Bị kiểm điểm vì gửi tâm thư lên Chủ tịch nước - Dân Làm Báo

Bị kiểm điểm vì gửi tâm thư lên Chủ tịch nước

Xuân Hoàng (NLĐ) - Thạc sĩ Nguyễn Huỳnh Thuật, người gửi bức tâm thư lên Chủ tịch nước xung quanh việc xây dựng thủy điện Đồng Nai 6 và 6A, vừa bị cơ quan yêu cầu viết kiểm điểm để xem xét mức kỷ luật.

Đầu tháng 9-2012, ông Nguyễn Huỳnh Thuật, cán bộ Phòng Nghiên cứu khoa học và Hợp tác quốc tế Vườn Quốc gia (VQG) Cát Tiên, viết một bức thư gửi Chủ tịch nước Trương Tấn Sang với nội dung mong Chủ tịch nước “cứu” VQG khỏi hai dự án thủy điện Đồng Nai 6 và 6A (Báo Người Lao Động đã trích đăng trên số báo ngày 3-9).

Theo ông Thuật, bức thư là “tiếng lòng” của một chuyên gia bảo tồn thấy trước thảm họa hệ sinh thái bị phá vỡ bởi hai công trình thủy điện và của một công dân yêu quý di sản của đất nước, muốn làm một điều gì đó góp phần bảo vệ di sản này. Tất nhiên, bức thư được viết với tư cách của cá nhân ông Nguyễn Huỳnh Thuật.

Làm ảnh hưởng cơ quan (?!)

Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, ông Thuật cho biết trong nội dung các lãnh đạo yêu cầu ông viết kiểm điểm, tường trình, có 3 điểm chính: Gửi thư “vượt cấp” lên Chủ tịch nước không có ý kiến chấp thuận của cơ quan; tiếp đoàn chuyên gia nước ngoài không báo cáo và kê khai thu chi chi tiết; trả lời cơ quan thông tấn báo chí nước ngoài sai nguyên tắc.

Thạc sĩ Nguyễn Huỳnh Thuật với bản tường trình

Ông Phạm Ngọc Thanh, Trưởng Phòng Tổ chức - Hành chính VQG Cát Tiên, cho biết hiện vẫn đang xem xét kỷ luật đối với ông Thuật chứ chưa có quyết định. Hành động gửi thư lên Chủ tịch nước chỉ là một trong những nội dung mà cơ quan đang phân định đúng, sai xung quanh hành vi của một cán bộ, viên chức.

Ông Bạch Thanh Hải, Trưởng Phòng Nghiên cứu khoa học và Hợp tác quốc tế VQG Cát Tiên, cho rằng hành vi gửi thư lên Chủ tịch nước là “có vấn đề” đối với một cán bộ cơ quan Nhà nước. “Phải chấp hành theo trình tự, nguyên tắc, quy định của tổ chức, cơ quan chứ không thể xưng danh là nhân viên của cơ quan, đơn vị rồi phát biểu những nội dung chưa hề được thông qua, làm ảnh hưởng đến cơ quan của mình” - ông Hải nói.

Cũng theo lãnh đạo VQG Cát Tiên, năm 2011, ông Thuật từng nhận hình thức kỷ luật khiển trách vì hành vi tương tự khi gửi thư lên Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng, “cầu cứu” Thủ tướng cứu VQG Cát Tiên trước hai dự án thủy điện Đồng Nai 6 và 6A.

Mục đích là muốn cứu rừng!

Ông Nguyễn Văn Diện, Giám đốc VQG Cát Tiên, cho biết sau khi biết được việc này đã chỉ đạo Phòng Tổ chức Hành chính, Phòng Nghiên cứu khoa học và Hợp tác quốc tế tìm hiểu, xác minh về nội dung bức thư cũng như những sai phạm của người viết: nội dung có đúng không, có thẩm quyền viết không, có được sự chấp thuận của cấp trên hay chưa… Sau đó, sẽ đối chiếu với các điều khoản của Luật Viên chức để có cơ sở làm rõ, sai đến đâu xử lý đến đó. 

Dù thừa nhận bản thân vẫn chưa đọc bức thư này nhưng ông Diện cho rằng nếu là bức thư của một người bình thường thì không ai quan tâm nhưng nếu đã lấy danh nghĩa cơ quan gửi thư mà chưa thông qua phòng, ban và lãnh đạo vườn là vượt thẩm quyền, vi phạm quy tắc ứng xử của CBCNV do đơn vị chủ quản là Bộ NN-PTNT ban hành. “Nếu là thư cá nhân thì đừng đề nơi công tác.

Viên chức khác với một công dân: công dân được làm điều pháp luật không cấm, còn viên chức chỉ được làm những gì cơ quan cho phép mà thôi!” - ông Diện nói. Dẫu vậy, ông Diện cho rằng việc này liên quan đến sinh mạng chính trị của một người, vì thế lãnh đạo VQG hết sức cẩn trọng trong từng chi tiết.

Tuy nhiên, theo ông Thuật, “việc ghi nơi công tác không có nghĩa tôi thay mặt cơ quan báo cáo sự việc lên Chủ tịch nước. Mà đơn giản chỉ để thêm tính thuyết phục cho những gì tôi nói cả lý thuyết lẫn thực tế: tôi là một chuyên gia về rừng và đã làm việc lâu năm tại VQG Cát Tiên - nơi rừng sắp bị “cắt” để xây thủy điện!”.

Cũng theo ông Thuật, năm 2008, ông từng viết thư tương tự gửi lên Chủ tịch nước và Thủ tướng Chính phủ về một vấn đề khác cũng liên quan đến môi trường nhưng không hề bị cơ quan nhắc nhở, xử lý kỷ luật gì cả!.

Đáng trân trọng!

Theo TS Tô Văn Trường, một chuyên gia có nhiều nghiên cứu, hoạt động liên quan về nước và môi trường, việc sinh hoạt, quá trình công tác, vấn đề có vi phạm hay không quy định của tổ chức ông không bàn đến nhưng “có một tấm lòng nhiệt huyết vì môi trường ở một người trẻ như thạc sĩ Thuật thật là đáng quý, đáng trân trọng”. TS Tô Văn Trường cũng lưu ý rằng nếu căn cứ vào việc anh Thuật viết thư gửi Chủ tịch nước để kỷ luật thì cần xem xét kỹ ranh giới giữa quy định của Luật Viên chức và quyền tự do cá nhân, tự do ngôn luận mà Hiến pháp đã quy định.

Bài và ảnh: XUÂN HOÀNG



Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo