Xin gửi đôi lời tâm huyết - Dân Làm Báo

Xin gửi đôi lời tâm huyết

Nguyên Vũ (Danlambao) - Có lẽ hầu hết người dân Việt Nam đang mang chung một tâm trang bi quan trong cái nhìn về bối cảnh đất nước hôm nay, và không ít trong số, bi quan đến độ mệt mỏi, không còn hy vọng và đang chuẩn bị buông xuôi chấp nhận, phó mặc cho số mệnh và sẵn sàng nhận lãnh mọi tai ương, như một sự tất nhiên, đổ lên đầu chính bản thân và đất nước.

Cá nhân tôi cũng đã từng yếm thế, mỏi mệt và bi quan. Trong hoàn cảnh mà hàng trăm, hàng ngàn cái bất hạnh, từ những thối tha, áp bức, hung tàn bên trong lẫn nguy cơ cướp nước của bọn Bắc phương bên ngoài, đang đổng loạt ập lên sinh mệnh đất nước và dân tộc, thử hỏi dễ mấy ai không có lúc cảm thấy tuyệt vọng.

Và cứ mỗi khi như thế, hình ảnh những người con yêu của tổ quốc lại hiện ra, những em trẻ đầy nhiệt huyết, những người trong và ngoài tù, đang bất chấp gian nguy, vẫn kiên quyết đấu tranh không ngừng nghỉ. Tôi xấu hổ chợt nhận ra là mình hèn, nhưng đồng lúc, tôi biết rằng mình đã tìm được hy vọng. Tôi trân trọng và ghi ơn những con người kiên cường và khí phách đó.

Và cứ mỗi khi như thế là tôi lại tự hỏi – Vậy thì cái sự “đang sống” của mình là gì đây!? – Lẽ đâu cái giá trị của cái “sống” chỉ để làm một thây ma còn cựa quậy!? Cái giá áo, cái túi cơm chờ ngày mục!? Và rồi tôi không cho phép mình tự ngã xuống. Dù thế nào, được hay không, ít hoặc nhiều, tôi nhất quyết không để cho cái “sống” còn lại của tôi sẽ mục đi một cách vô vị, hèn hạ và trong ân hận. Hy vọng luôn là cứu cánh thúc đẩy bản năng sinh tồn của con người, và ngược lại, muốn sinh tồn thì phải hy vọng, không có thì phải tìm cho có. Sinh tồn đây không chỉ cho bản thân, mà là của cả một dân tộc, của những thế hệ nối tiếp. Sinh tồn đây cũng không chỉ là để “được” sống, mà là sống bằng máu huyết Việt Nam, bằng mạch đập và hơi thở Việt Nam.

Không ít người đặt câu hỏi – Phải làm gì? Làm được gì? Thật khó tìm ra đáp án trong hoàn cảnh đất nước mà những kẻ nắm sinh mệnh đất nước, có thể có câu trả lời lại là những kẻ không bao giờ muốn trả lời. Tệ hơn nữa, lại là những kẻ gây ra cái thảm họa ngày hôm nay và chẳng còn ai hy vọng vào một phép màu nào làm thay đổi những con người đó. Vậy thì chính chúng ta, những ngưới đặt câu hỏi, phải tự tìm cho mình câu trả lời.

Thông thường, tôi rất ngần ngại và cố tránh khi đưa ra ý kiến trong những khái niệm hạn hẹp và cũng không là những điều mới mẻ, e rằng sẽ bị hiểu lầm là phê bình hay chỉ trích. Vì vậy các bạn hãy coi đây chỉ là ít nhiều suy tư tôi mong được chia sẻ cùng các bạn.

Trở lại với câu hỏi trên “Phải làm gì? Làm được gì?”. Đặt vấn đề trên một bình diện to lớn và tổng thể thì quả là nan giải, ít nhất trong khả năng riêng tôi. Tuy nhiên với sự quật khởi từ bản năng gắn liền với sự sống còn của đất nước, tôi cho rằng tất nhiên phải có gì đó chúng ta làm được. Trong bất cứ cá nhân nào cũng đều tiềm tàng khả năng nào đó mà có thể vì hoang mang, có thể vì quá bi quan mà không nhận ra hoặc quên đi. Cũng có thể chúng ta có nhận ra nhưng cố tình chối bỏ, không muốn sử dụng, vì cái khả năng đó lại làm hạn chế những nhu cầu khác trong đời sống mà chúng ta cho là quan trọng hơn, không thể hy sinh được.


Những nhu cầu, tôi xin được nói thẳng, đó là những nhu cầu thuộc về hưởng thụ, bao gồm hưởng thụ vật chất, danh vọng và cả về nội tâm. Dĩ nhiên không phải tất cả mọi người, nhưng hãy thử tưởng tượng một giả dụ đơn giản – Nếu bạn đã hoạch định tham dự một buổi tiệc, buổi họp mặt, một chuyến đi xa, một đám cưới chẳng hạn, vào cuối tuần, bất chợt bạn biết được một cuộc biểu tình chống Trung Cộng sẽ diễn ra cùng ngày, bạn sẽ có quyết định lựa chọn thế nào? Có thể là dễ với một số người, nhưng lại khó dối với một số người khác. Cho nên chúng ta cần cân nhắc cái nào nặng, cái nào nhẹ, để từ đó sự lựa chọn dứt khoát trở thành kim chỉ nam cho mọi hành động về sau. 

Từ những khả năng riêng biệt, chúng ta chia sẻ, trao đổi cùng nhau, loại bỏ những mâu thuẫn, kết hơp với nhau thành một hệ thống bao gồm nhiều khả năng khác nhau, và cũng từ đó, chung ta sẽ khám phá ra là có rất nhiều điều chúng có thể làm được. Hẳn nhiên sự thành công nào cũng có cái giá của nó. Tự do, nhân phẩm, hạnh phúc v.v... không hề là những thứ được biếu không mà luôn trải qua những quá trình đấu tranh, hy sinh và không là những thứ dễ dàng có được. Dù vậy, vẫn có những cái dễ trong khả năng chúng ta làm được và làm ngay được. Nếu chúng ta quyết định bắt đầu từng bước một, ngay hôm nay, thì chắc chắn sớm muộn gì sẽ lên tới đỉnh.

Điều cuối cùng trong bài này tôi xin nêu ra là một vấn đề rất tế nhị và quan trọng, đó là suy tư và quyết định của các vị nhân sĩ, trí thức đảng viên, cựu đảng viên, đang quan tâm đến vận mệnh đất nước và dân tộc. Trong suốt gần một thế kỷ, hệ lụy kinh hoàng mà con người phải gánh chịu do chủ nghĩa CS đem đến không còn là những tuyên truyền mơ hồ. Sự sai lầm, hoang tưởng của chủ nghĩa CS đã khởi động cho cuộc cách mạng vô sản phi lý và tàn bạo, gây biết bao thảm họa khủng khiếp cho nhân loại. Đất nước Việt Nam, dân tộc Việt Nam ngày nay đang là chứng tích vô cùng cụ thể. 

Hơn hết mọi hiểm họa, đó là tương lai con cháu chúng ta, một ngày nào đó, được hỏi, sẽ không còn xưng là người Việt Nam nữa. Sẽ có nhiều khó khăn và nuối tiếc về cái quá khứ, hào quang mà bao nhiêu năm dài các vị đã dày công hy sinh, phục vụ dưới lá cờ đảng, nuối tiếc bao tâm huyết mà các vị đã đổ ra cho những gì các vị coi là lý tưởng (dù lý tưởng bị lợi dụng). Nhưng vì tương lai đất nước và vì (nếu) các vị nhận rõ chân tướng của chủ nghĩa CS, của cái bánh tưởng tượng Chủ Nghĩa Xã Hội, cái thiên đàng không bao giờ đi tới, thì các vị có lẽ không còn cách nào hơn là dứt khoát, cởi bỏ cái quá khứ (nếu) còn đang đeo đẳng các vị. Được như vậy tức là các vị đã bước đầu cắt đi cái ung nhọt của chính mình và sẵn sàng hướng dẫn nhân dân trong tiến trình đấu tranh cho một Việt Nam thực sự Độc Lập, Tự Do và Hạnh Phúc. Đất nước, dân tộc không còn đủ thời gian cho các vị ngập ngừng do dự.





Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo