Về bài tiểu luận của Zbigniew Brzezinski - Dân Làm Báo

Về bài tiểu luận của Zbigniew Brzezinski

Nguyễn Nghĩa 650 (danlambao) Đó là bài: "Quân bình lực lượng phương Đông, nâng cấp phương Tây (Đại chiến lược của Mỹ trong một kỷ nguyên đầy biến động)". Zbigniew Brzezinski, Foreign Affairs, January/February 2012-01-27.  Cho đến hôm nay, bài đã được đăng trên ít nhất là 2 trang mạng: BVN ngày 30/1/2012DCV ngày 31/1/2012. Bài tiểu luận này thể hiện tầm nhìn của 1 chiến lược gia Hoa Kỳ, người đã từng có ảnh hưởng rất lớn đến chính sách đồng minh chiến lược của Hoa Kỳ với Trung Quốc.

So với quan niệm chính thống của tổng thống Obama hiện nay, cách nhìn của Brzeziński là khác hẳn.

Chiến lược của Hoa Kỳ hiện nay là tăng cường sự hiện diện tại Tây-Nam Thái Bình Dương, tự nhận có lợi ích quốc gia tại các tranh chấp trên Biển Đông từ quan điểm an ninh hàng hải quốc tế. Hoa Kỳ dăng lưới thưa quanh Trung Quốc, bằng cách sẽ bố trí 2500 binh lính tại căn cứ Darwin của Úc. Hoa Kỳ thành lập những liên minh không hình thức như Hoa Kỳ- Úc-Nhât Bản- Ấn Độ,.. để cản Trung Quốc bành trướng trên Thái Bình Dương. Hoa Kỳ thúc đẩy hình thành 1 thị trường kinh tế rộng lớn 2 bên bờ Thái Bình Dương: nâng số các quốc gia tham gia Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) lên thành 12 quốc gia, đặt Trung Quốc ở ngoài. Ngoại trưởng Hillary Clinton luôn chỉ trích những điểm yếu cơ bản của Trung Quốc, như đòi hỏi chủ quyền ở Biển Đông mà không có bằng chứng pháp lý, ngăn cản tự do Internet như những tên hề của lịch sử,..

Hoa Kỳ đang sử dụng chiến thuật tăng cường ưu thế quân sự tại Thái Bình Dương, Châu Á, tránh đối đầu quân sự trực tiếp với Trung Quốc, nhưng quyết không tránh đối đầu về ngoại giao...

Z.Brzeziński lại tung ra luận điểm:

“Mỹ phải tôn trọng vai trò lịch sử và địa chiến lược đặc biệt của Trung Quốc trong việc duy trì ổn định trên phần lục địa Viễn Đông… Mỹ phải nhìn nhận rằng tình trạng ổn định tại châu Á không còn có thể bị áp đặt bởi một cường quốc phi-châu Á; Mỹ lại càng không thể trực tiếp sử dụng sức mạnh quân sự của mình tại đó”.

Ảnh hưởng của nguyên cố vấn an ninh quốc gia Hoa Kỳ Z.Brzeziński trong chính trị của Hoa Kỳ chưa phải đã hết. 

Những quan điểm của ông ta, chắc vẫn có nhiều chính trị gia đối lập với chính trị Tổng thống Obama, pro-Trung Quốc ủng hộ. 

Nhất là những bộ phận đại diện cho quyền lợi của Wall Street.

Do vậy, việc phân tích những quan điểm của tác giả bài tiểu luận là cần thiết. 

Nhất là những quan điểm liên quan đến trực tiếp đến Trung Quốc, Việt Nam, Đông Nam Á, đến Biển Đông ... vì những quan điểm này, tác động đến cuộc đấu tranh dành lại Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam.

1. Z.Breziński là ai?

Sinh ngày 28/3/1928 tại Warszawa-Ba Lan, hiện Z. Brzezinski là chính trị gia, tư tưởng gia đang tích cực hoạt động của Hoa Kỳ. Năm 1938, Z. Brzezinski sang Ca Na Đa cùng gia đình. Năm 1953 bảo vệ luận án tiến sĩ về chính trị học tại trường Havard. Năm 1958 nhập quốc tịch Mỹ. Từ 1977-1981 là cố vấn an ninh quốc gia USA của Tổng thông J. Carter.

Cùng với H. Kissinger, ông Z. Brzeziński là 1 trong những chính trị gia hàng đầu của Hoa Kỳ về chuyên ngành địa chính trị. 

Hai chính trị gia này thiên về chiến lược cùng Trung Quốc điều khiển thế giới. 

Z. Brzezinski cũng ủng hộ, tuyên truyền cho 1 Trung Quốc đang trỗi dậy 1 cách hòa bình. 

Ý tưởng nhóm G2 gồm Trung Quốc và Hoa Kỳ cùng chia xẻ những khó khăn nẩy sinh trong lãnh đạo thế giới, có vẻ xuất phát từ xuất phát từ nhà chiến lược chính trị này.

2. Sơ lược về chính trị Hoa Kỳ.

Nếu bỏ qua học thuyết giai cấp của Mác-Lênin, ta có thể nhận thấy rằng, cho đến hôm nay, loài người mới trải qua 2 hình thức tổ chức xã hội chính:

2.1. Hình thức xã hội không dân chủ.

Đây là xã hội, mà công dân của xã hội này không bình đẳng với nhau trong hiến pháp và trước pháp luật. Pháp luật chỉ bảo vệ cho quyền lợi của 1 tầng lớp thiểu số nắm quyền hành. 

Ở chế độ phong kiến thì tầng lớp này là dòng họ của nhà vua và tầng lớp quí tộc phong kiến có công với triều đại phong kiến này.

Ở chế độ độc tài, toàn trị do 1 chính đảng độc quyền lãnh đạo, pháp luật chỉ bảo vệ quyền lợi cho các thành viên xã hội có dính líu đến đảng lãnh đạo.

Trong xã hội không dân chủ này, quyền làm Con Người chỉ dành cho nhóm nhỏ , 1 thiểu số.

Trung Quốc, Việt Nam hiện nằm trong nhóm này.

2.2. Hình thức xã hội dân chủ.

Đây là xã hội mà hiến pháp, pháp luật đảm bảo cho mọi công dân của xã hội này quyền làm chủ nhà nước, quyền bình đẳng trước pháp luật, quyền tự do tín ngưỡng, tự do ngôn luận, tự do làm giầu,.. Trong xã hội dân chủ này, người dân được quyền làm chủ nhà nước thông qua hình thức bầu cử theo chu kỳ. Đây là xã hội mà mọi công dân, không phân biệt nguồn gốc, tín ngưỡng, của cải hay quan điểm chính trị... đều bình đẳng trước pháp luật, đều có Nhân quyền, đều là Con Người. 

Hoa Kỳ là 1 quốc gia dân chủ.

Nhà nước Hoa Kỳ do 2 chính đảng là Dân chủ và Cộng hòa thay phiên nhau nắm giữ và điều hành, thông qua các cuộc bầu cử vào Hạ viện, Thượng viên, hay bầu cử Tổng thống Hoa Kỳ,.. mặc dù tại Hoa Kỳ có trên dưới 200 đảng phái, hội, nhóm.. hoạt động, tuyên truyền ảnh hưởng cho tổ chức của mình. 

Thể chế bầu cử minh bạch, đảm bảo cho những nhân vật kiệt xuất được thể hiện trong các đóng góp cho chính trị Hoa Kỳ.

Với Hiến pháp tiến bộ bậc nhất hành tinh khi đề cao dân quyền, bình đẳng các sắc tộc, nhân quyền, tự do,... Hoa kỳ thuộc vào các quốc gia có hệ thống chính trị rõ ràng, nhà nước được điều hành minh bạch. 

Trong 1 xã hội hiện đại, không phân biệt dân chủ hay không dân chủ, có 3 tầng lớp công dân tác động trực tiếp đến chính trị nhà nước:

2.1. Đại bộ phận những người dân lao động, những người trực tiếp tạo ra của cải vật chất cho xã hội.

Đảng Dân chủ Hoa Kỳ là chính đảng đấu tranh cho tự do dân quyền, tự do dân sinh, cho công bằng xã hội...tranh dành ảnh hưởng trong tầng lớp này.

2.2. Một bộ phận rất năng động của xã hội, tích tụ được 1 số lượng tài sản rất lớn từ việc nắm được các qui luật kinh tế, tuân thủ các qui tắc kinh tế do hệ thống chính trị đặt ra. Bộ phận này có tính đầu tầu thúc đẩy nền kinh tế, gây ảnh hưởng chính trị trên toàn xã hội. 

Phát biểu quyền lợi của tầng lớp tiên tiến này, từ những ngày thành lập (1854) tại Hoa Kỳ là đảng Cộng hòa.

2.3. Tầng lớp trung gian về kinh tế gồm các giảng viên đại học, nhà văn, nhà báo, những chủ nhân các hãng nhỏ, những chuyên viên bậc cao trong các hãng lớn,.. 

Đây chính là những thành phần tích cực trong nền kinh tế tư bản. 

Họ không phải là những người nghèo, tuy chưa hẳn giầu có. Số tiền, mà họ tạo ra hàng tháng, đủ để họ sẵn sàng mua các sản phẩm kỹ thuật mới... Tầng lớp này ngày một đông đảo và trở thành 1 động lực rất lớn cho phát triển kinh tế. 

Do chủ động về kinh tế gia đình, lại có tri thức cao, nên tầng lớp này rất được 2 chính đảng lớn tại Hoa Kỳ chú ý.

Điều này giải thích tại sao tại Hoa Kỳ, dù có đến trên dưới 200 tổ chức chính trị nhỏ khác hoạt động, nhưng quan tâm của người dân, chỉ tập trung vào cương lĩnh tranh cử của 2 đảng Cộng hòa và Dân chủ.

Như vậy, trên phương diện vĩ mô, chính trị Hoa Kỳ là nền chính trị đại nghị ổn định dựa trên tam quyền phân lập. 

Tuy là đảng phái chính trị, nhưng 2 đảng Cộng hòa và Dân chủ của Hoa Kỳ có cơ cấu lỏng lẻo không giống các chính đảng tại các nước khác, nhất là cơ cấu của các chính đảng cộng sản theo quan điểm Lênin. Do vậy, các nhóm áp lực chính trị có vai trò rất quan trọng trong việc hình thành 1 chính sách của chính phủ Hoa Kỳ.

Z. Brzezíńki là 1 trong những chính trị gia của 1 nhóm áp lực chính trị của Hoa Kỳ. 

3. Tóm tắt nội dung bài viết "" Quân bình lực lượng phương Đông, nâng cấp phương Tây (Đại chiến lược của Mỹ trong một kỷ nguyên đầy biến động)" liên quan đến "phương đông" và 1 vài phân tích.

Đại chiến lược mà Z. Brzezíńki đề ra nhằm đảm bảo cho Hoa Kỳ tiếp tục ở vị trí cường quốc của thế kỷ 21 này. Việc đầu tiên, Z. Brzezíńki cho rằng Hoa Kỳ phải tạo sức sống mới cho chính mình. Thật vậy, một cường quốc mà nền kinh tế bị phá sản, không còn là cường quốc nữa. Tuy nhiên, lịch sử ngắn ngủi của Hoa Kỳ đã chứng minh rằng, Hoa Kỳ đã vượt qua những khủng khoảng kinh tế như 1929-1940 và mạnh lên sau khủng khoảng kinh tế. 

Z. Brzeziński đề nghị Hoa Kỳ quan tâm đến 1 Châu Âu dân chủ và rộng lớn bao gồm cả nước Nga. Một Châu Âu dân chủ sẽ hậu thuẫn mạnh cho Hoa Kỳ trong việc tranh dành ảnh hưởng với Trung Quốc trên toàn cầu.

Trong bài viết này, tôi quan tâm đến những quan điểm của Giáo sư Z. Brzeziński liên quan đến Trung Quốc. Ta có thể liệt kê các quan điểm chính của Z. Brzeziński về Trung Quốc như sau:

3.1. Trung Quốc chưa hề đưa ra một tín hiệu ý thức hệ nào để khẳng định rằng thành tích gần đây của TQ có thể áp dụng đều khắp trên thế giới, và Mỹ đã đi những bước thận trọng để không biến vấn đề ý thức hệ thành trọng điểm trong mối quan hệ với Trung Quốc.

3.2. Vai trò của Mỹ tại châu Á phải là vai trò của một cường quốc có khả năng quân bình lực lượng trong khu vực, mô phỏng theo vai trò của Vương quốc Anh trên vũ đài chính trị giữa các nước châu Âu trong thế kỷ 19 và thế kỷ 20.

Để giải thích luận điểm 1, Z. Brzeziński cho rằng: "cả Washington lẫn Bắc Kinh đã chấp nhận quan niệm về “một quan hệ đối tác xây dựng” trong các vấn đề toàn cầu. Mỹ, mặc dù chỉ trích Trung Quốc về các vi phạm nhân quyền, nhưng đã thận trọng không bôi bác toàn bộ hệ thống kinh tế xã hội Trung Quốc."

Đồng thời, 1 kịch bản được mô tả cho trường hợp không khôn ngoan như vừa nêu ở giải thích luận điểm 1, nghĩa là khi cả Mỹ và Trung Quốc bắt đầu phản bác nhau:

"Trong kịch bản đó, Washington sẽ tranh luận rằng sự thành công của Bắc Kinh đặt cơ cở trên một chế độ độc tài bạo ngược và đang gây tổn thương cho sức mạnh kinh tế của Mỹ; trong khi đó, Bắc Kinh sẽ lý giải rằng thông điệp mà Mỹ đưa ra là một mưu mô nhằm phá hoại và thậm chí có thể làm tan rã hệ thống chính trị TQ. Đồng thời, Trung Quốc sẽ nhấn mạnh sự kiện là TQ đã bác bỏ thành công tính ưu việt của phương Tây, tạo ra sức hấp dẫn đối với các quốc gia trong thế giới đang phát triển, tức những nước vốn đã chấp nhận một sử quan (a historical narrative) rất thù nghịch với phương Tây và đặc biệt đối với Mỹ. Một kịch bản như thế sẽ gây thương tổn và bất lợi cho cả hai quốc gia." 

Tôi cho rằng Giáo sư Z. Brzeziński, ở đây, đã cố ý không nhắc lại quá khứ.

Ta thử cùng nhau hỏi rằng :Tại sao 1971, Tổng thống Hoa Kỳ R.Nixon đã nhanh nhẩu bắt tay với Trung Quốc để chống lại Liên Xô và Phe XHCN Đông Âu?

Một trong những lý do rất quan trọng tạo nên mối quan hệ Trung -Mỹ này, là việc các chiến lược gia Hoa Kỳ phát hiện ra rằng: 

Trung Quốc là đệ tử cuồng tín của Chủ nghĩa cộng sản Mác-Lênin, chỉ ở ngoài vỏ ở các khẩu hiệu, ở các bài xã luận. 

Ngọn cờ Mác-Lênin chỉ dùng để phất cao, tập hợp nhân dân lao động Trung Quốc ( thế giới) dưới ngọn cờ này, còn chủ nghĩa dân tộc Đại Hán mới là cái lõi tư tưởng của ban lãnh đạo Trung Quốc do Mao Trạch Đông đứng đầu. 

Tại thời điểm ấy, đối với Hoa Kỳ, thì mục tiêu chống Chủ nghĩa cộng sản, lý tưởng cộng sản là quan trọng nhất .

Mọi dân tộc đều có quyền lo lắng cho tương lai của dân tộc mình, là tôn chỉ cao thượng của người Mỹ. 

Do đó, tại thời điểm này, Hoa Kỳ đã bỏ qua Chủ nghĩa dân tộc Trung Quốc mà đồng minh với Trung Quốc.

Thế nhưng, người Hoa Kỳ đã nhầm lẫn, và không hiểu người Trung Quốc chính ở điểm này:

Chủ nghĩa dân tộc Đại Hán có 1 nội dung vượt qua chủ nghĩa dân tộc của 1 dân tộc bình thường. Thậm chí có thể so sánh nó với Chủ nghĩa Phát xít Nhật Bản hay Đức Quốc Xã..

Tuy rằng đất nước Trung Quốc to lớn hiện nay không hẳn là công lao của chủ nghĩa dân tộc Đại Hán, mà là công lao của Đế quốc Mông Cổ và Đế quốc Mãn Thanh, thì ta cũng thử nhìn gần xem Chủ nghĩa dân tộc Đại Hán của Mao Trạch Đông có nội dung gì?

(A). Chắc chắn là Mao Trạch Đông muốn có 1 nước Trung Quốc cường thịnh về quốc phòng, kinh tế (3 Đại nhẩy vọt của Mao chứng minh điểm này), dưới sự chuyên chính tàn khốc của Đảng cộng sản Trung Quốc.

(B). Mao Trạch Đông và Đảng cộng sản Trung Quốc có tham vọng lãnh thổ với Ấn Độ, Liên Xô cũ, với Đông Nam Á ...

(C). Mục đích của Mao Trạch Đông và Đảng cộng sản Trung Quốc là đứng đầu thế giới. Việc tranh chấp với Liên Xô về ngôi vị lãnh đạo phong trào cộng sản thế giới, việc tung khẩu hiệu Đế quốc Mỹ là con hổ giấy,...là những biểu hiện của mục đích này.

(D). Để đạt mục đích: là trung tâm của vũ trụ, Mao Trạch Đông và Đảng cộng sản Trung Quốc sẵn sàng hi sinh 300 triệu người dân Trung Quốc cho mục đích này( khi Mao Trạch Đông tuyên bố, Trung Quốc có 600 triệu dân).

(E). Mục đích gần nhất, để tranh dành ngôi bá chủ hoàn cầu với Hoa Kỳ của Đảng cộng sản Trung Quốc và Mao Trạch Đông, là kiềm chế Mỹ ở Thái Bình Dương và tiến ra Ấn Độ Dương. Họ đã chiến Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam để làm bàn đạp trông coi cửa ngõ đổ ra Ấn Độ Dương.

(F). Làm yếu Việt Nam, dùng Việt Nam làm phên dậu che cho Trung Quốc, cũng như biến Việt Nam làm bàn đạp tiến xuống Đông Nam Á, gian đoạn đầu tiên trong chiến lược chinh phục thế giới. 

Như vậy thì Việt Nam, Hoàng Sa, Trường Sa, Đông Nam Á là mục tiêu gần của Trung Quốc. 

Mục tiêu xa của Trung Quốc là đạp đổ ngôi vị cường quốc thế giới của Hoa Kỳ.

Trung Quốc đã đạt được mục tiêu chiếm Hoàng Sa, Trườn Sa của Việt Nam. Trung Quốc cũng đã làm Việt Nam suy yếu và lệ thuộc nhiều vào Trung Quốc.

Ngày hôm nay, khi Hoa Kỳ đang rơi vào suy thoái kinh tế, họ đã cảm thấy được thanh gươm Trung Quốc đang từ từ, muốn chặt phứt cái sợi dây mà Hoa Kỳ dùng để điều khiển toàn thế giới: sợi dây ràng buộc về kinh tế. 

Vì vậy phải khẳng định rằng: để chiến thắng Chủ nghĩa cộng sản ở Liên Xô và phe XHCN Đông Âu, Hoa Kỳ đã trả 1 giá quá đắt: Nuôi dưỡng con rồng Trung Quốc, nuôi dưỡng chủ nghĩa Đại Hán Trung Hoa lớn mạnh. 

Hoa Kỳ đã nuôi ong tay áo, đã nuôi hổ dữ trong nhà. 

Hoa Kỳ đã giúp đỡ để Trung Quốc trưởng thành từ 1 đất nước nghèo, hèn, lạc hậu, thành 1 quốc gia có GDP thứ 2 thế giới. 

Đất nước này đang lăm le chờ cơ hội yếu kém của Hoa Kỳ, để vượt qua Hoa Kỳ, trở thành cường quốc số 1 của thế giới.

Trở lại với quan điểm 3.1 của Z.Brzeziński: "Trung Quốc chưa hề đưa ra một tín hiệu ý thức hệ nào để khẳng định rằng thành tích gần đây của TQ có thể áp dụng đều khắp trên thế giới".

Tôi cho rằng Giáo sư Z. Brzeziński có sự nhầm lẫn. 

Thực ra Trung Quốc vẫn tự cho rằng họ đang theo đuổi Chủ nghĩa Mác-Lênin với tư tưởng Mao Trạch Đông và tính thực dụng Đặng Tiểu Bình cho hoàn cảnh Trung Quốc.

Ở đoạn trên, ta đã hiểu tư tưởng Mao Trạch Đông chính là chủ nghĩa dân tộc Đại Hán cộng với sẵn sàng hi sinh 1 bộ phận lớn dân số Trung Quốc cho mục đích bá chủ toàn cầu của Trung Quốc. 

Còn tính thực dụng Đặng Tiểu Bình là gì?

Tính thực dụng Đặng Tiểu Bình trong phiên bản "mở cửa, hội nhập với thế giới" đã thể hiện ở các điểm sau:

(a). Cho phép "tư hữu" được thực hiện trong 1 giới hạn kinh tế, như 1 thỏa thuận ngầm của ĐCS TQ với người dân Trung Quốc. Quyền lãnh đạo đất nước, duy nhất thuộc về ĐCS TQ.

(b). Cho phép các công ty đa quốc gia tư bản bóc lột vô tội vạ người dân lao động Trung Quốc.

Như vậy ở cả 2 điểm trên, Trung Quốc đã xa rời Chủ nghĩa cộng sản, khi Mác và Lênin đã xác định bản chất của CNCS là:

CNCS xây dựng nhà nước kiểu mới của giai cấp công nhân và dựa trên "Công hữu'. Chủ nghĩa cộng sản xóa bỏ bóc lột tư bản trên người công nhân, nông dân. CNCS có tính toàn cầu.

Mô hình hệ thống kinh tế xã hội Trung Quốc không thể phát triển toàn cầu được. 

Tại sao vậy ?

Trả lời đơn giản nhất là nhìn vào lịch sử cận đại Trung Quốc. 

Giả sử có 1 quốc gia nào đấy, muốn bắt chước Trung Quốc, quốc gia này phải thỏa mãn các điều kiện sau đây: 

- Đất nước phải trải qua giai đoạn suy yếu, bị sâu xé, để nhân dân nuôi lòng hận thù với các thế lực đế quốc ngoại bang (cuối Mãn Thanh, trước cách mạng Tân Hợi 1911).

- Nhân dân phải bị tập trung vào các Công xã nhân dân và bị bỏ đói để 30-40 triệu nông dân bị chết đói (3 Đại nhẩy vọt và thành lập Công xã nhân dân 1950-1957).

- Nhân dân bị truy bức tư tưởng, bị lừa lọc sau phong trào "trăm hoa đua nở, trăm nhà đua tiếng".

- Chủ nghĩa cá nhân, sẽ bị gột rửa hết sau Đại cách mạng văn hóa vô sản ( điển hình có Lôi Phong, đêm tân hôn thì đọc trước tác Mao Chủ Tịch suốt đêm, quên cả người vợ trẻ).

- Mọi người dân sẽ không còn khái niệm tư hữu, để khi Đặng Tiểu Bình “mở cửa”, họ đổ xô làm giàu, đổ xô tư hữu. 

- Khi đó, họ ngoan ngoãn làm nô lệ cho chính đảng cầm quyền, hi vọng bảo vệ chút tư hữu mà họ vừa có được.

Chắc rất ít quốc gia nào trên quả đất này có thể thỏa mãn các điều kiện trên. 

Vì vậy, điển hình Trung Quốc nhân rộng ra thế giới là 1 dấu hỏi lớn, khó khả thi.

Có thể thấy Khơmer đỏ, là 1 mẫu hình cho quốc gia nhỏ hơn Trung Quốc, thực thi quan điểm "làm trong sạch các giai cấp trong xã hội" của Mao; hay Bắc Triều Tiên với chuyên chính vô sản đến từng người dân, từng suy nghĩ của mỗi người dân.

Như vậy kịch bản của giáo sư Z.Brzeziński là không thực tế.

Ở đây, tôi phải nhấn mạnh 1 điểm, để những ai còn thành kiến với Hoa Kỳ về việc rút lui khỏi Việt Nam 1973. 

Hoa Kỳ cũng như bất cứ 1 quốc gia khác, có quyền trước tiên tính toán cho quyền lợi của dân tộc mình. 

Đối với Việt Nam cộng hòa, Hoa Kỳ đã giúp theo hết khả năng của mình.

Giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc, có sự khác nhau về cơ bản về quan niệm lợi ích.

Trung Quốc chiếm trắng, cướp không của Việt Nam 2 quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa. 

Hoa Kỳ cùng lắm, sẽ mua dầu hỏa do Việt Nam khai thác lên từ Hoàng Sa, Trường Sa với giá hữu nghị.

Còn quan điểm 3.2 :

"Vai trò của Mỹ tại châu Á phải là vai trò của một cường quốc có khả năng quân bình lực lượng trong khu vực, mô phỏng theo vai trò của Vương quốc Anh trên vũ đài chính trị giữa các nước châu Âu trong thế kỷ 19 và thế kỷ 20," 

thực tế là nhường Châu Á cho Trung Quốc thao túng.

Chiến lược này, đã được Hoa Kỳ sử dụng trong 3 thập niên qua với kết quả là :Trung Quốc đang lớn mạnh, vượt qua tính toán của Hoa Kỳ. 

Tiếp tục chiến lược này là 1 sai lầm, mà hậu quả của nó sẽ phải đổi bằng vị trí suy yếu của Hoa Kỳ trên thế giới trong thế kỷ 21 này trước Trung Quốc.

Trên lăng kính của thất bại 1975 tại Việt Nam, Z.Brzeziński còn kết luận rằng:

"Mỹ phải tôn trọng vai trò lịch sử và địa chiến lược đặc biệt của Trung Quốc trong việc duy trì ổn định trên phần lục địa Viễn Đông."

và :

"Mỹ phải nhìn nhận rằng tình trạng ổn định tại châu Á không còn có thể bị áp đặt bởi một cường quốc phi-châu Á; Mỹ lại càng không thể trực tiếp sử dụng sức mạnh quân sự của mình tại đó".

Quan điểm này đã nuôi dưỡng ý đồ bành trướng mạnh mẽ, bất chấp luật pháp quốc tế của Trung Quốc, khi cưỡng chiếm bằng bạo lực Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam.

Quan điểm này đã giúp Trung Quốc nuôi ảo vọng làm: lại luật pháp quốc tế theo tinh thần “ lẽ phải thuộc về kể mạnh”.

Đây là sự giật lùi của văn minh nhân loại, cần phê phán quan điểm để cho Trung Quốc làm mưa, làm gió trên Biển Đông, tại Đông Nam Á.

Việc Hoa Kỳ của Obama quay trở lại Thái Bình Dương một cách mạnh mẽ đã được tất cả các nước trong khu vực hoan ngênh 1 cách chưa từng thấy. Từ Nhật Bản, Ấn Độ, Úc, Philippine, tới Việt Nam, Miến Điện...

Quan điểm của Z.Brzeziński "tình trạng ổn định tại châu Á không còn có thể bị áp đặt bởi một cường quốc phi-châu Á; Mỹ lại càng không thể trực tiếp sử dụng sức mạnh quân sự của mình tại đó" là phi thực tế.

Châu Á rất cần sự hiện diện của Hoa Kỳ cả về chính trị tiên tiến, quân sự áp đảo lẫn thành lập khối kinh tế Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP).

Bởi vì Châu Á, nói chung, là những nước còn lạc hậu về mặt xã hội. 

Các xã hội Châu Á chủ yếu còn trong bóng tối của chế độ phong kiến. Để xây dựng cho mình 1 xã hội dân chủ, bình đẳng , tự do,.. các quốc gia Châu Á rất cần đến tham vấn , kinh nghiệm của Hoa Kỳ.

Trung Quốc là 1 xã hội phong kiến. Ở đây, họ mới hiểu được 1 nguyên tắc để có quyền lực trong chế độ phong kiến: “họng súng đẻ ra chính quyền". 

Đảng cộng sản TQ không hiểu được rằng trong xã hội dân chủ, quyền lực có thể chuyển từ 1 chính đảng này sang chính đảng khác 1 cách hòa bình do quyết định của các lá phiếu công dân.

Vì vậy, nói chính nghĩa, lẽ phải với Trung Quốc rất khó, phải có bóng dáng của sức mạnh kèm theo, của họng súng kèm theo, phải dùng ngôn ngữ của họ, thì người Trung Quốc bành trướng mới hiểu ra vấn đề. 

Đây là lý do, tại sao tôi ủng hộ Hoa Kỳ tăng cường sức mạnh tại Châu Á. 

Sau 3 thập niên tăng trưởng liên tục, Trung Quốc đang là 1 quốc gia có tiềm năng kinh tế lớn. Có quốc gia Châu Á nào không có quan hệ kinh tế với Trung Quốc?

Việc xây dựng thành công khối kinh tế Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) sẽ kéo dần các quốc gia Châu Á đang phát triển kinh tế, đang lệ thuộc kinh tế vào Trung Quốc, đến 1 lụa chọn mới, tốt hơn.

Khi nghiên cứu lịch sử Trung Quốc, Giáo sư Z.Brzeziński không để ý tới qui luật “Hợp-Tan” của quốc gia Trung Quốc cổ đại.

Ít nhất đã 2 lần đế quốc phong kiến này “Tan”, trên đỉnh vinh quang của nó.

Lần thứ nhất là triều đại vương triều Tần Thủy Hoàng, kéo dài chỉ có 15 năm. 

Lần thứ 2 là triều đại nhà Tùy. Tùy Dạng đế Dương Quảng kết thúc nhà Tùy từ năm 605 đến năm 618.

Hiện nay xã hội Trung Quốc đang mưng ung nhọt: Tây Tạng đòi độc lập, Tân Cương đòi thoát ly, nông dân oan ức đòi ruộng đất khắp nơi, người dân Hồng Kông coi thường người Trung Quốc lục địa, Đài Loan không muốn trở về trong khuôn khổ 1 quốc gia với Trung Quốc cộng sản...

Những ung nhọt của xã hội Trung Quốc đang rất cần những tư tưởng tiên tiến thời đại như Tự do Internet, Quyền con người, Quyền tự do cá nhân, quyền phát biểu tư tưởng không bị cầm tù...làm thuốc chữa trị.

Ngoại trưởng của Hoa Kỳ Hillary Clinton đang thực hiện xuất sắc nhiệm vụ này. 

Không thể để yên cho Đảng cộng sản Trung Quốc mặc sức nô lệ chính dân tộc của mình. 

Phải chỉ rõ những tồi tệ của Đảng cộng sản Trung Quốc.

Một quốc gia Trung Quốc dân chủ, có nhiều khả năng phải từ bỏ tham vọng bành trướng lãnh thổ. 

Một quốc gia Trung Quốc dân chủ, có nhiều khả năng phải trả lại tự do cho các dân tộc Tây Tạng, Tân Cương...

Một quốc gia Trung Quốc dân chủ, không có lý nào, không trả lại Hoàng Sa, Trường Sa về với Việt Nam.

Một quốc gia Trung Quốc dân chủ có nhiều khả năng sẽ đảm nhiệm tốt hơn vai trò đầu tầu của họ tại Châu Á...

Vì vậy Hoa Kỳ cần đối diện trực tiếp với Trung Quốc hiện nay, chứ không phải né tránh những hành động mù quáng của Trung Quốc, né tránh những tham vọng không thực tế của Trung Quốc, quét những vấn đề xấu xa của Trung Quốc xuống dưới tấm thảm ngoại giao.

Khi nghiên cứu lịch sử tan rã của các đế quốc cổ đại, 2 Giáo sư H. Kissinger và Z. Brzeziński đã đi đến kết luận rằng: 1 dân tộc man rợ, có thể, có sức mạnh phá tan 1 đế quốc văn minh ( La mã cổ đai) vì vậy 2 vị giáo sư đáng kính này không quan tâm đến tổ chức xã hội phong kiến của nhà nước cộng sản Trung Quốc. 

Họ đã lầm. 

Nô lệ phong kiến , chuyên chính vô sản,.. hiện nay không làm người dân sợ hãi nữa. 

Mọi cuộc diệt chủng tàn bạo, đều bị đưa ngay lên Internet , và nhận sự phản đối của cả thế giới.

Vì vậy tôi cho rằng Z.Brzeziński đã thể hiện những quan điểm không thực tế.

Trường phái chính trị Obama là sáng suốt.

Chắc chắn vị Tổng thống này sẽ thắng cử nhiệm kỳ 2.

Kết luận.

Hoa Kỳ sẽ không là cường quốc của thế kỷ 21, nếu kinh tế của họ cứ trượt dài trên con đường khủng khoảng.

Mọi sợi dây của khủng khoảng tài chính đều dẫn về Wall Street. 

Nếu Tổng thống Obama không cắt thuốc cho căn bệnh nam giải này, thì mọi chiến lược tầm cỡ thế giới của Hoa Kỳ, chỉ nằm trên những trang bình luận của báo chí.

Ta thử hỏi từ đâu mà lãnh đạo Trung Quốc có tư duy điều hành kinh tế xuất sắc như vậy trong 3 thập kỷ qua?

Mao Trạch Đông rất muốn cho kinh tế Trung Quốc phồn vinh, nhưng không thành công.

Chu Ân Lai chỉ điều hành chính phủ 1 cách cầm cự, để không có quá nhiều nông dân Trung Quốc chết đói trong những xáo trộn chính trị.

Đặng Tiểu Bình thì cả cuộc đời chủ yếu viết kiểm điểm gửi cho Mao Trạch Đông. 

Tuy ông ta biết rằng tư hữu là động lực chính làm ra của cải xã hội, nhưng điều khiển nó, ở quốc gia 1300 triệu dân này như thế nào, Đặng không phải là ông thánh, để hiểu được các qui luật kinh tế.

Có sự giúp đỡ vô tư của các chuyên gia đầu ngành kinh tế Hoa Kỳ. 

Chỉ riêng thống đốc Ngân hàng Liên Bang Hoa Kỳ, Alan Greenspan, ông đã hơn 100 lần sang Trung Quốc hội đàm, bỏ túc cho lãnh đạo Trung Quốc về kinh tế...

Một sự giúp đỡ xả thân vô tư của các nhà kinh tế đầu bảng của Hoa Kỳ, muốn 1 Trung Quốc, nhiều tiềm năng nhưng đang còn đau khổ, tiến bộ , như khi các đảng viên các đảng cộng sản xả thân cho lý tưởng cộng sản thời 1930-1960.

Vì vậy, Hoa Kỳ cần vạch trần hơn nữa tính phong kiến tàn bạo của Chủ nghĩa Đại Hán Trung Quốc, vạch trần hơn nữa lòng tham lam vô độ của bành trướng Trung Quốc hôm nay.

Cho dù lãnh đạo mới của Trung Quốc là Tập Cận Bình hung hăng đến đâu, cũng cần đấu tranh ngoại giao trực diện, nêu rõ chính nghĩa Dân chủ, Nhân quyền, Tự do Internet, Bình đẳng các săc tộc.. của Hoa Kỳ.

Như hiện nay Hoa Kỳ đang làm.




Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo