Một con "ẳng" tiêu biểu của báo lề đảng - Dân Làm Báo

Một con "ẳng" tiêu biểu của báo lề đảng

Báo Lao Động đăng bài tường thuật của một phóng viên mang tên Phùng Bắc. Thông thường thì Dân Làm Báo ít thông tin về những bài báo mang đầy tính "bồi". Tuy nhiên, khi một người làm báo viết về đồng nghiệp của mình bị xử oan sai như thế này thì phải nói đó là một điều... không biết nói sao đây! Trong mọi tình huống, người làm báo có chút lương tâm nếu không thể / không dám lên tiếng thì họ chọn thái độ im lặng; dù rằng hành động im lặng đó đã đi ngược với thiên chức của nghề. Nhưng có làn da dày tới độ có thể viết một bài tường thuật bẻ cong, xuyên tạc mục tiêu việc làm của phóng viên Hoàng Khương như Phùng Bắc / Lao Động thì thật là... "ẳng":

*

Xét xử "vụ nhà báo Hoàng Khương": CSGT bị tiền cám dỗ! 

Phùng Bắc (Laodong) - Mặc dù biết em mình và bạn của em tham gia đua xe trái phép, nhà báo Hoàng Khương không khuyên ngăn mà còn bao che, cổ súy cho sai phạm và tìm cách “cứu xe vi phạm”. Còn CSGT thì bị đồng tiền mua chuộc, tha hóa, làm biến chất người chiến sĩ CAND… 

Nhà báo Hoàng Khương cùng các bị cáo tại phiên xử. Ảnh: Phùng Bắc 

Các bị cáo đều khai nhận thành khẩn 

Trong phiên chất vấn của Hội đồng xét xử (HĐXX) TAND TPHCM vào sáng 6.9, tuy chưa chất vấn đến bị cáo Hoàng Khương, nhưng tất cả các bị cáo liên quan đến vụ án khi được tòa hỏi về cáo trạng truy tố như vậy đúng người, đúng tội chưa, các bị cáo đều thừa nhận là đúng. Tại tòa, hầu hết các bị cáo đều khai nhận thành khẩn. 

Theo cáo trạng của Viện KSND TPHCM đề nghị truy tố bị can Nguyễn Văn Khương (tức Hoàng Khương - nguyên phóng viên Báo Tuổi Trẻ TPHCM) về tội danh “đưa hối lộ”. Bị đề nghị truy tố với tội danh “đưa hối lộ” như Hoàng Khương trong vụ án này, còn có các bị can: Nguyễn Đức Đông Anh (hay gọi là Pe, em vợ Hoàng Khương), Trần Minh Hòa (thợ sửa xe máy), Trần Anh Tuấn (Phó Gám đốc Công ty TNHH TMDVVT Tân Hải Phong). Riêng bị can nguyên là CSGT - Công an quận Bình Thạnh Huỳnh Minh Đức - bị đề nghị truy tố tội “nhận hối lộ”. Ngoài ra, trong vụ án này còn có bị can Tôn Thất Hòa (Giám đốc DNTN Duy Nguyên) bị đề nghị truy tố tội danh “môi giới hối lộ”. 

Hoàng Khương, Nguyễn Đức Đông Anh và Trần Minh Hòa có mối quan hệ gia đình và thân thích như ruột thịt, Hoàng Khương từng ủng hộ vi phạm và can thiệp vào việc xử lý vi phạm trật tự giao thông của Nguyễn Đức Đông Anh và Trần Minh Hòa. 

Khi được Trần Minh Hòa “nhờ” lấy chiếc xe gắn máy vi phạm, mang biển số 51F6 - 2435, bị bắt giữ trước đó, thông qua Nguyễn Đức Đông Anh - em vợ mình, Hoàng Khương đã nhận lời lấy chiếc xe vi phạm “lạng lách đánh võng, gây rối, đua trái phép” bị tạm giữ cho Trần Minh Hòa mà không phải làm bản kiểm điểm trước tổ dân phố nơi cư trú theo quy định. 

Do quan hệ và cùng lợi ích cá nhân của Khương, Đông Anh và Hòa, lợi dụng nhiệm vụ là nhà báo, được phân công viết đề tài phản ánh về nguyên nhân gây tai nạn giao thông và các sai sót trong xử lý vi phạm giao thông, Hoàng Khương nhiều lần cố tạo ra sai lệch trong xử lý vi phạm của Trần Minh Hòa nhưng không thành. 

Từ quan hệ tiêu cực giữa Tôn Thất Hòa với Huỳnh Minh Đức trong việc giải quyết trả xe vi phạm giao thông trái phép cho Trần Anh Tuấn, Khương tiếp tục câu kết với Tôn Thất Hòa giả danh lấy tên là “Hoàng” chủ động gợi ý, nhờ vả và trực tiếp đưa hối lộ 15.000.000 đồng cho Huỳnh Minh Đức từ nguồn tiền do Trần Minh Hòa giao cho Đông Anh và Anh giao lại cho Khương với yêu cầu lấy bằng được chiếc xe vi phạm cho Trần Minh Hòa. 

Đối với Hoàng Khương, Tôn Thất Hòa, Đông Anh và Trần Minh Hòa đều biết rõ việc đưa tiền cho Đức để nhờ vả lấy xe vi phạm giao thông khi không đủ hồ sơ thủ tục theo quy định là trái pháp luật, nên phải sử dụng tên giả và bàn nhau cách khai gian đối phó, nhưng vẫn cố ý thực hiện hành vi đến cùng, thậm chí xúi giục Trần Minh Hòa tẩu tán xe và tiếp tục đòi lại giấy đăng ký lưu hành xe, xuất phát từ lợi ích cá nhân, vượt quá mục đích tác nghiệp báo chí vì thông tin đơn thuần. 

Khi hướng dẫn Nguyễn Đức Đông Anh và Trần Minh Hòa về cách khai báo đối phó, Khương còn bộc lộ thái độ “kẻ cả”, định kiến hằn học “thằng nào không ăn!” và đòi “chụp đầu” cả cán bộ đội tuần tra dẫn đoàn (Lê Văn Tân) không nhận hối lộ, có dấu hiệu vụ lợi cá nhân khi kê khống định ứng chi thêm 5 triệu đồng đưa hối lộ giúp Trần Minh Hòa, bộc lộ nhận thức lệch lạc và lạm dụng vai trò xã hội của báo chí. 

Tại phiên tòa, khi HĐXX chất vấn các bị cáo, còn cho biết về đoạn ghi âm mà Cơ quan CSĐT đã thu thập được, đó là Hoàng Khương đòi CSGT phải “ói” tiền ra, nếu không thì sẽ…! 

Theo cáo trạng, hành vi sai phạm của Hoàng Khương, Nguyễn Đức Đông Anh, Trần Minh Hòa đã cấu thành tội “đưa hối lộ”, quy định tại Điều 289 Bộ luật Hình sự, cần phải xử lý nghiêm khắc. 

Hoàng Khương đến tòa với gương mặt và thân hình gầy hơn trước. 

Với tư cách là một nhà báo được phân công viết bài chống tiêu cực trong công tác giữ gìn an ninh trật tự của cả nước nói chung và của TPHCM nói riêng, Hoàng Khương biết rõ em vợ mình là Nguyễn Đức Đông Anh cùng bạn thân là Trần Minh Hòa nhiều lần tham gia đua xe trái phép tại nhiều địa điểm trên địa bàn thành phố, nhưng Khương không những không khuyên nhủ, dạy bảo các đối tượng này chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật về giao thông mà còn có lời nói xúi giục, kích động, cổ súy cho các đối tượng này tiếp tục tham gia đua xe trái phép và tìm cách đối phó khi bị lực lượng chức năng kiểm tra, bắt giữ. Theo cơ quan điều tra, điều này còn thể hiện sự vi phạm về đạo đức của một nhà báo như Hoàng Khương, cần phải lên án, phê phán. 

Về phần CSGT, theo truy tố của VKSND TPHCM, với nhiệm vụ được giao và quyền hạn của mình là CSGT công tác tại Công an quận Bình Thạnh, Huỳnh Minh Đức đã vi phạm nguyên tắc, quy trình công tác trong giải quyết vi phạm giao thông, trước những cám dỗ vật chất, sự mua chuộc, móc nối của Tôn Thất Hòa, Hoàng Khương, Trần Anh Tuấn, Nguyễn Đức Đông Anh và Trần Minh Hòa, dẫn đến việc giải quyết trả xe vi phạm giao thông trái pháp luật, khi chưa được phép của lãnh đạo có thẩm quyền giải quyết, để nhận số tiền 3.000.000 đồng của Trần Anh Tuấn và 15.000.000 đồng của Hoàng Khương, Trần Minh Hòa, Nguyễn Đức Đông Anh thông qua sự môi giới của Tôn Thất Hòa. 

Về Trần Anh Tuấn - chủ xe đầu kéo container mang biển số 57L-5208 do ông Võ Văn Thắng điều khiển, vi phạm giao thông gây tai nạn đối với xe ôtô du lịch biển số 52Z-8589 do ông Lê Anh Đức điều khiển, đã chủ động nhờ Tôn Thất Hòa móc nối với Huỳnh Minh Đức để được giải quyết cho lấy xe đầu kéo vi phạm giao thông ra sớm và không bị giam bằng lái xe. Khi được Đức đồng ý giải quyết, Trần Anh Tuấn đã đưa cho Huỳnh Minh Đức số tiền 3.000.000 đồng thông qua Tôn Thất Hòa. 

Sai phạm của Trần Anh Tuấn đã cấu thành tội “đưa hối lộ”, theo Điều 289 Bộ luật Hình sự, cần phải xử lý nghiêm theo luật định. 

Đối với Tôn Thất Hòa - chủ DNTN Duy Nguyên, chuyên kinh doanh vận tải bằng xe đầu kéo tại quận 9, TPHCM, là người có quan hệ thân thiết với nhà báo Hoàng Khương - với mục đích được làm quen và có thế lực với CSGT, nhằm tạo thuận lợi cho kinh doanh vận tải, Hòa đã cùng với Khương chủ động gợi ý, nhờ vả, đưa hối lộ cho Huỳnh Minh Đức số tiền 15.000.000 đồng với mục đích giúp Khương lấy bằng được chiếc xe vi phạm cho Trần Minh Hòa mà không phải làm kiểm điểm trước tổ dân phố nơi cư trú theo quy định. 

Hành vi sai phạm của Tôn Thất Hòa đã cấu thành tội “làm môi giới hối lộ”, quy định tại Điều 290 Bộ luật Hình sự. 

Trong buổi sáng 6.9, các bị cáo được chất vấn (trừ bị cáo Hoàng Khương chưa chất vấn) đều thừa nhận hành vi vi phạm pháp luật theo cáo trạng truy tố. Bị cáo Huỳnh Minh Đức cho rằng “Bị cáo đã làm sai quy trình, không báo cáo cấp trên, lãnh đạo không biết tôi làm chuyện này. Bị cáo có nhận tiền để trả xe…”.


Dẫn giải nhà báo Hoàng Khương và các bị cáo khác lúc nghỉ trưa.  Clip: Trung Bảo

Chất vấn bị cáo Hoàng Khương việc "đưa hối lộ"

Chiều nay, phiên tòa hình sự sơ thẩm vụ án “môi giới, đưa, nhận hối lộ” tiếp tục diễn ra. HĐXX đã chất vấn bị cáo Hoàng Khương xoay quanh việc tham gia việc “đưa hối lộ” cho Huỳnh Minh Đức. 

Khác với phiên chất vấn buổi sáng, các bị cáo đều thừa nhận hành vi phạm tội như cáo trạng của VKSND TPHCM truy tố, nhưng vào buổi chiều, khi HĐXX chất vấn Hoàng Khương, thì bị cáo này liên tục cho rằng: “Tôi làm việc này là theo chỉ đạo của Ban Biên tập Báo Tuổi trẻ, thực hiện nghiệp vụ cho tuyến bài theo chỉ đạo, chứ không như quy kết của các cơ quan tố tụng và VKSND TPHCM”. 

HĐXX hỏi: “Vậy số tiền 15 triệu đồng bị cáo dùng để đưa cho CSGT, nhằm giải cứu xe vi phạm là của ai?”, bị cáo Khương: “Là của bị cáo Hòa (bị cáo tham gia đua xe trái phép, bị CSGT giữ xe vi phạm)”. HĐXX liền truy tiếp: “Như bị cáo nói là thực hiện tuyến bài theo chỉ đạo của cơ quan, là Báo Tuổi trẻ, sao bị cáo không lấy tiền của cơ quan để làm nhiệm vụ, để đưa cho Đức, mà lại lấy của Hòa là một đối tượng vi phạm?”. Lúc này bị cáo Khương quay sang chuyện khác, mà không trả lời thẳng vào câu hỏi của tòa. 

Bị cáo Đức khai nhận 15 triệu đồng rồi giao cho ông Hùng là người giữ kho xe vi phạm để lấy xe ra. Tòa cho gọi ông Hùng, ông này lập tức phản bác lời khai tại tòa của bị cáo Đức, ông Hùng cho rằng không hề nhận một đồng nào của Đức, mà Đức lấy xe ra và bảo là xe của… em bị cáo Đức. 

Đến 16h35 chiều 6.9, trong khi luật sư Phan Trung Hoài - bào chữa cho bị cáo Hoàng Khương - đang chất vấn để bào chữa cho bị cáo, thì HĐXX thông báo hết giờ, phiên tòa tạm dừng và ngày mai (7.9) tiếp tục diễn ra các phần tranh tụng tại tòa.




Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo