Ðiện hạt nhân ở Ninh Thuận: Nỗi lo rình rập - Dân Làm Báo

Ðiện hạt nhân ở Ninh Thuận: Nỗi lo rình rập

Phương Thảo (Người Việt) - Nếu không phải là người bản địa, thường xuyên qua lại vùng đất này thì có lẽ hiếm ai biết được nơi sẽ đặt nhà máy điện hạt nhân. Ngay cả người dân ở thôn Sơn Hải 1, xã Phước Dinh, huyện Thuận Nam, cách nơi sẽ đặt nhà máy điện hạt nhân chỉ khoảng 2 km, nhưng họ cũng không biết chính xác nơi sẽ khởi công xây dựng nhà máy.

Bản đồ quy hoạch nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1 được đặt ngay bên đình làng thôn Vĩnh Trường, xã Phước Dinh, huyện Thuận Nam, tỉnh Ninh Thuận. (Hình: Phương Thảo/Người Việt)

Ði cùng với tôi là một anh bạn người Chăm, một người thường xuyên đi lại trên con đường này và quan tâm đến việc xây dựng nhà máy điện hạt nhân. Theo anh, việc xây dựng nhà máy điện hạt nhân không chỉ đơn thuần mang lại những tai họa khó lường, mà nó còn liên quan đến sự tồn vong của dân tộc Chăm của anh. 

Con đường từ quốc lộ 1A đến với thôn Vĩnh Trường độ khoảng 30km nhưng đầy nắng gió. Trên con đường mới được làm lại này còn nhiều đoạn chưa được tráng nhựa, thế nên cứ có một chiếc xe tải chạy qua, người đi sau phải hứng chịu một làn bụi dày đặc. Nhìn dòng xe chở cát, đá chạy trên con đường đủ để nhận thấy sự hối hả trong công tác chuẩn bị xây dựng nhà máy điện hạt nhân.

Một công trình đang được xây dựng ngoài biển nhằm chuẩn bị cho việc xây dựng 
nhà máy điện hạt nhân. (Hình: Phương Thảo/Người Việt)

Anh bạn người Chăm của tôi cũng không biết đường đến thôn Vĩnh Trường, anh phỏng đoán nó nằm ở Sơn Hải, mà từ đó có thể đi đến Mũi Dinh, nơi có ngọn hải đăng tuyệt đẹp. 

Ði cùng anh, tôi mới biết được sự hoang mang trong cộng đồng người Chăm cư trú tại Ninh Thuận trước thông tin chính quyền sẽ xây dựng nhà máy điện hạt nhân.

Quãng đường dài từ quốc lộ 1A đến nơi đặt nhà máy điện hạt nhân hầu như vắng bóng nhà cửa, người ở. Vùng đất này là vùng bán hoang mạc, nhìn cây cối cằn cỗi, thổ nhưỡng ở đây chỉ toàn cát và cát. Dân cư chủ yếu sống tập trung ở thôn Văn Lâm, gần quốc lộ 1A, phần còn lại là sống ở gần biển. Tuy thế, trên đường vẫn có những ngôi nhà sống ở giữa vùng đồng cát, vì nơi đó có những dòng suối nhỏ, họ có thể sống bằng nghề chăn nuôi. 

Ban đầu, chúng tôi đến thôn Sơn Hải 1, theo sự phỏng đoán của bạn tôi, nhà máy điện hạt nhân sẽ đặt ở nơi này. Nhưng không phải vậy, chúng tôi dò hỏi người dân ở nơi đây thì được họ chỉ dẫn đến thôn Vĩnh Trường mà họ quen gọi là Hộ cách thôn này khoảng 2km.
Toàn xã Phước Dinh có khoảng 9 ngàn người, dân cư chỉ tập trung sống chủ yếu ở những vùng gần biển như: thôn Sơn Hải 1, Sơn Hải 2, Từ Thiện. 

Buộc di dời nhưng chưa biết đi đâu 

Tại nơi đặt nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1 là thôn Vĩnh Trường có 100 hộ dân với 692 nhân khẩu. Từ đầu thôn đến cuối thôn có chiều dài chưa đến 500m. Dân cư sống tập trung chủ yếu 2 bên con đường dẫn vào thôn, rất gần với bờ biển. Ðại đa số người dân ở đây sống bằng ngư nghiệp. Bên cạnh đó còn có nuôi trồng thủy-hải sản và kinh doanh nhỏ lẻ. 

Trước khi vào làng, đập vào mắt chúng tôi là lá cờ của Nga đang bay phấp phới song song với lá cờ Việt Nam trên những công trình được đặt ngoài biển. Theo người dân ở đây cho biết, những công trình đó được xây dựng lên nhằm phục vụ cho việc xây dựng nhà máy điện hạt nhân. Ðối diện với ngôi đình của thôn là trụ sở làm việc của công ty điện lực Việt Nam với rất nhiều những chiếc xe hơi đang đậu trong sân. Như vậy có nghĩa là, nhà máy điện hạt nhân đang được xây dựng chứ không phải chờ đến năm 2014 như nhiều người nghĩ. 

Công tác tuyên truyền của chính quyền Ninh Thuận đã có kết quả tốt. Toàn bộ những người mà chúng tôi gặp gỡ, tiếp xúc đều đồng ý di dời khỏi thôn, để nhường đất cho chính quyền xây dựng nhà máy điện hạt nhân. 

Trong làng có ông trưởng thôn đã được chính quyền cho sang Nhật để tận kiến nhà máy điện hạt nhân tại Nhật. Sau khi về nước, ông này đã tuyên truyền và hầu hết dân làng đã yên tâm khi phải sống chung với điện hạt nhân. Người dân ở trong làng từ đó mà chẳng còn lo lắng. 

Nhưng họ không đủ hiểu biết để có thể nhìn xa được những nguy cơ rủi ro một khi có sự rò rỉ phóng xạ. Việc họ lo lắng bây giờ chỉ là không biết khi nào chính quyền sẽ đền bù xong đất đai để lấy mặt bằng, cũng như họ đang bất an vì không biết sẽ di dời đi đâu. 

Khi cầm máy lên chụp hình, có rất nhiều ánh mắt khó chịu nhìn vào chúng tôi như dò xét. Người dân không mặn mà cho lắm với việc xuất hiện những người lạ với máy chụp hình trên tay. Phải hỏi đến người thứ 3 thì biết được đây chính là nơi mà sẽ đặt nhà máy điện hạt nhân. Anh ta hỏi ngược lại chúng tôi: “Các anh là nhà báo à?” Rồi lẳng lặng bỏ đi. 

Dường như trong họ đang hiện hữu một sự dè chừng nào đó đối với những người mà họ nghĩ là làm báo. 

Theo chính quyền, thì 100% số hộ dân ở thôn Vĩnh Trường sẽ phải di dời qua nơi khác để nhường đất xây dựng nhà máy điện hạt nhân. Có lẽ, do thông tin sẽ đền bù, di dời sang nơi khác nên rất nhiều người trong thôn đã xây cất nhà mới, sửa sang lại những ngôi nhà cũ để tiền đền bù được giá hơn. Song, điều cần nói là nhà máy điện hạt nhân đang tiến hành những công trình cho việc thiết lập nhà máy, nhưng người dân vẫn chưa biết sẽ di dời đi đâu.

Một cơ sở nuôi trồng hải sản. Phía xa xa là hạng mục đang được xây dựng 
nhằm thiết lập nhà máy điện hạt nhân. (Hình: Phương Thảo/Người Việt)

Ðến tận bây giờ, chính quyền vẫn chưa có những thông báo chính thức cho người dân được biết khu tái định cư mà họ sẽ phải di chuyển đến. Theo một số người dân ở trong làng cho biết, sở dĩ có điều này là bởi vì chính quyền e ngại người dân sau khi biết mình sẽ phải di dời nên xây cất nhà cửa, làm cho khoản tiền đền bù giải tỏa sẽ tốn nhiều hơn. 

Trao đổi với chúng tôi trong sự e dè và cẩn trọng, chị Chi, một người có 2 căn nhà ở trong thôn cho biết: “Hiện tại chỉ biết nhà nước sẽ đền bù rồi di dời sang nơi khác, nhưng đến bây giờ mấy ổng vẫn chưa biết chính xác là sẽ đi đâu. Có người nói sẽ dời sang chỗ này, người nói sẽ dời sang chỗ nọ. Nên mình cũng chẳng biết đâu mà lường.” 

Khác với người dân ở Vĩnh Trường khi biết chắc chắn phải di dời. Người dân ở các thôn Sơn Hải 2, Từ Thiện chỉ cách thôn Vĩnh Trường khoảng 3km không biết có được di dời ra khỏi tầm ảnh hưởng phóng xạ của nhà máy điện hạt nhân hay không và sống với những luồng thông tin khác nhau. 

Một chị có cơ sở nuôi trồng hải sản cho tôi biết, chính quyền thì không đá động gì đến việc phải di dời, nhưng người dân trong làng lại nói sẽ phải đi nơi khác để tránh nguy hiểm. Khi được hỏi chị có sẵn lòng để di dời hay không, chị trả lời dù mình không muốn thì cũng phải đồng ý, chỉ mong nhà nước đền bù giá cả hợp lý để còn xây dựng lại nhà cửa. Hơn nữa, sống gần với điện hạt nhân cũng sợ lắm.

Cuối con đường Văn Lâm-Sơn Hải. Nơi đây nếu rẽ phải sẽ đi đến hải đăng Mũi Dinh, còn rẽ trái sẽ đi đến thôn Vĩnh Trường (người dân ở đây gọi là Hộ) nơi sẽ đặt nhà máy điện hạt nhân. 
(Hình: Phương Thảo/Người Việt)

Chị Cơ, một phụ nữ 30 tuổi có quán nước trên đường đi Mũi Dinh tại thôn Sơn Hải 1 cách nơi đặt nhà máy điện hạt nhân khoảng 3km cho tôi biết: “Cũng mong chính quyền ra lệnh di dời để cả nhà đi nơi khác. Chứ ở đây nghe người ta nói gần nhà máy điện hạt nhân mình sợ lắm.” 

Cùng tâm trạng với chị Cơ là chị Thanh, người sống ở làng Từ Thiện chỉ cách thôn Vĩnh Trường khoảng độ hơn 1km. Chị nói, chưa nghe chính quyền thông báo gì đến việc sẽ di dời, có lẽ họ sợ sau khi dân biết tin sẽ xây cất nhà cửa hòng kiếm được tiền đền bù nhiều hơn. 

Chị cũng như rất nhiều người dân sống lân cận khu vực đặt nhà máy điện hạt nhân lo lắng chẳng biết có được di dời sang nơi khác. Dù đã được chính quyền tuyên truyền về mức độ an toàn của nhà máy điện hạt nhân nhưng trong họ luôn hiện hữu một nỗi lo lắng khi phải sống chung với nó.

Theo chính quyền Việt Nam, hai nhà máy điện hạt nhân sẽ được xây dựng tại 2 địa điểm và gọi là Ninh Thuận 1 và Ninh Thuận 2. Ninh Thuận 1 sẽ được đặt tại: Thôn Vĩnh Trường, xã Phước Dinh, huyện Thuận Nam, tỉnh Ninh Thuận. Nhà máy này sẽ sử dụng công nghệ cũng như vay vốn của Nga. Ninh Thuận 2 sẽ được đặt tại: Thôn Thái An, xã Vĩnh Hải, huyện Ninh Hải, tỉnh Ninh Thuận. Nhà máy này sử dụng công nghệ và đầu tư của Nhật. Theo kế hoạch, Ninh Thuận 1 sẽ được khởi công xây dựng trước. Thời điểm xây dựng được thông báo vào năm 2014. Nhưng thực tế thì không phải vậy.  


Người Chăm và nỗi lo tồn vong vì điện hạt nhân

Theo thống kê dân số năm 2003, số người Chăm ở Ninh Thuận là 61,359 người, và Ninh Thuận cũng là tỉnh mà người Chăm cư ngụ đông nhất. 

Tại Ninh Thuận hằng năm diễn ra nhiều lễ hội văn hóa của người Chăm. 
(Hình: Phương Thảo/Người Việt)

Việc cho xây dựng 2 nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1 và Ninh Thuận 2 ngay tại nơi có người Chăm định cư nhiều nhất đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về sự tồn vong của dân tộc này. 

Hơn nữa, sau sự cố thảm họa nhà máy điện hạt nhân ở Fukushima, Nhật Bản đã làm cho người Chăm cảm thấy không thể yên tâm. 

Trao đổi với chúng tôi ngay tại tư gia, một nhà văn Chăm (xin được giấu tên) nói: “Dân tộc Chăm chúng tôi trong lịch sử đã phải chịu nhiều thiệt thòi, mất mát. Hiện nay, chúng tôi chỉ còn một nhúm đất, duy trì văn hóa cha ông. Chính quyền cho xây dựng 2 nhà máy điện hạt nhân rất gần với nơi đông đảo đồng bào Chăm chúng tôi sinh sống, như thế chẳng khác nào dồn chúng tôi vào ngõ diệt vong hay sao?” 

Nhiều chuyên gia về điện hạt nhân trong và ngoài nước đã có nhiều khuyến cáo về độ an toàn không bảo đảm, lợi ích kinh tế từ việc xây dựng nhà máy điện hạt nhân không bao nhiêu so với những tổn thất, thiệt hại gây ra. Tuy nhiên, những khuyến cáo này vẫn bị chính quyền Việt Nam vẫn bỏ ngoài tai. 

Bên cạnh đó ông còn cho biết: “Trên thế giới, các nước phát triển đang muốn tháo bỏ dần những nhà máy điện hạt nhân để thay vào đó là việc khai thác từ những năng lượng có thể tái tạo được như: nắng, gió... Ðằng này chính quyền lại mang những thứ mà các nước tiến bộ muốn vứt bỏ đi để sử dụng tại Việt Nam.” 

Con đường Văn Lâm-Sơn Hải dẫn đến khu vực xây dựng nhà máy điện hạt nhân. 
Hình: Phương Thảo/Người Việt)

“Nếu người Nhật cho rằng nhà máy điện hạt nhân sử dụng công nghệ của họ an toàn thì tại sao chính họ lại để xảy ra thảm họa Fukushima? Họ không muốn người dân họ phải sống trong sự lo lắng, bất an vậy thì tại sao lại đem nỗi bất an, lo lắng ấy đến cho dân tộc Việt Nam mà nhất là người Chăm chúng tôi?” 

Nhà văn này đặt câu hỏi, “nếu người Nga cho rằng công nghệ sản xuất điện hạt nhân của họ tốt thì họ đã không để xảy ra vụ Tchernobyl? Hơn nữa, những thảm họa xảy ra ngay tại cường quốc về sử dụng điện hạt nhân thì một nước đang phát triển như Việt Nam làm sao có thể đảm bảo an toàn khi vận hành nhà máy?” 

Chúng ta đều biết Việt Nam không có nhiều chuyên gia về điện hạt nhân, vậy để vận hành nhà máy đòi hỏi phải phụ thuộc rất nhiều các chuyên gia nước ngoài, mà ở đây là Nga và Nhật. Vậy vừa phụ thuộc và tài chính, vừa phụ thuộc vào nhân lực, trong khi sản lượng điện từ hai nhà máy này sản xuất ra chỉ bằng 4% tổng sản lượng điện của cả nước thì liệu có nên đánh đổi để lấy những hiểm nguy tiềm ẩn và sự bất an hay không?” 

Trách nhiệm với đồng tộc? 

Có lẽ, trong những sắc tộc sinh sống ở Việt Nam, thì người Chăm là sắc dân có tỷ lệ tiến sỹ, thạc sỹ nhiều nhất cả nước. Nhưng trong việc xây dựng nhà máy điện hạt nhân tại Ninh Thuận vẫn chưa thấy vị trí thức khoa bảng nào lên tiếng phản biện đại diện cho đồng tộc của họ. 

Kut là nơi thờ cúng tổ tiên của người Chăm Bà-La-Môn. Người Chăm lo ngại một khi nhà máy điện hạt nhân bị rò rỉ sẽ ảnh hưởng đến vùng đất mà họ sinh sống từ ngàn đời. 
(Hình: Phương Thảo/Người Việt) 

Không phải ai cũng khẳng khái phát biểu ý kiến không đồng tình với việc xây dựng nhà máy điện hạt nhân như ông nhà văn trên. Hầu hết những trí thức khoa bảng đều im lặng. Sự im lặng của họ đã làm cho đông đảo đồng bào Chăm phẫn nộ. 

Lý do mà nhà cầm quyền Việt Nam chọn Ninh Thuận làm nơi đặt nhà máy điện hạt nhân vì vùng này có số dân cư trú ít so với những nơi khác. Việc chọn nơi đây sẽ giảm thiểu số tiền đền bù dự án, ít tốn kém trong việc giải tỏa đất đai và xây dựng khu tái định cư cho dân chúng. Số dân ảnh hưởng đến đời sống do việc di dời để làm nhà máy điện hạt nhân sẽ ít đi. 

Ðể giải thích cho vấn đề trên, một thanh niên Chăm có quan tâm đến vấn đề thời sự nói: “Trí thức khoa bảng là do mấy ông chính quyền này tạo ra, chỉ có một số ít được nhận lãnh những quỹ do các tổ chứ phi chính phủ gửi đi nước ngoài học. Rồi sau khi học xong thì họ cũng về làm cho chính quyền. Bởi vậy, để đảm bảo nồi cơm của gia đình, được thăng quan tiến chức, rồi lại sợ bị chính quyền chèn ép, trả thù nên mấy ông khoa bảng đâu có ai dám nói.” 

Sản xuất điện từ sức gió được xây dựng tại tỉnh Bình Thuận, rất gần với Ninh Thuận. 
(Hình: Phương Thảo/Người Việt) 

“Im lặng luôn là ưu tiên số một của trí thức Chăm trong những tình huống mà buộc họ phải cân đo trước những thiệt hại. Nhưng, im lặng trong trường hợp này là hèn nhát, có lỗi với dân tộc, với ông bà tổ tiên và các thế hệ sau.” Vấn đề tồn vong của dân tộc đã được đông đảo giới trẻ Chăm quan tâm. Ðiều đáng tiếc là họ không có tiếng nói chỉ còn biết trông mong vào những bậc thức giả có tiếng nói trong xã hội Chăm. 

Nguồn:




Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo