Khi nữ thần công lý bỏ đi hoang - Dân Làm Báo

Khi nữ thần công lý bỏ đi hoang

Đào Tuấn Một bản án vị lãnh đạo, một bản án chặn đường tiêu thụ thủy sản, cũng là đường sống một cách hợp pháp của hàng ngàn nông dân, rõ ràng là một bản án mà công lý không tồn tại.

Phán quyết cuối cùng của TAND tỉnh Quảng Bình xung quanh vụ kiện ba ba ngày hôm qua đã không làm nhiều người bất ngờ. Xưa nay, mấy khi án hành chính, có người gọi là những “vụ kiện đầu gối”- mà “dân thắng quan”. Tuy nhiên, phán quyết “nhân danh nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam” của TAND tỉnh Quảng Bình đang được nông dân cả nước quan tâm. Bởi nó không đơn thuần chỉ là chuyện “danh dự uy tín” của một vài vị lãnh đạo của “tỉnh nhà”, cũng không chỉ là 603 con ba ba của một doanh nghiệp. Bởi, dù không hề tồn tại tiền lệ pháp, phán quyết của một tòa án, về mặt dư luận và đời sống tâm lý, rõ ràng ảnh hưởng mang tính chi phối đến những hành vi tương tự trên phạm vi toàn quốc.

Chỉ đáng tiếc, trong rất nhiều căn cứ, những người cầm cân, nảy mực ở Quảng Bình đã chỉ chọn những căn cứ có lợi cho lãnh đạo tỉnh nhà.

Việc TAND tỉnh Quảng Bình tuyên bác đơn kiện hành chính của Công ty TNHH Tiền Hậu đã gián tiếp “phán quyết” con ba ba là động vật hoang dã. Các căn cứ của bản án, giống với lý luận của UBND tỉnh, đương nhiên, dựa vào các quy định của ngành lâm nghiệp.

Một bản án công bằng là một phán quyết không thế có nạn nhân. Nhưng hôm qua, bản án của Quảng Bình đã đẩy hàng ngàn nông dân trên khắp cả nước trở thành nạn nhân của sự bất nhất.

Là nạn nhân bởi Vụ Nuôi trồng thủy sản, thuộc Tổng cục Thủy sản- Bộ Nông nghiệp, khẳng định: “Ba ba có tên latin là Trionyx sinensis thuộc loài ba ba hoa, là đối tượng được nuôi và sản xuất thông thường theo Quyết định 57 của Bộ trưởng Bộ NNPTNT ngày 2.5.2008 về Danh mục giống thủy sản được phép sản xuất, kinh doanh”, trong khi, cũng Bộ Nông nghiệp, cũng tổng cục- Tổng cục Lâm nghiệp- lại khẳng định ba ba là động vật hoang dã.

Là nạn nhân bởi tại chính Quảng Bình, quyết định phê duyệt Chương trình phát triển thủy sản tỉnh Quảng Bình giai đoạn 2006-2010 nêu rõ: Ba ba là đặc sản cần được chú trọng phát triển, chủ động liên doanh liên kết với các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh để cung cấp con giống và tiêu thụ sản phẩm”. Trong khi đó, cũng chính Quảng Bình, cũng là UBND tỉnh, ra quyết định xử phạt, tịch thu vì cho rằng ba ba là “động vật hoang dã”.

Tóm lại, ba ba trong văn bản của cơ quan nhà nước này thì là “thủy sản” bơi dưới nước, trong văn bản, cũng của cơ quan nhà nước kia thì lại là “động vật hoang dã” bò trên rừng.

Hiểu chết liền

Cũng như việc nông dân không thể hiểu vì sao, cũng là quy định nhà nước, TAND lại chỉ căn cứ vào những gì có lợi cho một vài lãnh đạo Quảng Bình.

Tiền lệ Quảng Bình có lẽ, sẽ còn tạo ra một hậu quả nguy hiểm, bởi nếu đó là công lý thì 62 tỉnh, thành còn lại sẽ phải làm một việc là “bắt giữ” ba ba, loài vật vừa biết bơi vừa biết bò, từ cà chục năm nay vẫn được nuôi trong ao, bể. Và không khéo, sẽ có những vụ bắt bớ cả heo, gà, chó mèo, bởi dù được gọi là gia cầm, chúng, cũng đều có nguồn gốc từ…hoang dã.

Công lý tồn tại dưới hình ảnh nữ thần Themis tay cầm cây kiếm quyền uy và đôi mắt bịt kín tượng trưng cho sự khách quan.

Nhưng một bản án vị lãnh đạo, một bản án chặn đường tiêu thụ thủy sản, cũng là đường sống một cách hợp pháp của hàng ngàn nông dân, rõ ràng là một bản án mà công lý không tồn tại.

Ngày hôm qua, 20-7-2012, nữ thần công lý của Quảng Bình đã đi hoang

Đào Tuấn


Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo