“Bệnh lạ” và “cách hành xử lạ” - Dân Làm Báo

“Bệnh lạ” và “cách hành xử lạ”

Phan Sơn (SGTT.VN) - Ca tử vong mới nhất vì bệnh lạ đã nâng số người chết từ khi phát hiện bệnh này – tháng 4.2011 – đến nay lên con số 20. Mặc dù được gọi tên là “bệnh viêm dày sừng da bàn tay, bàn chân” nhưng nó vẫn là căn “bệnh lạ” vì sau hàng chục chuyến khảo sát của các chuyên gia hàng đầu ngành y tế, chưa có ai xác định được thủ phạm gây ra bệnh này là gì.

Ngày 7.5, bộ Y tế đã thông báo rằng nhiều khả năng “bệnh lạ” là do nhiễm độc, nhưng nhiễm độc chất gì thì... chưa biết. Sự thận trọng của ngành y tế là cần thiết, bởi không thể đòi hỏi mọi chuyện phải rõ ràng trong một sớm một chiều. Tuy nhiên, việc tuyên bố “thiếu cẩn trọng” về những giả thiết gây ra bệnh này của một số chuyên gia y tế lại khiến người ta phải băn khoăn. Điểm qua từ khi bệnh xuất hiện đến giờ, người quan tâm có thể dẫn ra được khá nhiều lý giải về nguyên nhân gây bệnh, từ ngộ độc đồng (do người dân dùng nồi đồng để nấu cơm), nhiễm Ricketsia (virút gây bệnh sốt mò do bọ chét), viêm gan siêu vi E cho đến gạo mốc và quả sả rừng. Băn khoăn trong trường hợp này chính là người dân trong vùng đang phải sống trong sợ hãi, không biết đường nào mà lần mỗi khi tiếp nhận thông tin.
Sau mỗi chuyến đến khảo sát rồi ra đi với những giả thiết để lại thì hầu như không một chuyên gia nào đưa ra những thông điệp để trấn an dân chúng. Ảnh: TL internet
Phát biểu với giới truyền thông, ông Phạm Viết Nho, bí thư Huyện uỷ Ba Tơ, nơi có bệnh hoành hành, bức xúc vì theo ông người dân ở đây vẫn dùng sả rừng thay sả nhà và ăn gạo mốc từ bao đời nay, thế sao bây giờ mới bệnh. Ông nói: “Chúng tôi như ngồi trên đống lửa, không biết bao giờ bệnh mới được ngăn chặn”. Đúng là ngồi trên đống lửa, vì thực tế cho thấy người dân địa phương đang hoang mang và phản ứng tiêu cực: tự cắt cử người canh gác không cho người lạ vào làng, bỏ ruộng đồng xác xơ không dám canh tác, học sinh bỏ học không đến lớp, người người nghi ngại và xa lánh nhau, đặc biệt là với người đến từ vùng có bệnh.

Có thể thông cảm cho thái độ và phản ứng này bởi người dân phải đối mặt với số người chết vì bệnh không ngừng tăng lên. Tuy nhiên, điều đáng nói ở đây là sau mỗi chuyến đến khảo sát rồi ra đi với những giả thiết để lại thì hầu như không một chuyên gia nào đưa ra những thông điệp để trấn an dân chúng. Quả là một kiểu “hành xử lạ” bởi hơn ai hết họ phải hiểu rằng người dân địa phương phần lớn là người dân tộc nghèo, ít học, thiếu kiến thức về y tế nên rất dễ hành xử theo cách hiểu của mình.

Thế nhưng, nếu điểm qua những sự kiện đình đám trong nền y tế nước nhà những năm qua, “cách hành xử lạ” của những nhà quản lý y tế dường như cũng không có gì lạ. Thật vậy, cách làm quen thuộc của giới này thường là đưa ra những tuyên bố, ít kèm theo lời giải thích, và để người dân tự hành xử theo cách của mình, dựa trên những hiểu biết của mình. Bằng chứng rõ nhất là trong thời gian đầu của đợt dịch tay chân miệng năm qua, các nhà quản lý không đưa ra được một thông điệp chính xác nào cho người dân để phòng ngừa, đợi đến khi dịch bùng phát nghiêm trọng thì mới nói biện pháp phòng ngừa hiệu quả và đơn giản nhất là rửa tay. Một thí dụ khác là vụ viêm não mô cầu ở TP.HCM đầu năm nay. Theo các bác sĩ ngành nhiễm, với dân số 10 triệu dân mà thành phố chỉ có hơn chục ca bệnh thì hết sức bình thường. Chưa kể đó là bệnh lưu hành thường xuyên của mùa đông xuân và biện pháp phòng bệnh khá đơn giản. Thế nhưng do thiếu những thông điệp rõ ràng từ những nhà quản lý y tế, không ít người dân hoang mang, đổ xô đưa trẻ đi khám bệnh, bỏ tiền chích ngừa, làm giàu cho các nhà sản xuất vắcxin.

Vì sao có “kiểu hành xử lạ” như thế? Do nhà quản lý thiếu quan tâm đến người dân, do sợ trách nhiệm, hay do nguyên nhân nào khác? Có lẽ “bệnh lạ” sẽ không bao giờ còn gọi là “lạ” nếu những người có trách nhiệm biết đứng vào vị trí của người dân và hiểu hết sự cực khổ của dân.

PHAN SƠN



Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo