trong lúc trò chuyện cùng chiến hữu, chúng tôi kể với nhau về các đội hình chiến đấu trong các trận đánh, sự phối hợp giữa các phương tiện cũng như giữa các binh chủng, chợt một người nhớ tới những bức ảnh về đội quân liên hợp túm tụm trên đường mòn đưa tới ngôi nhà đã bị san phẳng, dáng đứng hiên ngang của ông Ca trước cấp dưới, hai con chó nghiệp vụ không chịu xông lên phía trước dù hai cảnh sát cố ép nó (Con chó tôi đang nuôi để trông nhà hễ thấy khách là lao lên, người đứng ở ngoài nhìn vào nhà khác thì không sao nhưng nhìn vào nhà tôi là bị nó sủa). Tôi cười trả lời đồng đội cũ : Chắc anh Vươn không phải là lính thiện chiến, chỉ cần 1 quả lựu đạn hoặc dùng nhiều loại vũ khí thô sơ khác cũng có thể diệt hàng tá lính đối phương rồi!

Trong giai đoạn cuối của chiến dịch Quảng Trị chỉ có trong trận Cửa Việt, đại đội tôi mới có được sáu chục người, còn nhiều trận khác như chốt 105 chỉ có người thôi. Chính trị viên trưởng tiểu đoàn 924 của tôi mới có là trung úy. Thế nhưng trận nào chúng tôi đánh cũng thắng. Nếu phải phục để chặn đối phương, sau đó được lệnh rút đi mà không ai bị thương vong thì người ta thường nói rằng chúng tôi đã thắng. Còn quân của ông Ca bị thương 6 lính, không bắt được đối phương, thì chúng tôi quen gọi là thất bại nhục nhã. Cần phải ghi lại thất bại này trong Binh thư yếu lược Việt Nam hiện đại để các lực lượng vũ trang của Việt Nam chiến đấu với bọn xâm lược, những băng đảng xã hội đen sẽ không phải bị đòn đau như vậy.

Rất tiếc tôi phải chuẩn bị đón bà con đến xin Anolyt chữa bệnh, khi nào có thời gian tôi sẽ nhắn ông Ca thêm nhiều điều nữa!


Nguyễn Văn Khải - Ông già Ôzôn
danlambaovn.blogspot.com


Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo