Việt Khang: Bước chân làm thành con đường - Dân Làm Báo

Việt Khang: Bước chân làm thành con đường

Nguyệt Quỳnh (danlambao) Nhà văn Lỗ Tấn viết: “mặt đất làm gì có đường, chỉ bước chân đi mãi mà thành đường”. Trong ký ức tuổi thơ của mỗi người, có ai không nhớ những con đường làm bằng bước chân ấy. Con đường đất dẫn đến trường có chỗ lồi, chỗ lõm, có những dây gai lắm lúc mẹ phải dừng lại dắt tay mình bước qua. Và cái đôi chân be bé xinh xinh kia chỉ biết nhảy chân sáo, cái bàn tay bụ bẫm kia với ra hái nụ hoa dại, cái đôi mắt trong veo đó ngó theo những cánh bướm chập chờn. Chỉ khi lớn lên một chút, chúng ta mới biết rằng cái con đường đất đơn sơ đó trước kia là những cánh rừng.

Để rồi khi ta bị ức hiếp, ta bị sỉ nhục, ta biết đau thương,... ta mới chợt nhận ra rằng có những con đường mang trên mình cả một lịch sử máu xương của dân tộc. Khi viết hai bài hát “Anh Là Ai?” và “Việt Nam Tôi Đâu!” là lúc người nhạc sĩ trẻ Việt Khang vừa đặt bước chân của anh trên con đường gian nan này: 

Tôi không thể ngồi yên 
Khi nước Việt Nam đang ngả nghiêng 
Dân tộc tôi sắp phải đắm chìm 
Một ngàn năm hay triền miên tăm tối 
Tôi không thể ngồi yên 
Để đời sau con cháu tôi làm người 
Cội nguồn ở đâu? 
Khi thế giới này không còn Việt Nam 
“Anh Là Ai?” 

Anh tên thật là Võ Minh Trí, Khang là tên đứa con trai nhỏ bốn tuổi của anh. Anh ghép tên con vào tên đất nước và dùng nghệ danh này khi sáng tác hai bài hát trên. Việt Khang sinh ra trong một gia đình nghèo, học phổ thông Trung Học ở thành phố Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang. Anh yêu thích âm nhạc, sinh sống bằng nghề hoà nhạc và chơi trống trong các ban nhạc ở thành phố nhỏ nơi anh lớn lên. Ban đầu, người ta biết đến anh qua tên thật của anh là nhạc sĩ Minh Trí với hai bài nhạc khá thành công là “Bạn Thân” và “Bà má miền Tây”. Việt Khang yêu mẹ, chúng ta có thể đoán vậy vì anh lớn lên trong gia đình lao động, cha mẹ anh làm ăn lam lũ để nuôi con. Người ta đọc được tình yêu anh dành cho mẹ qua ca khúc “Bà má miền Tây’. Anh có một đời sống yên lành bên vợ con, làm chủ một cơ sở làm ăn nhỏ, với một số nhạc cụ để hòa nhạc và thu âm kiếm sống. 

Chuyện Việt Khang bị bắt vì hai bài nhạc anh sáng tác làm người ta chợt nhận ra số phận nghiệt ngã của dân tộc mình. Kẻ cầm quyền đang muốn huỷ diệt ý thức, nhân phẩm con người bằng sự sợ hãi. Trong một chừng mực nào đó họ đã thành công! Để được sống yên lành, nói như Bùi Chát: con người phải tự đánh mất đi ký ức, mất đi tiếng nói bản thân, mất đi những cái thuộc về giá trị để chỉ còn sở hữu duy nhất một điều: Nỗi Sợ. Bùi Chát tự mô tả chính mình trong cái thế giới mà anh và Việt Khang đang sống: 

Rồi tôi nhận ra tiếng nói từ bầy súc vật
Mơ hành vi của những con người. 
(Rồi, tôi) 

Nếu lịch sử được đặt tên, thì sự thờ ơ của con người đang viết lên những trang ô nhục của lịch sử. Chúng ta ở đâu khi bãi Tục Lãm, thác Bản Giốc không còn nằm phía trong những cột mốc của quê hương? Chúng ta ở đâu khi Điếu Cày, Phạm Thanh Nghiên bị bức hại? Hình ảnh một Nguyễn Cao rút ruột trước mặt quân thù là chuyện của một ngày rất xưa. Ngày nay phải biết sợ để được sống còn, Nguyễn Tuân bảo vậy!? 

Nhưng Việt Khang không muốn thế, anh muốn đứa trẻ tên Khang bốn tuổi, anh muốn các thế hệ con cháu của anh phải được đứng thẳng làm người. Anh gia nhập Tuổi Trẻ Yêu Nước, một tập hợp gồm những sinh viên, thanh niên, những nghệ sĩ trẻ. Họ xuống đường khi người biểu tình bị vây bắt, bị đạp vào mặt, bị bắt bỏ vào trại giáo dục. Có lẽ đây là giờ khắc Việt Khang nhận rõ những con người đang có mặt trên đoạn đường anh vừa bước vào. Mười bảy thanh niên công giáo, từng người một, bị bắt đi mất tích vào những ngày cuối năm, họ đều trẻ như anh, nhiệt thành yêu nước, nhiệt thành trong các công tác xã hội. Những câu hỏi ray rức của Việt Khang vang lên ở thời điểm này làm nhức nhối trái tim rất nhiều người: 

Xin hỏi anh là ai - Sao bắt tôi, tôi làm điều gì sai?
Xin hỏi anh là ai - Sao đánh tôi chẳng một chút nương tay!
Xin hỏi anh là ai - Không cho tôi xuống đường để tỏ bày 
Tình yêu quê hương này, dân tộc này, đã quá nhiều đắng cay 
(Anh Là Ai) 

Trước khi bị bắt, Việt Khang đang sống cùng vợ là chị Cao Thị Lan và con trai tại thành phố Mỹ Tho. Trước giáng sinh hai ngày, ngày 23/12/2011 bốn mươi công an đã được điều động tới nhà để bắt công dân Việt Khang. Căn nhà nhỏ của anh bây giờ bỏ trống. Người vợ nhớ thương chồng đã không dám quay về cái tổ ấm của chị, bởi đâu đâu chị cũng nhìn thấy hình ảnh của chồng. Về lại nhà, đứa con trai nhỏ cứ hỏi mãi về anh nên chị đành đem cháu về bên ngoại cho hai mẹ con đỡ hiu quạnh. 

Tội danh “tuyên truyền chống phá nhà nước” lại được ghép cho Việt Khang; như đã từng được ghép cho những thanh niên đi làm công tác bảo vệ sự sống, đi cứu trợ đồng bào nghèo khổ. Những con người tha thiết với tha nhân đã bị bắt và đang tiếp tục bị bắt. Cái ác đang lộng hành, nó sẵn sàng đổ ập tai họa xuống đầu bất cứ một công dân bình thường nào, dù họ là những người sống lương thiện và muốn sống tốt lành. Edmond Burke, một chính khách người Anh bảo rằng: “Điều duy nhất giúp cái ác chiến thắng là những người tốt không làm gì cả”. 

Việt Khang muốn chấm dứt cái Ác; khi lương tâm con người lên tiếng, họ sẽ nhận được sự hồi đáp. Từ nửa vòng trái đất, bắt đầu bằng câu nói chân thành của nhạc sĩ Trúc Hồ - những người tốt đang hành động. Họ đang có mặt khắp nơi cho Việt Khang, cho những ước mơ của anh. Nhạc sĩ Trúc Hồ bảo: “anh sẽ dùng tất cả những gì anh có được, ngay cả sinh mạng mình để tranh đấu cho sự tự do của Việt Khang”. Nhạc sĩ Trúc Hồ khởi xướng một chiến dịch lấy chữ ký gửi thẳng trực tiếp vào trang mạng của Toà Bạch Ốc. Chiến dịch nhằm vận động tổng thống Hoa Kỳ tạo áp lực để Việt Nam trả tự do cho tất cả các tù nhân lương tâm đang bị bắt giữ. Trong vòng ba mươi ngày, nếu con số chữ ký đạt được là hai mươi lăm ngàn, tổng thống Obama sẽ phải đích thân cứu xét và hồi đáp thỉnh nguyện thư. Một điều lạ lùng đã xảy ra: chiến dịch chỉ mới bắt đầu vào lúc 0 giờ ngày 8/2/2012, nhưng chỉ bốn ngày sau đó, đúng vào lúc 5 giờ chiều ngày 11/2/2012 con số cần thiết đã đạt được. Có người gọi đây là thước đo lòng ái quốc của người Việt tị nạn. Riêng tôi, tôi nhìn thấy bước chân nhập dòng của Việt Khang đã nối tiếp làm thành con đường. 

Con đường đất ngày xưa khi bạn và tôi đặt đôi chân nhỏ bé của mình đã từng là một cánh rừng. Không ai trong chúng ta đã không từng được bước những bước chân vững chãi tự hào khi vừa chớm có trí khôn. Những gian nan mà Việt Khang và biết bao người khác đang gánh chịu ngày hôm nay nhắc nhở tôi những chặng đường thăng trầm của lịch sử. Và lạ lùng thay, tôi lại nhìn thấy niềm hạnh phúc của riêng anh, niềm hạnh phúc có thể làm rơi nước mắt của bất cứ người Việt Nam nào khi đặt bước chân của mình trên con đường ấy. Việt Khang đã tìm được niềm tự hào mà dân tộc tôi đánh mất từ rất lâu, bước chân của anh đã ném lại đàng sau mọi tủi nhục. 

Bạn đã nghe Việt Khang hát chưa? Tiếng hát của anh là tiếng lòng của biết bao người trong bóng tối của nhà giam đêm nay, và tiếng hát ấy đang nối những tấm lòng khắp nơi. Cám ơn Việt Khang, cám ơn nhạc sĩ Trúc Hồ, cám ơn những con người đang góp mặt. 

Dân tôi đang cùng Việt Khang đặt bước chân mình trên con đường dẫn tới những ngày vinh quang cho quê mẹ. 



Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo