Trịnh Kim Tiến - Tôi mong rằng, Hội Luật gia Việt Nam sẽ đồng hành cùng gia đình tôi trên con đường đi tìm công lý và công bằng bằng cách “tham gia giám sát việc thực hiện pháp luật”, phân tích tiến trình xét xử cũng như kết quả vụ án để đảm bảo luật pháp sẽ được thực thi một cách nghiêm minh, góp phần chấm dứt vấn nạn công an đánh dân đã là đang là vấn nạn nhức nhối hiện nay...
Kính gửi: Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam cùng toàn thể các luật gia là thành viên của Hội.
Tôi là Trịnh Kim Tiến, sinh năm 1990, trú tại 525 Trần Khát Chân, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội.
Là con gái ông Trịnh Xuân Tùng – nạn nhân trong vụ án trung tá công an đánh chết người vào hồi tháng 2/2012.
Nay tôi viết thư này gửi đến Hội Luật gia Việt Nam, với mong muốn nhận được sự đồng hành của các luật gia trong vụ án trên, theo đúng tôn chỉ và mục tiêu của Hội Luật gia là: “… bảo vệ quyền tự do, dân chủ của nhân dân, góp phần xây dựng nền khoa học pháp lý...”
Thưa quý vị,
Sau 11 tháng khởi tố hình sự vụ án, tạm giam bị can nguyên là trung tá công an Nguyễn Văn Ninh, công an thành phố Hà Nội đã đưa ra xét xử lần đầu tiên tại trụ sở Tòa án nhân dân thành phố - số 43 Hai Bà Trưng, Hà Nội vào ngày 13 tháng 01 năm 2012.
Tuy nhiên, ở phiên tòa sơ thẩm, các nhân chứng khách quan - là những người có nghĩa vụ và trách nhiệm trực tiếp liên quan đến vụ án đã không được triệu tập theo yêu cầu của luật sư. Phiên tòa đã tạm kết thúc với mức án 4 năm tù dành cho trung tá Nguyễn Văn Ninh với tội danh: “làm chết người trong khi thi hành công vụ”, không truy cứu trách nhiệm của những công an trực ban, dân phòng có mặt tối hôm xảy ra sự việc.
Sau 6 tháng và 2 lần tạm hoãn phiên xử phúc thẩm, nay gia đình tôi đã nhận được giấy triệu tập của Tòa án nhân dân tối cao Hà Nội, thông báo về phiên phúc thẩm sẽ diễn ra sắp tới đây vào lúc 8h ngày 17 tháng 07 năm 2012 tại trụ sở Tòa phúc thẩm tòa án nhân dân Hà Nội - 262 Đội Cấn.
Tôi có vài câu hỏi thắc mắc mong được Hội tư vấn:
1. Phiên xử phúc thẩm bị hoãn lần đầu tiên diễn ra cùng trong một buổi sáng với 3 vụ án hình sự khác nhau, như vậy có đúng với thủ tục và quy trình tố tụng của pháp luật không?
2. Nếu phiên tòa vẫn tiếp tục không triệu tập đầy đủ nhân chứng và những người có trách nhiệm liên quan gây ra cái chết của bố tôi thì chúng tôi có quyền khiếu nại phía Tòa án hay không?
3. Sau phiên tòa, nếu những đồng phạm liên quan vẫn không phải chịu bất cứ trách nhiệm gì trước pháp luật thì tôi cần làm gì tiếp theo để yêu cầu truy cứu và xem xét trách nhiệm của họ?
4. Trong khi những phiên tòa xét xử những vụ việc liên hệ giữa công an và người dân thì được công khai, báo chí tham dự và đưa tin thì phiên tòa xét xử trung tá công an giết người lại xử kín, xin các luật sư tư vấn hiện tượng này dưới góc nhìn pháp lý.
Tôi mong rằng, Hội Luật gia Việt Nam sẽ đồng hành cùng gia đình tôi trên con đường đi tìm công lý và công bằng bằng cách “tham gia giám sát việc thực hiện pháp luật”, phân tích tiến trình xét xử cũng như kết quả vụ án để đảm bảo luật pháp sẽ được thực thi một cách nghiêm minh, góp phần chấm dứt vấn nạn công an đánh dân đã là đang là vấn nạn nhức nhối hiện nay.
Chân thành cám ơn quý vị,
Trân trọng,