CSVN sửa Hiến Pháp 1992: điều 4 hiến pháp giữ nguyên - Dân Làm Báo

CSVN sửa Hiến Pháp 1992: điều 4 hiến pháp giữ nguyên

Trịnh Viên Phương (Danlambao) - Vừa qua, Tòa án tối cao đã tổ chức các hội nghị tại Hà Nội và Sài Gòn về tổng kết thi hành hiến pháp 1992 và đưa ra những đề xuất về sửa đổi hiến pháp mới. Tham dự các hội nghị này là những chánh án, thẩm phán và các chuyên viên cao cấp của ngành tòa án. Tổng kết các hội nghị này trên một báo cáo của Tòa án tối cao có nhiều điểm cần lưu ý.

1. Chánh án, phó chánh án TATC, các chánh án, các thẩm phán các chuyên viên cấp cao này đưa ra đề xuất: "Nhất trí với quan điểm giữ nguyên Điều 4 và khẳng vai trò và sự lãnh đạo của Đảng cộng sản trong công cuộc xây dựng đất nước, hướng tới xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa". Như vậy thì tất cả các đảng viên trong ngành tòa án "quán triệt 100%" để đảng cộng sản tiếp tục "lãnh đạo". 

Cần phải biết để được làm cán bộ của tòa án thì thư ký hay bảo vệ gác cổng tòa án bắt buộc phải là đảng viên. Đương nhiên các thẩm phán, chánh án, chuyên viên của TATC đều là đảng viên. Trong các hội ngành TATC về sửa đổi hiến pháp sẽ không có một người nào ngoài đảng yêu cầu giữ nguyên điều 4 hiến pháp 1992.

2. Lần đầu tiên các hội nghị thừa nhận rằng việc xét xử của ngành tòa án không được độc lập và khách quan: "Có ý kiến cho rằng, hoạt động của Tòa án tại nhiều nơi còn chịu sự chi phối của các cơ quan khác, dẫn đến hoạt động của Tòa án chưa độc lập. Do đó, đề nghị cần xây dựng cơ chế phân định, kiểm soát quyền lực Nhà nước, nâng cao tính chịu trách nhiệm của các cơ quan Nhà nước; nâng cao vị trí, vai trò của Tòa án"

Chính các quan tòa cầm cân nảy mực trong các vụ án thừa nhận một thực tế phũ phàng mà xưa nay ai ai cũng biết nhưng bây giờ người trong cuộc mới lên tiếng. 

3. Phó chánh án TATC cũng là chánh án Tòa án Quận sự thì cho thấy một thực tế đau lòng khác: "Hiến pháp năm 1992 chưa thể hiện rõ Tòa án là cơ quan có chức năng thực hiện quyền tư pháp; chưa thể hiện chính xác đầy đủ các quan hệ phân công, phối hợp và kiểm soát giữa các cơ quan lập pháp, hành pháp với cơ quan tư pháp. Chưa xác định rõ thế nào là quyền tư pháp và cơ quan tư pháp"

Một người ở cương vị cao cấp của ngành tòa án, am hiểu pháp luật và chính trị ở Việt Nam tuyên bố thẳng thừng cơ quan tư pháp (tòa án) chưa có các quyền tư pháp. Nhưng cũng chính ông này lại mâu thuẫn đề nghị: "sửa đổi Hiến pháp 1992 là thể chế hóa kịp thời đường lối, chủ trương của Đảng về đẩy mạnh xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, Nhà nước của dân, do dân và vì dân, do Đảng lãnh đạo"

Hơn ai hết các thẩm phán và chánh án biết rằng hạn chế các quyền tư pháp của tòa án là do "đảng lãnh đạo" mà cứ khăng khăng để cho đảng tiếp tục lãnh đạo. Vì đảng chính là họ và trên họ thì có những đảng viên có quyền hơn nên khi xét xử họ tuân theo lệnh của cấp trên chứ không theo luật pháp. 

4. Phó chánh án Tòa án Sài Gòn ông Đỗ Khắc Tuấn thì có vẻ kín đáo hơn nên đè xuất: "sửa lại quy định tại Điều 134 Hiến pháp năm 1992 theo hướng: TANDTC là cơ quan tư pháp cao nhất của nước CHXHCN Việt Nam". Tức là thừa nhận xưa nay TANDTC chưa bao giờ là cơ quan tư pháp cao nhất. Cả trăm ngàn dân oan kéo về trụ sở TATC ở Hà Nội để khiếu nại các bản án đã xử phúc thẩm ở các tỉnh thành trong cả nước lâu nay đã đi nhầm địa chỉ để kêu oan. Vì TATC chưa là cơ quan tư pháp cao nhất. 

5. Các thẩm phán đề xuất bổ nhiệm thẩm phán nên "trọn đời" chứ không có theo nhiệm kỳ như hiện nay. Vì theo các thẩm phán việc bổ nhiệm theo nhiệm kỳ cũng là nguyên nhân làm cho các bản án thiếu độc lập và khách quan. Một ví dụ họ đưa ra là: "Khi xét xử một vụ án hành chính mà một bên đương sự lại là người trong Hội đồng xét tuyển Thẩm phán thì chắc chắn vụ án không thể xem xét một cách khách quan được. Hoặc một Thẩm phán mà hủy quyết định hành chính của UBND chắc chắn khi bổ nhiệm lại thì sẽ có những khó khăn nhất định"

Đề xuất này trong hiến pháp sửa đổi của ngành tòa án cho thấy họ cũng muốn quyền lợi của họ được nâng cao hơn thay vì nghiệp vụ hay năng lực được chú ý hơn. 

6. Các thẩm phán đề xuất coi tòa án là cơ quan trung tâm hoạt động tư pháp tách hản khỏi Viện kiểm sát của là cơ quan tư pháp như hiện nay: "Chủ trương lấy Tòa án làm trung tâm, hoạt động xét xử làm trọng tâm của cải cách tư pháp"

Nhận định điều này một luật sư ở đoàn luật sư tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu cho hay: "Vì đảng lãnh đạo, trước khi xét xử các vụ án được coi là án điểm thì luôn luôn có kỳ họp của 3 ngành: Tòa án - Viện kiểm sát - Cơ quan điều tra thì có tách hay không tách Viện kiểm sát, cơ quan điều tra khỏi các hoạt động tư pháp thì bản chất các vụ án cũng không thay đổi". 

7. Nhiều đề xuất có tính chuyên ngành như là nên tổ chức tòa án theo 4 cấp chứ không phải 3 cấp như hiện nay, rồi thì chức năng quyền hạn của Hội đồng thẩm phán... cũng cần cụ thể trong hiến pháp sửa đổi. Với các đề xuất kiểu này thì chưa thành cũng thấy rằng thời gian "sống" của hiến pháp mới cũng ngắn ngủi vì đi vào những tiểu tiết.

Khi các quan tòa với kiến thức pháp luật cao và với học vị tiến sĩ, thạc sĩ nhưng đều là đảng viên đảng cộng sản ngồi lại họp bàn chuyện sử đổi hiến pháp thì chắc chắn quyền lợi đảng của họ được đưa lên cao nhất sau đó mới đến quyền hạn chuyên ngành của họ. Như vậy thì còn lâu người dân không phải là đảng viên mới tìm thấy quyền lợi của mình trong hiến pháp do những người cộng sản tự viết ra, tự họ sửa đổi.

Cũng không có gì ngạc nhiên khi 100% đảng viên của ngành tòa án yêu cầu giữ nguyên điều 4 hiến pháp 1992. 



____________________________________

Nguồn: 



Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo