Chân tướng tân thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải - Nguyễn Văn Công
Phú Hạo Hiên (Danlambao) - Ngày 26/4, Nguyễn Tấn Dũng thủ tướng VN đã ký Quyết định số 499/QĐ-Ttg bổ nhiệm ông Nguyễn Văn Công - Chánh văn phòng Bộ GTVT làm Thứ trưởng Bộ GTVT. Mặc dù theo Nghị định 36/2012/NĐ-CP (*) vừa được chính Thủ tướng Chính phủ ký ban hành, số lượng Thứ trưởng ở mỗi Bộ không quá 4 người. Tuy nhiên, Nguyễn Tấn Dũng tự cho mình quyền được “phá rào” bằng quy định bổ sung là Thủ tướng có quyền bổ nhiệm thêm thứ trưởng cho các bộ nếu thấy cần thiết. Chính do quy định này mà nhiều quan tham ở trung ương và địa phương đang chạy đua với nhau mua ghế thứ trưởng ở các bộ và các bộ hiện đang chạy đua để “xin” và “đẻ” thêm suất thứ trưởng.
Bộ Công an có lúc có 11 thứ trưởng, Bộ Công thương 9 thứ trưởng. Bộ Giao thông vận tải hiện giờ có 7 thứ trưởng. Bộ con con như Bộ Tư pháp có 6 thứ trưởng. Sắp tới sẽ xuất hiện thêm nhiều bộ với nhiều thứ trưởng đến nỗi có thứ trưởng chỉ phụ trách cơ sở vật chất của cơ quan (anh em gọi đùa là phụ trách xí đái) - thường do một phó văn phòng bộ trông coi.
Để từ chân thứ trưởng các bộ này, kẻ thì về làm bí thư tỉnh ủy, kẻ được đưa đi làm chủ tịch các tỉnh/thành những mong “bật lại” trung ương với ghế cao hơn, sau khi đã vơ vét đầy túi tham tại các địa phương.
Nguyễn Thiện Nhân từng đấu tranh điều kiện nhận chức Bộ trưởng giáo dục đào tạo là được tự chọn thứ trưởng giúp việc cho mình, cuối cùng ông Nhân thất bại vì bổ nhiệm thứ trưởng là mảnh đất cực màu mỡ, thủ tướng không đời nào nhường lại miếng ăn này cho ai khác. Thủ đoạn mới của Dũng thủ tướng là chỉ bổ nhiệm có thời hạn, cho nên anh được bổ nhiệm rồi vẫn phải ra sức cống nạp nếu không sẽ không bổ nhiệm tiếp, anh chưa được bổ nhiệm thì ra sức chạy để mong được thế chân kẻ đương chức trong kỳ xem xét bổ nhiệm lại. Mỗi suất như vậy không có tiền chục triệu thì đừng nói chuyện (chục triệu đô la Mỹ). Võ bẩn này được các cơ quan, địa phương khác áp dụng với dị bản là “luân chuyển cán bộ”. Chính vì mảnh đất “bổ nhiệm” màu mỡ như vậy nên kỳ đại hội Đảng vừa qua Dũng thủ tướng đã “chọc tiết” Hồ Đức Việt trưởng ban Tổ chức trung ương để giành quyền uy trong công tác tổ chức cán bộ thuộc diện Trung ương, Bộ chính trị và Ban bí thư quản lý.
Học rởm và buôn xi líp phụ nữ
Nguyễn Văn Công (ảnh trái) trước đây chẳng học hành gì, một thời xuất khẩu lao động sang Liên Xô làm tại một xưởng đóng tàu ở Odessa. Sau Công chuyên đánh hàng từ Thổ Nhĩ Kỳ về bán lại cho các “soái” trên Mát (Moskva). Công có tiền bắt đầu từ dạo trúng mánh buôn xi líp và băng vệ sinh phụ nữ. Phần lớn xi líp và đồ dùng vệ sinh chị em tiêu thụ tại Mát là do Công đánh về. Lúc đó có người ví, nếu vì lý do gì đó mà Công cho ngừng đường dây này lại thì có lẽ phân nửa chị em phụ nữ Liên Xô thiếu xi líp, đồ dùng vệ sinh và chắc chắn nguy cơ mắc bệnh phụ khoa diện rộng trên toàn Liên bang Xô Viết là rất cao.
Nhờ dính dáng tới một chút kỹ thuật tàu thủy, về nước lúc nào Công cũng rêu rao là đi học chế tàu thủy ở Liên Xô. Gặp lúc ở Bộ toàn kẻ không biết chữ nên chúng nể Công lắm. Thời Bùi Danh Lưu sắp thôi bộ trưởng, có lần Công dùng tiền gồng gánh thế nào được tháp tùng Bộ trưởng đi tham quan mấy cơ sở có chuyên gia Liên Xô, xì xồ được mấy câu khiến Công lọt vào mắt xanh của Bộ trưởng. Sau, Công cũng “chạy” được bằng tại chức kinh tế. Để giấu cái đuôi học rởm chế tàu thủy, Công chỉ cho in trên danh thiếp là kỹ sư kinh tế. Năm 1992, Công góp phần vào lobby Bộ GTVT thành lập công ty buôn người LOD (tên mỹ miều là Công ty cổ phần phát triển nguồn nhân lực). Công về đây làm Phó tổng, nhường ghế Tổng cho Đoàn Xuân Viên, sau làm Vụ trưởng Vụ quan hệ quốc tế Bộ GTVT (mặc dù chẳng biết ngoại ngữ nào). Ngay sau đó, thời Lê Ngọc Hoàn bộ trưởng, Mỹ dỡ bỏ lệnh cấm vận, Việt Nam có thể giao thương bên ngoài. Máu nhạy bén kinh doanh của Công được phát huy. Có điều mặt hàng bây giờ không còn là băng vệ sinh và xi líp phụ nữ nữa. Công nhắm tới một mặt hàng không cần vốn mà được lời vô cùng đó là NGƯỜI. Đưa người Việt Nam bán ra nước ngoài. Từ đây con đường buôn người bắt đầu dưới cái tên hợp tác lao động.
Trùm buôn người
Thời Lê Ngọc Hoàn bộ trưởng, vốn vay ODA rót vào như nước nên cả Bộ GTVT chỉ mê mẩn vào các gói thầu, các PMU, các thương vụ chia chác hợp đồng xây lắp đường sá nên không quan chức nào quan tâm đến mấy cái vụ buôn người kia, thả cho Công mặc sức hoành hành. Cùng lắm, lúc nào có đợt đưa nhân công đi thì Bộ trưởng hoặc Thứ trưởng xuống làm cái lễ ra quân thật rầm rộ, hô hào thật hoành tráng, cầm phong bì bồi dưỡng rồi biến. Đào Đình Bình lúc bấy giờ mới lóp ngóp từ đường sắt lên làm thứ trưởng phụ trách mảng hợp tác lao động, chẳng biết mô tê chi sất, lại mắc tật mê gái nên thỉnh thoảng Công bố trí cho chuyến “công tác” sang Nhật với Hàn, đưa đi mấy tiệm mát-xa nuy với các em Nhật, Hàn nõn nà phục vụ. Lúc về thế nào cũng có quà là mấy chục nghìn (USD) đút túi. Bình mê li, về nước lúc nào cũng nức nở khen Công là thức thời, nhạy bén, là hạt giống lãnh đạo, là cứu tinh của đất nước chứ chẳng xôi thịt như lũ lợn ở các PMU lúc nào cũng vục mặt vào ăn với đớp như lợn. Tuy nhiên, thế của Công lúc bấy không thể đọ được với lũ Việt Tiến, Dũng “tổng” PMU 18. Công biết vậy nên nằm im chờ thời. Lúc trà dư, tửu hậu, Công vẫn tự ví mình như Gia Cát nằm ở Ngọa Long Sơn, sẽ có ngày vươn ra đoạt thiên hạ.
Buôn thuyền viên, tu nghiệp sinh
Công chạy được giấy phép đặc biệt của Bộ Lao động cho phép Tổng công ty LOD (Công ty cổ phần phát triển nguồn nhân lực) là doanh nghiệp duy nhất được xuất khẩu thuyền viên cho các ông chủ thuyền đánh cá Đài Loan, Hàn Quốc. Nghe rối rắm nhưng đơn giản là chỉ Công mới được đưa người đi làm trên các tàu đánh cá nước ngoài. Nắm được phép này trong tay, chỉ trong 5 năm (từ 1994-1999), Công đưa không dưới 20.000 thuyền viên ra nước ngoài. Mọi thuyền viên đều phải bỏ tiền túi ra chi phí đào tạo, phí tuyển dụng, vé máy bay, tiền đặt cọc là 1000 USD/người (khoản này thường không lấy lại được do LOD chiếm đoạt). Công cùng với các địa phương quảng cáo lừa người lao động là ra nước ngoài sướng lắm, chủ nuôi ăn, cung cấp nhà ở, công việc nhàn nhã với mức lương 2000 USD/tháng. Hầu hết các lao động vay lãi ngân hàng ở nhà, thế chấp nhà cửa để lo đủ khoản chi vào khoảng 5000 USD/người nhằm có được công việc theo bọn Công quảng cáo là 2000 USD/tháng. Người nào còn bán tín bán nghi thì cuối cùng sẽ tin tưởng bởi các buổi họp, ra quân đều do Bộ trưởng, Thứ trưởng chủ trì, chắc không thể có chuyện lừa đảo ở đây.
Nguyễn Văn Công - tân thứ trưởng, cựu trùm buôn người
Toàn bộ số lao động này đều vỡ mộng. Sau khi cầm chắc số tiền của người lao động, LOD mà Công đứng đầu bỏ mặc cho chủ nước ngoài làm gì thì làm. Hầu hết lao động Việt Nam đều bị đánh đập, cưỡng bức lao động nặng nhọc. Nhiều người bị mất mạng trên biển. Theo thống kê, khoảng gần 100 thanh niên đã mất mạng khi lao động nặng nhọc trên các tàu đánh cá Đài Loan, Hàn Quốc. Hiện, có khoảng 30 người vẫn chưa đưa xác về Việt Nam do LOD ăn chặn cả tiền bồi thường lẫn phí vận chuyển xác của người đã chết. Hàng chục nghìn người mất nhà cửa, nợ nần. Nền báo chí cách mạng với hơn 700 báo đài vẫn hàng ngày “thổi” mô hình của Công là điển hình thành công về “xóa đói, giảm nghèo” qua xuất khẩu lao động.
Với số tu nghiệp sinh tại Nhật Bản. Công ty LOD của Công đứng đầu giành được quyền làm trung gian trả lương cho người lao động. Tức là các ông chủ Nhật Bản phải trả lương cho số tu nghiệp sinh qua LOD, sau đó công ty LOD “phân phối lại” cho tu nghiệp sinh. Trong số hàng 10.000 tu nghiệp sinh đưa sang Nhật Bản, họ chỉ nhận được phí học việc và vài tháng mới trả 1 lần. Ai đó thắc mắc thì Công và LOD “xửng cồ” quy cho là vi phạm kỷ luật và doạ trục xuất về Việt Nam. Sợ bị mất khoản tiền cọc ở nhà, nên ai cũng ngậm bồ hòn làm ngọt. Điều này lý giải một phần tại sao tỉ lệ lao động Việt Nam bỏ trốn ở nước ngoài rất cao.
Vụ động trời tại Kuwait
Năm 1998, Tổng công ty buôn người LOD của Công ký một hợp đồng cung ứng 5000 nhân công xây gần 1000 ngôi nhà tại Jaber Al Ali Area thuộc Kuwait City. Hợp đồng này có sự môi giới của đại sứ quán Việt Nam tại Cairo, Ai Cập cùng đại diện Thương Vụ Việt Nam ở Kuwait (tham tán Nguyễn Công Hiến sau làm Vụ phó Vụ Châu Phi, Tây Á, Nam Á - Bộ Công thương). Ngoài ra, Tổng bí thư Lê Khả Phiêu lúc đó cũng “ăn” vào cái vụ này vì con nuôi của Phiêu là Vũ Công Bình (ảnh trái) lúc đó làm phó tổng của LOD đứng ra chuyên lo các vụ bảo kê chính trị. Như đã nói ở trên, sau khi có hợp đồng, chạy được giấy phép của Bộ Lao động, Công cùng hệ thống buôn người bắt đầu công việc táng tận lương tâm là lừa đảo, chiếm đoạt tiền của những người nhẹ dạ dưới cái mác “xuất khẩu lao động”. Thứ trưởng Đào Đình Bình hàng ngày lên ti-vi quảng cáo cho hợp đồng táo bạo và khổng lồ này. Bình còn huênh hoang rằng đã đến lúc Việt Nam quét sạch các quốc gia khác khỏi Trung Đông để giành quyền cung ứng lao động tại đây cho cả các ngành nghề khác, nhưng bắt đầu từ thị trường xây cất mà Công khởi xướng.
Công rất khôn ngoan, y về các địa phương xa Hà Nội để tuyển người, có thế người ta mới tin. Hầu hết mọi người đều phấn khích lên khi thấy quảng cáo ra nước ngoài làm nhàn nhã, lương cao 2000 USD/tháng với tổng chi phí do người lao động tự bỏ ra là 5000 USD. Lại là doanh nghiệp nhà nước, do thứ trưởng bảo lãnh thì tin quá đi chứ.
Thế là thôn trên, ngõ dưới ùn ùn kéo nhau đi vay ngân hàng, thế chấp nhà cửa. Nhiều người phải mượn nhiều sổ đỏ nhà đất của cô dì chú bác gộp lại mới đủ giá trị bảo lãnh để ngân hàng cho vay. Sau khi cầm được khoản 5000 USD/người của hơn 5000 lao động. Bình, Công, LOD ra tận sân bay hô hào cho khí thế. Vietnam Airlines ùn ùn nối chuyến chở 5000 lao động sang Trung Đông (hãng này cũng ăn ở khoản bán vé cao hơn quy định).
Xuống sân bay, Thương vụ Việt Nam thuê sẵn các xe bịt kín có công ty an ninh tư nhân đi kèm, chở thẳng về các lán trại nằm sâu trong sa mạc. Không điện. Không nước. Công nhân ta được tha hồ hưởng cái nóng sa mạc lên đến trên 55 độ C mà chẳng thấy nhà cửa hay 2000 USD/tháng đâu. Cộng với việc hàng ngày bị đám ma cô người Ai Cập (do sứ quán và Thương vụ thuê cho LOD) đánh đập, kìm hãm, bắt ép lao động khổ sai nên biển người 5000 lao động chẳng mấy chốc sôi sục như thùng thuốc súng.
Đầu tiên, anh em đồng loạt cáo ốm, không đi làm. Nguyễn Văn Công bay từ Việt Nam sang, tung tiền thuê thêm đầu gấu người Ai Cập đánh đập anh em công nhân dã man. Anh em công nhân vùng lên bắt giữ luôn Công, trói gô lại cùng đám lưu manh Ai Cập nhốt vào nhà kho. Lúc đó là trưa ngày 6/10/1998. Nguyễn Công Hiến, tham tán, đại diện thương mại Việt Nam tại Kuwait chạy thoát, cầu cứu cảnh sát và đại sứ Nguyễn Lê Bách. Viên đại sứ này ngay lập tức đã đánh công hàm hỏa tốc yêu cầu cảnh sát Kuwait dùng vũ trang can thiệp. Ngay buổi tối hôm đó, Bách bay luôn từ Cairo sang Kuwait nhằm chi viện. Chiều 6/10, 30 xe cảnh sát chống bạo động chở hơn 300 cảnh sát Kuwait có vũ trang tận chân răng đến đàn áp lao động Việt Nam. Trước thái độ đúng mực, khôn ngoan của anh em công nhân, cảnh sát đã phải lui bước, tuy vậy Nguyễn Văn Công đã được thả ra.
Nguyễn Công Hiến- Phó Vụ trưởng Vụ Châu Phi, Tây Á, Nam Á (2009)
Ngay trong đêm, gần 1000 công nhân đã tự bỏ tiền ra thuê 30 xe buýt loại lớn đổ quân lên thương vụ Việt Nam ở Salwa để gặp tham tán Nguyễn Công Hiến hỏi cho ra nhẽ. Biết rằng bây giờ có gọi, cảnh sát cũng chẳng thèm đến và hoảng sợ truớc sức mạnh của quần chúng Hiến đá ngay quả bóng sang chân đại sứ Bách và Công, lúc đó đang hội ý với nhau tại khách sạn 5 sao sao Marriott Hotel gần khu trung tâm mua sắm xa xỉ Salhia để quý bà đại sứ tiện mua sắm. Anh em cúp điện thoại của Nguyễn Công Hiến và bắt Hiến phải đi cùng xe tiếp tục đổ bộ vào khách sạn 5 sao nơi các quan chức đang bàn kế đối phó anh em công nhân. Các anh Đán, Đệ, Khau rất sõi tiếng Ả-rập đã không mấy khó khăn tố cáo quan chức Việt Nam với nhân viên khách sạn và ngỏ ý chỉ xin được gặp ngài đại sứ Nguyễn Lê Bách đang náu kín bên trong. Khi anh em đang ở sảnh trước thì Bách đã nhanh chân tụt máng nước chuồn ra sân sau, thuê taxi chạy trốn. Thật nhục nhã cho ngài đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Trung Đông.
Chạy chức, chạy quyền, tiếp tục ăn bẩn
Về nước, nhân vụ này, Vũ Công Bình, con nuôi Lê Khả Phiêu, đã lợi dụng soán ngôi của Đoàn Xuân Viên để làm Tổng Giám đốc LOD. Không chịu được ách cai trị của Bình, Công đành thúc thủ. Đúng lúc đó, Đào Đình Bình được lên Bộ trưởng. Như kẻ chết đuối gặp được phao cứu sinh. Vốn liếng tích cóp được bao nhiêu trước nay, Công lễ hết cho Bình và được Bình cất lên Chánh văn phòng Bộ GTVT năm 2004. Mấy năm Công chấp nhận làm cái bóng trong bộ GTVT bởi quyền uy đều tập trung hết vào tay Nguyễn Việt Tiến, Dũng tổng.
Vận may lại mỉm cười với Công. Đầu năm 2006, lần lượt Dũng tổng, Nguyễn Việt Tiến và các tay chân bị bắt. Hồ Nghĩa Dũng chân ướt chân ráo lên, lạ lẫm mọi bề. Mấy thứ trưởng còn lại run như cầy sấy vì đều dính phốt. Hồng Trường, thứ trưởng mới ra cũng dốt nát như ai.
Ngày 26/9/2007 cầu Cần Thơ lại sập, Công được đặc trách làm người phát ngôn của Bộ trưởng, đại diện cho Bộ vào xử lý vụ sập cầu làm hơn 50 người chết. Bộ trưởng sợ mất mật không dám thò mặt ra. Ai cũng nghĩ Hồ Nghĩa Dũng thế nào cũng “sập” theo. Vào đến Cần Thơ, Công dọa các nhà thầu đến chung chi. Công dùng tiền này (lên đến hơn 100 tỉ) chi cho Ban Tuyên giáo trung ương để chỉ đạo chận họng các báo. Công gọi ngay cho Triều “bạc” tức Nguyễn Hải Triều, Hoàng Kông Tư bên Tổng cục an ninh (mối quan hệ cũ của Công lúc Công chi tiền cho an ninh dẹp nạn công nhân lao động về nước đòi tiền LOD). Liên quân Giao thông, Tuyên giáo, An ninh do Công đạo diễn chính cuối cùng đã “thu xếp” xong vụ sập cầu này. Hơn 50 mạng bị quên lãng. Hồ bộ trưởng thở hắt ra, cho Công mặc sức hoành hành. Để tưởng thưởng, Hồ bộ trưởng không quên hứa sẽ đề xuất lên Thủ tướng để Công làm thứ trưởng. Nhật Bản cũng nhẹ nhõm theo vì dẹp được một vụ tai tiếng tầm cỡ thế kỷ. Các nhà thầu bị trấn hàng trăm tỉ cũng thấy “ngọt” vì không ai bị bắt giam hay tù đày. Báo đài, dưới sự chỉ đạo của Ban Tuyên giáo Đảng, thay vì đi vào tìm kiếm nguyên nhân lại ra sức ca ngợi ODA Nhật Bản, ra sức ca ngợi quan hệ song phương. Đặc biệt màn VTV1 đưa cảnh tay tổng giám đốc Nhật Bản rỏ nước mắt khiến đa số người xem có cảm giác những người chết dưới mồ kia mới có là người lỗi...
Cứ thế, càng ngày, Công càng thành vĩ nhân, hạt giống lãnh đạo trong ngành giao thông vận tải … Công rất hăng hái trong các đợt học tập trau dồi đạo đức. Công là điển hình là gương mẫu về đạo đức, về tư tưởng, về lối sống, về lập trường v.v… Công là hiện thân của đạo đức và tư tưởng Hồ Chí Minh trong Bộ GTVT…
Ôi! Thủ tướng. Bộ trưởng. Thứ trưởng. Chính trị cộng sản Việt Nam!
_________________________________
Chú thích: